Post: : Admin

Có bao nhiêu sự khó ở đời, 'khó thay được làm người, khó thay nghe diệu pháp', khó hơn cả - là có duyên nghĩa thầy trò với Thầy.



Đã mấy mươi năm rồi còn gì! Kỷ niệm của mấy mươi năm chúng con nương tựa Thầy, tình cảm cha con cũng là đã mấy mươi năm. Thời gian không dừng lại dù một khắc, trong con luôn đong đầy hình ảnh của Thầy. Đến không thể bắt đầu từ đâu, bắt đầu như thế nào để con viết về Thầy.

Nhóm Phật tử chụp ảnh cùng cố HT.Thích Quang Đạo trước chánh điện chùa Phước Viên (Khu Gia Viên, Biên Hòa, Đồng Nai). Ảnh chụp năm 1982.

Nhóm Phật tử chụp ảnh cùng cố HT.Thích Quang Đạo trước chánh điện chùa Phước Viên (Khu Gia Viên, Biên Hòa, Đồng Nai). Ảnh chụp năm 1982.


“Thầy ơi !” Cho chúng con được gọi như vậy, là hai tiếng thân thương nhất của hàng Phật tử lâu đời như chúng con dành cho Thầy. Thật gần gũi thân tình biết bao ! Có đến gần 40 năm, bên Thầy - đối với chúng con là duyên lành - là phước báo. Chúng con nhớ ngôi chùa nhỏ, mái tôn, nền đất rêu phong mọc lên giữa rừng cỏ xanh, nơi đất rộng người thưa của thập niên 80, đất nước nghèo đói, con người sống khổ, chùa chiền xác xơ… Một mình Thầy một bóng tạo dựng “Sự nghiệp sống thiện lành” với biết bao gian nan khó nhọc. Sao không khỏi chạnh lòng !


Để thực hiện hoài bão “Hoằng dương chánh pháp”- với tấm lòng chí thiết thương chúng sanh, Ban nghi lễ đầu tiên được ra đời không tới 20 người, lớp giáo lý được thầy giảng dạy, học thiền định, tu Bát quan trai, tập sự hai thời công phu sáng - tối, được theo thầy đi khắp nơi khi có hữu sự ma chay hiếu hỷ. Tuy sức khỏe không tốt, nhưng một mình thầy đã dạy dỗ chúng con, những mái đầu xanh thời ấy.


Rồi thầy trò cùng nhau xây dựng lại ngôi chùa đẹp và khang trang hơn. Tâm nguyện đào tạo tăng tài luôn là hàng đầu trong sự nghiệp hoằng pháp của Người, và như suối chảy, cứ tuôn trào không dứt. Đệ tử xuất gia của Người: Quý chư Tăng đạt được những học vị đáng kể đang là giáo thọ sư, hoặc làm công tác Phật sự tại bổn tự, đến những vị nhận trọng trách trụ trì các chùa, là đội ngủ kế thừa nối tiếp mạng mạch Phật pháp, được Thầy chăm chút lo lắng mọi bề, đó là những thành tựu làm Thầy có được phần nào sự mãn nguyện


Thầy thường dạy chúng con: “Thầy không muốn có chùa to Phật lớn, Ban nghi lễ càng đông, nhưng lại không hiểu Phật pháp, vì vậy các con phải cố gắng học”. Thầy cũng dạy:“Quan trọng là phải biết ứng dụng Phật pháp vào cuộc sống hiện tại để giải quyết khổ đau, chuyển đổi nghiệp lực, thì sẽ có hạnh phúc chân thật” Cũng là những mong mỏi duy nhất của thầy.


Với tinh thần “Ai tu người ấy đắc Thầy thường nói như thế nhằm dạy chúng con đạo lý “Không nhìn lỗi người” - Không tỏ bất kính, thiếu lòng tin khi chư Tăng gặp chướng duyên mà phải hết lòng hổ trợ Tam bảo. Thầy còn dạy “Người làm việc đạo phải với tinh thần vô ngã, biết hy sinh, tâm không tư lợi, minh bạch - trong sáng sẽ tạo lòng tin cho công chúng - và thực sự mới có công đức”. Thầy luôn nhắc nhở chúng con lấy 5 giới làm chuẩn mực sống, phải biết gieo hạt giống Phật từ bây giờ trong tâm thức, biết vun bồi ruộng phước cho xanh tươi sai trái, để mai sau có cái mà dùng, hay đúng hơn ở kiếp lai sinh nào đó chúng con có diễm phúc làm người cũng đã thành tựu một chút chánh báo y báo hiện tiền tốt đẹp.


Thầy có thân hình cao gầy, thường chống gậy đi quanh chùa nhìn chúng con học giáo lý, các em sinh hoạt vui chơi, mặt hoan hỷ mỉm cười, miệng ngâm nga bài thơ tự chế. “Chiều nay lòng em như cái tủ áo…..” rồi xoa xoa trên ngực diễn tả tâm trạng bề bộn công việc của chúng con.

Thầy nghiêm khắc trong tu học nhưng tâm Người luôn rộng mở, Vesak 2008 chúng con thi văn nghệ chào mừng Phật đản, Thầy còn nhắc nhở: Đóng vai Phật phải trang điểm một chút cho đẹp, phải có hào quang cho hay….thầy luôn trân trọng và khích lệ chúng con làm văn nghệ cây nhà lá vườn phải hết lòng chân thành mới gọi là cúng dường chư Phật. Mùa Vu lan đến thầy dạy chúng con cho các em tụng kinh Vu lan Báo hiếu sớm ở mỗi nhóm, để các em thấm và hiểu Công ơn cha mẹ.

Thầy dạy:

Những người bất hiếu tử

Nhung nhúc sống bằng thừa

Không nghĩ ân cha mẹ

Chẳng khác gì cây khô.”


Tháng giêng là tháng cầu an, thầy nhắc đi nhắc lại việc xin xăm bói toán, dương sao, giải hạn không phải là chánh pháp mà là mê tín, không có trong giáo lý Phật dạy, cho nên chùa ta không chủ trương làm những việc ấy mà chỉ cầu an theo pháp Dược Sư: Thân bệnh là do tâm tham sân si phiền não. Chữa trị tâm bệnh là Phật Dược Sư Lưu Ly Quang chỉ cho ta pháp dứt sạch mọi phiền não trong tâm thì thân cũng không bệnh nữa, (nghĩa là chuyển hóa nghiệp thức để được thanh tịnh )


Trong việc “Hướng dẫn các em tu học phải có tâm, có tấm lòng thương tưởng mọi người, phải thật kiên trì, nhẫn nại vì đây là việc khó, gầy dựng nên đã khó duy trì dạy dỗ lại càng khó hơn, đừng nản lòng nghe con!

Và chúng con biết, khi đau ốm Thầy chỉ lo “Không còn đủ thời gian” cho công việc đang làm dở dang : như xây dựng trường Phật học, xây cất thêm phòng ở  cho chư Tăng – Trường Phật học cho chư Ni, rồi sẽ xây dựng mở rộng chánh điện nếu như Thầy còn khỏe mạnh... Lo lắng cho chúng Sa-di  chúng Điệu chưa học tới đâu. Quan tâm, theo dõi động viên quý tăng sinh tu học trong nước, ngoài nước. Lại vẫn còn canh cánh bên lòng ý nguyện : làm sao duy trì lớp giáo lý cho hàng Phật tử tại gia, người già chuyên tâm niệm Phật, các em nhỏ biết lạy Phật, xá tăng.. Trong Thầy có quá nhiều việc để làm, nào đi chứng minh, nào thuyết giảng, nào những Phật sự…cho quên bệnh, quên đau.

Phật tử trong nhóm Thiện Hòa: chị Hương, Chị Thủy, chị Hà, chị Trang quây quần bên cố HT.Thích Quang Đạo. Ảnh chụp năm 1998.

Phật tử trong nhóm Thiện Hòa: chị Hương, Chị Thủy, chị Hà, chị Trang quây quần bên cố HT.Thích Quang Đạo. Ảnh chụp năm 2001.


Thầy đã sống như vậy! Đã làm những việc cần làm của một trưởng tử Như Lai, là chúng trung tôn của xã hội và loài người, là minh sư tốt của chúng con.


Thầy kính thương!

Cho đến hôm nay, những lời dạy đơn giản nhưng sâu lắng đó luôn là tư lương cho chúng con, với lý tưởng sống kiên định vững vàng, biết tự mình đứng lên khi vấp ngã, không tuyệt vọng khi đau khổ bởi sóng to gió lớn của cuộc đời. Vậy mà đã có lúc vì gia duyên bận bịu, mãi lo “cơm ăn áo mặc” lo chạy theo những hư danh huyễn hoặc, chúng con xao lãng tu học, hổ thẹn vì đã phụ lòng thương tưởng của Người. Kính lạy thầy chúng con thành tâm sám hối  !!!


Thật! Chúng con hạnh phúc biết bao khi được làm đệ tử của Thầy, thưởng thức được bao nhiêu là pháp vị từ nơi thân giáo, khẩu giáo và ý giáo của Người, từ lời dạy, từ những nụ cười thấm ý bất chợt, từ sự sống - cách làm việc, cách tu trì  phụng sự đạo pháp. Là những bài học sống và thực tiển nhất cho chúng con chiêm nghiệm, noi theo.


Giữa sóng biển ngập tràn

Thầy hòn đảo bình an

Giữa sa mạc khô khan

Thầy suối từ tấm mát

Giữa cuộc đời tan nát

Thầy từ ái thân thương

Ôi bể cả đại dương!

Nguồn ân thầy bất tận !


Thầy ơi !

Nước mắt nhạt nhòa con gọi thầy kính thương

Đã được 301 ngày qua chúng con không còn được nhìn thấy bóng dáng thầy, nhưng chúng con biết thầy luôn dõi theo từng bước chân của quý thầy, từng hành trạng, lời nói của quý thầy, Thầy luôn dõi theo cả hàng đệ tử tại gia chúng con, có làm tốt việc thầy phó thác hay không? Có tu học tốt hay không ? Có hết lòng phụng sự cúng dường hay không?

Chúng con nguyện hứa sẽ cố gắng hết lòng phụng sự, hết lòng với tất cả cho việc hộ pháp, Thầy hãy yên lòng đi ạ !


Thầy ơi ! Con lại gọi thầy trong nước mắt.

Chúng con cũng còn rất phàm phu, rất thường tình, rất yếu đuối đến không thể ngăn dòng lệ khi nhớ Thầy. Cho con mượn đôi dòng thơ của thầy Q An (Hàn Uyên)


“Có những nỗi nhớ nhung
Âm thầm và lặng lẽ
Không sóng xô muôn trùng
Không sa mạc nắng nung
Sao lòng đau đau mãi
Nỗi nhớ đến tận cùng”.


Chúng con rất nhớ thầy !!!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.


Phật tử Diệu Sơn