Post: : Admin

Cuộc sống của chúng ta có rất nhiều nét đẹp. Vẻ đẹp rạng ngời của ánh bình minh, vẻ đẹp của những hạt sương long lanh đọng lại trên lá, nét đơn sơ của những bông hoa dại ven đường, vẻ huyền ảo của ánh trăng lung linh đêm rằm, sự rực rỡ của những bông hoa vừa mới nở, những ánh mắt, nụ cười hồn nhiên của trẻ thơ, những khuôn mặt sáng ngời, rạng rỡ vì hạnh phúc…



Nét đẹp người xuất gia

Nét đẹp người xuất gia


Tất cả những vẻ đẹp đó đã tạo nên một cuộc sống muôn màu. Nhưng nét đẹp đặc biệt, cao quý và vĩnh hằng có lẽ là nét đẹp của những tâm hồn cao thượng, vô ngã, vị tha, của những người sống cuộc đời dâng hiến. Nét đẹp của người xuất gia. Đó là những người mang tâm hạnh Bồ tát, luôn giữ gìn giới đức. Những bậc xuất gia ấy như ánh nắng ấm áp, như làn gió mát của mùa Xuân mang theo hơi thở cho muôn loài.

Thật vậy, với vẻ đẹp của tự nhiên, như giọt sương sớm, khi tia nắng ban mai rọi qua, ta thấy phản chiếu trong đó những sắc màu lung linh huyền ảo. Nhưng khi nắng lên cao thì những giọt sương đó cũng không còn tồn tại nữa. Những bông hoa tươi rực rỡ, vừa hé nở rồi cũng có lúc héo tàn, mong manh như đời sống vô thường. Những ánh mắt, nụ cười đôi khi cũng bị cuộc sống chi phối… Những vẻ đẹp ấy, không bền vững, rồi cũng tan biến lần theo thời gian.

Nét đẹp của người xuất gia, không phải là nét đẹp ở hình tướng bên ngoài, không phải đẹp ở áo lụa xênh xang mà chính là nét đẹp của cuộc sống nội tâm, là nét đẹp thuần khiết, thanh tịnh, rời xa tham lam, sân hận, sống cuộc đời từ bi, thánh thiện, đem lại lợi ích cho mình và cho người.

Người tu sĩ đã từ bỏ tất cả những danh vọng, sự nghiệp, gia đình để đi theo lý tưởng, phong thái thật nhẹ nhàng, thanh thoát, ung dung tự tại. Vẻ đẹp của người tu sĩ, chính là sự thảnh thơi, thoát tục, không bị ràng buộc bởi danh vọng, sắc dục, uy quyền. Tất cả những thứ ấy đều được bỏ lại phía sau để bước về phía trước. Những bước chân an lạc và xuất trần. Hình ảnh “đầu trần, chân đất”, khoác trên người tấm hoàng y, khiến cho những người xuất gia trở nên uy nghiêm và thoát tục. Biểu tượng bất diệt của vẻ đẹp cao quý đó chính là Đức Từ Phụ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Ở Ngài, sáng ngời nét đẹp đạo hạnh của từ bi và trí tuệ. Nét đẹp vĩnh hằng của Ngài được nhân loại ca ngợi chính là đời sống phạm hạnh, được ướp bằng hương thơm của giới, định, tuệ. Hương thơm đó không ngừng lan tỏa từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Đưa tay nắm lấy hư không
Tia vàng trải nắng mây hồng thướt tha
Dệt thành tấm áo ca sa
Ứng thân thị hiện Ta bà độ sanh.

Vâng! Cuộc đời của Đức Từ Phụ “đầu trần chân đất” lên thác xuống ghềnh, với tấm hoàng y chắp nối, Ngài đã bước từng bước chân giải thoát từ phố phường đến những thôn quê hẻo lánh để giáo hóa độ sanh. Cao quý thay! Mầu nhiệm thay! Bậc Vô thượng Chánh giác, Ngài thị hiện vào đời bằng con đường từ bi và trí tuệ. Con đường truyền giáo của Ngài chưa từng gây nên một sự xô xát đẫm máu nào làm tổn hại sanh linh.

Gót vàng vượt suối băng ngàn
Linh Sơn, Xá Vệ, xóm làng hóa duyên
Nhà nhà gieo giống phước điền
Bát cơm muôn dặm kết duyên đạo mầu.

Rồi từ dạo ấy đến nay, hàng đệ tử của Ngài tuân theo lời giáo huấn cao quý đó, sống cuộc đời tri túc. Sắc diện hiền hòa khả kính trên con đường vô ngã lợi tha, với chiếc áo nâu sòng, hiền hòa như lòng đất Mẹ, luôn luôn cưu mang và nuôi dưỡng muôn loài vạn vật trên hành tinh này, còn các vị Sư nữ khoan thai trong chiếc áo lam hiền, như làn khói lam chiều, bao phủ từng mái nhà, ôm trọn đàn con sau một ngày bận rộn với công việc mưu sinh, quây quần bên bếp lửa hồng tràn đầy hỷ lạc.

Nét đẹp người xuất gia

Nét đẹp người tu sĩ


Suốt gần 2.600 năm, hình bóng Đức Thế Tôn in dài theo năm tháng, đi vào lòng nhân loại, in đậm trong hàng triệu triệu trái tim của những người con Phật. Qua bao biến thiên, vật đổi sao dời, nhưng bóng dáng hùng vĩ và pháp âm của Ngài luôn bất diệt.

Phước điền trên tấm hoàng y
Chúng sanh gieo hạt từ bi độ đời
Diệp y ngang dọc rạng ngời
Vá may từng mảnh sống đời thanh cao.

Bởi thế, nét đẹp của người tu sĩ không phải là nét đẹp của đời thường, không phải nhờ vào hình dáng mình sở hữu hay y áo và trang sức bên ngoài, mà chính là nét đẹp do công hạnh tu tập và giữ giới, là tấm lòng cao thượng khiêm cung, vô ngã và vị tha. Đó chính là nét đẹp bất tận, vĩnh hằng, không gì có thể so sánh được. Vẻ đẹp đó đã tạo nên niềm tin cho mọi người, rất xứng đáng để mọi thế hệ tôn kính và chiêm ngưỡng.


Trung Sương