Chùa An Bằng đây ngôi chùa tọa lạc tại làng An Bằng, xã Vinh An, huyện Phú Vang. Du khách tìm đến đây có thể cảm nhận được sự yên tĩnh, bình an trong tâm hồn bởi không cảnh ngôi chùa hiền hòa...
Cổng tam quan chùa An Bằng
Chúng tôi may mắn đọc được bài viết có tựa đề “Tìm thấy ngôi chùa cổ An Đức tại làng An Bằng” của tác giả Trần Lý Hiệu đăng trên báo Văn Hóa Phật Giáo, chúng tôi hết lòng biết ơn tác giả đã viết về ngôi chùa cổ, tuy nhiên một số thông tin về ngôi chùa cổ An Đức cần bổ sung thêm, qua đó đã giúp chúng tôi có thêm động lực để viết vài dòng về sự hình thành ngôi chùa cổ An Đức rồi chuyển tiếp đến chùa An Bằng, những điều chúng tôi nghe và biết được chắc chắn vẫn còn nhiều thiếu sót, nhưng thiết nghĩ những thông tin này cần được chia sẻ rộng rải đến Phật tử An Bằng và mong giúp thế hệ con em mới lớn hiểu rõ hơn về nguồn cội những ngôi chùa Phật giáo ở quê hương An Bằng.
Phật dạy mọi sự vật trên quả đất này đều thay đổi, không bao giờ tồn tại như cũ, đều chuyển hóa liên tục, đều hoán đổi không dừng và chẳng ai có thể lường trước được chuyện gì rồi sẽ xẫy ra.
Ngày xưa ở làng, đất Bùi là một địa danh có cảnh quan thiên nhiên đầy thơ mộng đã in đậm thẳm sâu trong tiềm thức của ông cha người An Bằng. Nhưng giờ đây chẳng còn mấy ai nhớ đến, nơi đây là mạch sống của người dân, từng là một trong những khu vực đông đúc, nhộn nhịp nhất làng, nay trở nên hoang vắng, điêu tàn.
Đại đức Thích Pháp Bảo trong một lần về thăm chùa An Bằng
Chánh điện chùa An Bằng, xã Vinh An, Huyện Phú Vang, Thừa T Huế . Ngôi Tự Nối Dòng An Đức Cổ Tự tại Độn Bồi và chùa xưa gần Đình Làng hiện nay.
Địa thế là một khu đất thấp trũng khá bằng phẳng rộng độ gần hai mươi mẩu, quanh năm có nước, hướng bắc được Độn Bồ chắn gió, một đụn cát rất rộng và cao chừng hai mươi đến ba mươi mét so với mực nước biển, hơi dốc, quanh đây được bao bọc nhiều lùm cây um tùm, rậm rạp mọc san sát nhau, bốn mùa xanh tốt.
Trên đầu Bùi hướng tây có mạch nước ngầm, nước tuông ra từ lòng đất qua mấy cái lổ nhỏ, chảy róc rách ngày đêm tạo thành một cái khe rộng từ một đến bốn mét, chảy ngang qua trước mặt ngôi chùa An Đức nằm dưới chân Độn Bồ rồi qua khe Tong chảy lên miệng Trọt đổ ra biển đông.
Ở đây có hai giếng nước cách nhau chừng vài trăm mét, lưng chừng giữa Bùi sát bên con khe là giếng nước Tau, giếng này không biết ai đào mà có, xa xưa kia người Chăm từng sinh sống ở đây, biết đâu họ là người đào giếng và đã đặt tên, giếng Chùa có nước trong vắt và lạnh mát nằm ngay trước sân chùa An Đức, giếng này lúc mới lập chùa, có thể là do sư trụ trì hay Phật tử đào nên.
Chung quanh khu vật này ruộng nương lúc nào cũng có hoa màu tươi tốt, ba sào đất Tam Bảo của chùa cũng nằm ở đây, ngày qua ngày, trời chưa tảng sáng dưới ruộng trên nương đã tấp nập người cày cấy, vun trồng bón phân, giếng Chùa, giếng Tau lúc nào cũng đông người chen nhau xếp hàng gánh nước, người đến kẻ đi, giọng nói tiếng cười của mấy cô thiếu nữ múc nước bên ngoài sân chùa, hòa theo tiếng mõ lời kinh của sư trụ trì bên trong chùa An Đức tạo nên một sự yên bình và thanh thản, lúc này, ở đây chùa An Đức đóng một vai trò quan trọng, làm chổ dựa tinh thần cho người dân ổn định cuộc sống, nhờ vậy mà cuộc sống người dân trở nên sinh động.
Nhưng mọi sự việc đều đổi thay theo thời gian, sau ngày chùa An Đức được ban bô lão làng tiếp quản, nơi đây trở nên thưa thớt người qua lại, rồi càng vắng lặng hơn khi ngôi chùa bị cát bồi lấp vào năm 1954, lúc này ban bô lão làng mang bức hoành phi và một số cổ vật có giá trị về thờ tại đình làng. Bức hoành phi ghi chữ An Đức Tự, phía bên phải viết: Cảnh Hưng tuế thứ Quý Dậu trường long nguyệt cúc đán, phía bên trái viết: Giác Vương Nội Viện Phấn Nhiên đạo nhân đề, phía dưới có ghi: Lê Đức Trí pháp danh Hải Bảo cúng dường.
Nhà nghiên cứu Nguyên Phương - Văn Tiến Nhị tặng sách Phật giáo An Bằng xưa và nay đến Đại đức Pháp Bảo
An Đức Tự - Chùa An Bằng
Người trong làng có khẩu truyền, bức hoành phi do ông đô đốc Lê Đức Điểu có tục danh là Lê Đức Trí cúng dường trong một dịp chùa An Đức trùng tu. Nếu ông Lê Đức Điểu và Lê Đức Trí là một thì người cúng dường bức hoành phi là một võ quan dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, không biết ông thuộc quân túc vệ, quân chính quy hay quân thổ binh, nhưng theo chữ viết trên bức hoành phi thì ông có sự liên hệ gần gũi với chùa Giác Vương Nội Viện trong chính dinh Phú Xuân, nên có thể ông thuộc quân túc vệ có nhiệm vụ bảo vệ chính dinh và hộ vệ chúa Nguyễn. Ông nắm giữ một chức vụ khá cao và có trách nhiệm rất quan trọng, nên sau khi ông mất được Chúa truy phong chức đô đốc, trong suốt các đời chúa Nguyễn chỉ có vài người được đặc cách phong tặng chức đô đốc như ông Mạc Thiên Tứ, còn đô đốc Lê Đức Điểu thì hiện tại chúng tôi chưa tìm được bằng chứng để xác nhận. Hơn nữa lời khẩu truyền đã trải qua một thời gian khá dài những lời kể lại chắc thế nào cũng tam sao thất bổn, một câu chuyện được nhiều nơi kể lại thì sẽ không đúng như lúc ban đầu. Rất tiếc tới ngày hôm nay chúng tôi vẫn chưa tìm thấy bất cứ một thông tin tài liệu lịch sử nào đáng tin cậy để xác định lời truyền trên lá đúng. Do đó xin dựa theo các chữ viết trên bức hoành phi và bối cảnh xã hội lúc bấy giờ để tìm hiểu nội dung và xác định thời gian chùa An Đức được xây dựng.
Tìm hiểu các chữ trên bức hoành phi:
A. An Đức Tự
B. Cảnh Hưng
C. Quý Dậu
D. Giác Vương Nội Viện
E. Phấn Nhiên đạo nhân
F. Pháp danh Hải Bảo
G. Dựa vào bối cảnh xã hội.
Mục A: An Đức Tự, An Đức là danh từ, tự theo tiếng Hán tức là chùa, khi ghép danh từ với tự để chỉ một cơ cở Phật giáo. Vậy An Đức Tự là chùa An Đức.
Mục B: Cảnh Hưng, các vị vua thời phong kiến, khi lên nối ngôi các ngài đều đặt cho mình một hoặc hai niên hiệu và có vị vua đặt tới tám niên hiệu. Niên hiệu Cảnh Hưng ở mục B thuộc đời vua Lê Hiển Tông ở Đàng Ngoài Viêt Nam, ngài trị vì năm 1740 đến 1786.
Mục C: Quý Dậu, ngày xưa một số nước ở Đông Nam Á, thường dùng thập thiên can và thập nhị địa chi kết hợp lại để tính thời gian (năm, tháng, ngày, giờ). Mười thiên can gồm có: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý và mười hai địa chi gồm có: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Khi phối hợp thiên can với địa chi, thì cứ sáu mươi năm có một năm Quý Dậu, các năm Quý Dậu gần đây nhất là năm 1693, 1753, 1813, 1873, 1933 và 1993. Như vậy chiếu theo mục B và C cho thấy bức hoành phi được cúng dường khắc ghi vào năm 1753.
Mục D: Giác Vương Nội Viện là một Phật viện hay còn gọi là chùa Giác Vương Nội Viện, do chúa Minh Vương - Nguyễn Phúc Chu lập ở trong vương phủ để Chúa và hoàng thân Phật tử thường xuyên làm Phật sự. Mùa thu năm 1694, chúa Minh Vương cử người đem thư và quà lễ đến Quảng Đông thỉnh mời danh tăng hòa thượng Thạch Liêm - Thích Đại Sán qua xứ Đàng Trong để hoằng dương Phật pháp. Hòa thượng nhận lời mời, rồi cùng hơn 50 tăng chúng từ Hoàng Phố, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đến đảo Tiêm Bút La (Cù Lao Chàm) ở ngoài cửa biển Hội An bằng thuyền buôn, rồi chuyển sang chiến thuyền của chúa Minh Vương đi thẳng vào đất Thần Kinh vào ngày 29 tháng giêng năm Ất Hợi (tức ngày 13 tháng 3 năm1695), trong thời gian này, hòa thượng cư trú tại chùa Thiền Lâm, Huế và làm quốc khách của chúa Nguyễn Phúc Chu. Sau đó, từ ngày 1 đến ngày 8 tháng 4 âm lịch năm Ất Hợi 1695, hòa thượng Thích Đại Sán đã tổ chức Đại Giới Đàn ở chùa Thiền Lâm truyền giới cho hơn ba ngàn giới tử, trong số đó giới xuất gia có tới gần 1500 vị vừa Tỳ kheo vừa Sa di. Các vị thọ Sa di giới với hòa thượng Thích Đại Sán, sau này có nhiều vị đã trở thành cao tăng Việt Nam, trong số đó có thiền sư Thiệt Diệu - Liểu Quán, ngài là người khai lập ra Thiền phái Liễu Quán.
Nhân dịp này, vào ngày 6 tháng 4 âm lịch cùng năm chúa Nguyễn Phúc Chu thỉnh mời hòa thượng Thích Đại Sán làm chủ lễ lạc thành ngôi Phật viện trong vương phủ và chính hòa thượng là người đã đặt tên Phật viện này là Giác Vương Nội Viện.
Mục E: Phấn Nhiên Đạo Nhân, trong các đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong nước Việt, các Chúa đã hết lòng sùng mộ và ra sức xiển dương đạo Phật, đặc biệt chúa Nguyễn Phúc Chu đã quy y Phật pháp với hòa thượng Thích Đại Sán, phát tâm thọ Bồ Tát giới vào năm 1695 và được hòa thượng Thích Đại Sán ban cho pháp danh Hưng-Long, đạo hiệu là Thiên-Túng đạo nhân. Ngoài Chúa Nguyễn Phúc Chu ra, có thêm ba đời Chúa khác cũng có đạo hiệu, như Vân Tuyền đạo nhân (Ninh Vương-Nguyễn Phúc Thụ), Từ Tế đạo nhân (Võ Vương- Nguyễn Phúc Khoát) và Khánh Phủ đạo nhân (Định Vương -Nguyễn Phúc Thuần).
Xét thấy ở mục E, nếu bức hoành phi khắc vào năm 1753 thì lúc đó phải là Từ-Tế đạo nhân Võ Vương- Nguyễn Phúc Khoát, nhưng không hiểu sao lại đề là Phấn Nhiên đạo nhân, hay Phấn Nhiên không phải một danh từ riêng mà nó ý nghĩa khác, hoặc là vì lâu năm chữ trong bức hoành phi bị phai mờ rồi người dịch bị nhầm lẩn chăng?
Mục F: Pháp danh Hải Bảo. Khi mỗi người phát nguyện xin quy y Tam Bảo trở thành người Phật tử, thầy bổn sư truyền giới sẽ trao cho một pháp danh. Pháp danh gồm hai chữ: Chữ đầu chỉ sự liên hệ đến thế hệ trong môn phái theo bài kệ của ngài tổ môn phái đó. Chữ thứ hai là do vị bổn sư chọn lựa dựa trên ý nghĩa của tên người đệ tử để tạo thành một chữ kép mang ý nghĩa hay, đẹp và có tính khuyến tu.
Để tìm hiểu Phật tử Lê Đức Trí pháp danh Hải Bảo thuộc tông phái và đời nào, xin đính kèm phổ hệ chính thức từ thủy tổ Đức Phật Thích Ca đến Thiền tông được liên tục truyền xuống các ngài thiền sư tại Trung Quốc, rồi truyền sang Việt Nam cho đến ngày nay:
Thủy tổ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
1. Tổ Ca-Diếp: (Kasyapa)
2. Tổ A-Nan (Ananda)
3. Tổ Thương-Na-Hòa-Tu (Sanakavasa)
4. Tổ Ưu-Ba-Cúc-Đa (Upagupta)
5. Tổ Đề-Đa-Ca (Dhrtaka)
6. Tổ Di-Dá-Ca (Miccaka)
7. Tổ Bà-Tu-Mật (Vasumitra)
8. Tổ Phật-Đà-Nan-Đề (Buddhanandi)
9. Tổ Phục-Đà-Mật-Đa (Buddhamitra)
10. Tổ Hiếp-Tôn-Giả (Parsvika)
11. Tổ Phú-Na-Dạ-Xa (Punyayasas)
12. Tổ Mã-Minh (Asvaghosha)
13. Tổ Ca-Tỳ-Ma-La (Kapimala)
14. Tổ Long-Thọ (Nagarjuna)
15. Tổ Ca-Na-Đề-Bà (Kanadeva)
16. Tổ La-Hầu-La-Đa (Rahulata)
17. Tổ Tăng-Già-Nan-Đề (Sanghanandi)
18. Tổ Già-Da-Xá-Đa (Gayasata)
19. Tổ Cưu-Ma-La-Đa (Kumarata)
20. Tổ Xà-Dạ-Đa (Jayata)
21. Tổ Bà-Tu-Bàn-Đầu (Vasubandhu)
22. Tổ Ma-Noa-La (Manorhita)
23. Tổ Hạc-Lặc-Na (Haklena)
24. Tổ Sư-Tử (Aryasimha)
25. Tổ Bà-Xá-Tư-Đa (Basiasita)
26. Tổ Bất-Như-Mật-Đa (Punyamitra)
27. Tổ Bát Nhã Đa la (Prajnatara)
28. Tổ Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma, ngài đi sang Trung Quốc)
29. Tổ Huệ Khả (Nhị tổ - Trung Quốc)
30. Tổ Tăng Xán (Tam tổ - Trung Quốc)
31. Tổ Đạo Tín (Tứ tổ - Trung Quốc)
32. Tổ Hoằng Nhẫn (Ngũ tổ - Trung Quốc)
33.Tổ Huệ Năng (Lục tổ - Trung Quốc)
Sau đời tổ Huệ Năng có bốn mươi ba vị đắc pháp, sau đó các ngài đã hình thành nhiều tông phái, sau đây chỉ nói đến nhánh Nam Nhạc-Hoài Nhượng, người đã được truyền tâm ấn của Lục tổ Huệ Năng rồi truyền xuống tông Lâm Tế.
34. Tổ Nam Nhạc-Hoài Nhượng
35. Tổ Mã Tổ- Đạo Nhất
Dưới ngài Mã Tổ có một trăm ba mươi chín đệ tử ngộ đạo, trong đó Bá Trượng - Hoài Hải nổi bật nhất. Ngài Bá Trượng là người đầu tiên sáng lập Thiền viện, soạn ra thanh quy trong chốn tòng lâm.
36. Tổ Bá Trượng - Hoài Hải
37. Tổ Hoàng Bá - Hy Vận, ngài có 13 đệ tử đắc pháp.
38. Tổ Lâm Tế - Nghĩa Huyền là môn đệ xuất sắc nhất của thiền sư Hoàng Bá - Hy Vận, ngài đã sáng lập ra Tông Lâm Tế.
Tông Lâm Tế, bắt đầu:
Đời thứ 1. Tổ Lâm Tế-Nghĩa Huyền, truyền đến đời thứ 22 có ngài Vạn Phong - Thời Úy. Ngài xuất riêng một dòng kệ ngũ ngôn truyền pháp.
Kệ ngài Vạn Phong - Thời Úy
Tổ Đạo Giới Định Tông
Phương Quảng Chứng Viên Thông
Hạnh Siêu Minh Thiệt Tế
Liễu Đạt Ngộ Chơn Không
Như Nhật Quang Thường Chiếu
Phổ Châu Lợi Ích Đồng
Tín Hương Sanh Phước Huệ
Tương Kế Chấn Từ Phong.
Đời thứ 1. Tổ Lâm Tế - Nghĩa Huyền, truyền đến đời thứ 25 có ngài Trí Bảng - Đột Không. Ngài xuất riêng một bài kệ truyền pháp:
Kệ ngài Trí Bảng - Đột Không
Trí Huệ Thanh Tịnh
Đạo Đức Viên Minh
Chân Như Tánh Hải
Tịch Chiếu Phổ Thông
*Tâm Nguyên Quảng Tục
Bổn Giác Xương Long
Năng Nhơn Thánh Quả
Thường Diễn Khoan Hoằng
Duy Truyền Pháp Ấn
Chứng Ngộ Hội Dung
Kiên Trì Giới Định
Vĩnh Kế Tổ Tông”.
*Bước đầu ngài Trí Bảng - Đột Không, xiển dương pháp kệ truyền phái gồm 16 chữ, về sau chùa Phổ Đà, trên núi Nga Mi, Ngũ Đài, Trung Quốc không rõ vị thiền sư nào thêm 32 chữ nữa để hoàn thành bài kệ dài 48 chữ.
Đời thứ 1. Tổ Lâm Tế - Nghĩa Huyền, truyền đến đời thứ 31 có ngài Thông Thiên - Giác Hoàng đệ tử của ngài Viên Ngộ - Mật Vân, truyền theo dòng kệ ngài Vạn Phong - Thời Úy. Ngài Thông Thiên - Giác Hoàng đã xuất riêng một dòng kệ thất ngôn khác để đặt pháp danh cho đệ tử chân truyền, do kệ có chữ Đạo đứng đầu nên ngài đổi thành Đạo Mân- Mộc Trần.
Kệ ngài Thông Thiên-Giác Hoàng (Đạo Mân - Mộc Trần)
Đạo Bổn Nguyên Thành Phật Tổ Tiên
Minh Như Hồng Nhật Lệ Trung Thiên
Linh Nguyên Quảng Nhuận Từ Phong Phổ
Chiếu Thế Chơn Đăng Vạn Cổ Huyền.
Đời thứ 1. Tổ Lâm Tế - Nghĩa Huyền, truyền đến đời thứ đến đời 34, có ngài Minh Hải - Pháp Bảo từ Trung Quốc sang khai sơn chùa Chúc Thánh ở Hội An, Quảng Nam, vào cuối thế kỷ 17, ngài cũng xuất riêng một bài kệ ngũ ngôn để đặt pháp danh cho đệ tử truyền thừa của ngài, nay gọi là dòng kệ Chúc Thánh.
Kệ ngài Minh Hải - Pháp Bảo
Minh Thiệt Pháp Toàn Chương
Ấn Chơn Như Thị Đồng
Chúc Thánh Thọ Thiên Cửu
Kỳ Quốc Tộ Địa Trường
Đắc Chánh Luật Vi Tuyên
Tổ Đạo Hạnh Giải Thông
Giác Hoa Bồ Đề Thọ
Sung Mãn Nhơn Thiên Trung.
Ngài Siêu Bạch - Hoán Bích tức là ngài Nguyên Thiều - Thọ Tôn thuộc đời thứ 33 dòng Thiền Lâm Tế, truyền theo dòng kệ ngài Vạn Phong- Thời Úy, có huynh đệ đồng môn là ngài Siêu Trùng- Đại Xa. Ngài Minh Hoằng - Tử Dung học đạo với ngài Siêu Trùng - Đại Xa. Sau đó, ngài Minh Hoằng - Tử Dung sang Việt Nam lập chùa Ấn Tôn (tức chùa Từ Đàm, Huế), ngài truyền pháp cho ngài Thiệt Diệu - Liểu Quán.
Ngài Thiệt Diệu - Liểu Quán thuộc đời thứ 35 dòng Thiền Lâm Tế, ngài khai sơn chùa Thuyền Tôn, Huế, ngài đã xuất dòng kệ truyền pháp, gọi là dòng kệ Tử Dung - Liểu Quán.
Kệ ngài Thiệt Diệu - Liểu Quán
Thiệt Tế Đại Đạo
Tánh Hải Thanh Trừng
Tâm Nguyên Quảng Nhuận
Đức Bổn Từ Phong
Giới Định Phước Huệ
Thể Dụng Viên Thông
Vĩnh Siêu Trí Quả
Mật Khế Thành Công
Truyền Trì Diệu Lý
Diễn Sướng Chánh Tông
Hạnh Giải Tương Ứng
Đạt Ngộ Chơn Không.
Ngài Minh Hành - Tại Tại thuộc đời thứ 32 dòng Thiền Lâm Tế, ngài là đệ tử của thiền sư Viên Văn - Chuyết Chuyết, thầy trò truyền pháp ở Đàng Trong, sau đi ra Đàng Ngoài, ngài Minh Hành - Tại Tại xuất riêng bài kệ ngũ ngôn truyền pháp ở miền Bắc Việt Nam.
Kệ ngài Minh Hành - Tại Tại
Minh Chân Như Bảo Hải,
Kim Tường Phổ Quang Thông.
Chí Đạo Thành Chính Quả,
Giác Ngộ Chứng Chân Không.
Dựa theo các bài kệ ở trên, có ba bài kệ có chữ Hải. Bài kệ của ngài Thiệt Diệu - Liểu Quán có chữ Hải thuộc đời thứ 40 dòng Thiền Lâm Tế, bài kệ của ngài Trí Bảng - Đột Không và Ngài Minh Hành - Tại Tại đều có chữ Hải thuộc đời thứ 36 dòng Thiền Lâm Tế. Ngài Minh Hành - Tại Tại vốn được thầy là Viên Văn - Chuyết Chuyết truyền pháp theo bài kệ của ngài Trí Bảng - Đột Không, hơn nữa sau này ngài xuất kệ truyền pháp ở miền Bắc Việt Nam. Do đó chỉ hai bài kệ có chữ Hải cần tìm hiểu để xác định chữ Hải trong bức hoành phi, đó là kệ ngài Thiệt Diệu - Liểu Quán và kệ ngài Trí Bảng - Đột Không.
Kệ Ngài Thiệt Diệu - Liểu Quán 1667 - 1742 truyền pháp theo các chữ, Tế, Đại, Đạo, Tánh, Hải, Thanh, Trừng v.v. truyền tới đời thứ 39 có ngài Tánh Thiên - Nhất Định giữ chức tăng cang tại Linh Hựu Quán và chùa Giác Hoàng đời vua Minh Mạng. Năm 1841 vua Thiệu Trị lên nối ngôi, ngài xin thôi thức rồi cùng hai người đệ tử Hải Thuận - Lương Duyên, Hải Thiệu - Cương Kỷ và một mẹ già tám mươi tuổi đến vùng núi Dương Xuân dựng am an dưỡng, sau này trở thành chùa Từ Hiếu, Huế.
Như vậy hai đệ tử của ngài Tánh Thiên - Nhất Định là Hải Thuận - Lương Duyên và Hải Thiệu - Cương Kỷ có chữ Hải thuộc đời 40 phái Liểu Quán và thời gian chữ Hải trong bức hoành phi cách nhau trên dưới 100 năm, nên chữ Hải trong bức hoành phi không thể thuộc dòng kệ ngài Thiệt Diệu - Liểu Quán.
Chữ Hải truyền theo dòng kệ ngài Trí Bảng - Đột Không, có ngài Viên Văn - Chuyết Chuyết thuộc đời thứ 31 dòng Thiền Lâm Tế, người tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Khi ngài 17 tuổi thì thụ giới Tỳ khưu, sau đó, ngài du hóa các phương, hoằng pháp độ nhân. Khoảng năm 1623 ngài đi theo thuyền buôn tới miền Nam, rồi đổ bộ lên đất Cao Miên hoằng pháp được bảy tám năm. Sau đó ngài rời Cao Miên đi qua Chiêm Thành ngài sang Quảng Nam, Thuận Hóa thuộc miền Trung nước Việt truyền pháp. Năm 1630 ngài đã gặp Minh Hành - Tai Tại từ Trung Quốc vượt biển sang Việt Nam lánh nạn nhà Thanh, ngài nhận Minh Hành làm đệ tử, thầy trò truyền pháp ở Đàng Trong được 3 năm, thì bắt đầu cho chuyến hành trình ra Đàng Ngoài, Bắc Việt, dừng chân hoằng hóa tại các chùa Thiên Tượng, Nghệ An và Thạch Lâm, Thanh Hóa một thời gian cho đến gần cuối năm 1633, thầy trò mới tới được kinh thành Thăng Long và bắt đầu giảng dạy Phật pháp đến khi ngài viên tịch 1644.
Trong thời gian ngài Viên Văn - Chuyết Chuyết và đệ tử Minh Hành - Tai Tại hoằng pháp ba năm ở Đàng Trong chắc ngài Chuyết Chuyết đã có một số môn đồ ở hàng chữ Minh. Khi ngài ra phương Bắc, khoảng mười năm, tức vào năm 1640 các thầy hàng chữ Minh bắt đầu truyền pháp cho môn đồ hàng chữ Chân, lấy ba mươi năm là truyền một đời, thì khoảng năm 1670 thầy hàng chữ Chân truyền cho môn đồ hàng chữ Như. Ba mươi năm sau, năm 1700 thầy hàng chữ Như truyền cho môn đồ hàng chữ Tánh, rồi thêm ba mươi năm nữa, năm 1730 thầy hàng chữ Tánh truyền pháp cho môn đồ và Phật tử ở hàng chữ Hải theo dòng kệ ngài Trí Bảng - Đột Không. Ở đây cho thấy sau năm 1730 thì bắt đầu có đệ tử mang hàng chữ Hải, vậy rõ ràng thời gian hàng chữ Hải ở đây cũng tương đối cùng thời gian hàng chữ Hải khắc ở trên bức hoành phi do Phật tử Lê Đức Trí pháp danh Hải Bảo cúng dường vào năm 1753.
Sau năm 1630, khi nhà Minh sụp đổ, có hai vị Thiền sư Viên Cảnh - Lục Hồ và Viên Khoan - Đại Thâm là hai vị tu sĩ người Trung Quốc đã lánh chế độ nhà Thanh, theo chân đoàn di dân tỵ nạn đến Đàng Trong, Việt Nam để truyền bá Phật pháp và định cư tại phủ Triệu Phong nay thuộc tỉnh Quảng Trị. Lúc này có ngài Minh Châu đang làm chức tri phủ Triệu Phong, vì hâm mộ Phật pháp nên tìm đến học đạo với Thiền sư Viên Cảnh. Sau ba năm học đạo, vào năm 1655, ngài xin từ quan, rồi xin xuất gia với thiền sư Viên Cảnh, được đặt pháp tự Minh Châu - Hương Hải truyền theo dòng kệ của ngài kệ Trí Bảng - Đột Không, ngài cũng tham học với thiền sư Viên Khoan. Sau một thời gian, ngài cùng đệ tử đi thuyền ra biển cắt tranh chặt tre làm một cái am ba gian trên ngọn núi Cù Lao Chàm để tu Thiền cùng đệ tử, ở đây được khoảng tám chín năm, tiếng tăm tu Thiền của ngài được nhiều người biết đến. Năm 1665 chúa Hiền - Nguyễn Phúc Tần 1649-1687 nghe tiếng ngài liền cho người đi mời về phủ, lúc ngài đến phủ, chúa ra đón vào, hỏi thăm rất nhiệt tình. Sau Chúa truyền lập Thiền Tĩnh Viện trên núi Quy Kính (còn có tên là núi Quy Sơn, Linh Thái Sơn, núi Rùa) rồi mời ngài làm trụ trì, truyền giảng Phật pháp. Sau đó vào tháng 3 năm Nhâm Tuất 1682, lúc ngài đã 55 tuổi, ngài cùng (*) 50 người đệ tử dùng thuyền vượt bể ra phương Bắc hoằng pháp tới khi ngài mất, năm Ất Mùi 1715.
(*) có nhiều tài liệu ghi là 50 đệ tử, nhưng chúng tôi nhận thấy 5 đệ tử mới đúng, vì trong thời gian đó chuẩn bị thuyền đi được 50 người là chuyện không đơn giản, hơn nữa ngài trốn chúa Đàng Trong ra Đàng Ngoài nên việc đi cũng giữ bí mật nên không thể đi nhiều thuyền và nhiều người được.
Trong thời gian 27 năm hoằng pháp ở Đàng Trong đã có hàng ngàn người đến quy y với ngài Minh Châu - Hương Hải, ngài có các đệ tử mang hàng chữ Chân rất đông. Sau khi ngài ra đất Bắc năm 1682 thì có rất nhiều đệ tử ở lại đất Thuận - Hóa thuộc hàng chữ Chân bắt đầu truyền pháp cho đệ tử hàng chữ Như, ba mươi năm sau, năm 1712 quý thầy hàng chữ Như truyền pháp xuống hàng chữ Tánh, thêm ba mươi năm nữa, tức năm 1742 thầy hàng chữ Tánh truyền pháp đệ tử hàng chữ Hải. Như vậy thời gian hàng chữ Hải ở đây cũng tương đối thời gian hàng chữ Hải khắc trong bức hoành phi do Phật tử Lê Đức Trí pháp danh Hải Bảo cúng dường vào năm 1753.
Ngoài ra còn có thêm một thông tin đáng nhắc đến, đó là bà Chiêu Nghi vợ của chúa Nguyễn Phúc Khoát, bà tên Trần Thị Xạ, có pháp danh Hải Pháp, người làng Trung Quán, huyện Khang Lộc, tỉnh Quảng Bình. Bà sinh năm 1716. Năm hai mươi tuổi bà được tuyển vào hầu Chúa, bà có dung hạnh, người hiền thục, thận trọng lời ăn tiếng nói, hành động có phép tắc. Những lúc rảnh rang bà thường đến chùa Giác Vương Nội Viện dâng hương lễ Phật, nên được Chúa rất yêu thương, bà mất năm 1750 được sắc phong Chiêu Nghi Liệt Phu Nhân -Từ Mẫn, bia mộ bà hiện nay tại phường Thủy Xuân, thành phố Huế, sát bên khuôn viên chùa Từ Hiếu. Như vậy trong thời gian bà vào hầu Chúa 1736 đến khi bà mất 1750, trong thời gian này bà mới có pháp danh Hải Pháp, vậy pháp danh có chữ Hải của bà cũng tương đương thời gian pháp danh hàng chữ Hải của Phật tử Lê Đức Trí trong bức hoành phi, khắc ghi vào năm 1753.
Các bằng chứng cho thấy, pháp danh Hải Bảo ghi trong bức hoành phi Phật tử Lê Đức Trí cúng dường năm 1753, thì chữ Hải được truyền theo dòng kệ của ngài Trí Bảng - Đột Không tông Lâm Tế và rất trùng khớp thời gian các tài liệu có pháp danh hàng chữ Hải ở trên.
Mục G: Kể từ khi chúa Nguyễn vào trấn thủ đất Thuận Hóa, từ chúa Tiên Vương - Nguyễn Hoàng cho đến vị Chúa cuối cùng là Định Vương - Nguyễn Phúc Thuần đều thuần mộ đạo Phật và có nhiều đóng góp cho Phật giáo. Đặc biệt nhất là chúa Minh Vương - Nguyễn Phúc Chu, Chúa là một cư sĩ Phật giáo, khi Chúa lên ngôi năm 1691 và trong suốt thời gian trị vì 1691-1725, Chúa đã cho xây dựng và trùng tu nhiều chùa chiền, khuyến khích người dân xây lập chùa khắp nơi, cấp đất cho các thiền sư dựng chùa, thỉnh mời các vị cao tăng đến hoằng hóa và mở trai đàn truyền giới, độ tăng, Chúa còn đến học đạo và thỉnh ý các thiền sư về việc trị nước. Tuy các đời Chúa tiền nhiệm và kế nhiệm như chúa Ninh Vương - Nguyễn Phúc Thụ hay chúa Võ Vương - Nguyễn Phúc Khoát cũng đều có nhiều đóng góp công lao xây dựng và xiển dương truyền bá Phật giáo, nhưng đời chúa Nguyễn Phúc Chu, là thời Phật giáo ở Đàng Trong hưng thịnh rực rỡ nhất trong các đời chúa Nguyễn.
Qua các tài liệu trên cho thấy ngôi chùa An Đức không thể xây dựng trước năm 1691, vì trước thời gian này dân cư nơi đây vẫn còn thưa thớt, hơn nữa Phật giáo ở Đàng Trong cũng chưa được phát triển mạnh mẽ.
Dựa theo các tài liệu trên thì chùa An Đức được thành lập vào khoảng năm 1691 đến 1753 ở trong ba đời Chúa, Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Phúc Thụ và Nguyễn Phúc Khoát, nhưng nếu dựa theo bối cảnh xã hội và sự phát triển thịnh vượng Phật giáo ở Đàng Trong lúc bấy giờ, kết hợp sự tôn sùng mộ đạo và những việc làm cho Phật giáo của các Chúa. Cho thấy có giả thuyết rất được thuyết phục là chùa An Đức được lập trong thời gian chúa Nguyễn Phúc Chu trị vì vào năm 1691 đến năm 1725, lúc này có thể Chúa kính trọng và ủng hộ một vị tăng sĩ nào đó, hay một trong một trăm bốn mươi sáu người con của Chúa hoặc trong hoàng thân có người đã xuất gia trở thành tu sĩ rồi lập chùa An Đức nên Chúa đã ban tặng ba sào đất Tam Bảo cho chùa An Đức để trồng trọt, bằng chứng một số tài liệu các chùa ở xứ Thuận - Quảng thời bấy giờ đều được các Chúa ban tặng đất, hầu hết được cấp ba sào và đều dùng chữ đất Tam Bảo.
Vì luận cứ trên bức hoành phi và bối cảnh xã hội để đặt ra giả thuyết nên cũng có thể ngôi chùa An Đức được thành lập trong thời chúa Nguyễn Phúc Thụ hoặc cũng có thể chùa được xây vào năm 1753 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Nếu chùa được tạo dựng vào năm 1753 thì không đúng theo lời khẩu truyền của người dân địa phương, nhưng bằng chứng trên bức hoành phi, cho thấy chúa Nguyễn Phúc Khoát là người đề chữ trên bức hoành phi do Phật tử Lê Đức Trí pháp danh Hải Bảo cúng dường, tấm biển ngạch này làm bằng gổ quý đục đẽo rất tinh xảo tại chùa Giác Vương Nội Viện ở trong vương phủ, sau đó Chúa ban tặng cho chùa An Đức tại làng An Bằng, người cúng dường bức hoành phi có pháp danh Hải Bảo có thể là người sống hay làm việc trong vương phủ và bà Trần Thị Xạ, pháp danh Hải Pháp vợ của chúa Nguyễn Phúc Khoát với ông Lê Đức Trí, cả hai đều có pháp danh hàng chữ Hải truyền theo dòng kệ ngài Trí Bảng - Đột Không, vậy có thể hai người cùng chung một thầy bổn sư truyền giới tại chùa Giác Vương Nội Viện.
Nếu giả thuyết thời gian xây dựng chùa An Đức phỏng đoán dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu là đúng, thì rất trùng hợp với lời các bô lão trong làng đã khẩu truyền. “Bức hoành phi được ông đô đốc Lê Đức Điểu cúng dường trong dịp chùa trùng tu”. Nếu vậy thì ba sào đất Tam Bảo cũng có từ thời chúa Nguyễn Phúc Chu, vì xét thấy lúc trị vì Chúa đã ban tặng nhiều đất cho các chùa ở xứ Thuận Quảng, tất cả đều đặt ra giả thuyết nên cũng có thể trong dịp chùa trùng tu, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã cấp ba sào đất ruộng cho một vị tu sĩ đang trụ trì chùa An Đức. Đất này liên tiếp được canh tác trồng trọt, cây trồng chính là lúa gạo, về sau làng đã được kế thừa đến năm 1957. Trong vài thập niên đầu ở thế kỷ hai mươi, làng vẫn đang còn cho người dân thuê để gieo trồng lúa, thu nguồn kinh phí để lo việc bảo quản và cúng tế các nơi di tích trong làng như chùa đình lăng miếu.
Dù cho chùa An Đức được xây dựng dưới đời Chúa nào đi chăng nữa, nhưng bằng chứng rõ ràng vào năm 1753 dưới đời chúa Nguyễn Phúc Khoát, chùa An Đức và Phật giáo ở làng An Bằng đang trong thời kỳ hưng thịnh. Chúng tôi thiết nghĩ, vào năm Ất Dậu 1765 chúa Nguyễn Phúc Khoát băng hà, rồi sau đó chúa Nguyễn Phúc Thuần nối ngôi, trong thời gian này vị trụ trì chùa An Đức đã lớn tuổi rồi viện tịch hoặc đi nơi khác, không có đệ tử kế truyền.
Từ đó, trong thời gian đầu chùa được Phật tử trong làng trông coi gìn giữ, một thời gian sau lúc xẩy ra chiến tranh giữa quân Tây Sơn với quân chúa Nguyễn kéo dài tới mấy mươi năm, trong giai đoạn này Phật giáo ở Đàng Trong đang suy thoái, các Phật tử trong làng đã già yếu qua đời, do đó chùa An Đức đã được ban bô lão làng tiếp quản trông coi và đồng thời làng cũng được kế thừa ba sào đất ruộng Tam Bảo.
Nguyên Phương - Văn Tiến Nhị
Kể từ dạo đó, cái tên chùa An Đức đã bị lãng quên theo năm tháng, về sau người dân thường gọi ngôi chùa làng ở Độn Bồ, nhưng giờ chẳng còn mấy ai biết đến. Được biết trong suốt thời gian làng bảo quản, làng có mời các ông *từ trông coi hương khói và ông từ sau cùng, gần đây nhất là ông từ Me.
*Ông “từ” theo cách gọi dân gian trước đây là để chỉ những người trông coi, hương khói ở các nơi thờ tự. Những ông từ hầu hết là người lớn tuổi, có tâm huyết và coi việc trông nom, chăm sóc, hương khói ở những nơi chùa, đình và am miếu là niềm vui trong cuộc sống.
Suốt một thời gian dài Phật giáo ở làng đã bị gián đoạn không còn Phật tử kế truyền, lúc này hầu hết con dân làng được truyền dạy theo Nho giáo, chỉ lo việc thờ cúng ông bà tổ tiên. Mãi đến năm 1947 có một số cụ lớn tuổi, hầu hết các cụ là bô lão quan cựu làng đã thỉnh ý tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên, xin thành lập hội, sau đó không lâu, Phật Phổ Học An Bằng đã ra đời, lúc này mọi sinh hoạt Phật sự đều được tổ chức tại ngôi chùa làng, nhưng trong thời gian này Phật giáo cũng gặp nhiều trở ngại với chính quyền Pháp, nên việc tổ chức các buổi lễ và tu học cũng không mấy thuận lợi, một số các cụ trong hội bị chính quyền Pháp bắt giam, có cụ phải bỏ làng trốn đi nơi khác.
Trong suốt thời gian xẫy ra cuộc chiến tranh Việt-Pháp thì làng An Bằng cũng bị lính Pháp đốt phá nhà cửa, cây cối, cướp bóc của cải, bóc lột dân làng, đã gây nhiều thiệt hại, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Nhất là vào tháng 9 năm 1945, bất ngờ Pháp đem quân trở lại Việt Nam, lính Pháp đã đóng đồn, xây dựng nhiều lô cốt kiên cố bằng bê tông rải rát khắp bải biển làng An Bằng, đốt phá hết những lùm cây rậm rạp và nhiều cây xanh cổ thụ tồn tại hàng trăm năm bao bọc quanh ngôi chùa làng cũng đã bị thiêu rụi.
Có hằng trăm loại cây mọc hoang chen chúc san sát bên nhau ở khắp Lầm Bùi xuống tận chùa làng, phủ kín mít khắp cả vùng đất Độn Bồ được thiên nhiên ban tặng, có những cây cổ thụ xanh mát, rợp bóng từ hồi tổ tiên ta khai canh, lập ấp đã gieo trồng, như cây Cừa, cây Mù U đó là di sản của ông cha ta để lại làm bình phong che chắn mỗi khi ngọn gió chướng thổi về, đã bị chiến tranh tàn phá.
Từ đó mỗi năm khi đông đến mùa gió chướng bắt đầu, gió đã thổi mang cát phù sa từ trên Độn Bồ bồi xuống chùa làng và phía đất ruộng Tam Bảo. Hằng năm khi hết mùa gió chướng người dân thấy rõ rệt, đất ruộng Tam Bảo, chùa làng đã bị bồi lấp cao hơn, nhưng chẳng ai ngăn cản được, bởi đây là định luật thiên nhiên.
Cuối mùa gió chướng năm 1954 đất đã bồi lấp kín toàn bộ ngôi chùa làng và lấp khô cạn đất ruộng Tam Bảo, lúc này đất ruộng không còn trồng trọt được. Chùa không còn an toàn nên các cụ trong Phật Phổ Học cũng ngừng sinh hoặc, sau đó ban bô lão làng đã đem những vật có giá trị về thờ tại đình làng, trong đó có bức hoành phi, tượng ba vị Quan Thánh, bộ chuông mõ và một số pháp khí khác.
Sau chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 chiến tranh Pháp-Việt đã kết thúc, kể từ đó chính sách lập hội và sinh hoạt của người con Phật cũng có phần nào được tự do yên ổn. Đầu năm 1956 khuôn hội Tịnh Độ được thành lập, sau đó vào ngày 20 tháng 3 năm 1956 Ủy Ban Hành Chánh xã An Bằng đã cấp đất, sát bên cạnh đình làng An Bằng để khuôn hội Tịnh Độ xây chùa. Năm 1957 ngôi chùa thứ hai trong làng đã được xây dựng và Hòa Thượng Tâm Phật-Thiện Siêu trụ trì chùa Từ Đàm là người đã làm lễ đặt móng cho ngôi chùa này, đồng thời ngài cũng làm lễ quy y và truyền giới cho các cụ trong khuôn hội Tịnh Độ.
Sau khi khuôn hội Tịnh Độ đã xây dựng hoàn thành ngôi chùa mới, người con Phật đã được tiếp nối, thì lúc này ban bô lão làng đã tổ chức một buổi lễ giao nhận di sản Phật giáo tại đình làng. Phía bàn giao là ban bô lão làng đại diện dân làng, phía nhận là khuôn hội Tịnh Độ, những vật dụng gồm có, tượng ba vị Quan Thánh, bức hoành phi, bộ chuông mõ, một số cổ vật pháp khí khác và đất Tam Bảo, văn bản ghi rõ là ba vị Quan Thánh thờ ở nơi đâu thì nơi đó được kế thừa đất Tam Bảo. Từ đó di sản Phật giáo đã được Phật tử An Bằng tiếp nối kế thừa và phụng thờ.
Năm 1956 khi Việt Nam phân chia ranh giới hai miền Nam - Bắc, thì không lâu chiến tranh hai miền Nam Bắc lại bắt đầu, năm 1967-1968 làng An Bằng đã bị mất an ninh, do đó đã nằm trong danh sách chiến dịch đánh bom của Hoa kỳ. Ngày 13 tháng 5 năm Mậu Thân (tức ngày 8 tháng 6 năm 1968) trong lúc người dân đang sống bình an thì một trận bom do quân đội Hoa Kỳ đã thả xuống làng An Bằng, làm thiệt hại hằng trăm ngôi nhà và gần ba mươi người dân vô tội đã bị thiệt mạng. Ngôi chùa bên cạnh đình làng xây dựng vào năm 1957 cũng đã bị đổ nát hư hại hoàn toàn chỉ còn lại một pho tượng Phật Đức Bổn Sư.
Lúc này người dân đi tản cư qua các vùng lận cận, sau đó một số người dân lên sinh sống ở đất Thuận An, Huế, Đà Nẵng và số khác tìm kế sinh nhai ở những nơi xa hơn. Đầu mùa xuân 1969 người dân bắt đầu trở về làng, rồi đến gần cuối năm thì đa phần đã trở về sinh sống tại làng, nhưng họ lại xây dựng nhà cửa ở phía trong làng đó là đất Nam Triều. Dân làng sống ở vùng đất này rất đông, đều thuộc đất An Bằng.
Không biết do chính sách bồi thường chiến tranh của nhà nước hay do các hội từ thiện giúp đở, khuôn hội An Bằng đã nhận được một ít tịnh tài và một phần khác do Phật tử cúng dường, nên đã mua được mãnh đất nhỏ và một số Phật tử khác cũng phát nguyện cúng dường thêm đất gần đó, nên cuối năm 1969 đã xây dựng được ngôi chùa An Bằng ở đất Nam Triều, nay thuộc vùng An Trung, chùa này cũng là ngôi chùa thứ ba kể từ khi có ngôi chùa An Đức.
Kể từ đó tới nay ngôi chùa An Bằng đã trãi qua những bước thăng trầm và Phật tử ở quê nhà cũng như hải ngoại đã gieo duyên trùng tu nhiều lần, hiện nay chùa mới trông rất đồ sộ, dáng vẽ hiện đại, chỉ thiếu là không tìm được chút dấu vết rêu phong cổ kính dáng xưa mà các bậc tiền bối đã dày công tạo dựng- ngôi An Đức Tự.
Trong một lần có vài người đi xúc cát ở Độn Bồ rồi phát hiện bộ móng ngôi chùa làng năm xưa nằm ẩn sâu trong lòng đất, như đang muốn ngủ một giấc dài, rồi bỗng dâng có người đánh thức, làm sửng sốt một số người trẻ, tưởng chừng như tìm được một kho báu mà tổ tiên để lại.
Sau đó không lâu, ban hương tộc làng cho khảo sát rồi vội vàng tiến hành xây dựng lại ngôi chùa An Đức sát bên nền móng củ. Năm 2005 sau công việc xây dựng hoàn thành, khuôn hội An Bằng đã bàn giao lại các cổ vật ngôi chùa xưa cho ban hương tộc làng, những di vật đó năm nào ban bô lão làng đã một lần giao lại cho khuôn hội Phật giáo An Bằng.
Hơn mươi lăm năm trôi qua cổ vật xưa đang thờ đó, chùa xưa nằm đó, nhưng như một mồ đá đang núp im lìm trong cảnh u tịch, hoang vắng và như đang rơi vào cảnh hương tàn khói lạnh. Hỏi bấy lâu nay được mấy ai đã quay lại ghé thăm, dù chỉ một lần đứng giữa đất trời, nơi có dấu chân xưa của các vị Phật tử tiền bối đã từng đến đây tu học.
Thiết nghĩ, ngày xưa người làng An Bằng có duyên lành được các đời chúa Nguyễn, các vị tu sĩ và Phật tử đóng góp nhiều công sức tạo dựng nên ngôi chùa An Đức để người dân về nương tựa Pháp Phật, tuy nhỏ bé đơn sơ nhưng thời bấy giờ là một công trình vĩ đại. Đây là một di tích Phật giáo lâu đời nhất ở làng An Bằng và là một di sản lịch sử có giá đối với người con Phật. Để ghi nhớ công ơn của người xưa, người con Phật An Bằng phải có trách nhiệm và bổn phận thừa kế di sản, gìn giữ và bảo tồn để trao truyền cho thế hệ mai sau.
Để làm tròn trách nhiệm người con Phật - An Bằng chúng tôi xin nêu lên ý kiến như sau:
1. Khuôn hội Phật Giáo An Bằng có trách nhiệm thừa kế và bảo tồn di sản chùa An Đức, do đó khuôn hội Phât Giáo An Bằng trình thưa với ban bô lão làng để xin lại quyền thừa kế, vì di sản này vốn từ lâu đã thuộc về người con Phật.
2. Khuôn hội Phật Giáo An Bằng cần có dự án xây dựng lại ngôi chùa An Đức trên địa điểm củ để tưởng nhớ và gìn giữ di tích xưa, khi hội đủ duyên lành hoàn thành dự án, nên thỉnh một vị tu sĩ về trụ trì, chùa nên tổ chức các buổi lễ, khóa tu thường xuyên, chùa phải luôn luôn mở cửa để đón Phật tử thập phương về chiêm bái, nếu chưa có vị trụ trì, chùa cần lập một ngân quỹ bảo tồn để có người trông coi và gìn giữ.
3. Khuôn hội Phật Giáo An Bằng cần có dự án dựng hai tấm bia tưởng nhớ ghi ân để bảo tồn di tích xưa tại hai địa điểm đất Tam Bảo, đất do làng thừa kế từ chùa An Đức và đất được UBHC xã An Bằng cấp cho khuôn hội Phật Giáo An Bằng vào năm 1972, vì đất xưa không trồng trọt được.
4. Khuôn hội Phật Giáo An Bằng ở quê nhà
Hội Phật Tử An Bằng Hải Ngoại
Các hội đoàn Phật giáo An Bằng khắp nơi
Quý vị tăng ni ở trong nước và hải ngoại
Quý vị Phật tử ở trong nước và hải ngoại
Cùng đồng lòng gieo duyên chung tay đóng góp công của để kiến tạo lại ngôi chùa xưa.
Bảng tóm tắt các nơi lưu giữ bức hoành phi và cổ vật chùa An Đức
Năm 1753-1954 lưu giữ tại chùa An Đức ở Độn Bồ
Năm 1954-1956 lưu giữ tại đình làng An Bằng
Năm 1957-1968 lưu giữ tại chùa An Bằng củ bên cạnh đình làng
Năm 1969- 2005 lưu giữ tại chùa An Bằng mới ở vùng An Trung
Năm 2005- hiện tại đang lưu giữ tại chùa An Đức do ban hương tộc làng xây dựng sát bên nền móng chùa xưa.
Dự định năm 2022 lưu giữ tại chùa An Đức do khuôn hội Phật Giáo An Bằng và Phật tử An Bằng ở khắp nơi xây dựng mới.
Phần Kết:
1. Qua những luận cứ minh chứng trên, chúng tôi có thể xác định ngôi chùa cổ An Đức nằm dưới chân Độn Bồ được thành lập vào khoảng năm 1691 đến năm 1753, đây là ngôi cổ tự đầu tiên được xây dựng tại làng An Bằng, đã trải qua trên ba trăm năm, nay còn lưu giữ một số hiện vật lịch sử rất quý hiếm. Để tỏ lòng ghi nhớ công ơn các bậc tiền bối đã tạo công đức xây dựng đồng thời khỏi phụ lòng người xưa, ngôi chùa An Đức cần được tôn tạo và bảo tồn, đồng thời là nơi để chư tăng ni hoằng hóa độ sanh lợi lạc cho con dân An Bằng hôm nay và mai sau.
2. Đất Tam Bảo, đất Bùi, giếng Chùa, giếng Tau, khe Chùa và Độn Bồ từ lâu đã gắng kết với ngôi An Đức Tự, tất cả cần được khôi phục để tạo lại quan cảnh thơ mộng đẹp đẽ và bảo tồn các di tích mà tổ tiên cha ông đã dày công để lại.
3. Bổn phận của mỗi người con Phật- An Bằng ở khắp mọi nơi trên khắp mọi miền đất nước, không thể làm ngơ trước một cảnh quan và di tích quý giá của làng nói riêng và Phật giáo nói chung nay đã hoang phế. Chúng ta hãy cùng nhau phát tâm Bồ Đề đóng góp công của tái thiết các di tích khang trang và đẹp đẽ hơn.
Xin thưa, mặc dù chúng tôi đã cố gắng hết sức, nhưng chắc chắn còn nhiều thiếu sót. Kính mong các bậc thiện tri thức hoan hỷ hỗ trợ góp ý xây dựng. Kính chúc quý vị và gia đình thân tâm thường an lạc, đạo đời viên mãn hanh thông.
Đào Duy Kiêm
Minnesota, USA- Tân Sửu 2021
Một số địa danh xưa của làng trong bài viết này nhắc đến.
1. Lầm Bùi là một lùm cây mọc hoang rất rậm rạp sát bên đất Bùi.
2. Bùi là vùng đất xưa kia nhộp nhịp nhất làng, nơi đây là mạch sống của dân làng.
3. Độn Bồ là một đụn cát rộng và rất cao đã có từ thời xa xa xưa.
4. Khe Chùa là con khe có nước từ mạch nước đất Bùi chảy ra nằm dưới chân Độn Bồ, xưa kia dân làng dùng để tắm và giặt giũ.
5. Khe Tong là con khe có nước từ khắp đất làng chảy ra rồi chảy lên miệng Trọt đổ ra biển đông.
6. Miệng Trọt là một cửa biển thông từ biển đông vào khe Tong, xưa kia khi cửa biển còn sâu ghe thuyền có thể đi từ biển đông vào khe Tong.
7. An Đức Tự là ngôi chùa cổ nằm dưới chân Độn Bồ, đây là ngôi chùa được xây dựng đầu tiên ở trong làng.
8. Giếng Chùa và giếng Tau là hai trong ba giếng nước xưa của làng, ngày xưa dân làng dùng nước ở đây để sinh hoạt hằng ngày.
Tài liệu tham khảo:
1. Việt Nam Phật Giáo Sử Lược, Nguyễn Lang- Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
2. Việt Nam Phật giáo Sử Lược- Thượng tọa Thích Mật Thể.
3. Hải Ngoại Kỷ Sự- Thiền sư Thích Đại Sán.
4. Cội Nguồn Tông Lâm Tế - Thượng tọa Thích Giác Nguyên.
5. Lịch sử Phật giáo Việt Nam - Lê Mạnh Thát.
6. Phủ Biên Tạp Lục - Lê Quý Đôn.
7. Việt Sử Xứ Đàng Trong - Phan Khoang.
8. Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư - Ngô Sĩ-Liên.
9. Ô Châu Cận Lục -Nguyễn Khắc Thuần.
10. Đại Nam Nhất Thống Chí - Phạm Trọng Điềm.
11. Chín Đời Chúa, Mười Ba Đời Vua Triều Nguyễn - Lưỡng Kim Thành.
12. Bảo Tồn Di Tích – Nguyên Ngộ Đào Hoài.
13. Thuvienhoasen.org.
14. Phật Giáo An Bằng Xưa và Nay - Văn Tiến Nhị.
Ghi chú:
1. An Đức Tự là ngôi chùa cổ có bề dày lịch sử hơn ba trăm năm tọa lạc ở làng An Bằng xã Vinh An huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên, Việt Nam.
2. Tác giả bài viết này sống và lớn lên ở hải ngoại nên có thể lỗi chính tả và ngữ văn tiếng Việt, mong quý độc giả lượng tình thông cảm.
Nguyên Phương - Văn Tiến Nhị
và các nhà Nghiên cứu Phật giáo An Bằng