Post: : Admin

Cổ Pháp là quê hương của Thiền sư Vạn Hạnh và vua Lý Thái Tổ. Quê hương ấy, nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam.



Quê hương nầy cũng là quê hương của Thiền sư Định Không (? – 808). Tên làng Cổ Pháp là do Thiền sư Định Không đặt. Thiền sư lập chùa Quỳnh Lâm ở làng mình, khi đào móng, gặp được một lư hương và mười cái khánh. Thiền sư sai người đem xuống dòng sông rửa. Một cái lặn mất đi, đến đáy sông mới dừng. Thiền sư giải thích: Chữ thập, chữ khẩu hợp thành chữ cổ; chữ thủy, chữ khứ hợp thành chữ pháp, chữ thổ chỗ ta ở, chỉ cho đất đai làng này, nhân đó Thiền sư đổi tên làng từ Diên Uẩn sang Cổ Pháp.

Tác giả cùng chư Tăng và Phật tử ngày hội ngộ


Đặt tên làng là Cổ Pháp, Ngài làm bài thi tụng để giải thích:

“Địa trình pháp khí
Nhất phẩm tinh đồng
Trí phật pháp chi hưng long
Lập hương danh chi Cổ Pháp”.

“Pháp khí xuất hiện
Thập khẩu đồng chung
Lý (tánh) hưng vương
Tam phẩm thành công”.

“Thập khẩu thủy thổ khứ
Cổ Pháp danh hương hiệu
Kê cư loan nguyệt hậu
Chánh thị hưng Tam bảo”.

Nghĩa là:

“Đất bày pháp khí
Một phẩm đồng ròng
Đặt hưng long cho Phật pháp
Lập Cổ pháp tên làng”

“Pháp khí xuất hiện
Mười khẩu chuông đồng
Họ Lý làm vua
Ba phẩm thành công”.

“Mười khẩu xuống nước đất
Cổ pháp đặt tên làng
Gà sau tháng chuột ở
Chính lúc Tam bảo hưng”.

Như vậy, hoài bão của Thiền sư Định Không, đặt tên làng Cổ Pháp là muốn Tam Bảo hưng long, Phật pháp được tuyên dương cùng khắp, non sông cường thịnh.

Cách nhìn “địa trình pháp khí” để vượng hưng Phật pháp và non sông của Thiền sư Định Không đã được Thông Thiện tiếp tục giữ gìn và trao lại cho La Quý.

Chư tăng chụp hình cùng Cố Đại lão Hòa thượng Thích Minh Châu trong ngày nhận huân chương HCM

Thông Thiện nói với La Quý rằng: “Xưa Thầy ta là Định công căn dặn ta rằng: Con khéo giữ gìn pháp của ta, gặp người họ Đinh thì truyền. Con đúng là người đó. Nay ta đi vậy”.

Khi đắc pháp, La Quý tùy phương giáo hóa. Chọn đất dựng chùa. Có lần ở chùa Lục Tổ, Ngài đúc tượng Lục Tổ bằng vàng, sau sợ bị cướp đem chôn ở cửa chùa và dặn: “Gặp vua sáng lấy ra, gặp chúa tối thì giấu đi”.

Khi sắp tịch, Thiền sư La Quý dạy Thiền Ông rằng: “Xưa kia, Cao Biền xây thành bên sông Tô lịch, biết đất Cổ Pháp ta có khí tượng đế vương, nên đã đào đứt con sông Điềm và những ao Phù Chẩn… đến 19 chỗ để trấn yểm. Nay ta đã sai Khúc Lãm lấp lại như xưa. Lại nữa, ở chùa Châu Minh, ta có trồng một cây bông gạo để trấn chỗ long mạch bị đứt, biết đời sau có kẻ hưng vương ra đời để phò dựng chánh pháp của ta. Sau khi ta tịch, con khéo đắp một ngọn tháp bằng đất, dùng phép yểm giấu trong đó, chớ cho người thấy”. Lại kể rằng: vào năm Bính thân đời Đường Thanh Thái thứ 3 (936), Ngài trồng cây bông gạo, có làm bài kệ rằng:

“Đại sơn long đầu khởi
Cù vĩ ẩn Châu minh
Thập bát tử định thiền
Miên thọ hiện long hình
Thố kê thử nguyệt nội

Định kiên nhật xuất thanh”.


Nghĩa là:
“Đại sơn đầu rồng ngửng
Đuôi cù ẩn Châu minh
Thập bát tử định thành
Bông gạo hiện long hình
Thỏ gà trong tháng chuột
Nhất định thấy trời lên”.

Từ Thiền sư Định Không đến Thông Thiện, rồi La Quý, đến Thiền Ông, nghĩa là trải qua ngót hai thế kỷ, Vạn Hạnh thiền sư và Lý Công Uẩn mới thực hiện thành công hoài bão nầy, làm cho đạo pháp hưng long, giang sơn thịnh đạt.

Thiền sư Vạn Hạnh, họ Nguyễn, sinh năm 932 ?  và mất năm 1025. Ngài bẩm tính thông minh, lớn lên học thông tam tạng Phật học, thông Nho, giỏi Lão, giỏi trăm luận, xem thường danh lợi, nhưng đã chọn Phật làm đời sống tâm linh hướng thượng của mình.
Hai mươi mốt tuổi xuất gia tại chùa Lục Tổ, thờ Thiền Ông làm Thầy. Về tu tập, Vạn Hạnh thiền sư không những có thẩm quyền và kế thừa pháp học tâm tông, của dòng thiền Pháp vân do Tỳ ni đa lưu chi ( ? – 594) khai sáng tại Đại việt với yếu chỉ: “Tâm ấn chư phật, tất không lừa dối, tròn đồng thái hư, không thiếu không dư, không đi không đến, không được không mất, chẳng một chẳng khác, chẳng thường chẳng đoạn, vốn không chỗ sinh, cũng không chỗ diệt, cũng chẳng rời xa, chẳng không rời xa, vì đối duyên xằng, nên tạm đặt tên…”, mà còn có thẩm quyền với phái thiền “Kiến Sơ tại núi Tiên Du, Việt Nam do Vô ngôn Thông (759 ? – 826) khai sáng với tâm tông: “Tất cả pháp đều từ tâm sanh, tâm không chỗ sanh, pháp không chỗ trú, nếu đạt đất tâm, chỗ làm vô ngại, không gặp thượng căn, cẩn thận chớ nói”.

Ngoài thiền học, Ngài còn chuyên tập và giỏi pháp môn Tổng trì tam ma địa, nghĩa là Ngài rất giỏi về thiền định mật giáo. Ngài nói ra điều gì, thiên hạ đều cho là sấm ngữ, vua Lê Đại Hành rất mực cung kính.

Năm 980, Hầu nhân bảo, tướng nhà Tống đem quân đánh Đại việt, vua Lê Đại hành hỏi chuyện thắng bại, Ngài nói trong 3, 7 ngày giặc phải lui, quả thật đúng như vậy. Khi vua hỏi việc đánh Chiêm, Ngài nói đừng để mất cơ hội.  Vua Lê xuất quân và chiến thắng.

Đỗ Ngân muốn hại Ngài, Ngài liền biết trước, gởi cho Đỗ Ngân bài thơ:
“Thổ mộc tương sinh ngân bạn kim
Vi hà mưu ngã uẩn linh khâm
Đương thời ngũ khẩu thu tâm tuyệt
Chân chí vị lai bất hận tâm”.
Nghĩa là:
“Cây đất sinh nhau bạc với vàng
Cớ sao thù nghịch mãi cưu mang
Bấy giờ năm miệng hồn thu dứt
Thật đến về sau chẳng hận lòng”.

Đọc bài thơ, Đỗ Ngân liền bỏ tâm mưu hại Ngài. Và việc triều Lê sụp đỗ và triều Lý lên thay, Ngài cũng đã tiên tri và những gì xẩy ra đều đúng như những lời tiên tri của Ngài. Nên, Vạn Hạnh thiền sư là một nhà tiên tri rất giỏi.

Ngài đã giáo dục Lý Công Uẩn thành bậc tài đức và đưa Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế hiệu Lý Thái Tổ và làm quốc sư cho Lý Thái Tổ lãnh đạo quốc gia, đặt nền tảng cho sự phát triển và giữ gìn độc lập của đất nước hơn hai thế kỷ.

Lý Thái Tổ, theo Đại Việt sử ký toàn thư 2, viết: “Hoàng đế Lý Thái Tổ, họ Lý, húy là Công Uẩn, người châu Cổ Pháp, Bắc giang. Mẹ là Phạm Thị, đi chơi chùa Tiêu Sơn giao hợp với thần nhân, nhân thế mà có thai, sinh ra vua ngày 12 tháng 2 năm Giáp tuất, Đinh Thái Bình thứ 5 (974). Vua sinh mới ba tuổi, mẹ đã ẵm đến nhà Lý Khánh Văn. Khánh Văn nuôi làm con mình. Nhỏ mà đã thông minh, vẻ người tuấn tú khác thường. Lúc còn trẻ thơ, đến học ở chùa Lục Tổ, sư Vạn Hạnh thấy khen rằng: Đây là người phi thường, sau khi lớn lên, tất có thể giải quyết rối rắm, mà làm minh chúa của thiên hạ”.

Như vậy, Lý Thái Tổ trước khi lên ngôi đã được Thiền sư Vạn Hạnh giáo dục ở chùa Lục Tổ. Chùa Lục Tổ là một tên khác của chùa Cổ Pháp. Lý Thái Tổ đã được nuôi dưỡng và giáo dục thành người tài đức từ ngôi chùa này.

Lý Thái Tổ khi còn nhỏ thông minh, nhưng hay tinh nghịch, bị Thầy phạt, trói lại bắt nằm dưới đất, bị muỗi đốt không ngủ được, tức cảnh liền ngâm bài thơ, và Vũ Phương Đề ghi lại bài thơ ấy ở trong sách Công dư tiệp ký như sau:

“Thiên vi khâm chẩm địa vi chiên
Nhật nguyệt đồng song đối ngã miên
Dạ thâm bất cảm trường thân túc
Chỉ khủng sơn hà xã tắc điên”.

Nghĩa là:
“Trời làm chăn gối, đất làm nệm
Nhật nguyệt nhòm ta ngủ song hiên
Khuya khoắc không dám chân dài duỗi
Sơn hà xã tắc sợ đảo nghiêng”.

Trước khi Lý Công Uẩn lên ngôi, trong thời trị vì của vua Lê Long Đỉnh không được lòng dân và trong dân gian có những điềm xấu tốt xuất hiện, được ghi lại trong các sử liệu ta thấy như sau:

“Bấy giờ Ngọa triều bạo ngược, trời người đều chán, Lý Thái Tổ bấy giờ làm thân vệ, chưa nhận truyền ngôi. Trong khoảng thời gian này, những điềm tốt xấu xuất hiện xen nhau. Như chó trắng viện Hàm Toại chùa Ứng Thiên Tâm, châu Cổ Pháp, lông trên lưng hiện thành chữ thiên tử. Sét đánh vào cây bông gạo để lại bài văn. Mộ Hiển Khánh Đại Vương, bốn phương đêm nghe có tiếng đọc tụng. Cây đa chùa Song Lâm sâu ăn vỏ thành nét chữ quốc. Ấy đại khái những việc như thế, tùy theo chỗ tai nghe mắt thấy, Vạn Hạnh Thiền sư xét bàn, mỗi mỗi đều phù hợp điềm Lê diệt, Lý hưng”.

Việc yểm trợ đưa Lý Công Uẩn lên ngôi lập triều Lý thay triều Lê, không phải là việc tự ý của Vạn Hạnh thiền sư, mà là ý muốn của muôn dân và là ý muốn của các bậc tiền bối là Thiền sư Định Không và La Quý.  Vạn Hạnh thiền sư đưa Lý Công Uẩn lên ngôi Lý Thái Tổ là thuận theo lòng dân và kế thừa tôn ý của các bậc tiền bối nầy.

Trước khi đưa Lý Công Uẩn lên ngôi, thiền sư Vạn Hạnh đã gọi Lý Công Uẩn mà nói rằng:

“Gần đây, tôi thấy lời phù sấm khác thường, biết nhà Lê đang mất, biết họ Lý cường thịnh, tất dấy nên cơ nghiệp. Nay xem trong thiên hạ, họ Lý là nhiều nhất. Nhưng không ai như Thân Vệ, khoan từ nhân thứ, lại được lòng mọi người, lại nắm lấy quyền bính, thì đứng đầu muôn dân, nếu bỏ Thân Vệ ai có thể đương được. Tôi nay tuổi  hơn 70, mong đừng bỗng chốc mà chết, để xem đức hóa của ông như sao. Thật là sự may mắn ngàn năm một thưở. Công Uẩn sợ lời ấy tiết lộ, sai anh mình đem Vạn Hạnh giấu ở Tiêu Sơn”.

Lý Thái Tổ lên ngôi, vào tháng 11 mùa đông, năm Thuận Thiên thứ nhất (1009), Vua thả hết những người tù, đốt bỏ những ngục cụ. Và đã ban chiếu dời đô vào tháng 7, mùa Thu, năm Canh Tuất (1010), từ Hoa Lư về Thăng Long với mục đích:

“Để mưu cầu chỗ chính giữa, làm kế cho con cháu ức muôn đời… vận nước lâu bền, phong tục giàu thịnh”.

Trong việc dời đô nầy, nhiều nhà sử học cho rằng, Lý Thái Tổ đã được Vạn Hạnh Thiền sư tham mưu, nhất là về mặt phong thủy và chiến lược giữ nước an dân. Đọc chiều dời đô của Lý Thái Tổ cũng đã giúp ta thấy được ý kiến của một số nhà sử học là hợp lý.

Ngoài việc dời đô, Lý Thái Tổ còn xây dựng các ngôi chùa tại kinh đô và yểm trợ Tăng đoàn tu tập và hoằng pháp. Việc yểm trợ và tạo điều kiện cho nhiều vị xuất gia làm thành viên của Tăng, có sử gia cho rằng, ấy là chiến lược giảm dân số để phát triển kinh tế phồn thịnh đất nước của Lý Thái Tổ. Đây cũng chỉ là suy diễn, ta có thể nói rằng, khi lên ngôi, Lý Thái Tổ xây dựng tự viện và yểm trợ người xuất gia tu tập, vì muốn phát huy đạo đức Phật giáo làm cương lĩnh cho việc an dân bằng đức hóa, như Vạn Hạnh thiền sư đã nói với ông trước khi lên ngôi: “Tôi nay tuổi hơn bảy mươi, mong đừng bỗng chốc mà chết, để xem đức hóa của ông như sao”. Và đây cũng là hoài bão của Thiền sư Định Không và La Quý. Ta có thể thấy rất rõ ý nầy khi Thiền sư Định Không đổi tên làng Diên Uẩn thành tên làng Cổ Pháp, và ý này lại rõ hơn, khi ta đọc bài kệ trồng cây bông gạo của Thiền sư La Quý.

Đọc lịch sử cũng cho ta thấy, ngoài việc an dân bằng đức hóa, vua Lý Thái Tổ cũng đã mở mang và phát triển văn hóa Phật giáo để làm giàu có cho nền văn hóa dân tộc.

Vua đã cho xây dựng Tàng kinh các để lưu giữ kinh Phật và đã sai sứ sang Trung quốc để thỉnh Đại Tạng Kinh và cho sao chép nhiều bản cho những giới học Phật bấy giờ có điều kiện nghiên cứu Phật giáo. Và rõ ràng văn hóa đời Lý là văn hóa Phật giáo.

Phát huy nền đức hóa bằng cách phát triển văn hóa Phật giáo, Lý Thái Tổ đã đặt nền móng vững chãi hơn hai trăm năm cho triều đại nhà Lý, giữ gìn nền độc lập và phát triển đất nước. Và cũng nhờ vào nền móng nầy mà đời Trần cũng đã giữ gìn được nền độc lập, hai lần đại thắng Nguyên Mông và Trần Anh Tông đã mở mang bờ cõi đến hai châu Ô Lý, tức là một phần Quảng Trị  cho đến một phần Quảng Nam ngày nay. Và cố đô Huế đã có một thời trở thành trái tim của cả nước và nhịp đập của trái tim ấy đã lan tận đến mũi Cà mau ngay nay.

Tuy, giỏi nhiều mặt đạo đời, nhưng Vạn Hạnh thiền sư không những xem thường cái danh tướng ngoài đời, mà còn xem nhẹ mọi cái danh tướng sở đắc ở trong đạo; xem mọi thành bại của thế gian đều như mộng huyễn và sống chết là quy luật bình thường, những phong thái nầy ta có thể thấy rõ trong bài kệ thị tịch của Ngài:

“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”.


Nghĩa là:

“Thân như ánh chớp có rồi không
Vạn vật xuân tươi thu não lòng
Quy luật thịnh suy không sợ hãi
Thịnh suy đầu cỏ hạt sương hong”.

Qua thi kệ nầy ta thấy, Vạn Hạnh thiền sư thành công trong sự nghiệp tu tập và hoằng pháp hộ quốc an dân là do Ngài thấy rõ quy luật tự nhiên và chủ động vận dụng quy luật nầy vào cuộc sống thực tế với tâm vô trú.

Nên, trước khi buông hơi thở cuối cùng Vạn Hạnh thiền sư nói với các môn đệ rằng: “các con muốn ta đi đâu? Ta không lấy chỗ trú để trú, mà cũng không trú vào chỗ vô trú”.

Chủ động vận dụng quy luật tự nhiên vào đời sống thực tế với tâm “vô trú” để hoằng pháp lợi sanh, đó là một trong những đặc điểm hành động nổi bậc của Thiền sư Vạn Hạnh.

Và “vô vi cư điện các” hay “chánh sách đức hóa” trong bài thơ Vận nước của Thiền sư Pháp Thuận trao cho vua Lê Đại Hành, thì đến đời Lý Thái Tổ mới thực hiện một cách trọn vẹn trong chính sách an dân của vua, bằng con đường đức hóa dưới sự hướng dẫn của Thiền sư Vạn Hạnh.

Vô trú là hành động của Thiền sư Vạn Hạnh, và đức hóa là chính sách an dân của Lý Thái Tổ, trộn quyện vào nhau, hỗ dụng cho nhau, khiến lịch sử dân tộc Việt Nam rạng ngời và sáng mãi về phương Nam, khi Thiền sư Vạn Hạnh cố vấn cho Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long rằng: “Để mưu cầu chỗ chính giữa, làm kế cho con cháu ức muôn đời… vận nước lâu bền, phong tục giàu thịnh”.

Hơn nửa thế kỷ sau, cảm uy đức và tuệ giác của Thiền sư Vạn Hạnh đối với đạo và đời, vua Lý Nhân Tông đã làm bài thơ truy tán:

“Vạn Hạnh dung tam tế
Chân phù cổ sấm ky
Hương quan danh Cổ pháp
Trụ tích trấn vương kỳ”.
Nghĩa là:
“Vạn Hạnh dung ba đời
Sấm xưa chân thật lời
Quê hương tên Cổ pháp
Thiền gậy dựng nước non”.

Tuệ giác của Thiền sư Vạn Hạnh biết thông suốt cả ba đời, quá khứ, hiện tại và vị lại, những việc làm của Thiền sư đúng với lời sấm mà trước đó Thiền sư Định Không cũng như Đại La đã nói trong quá khứ, nên vua Lý Nhân Tông nói những gì Thiền sư Vạn Hạnh hành động, đều đúng với lời sấm xưa và đúng với Cổ pháp là “địa trình pháp khí”, mà hơn hai trăm năm trước, Thiền sư Định Không đã nói: “Trí phật pháp chi hưng long, lập hương danh chi Cổ Pháp”. Nghĩa là: “Đặt Phật pháp vào chỗ hưng thịnh mới dựng lên tên làng là Cổ Pháp”. Hiện tại Lê Long Đĩnh lãnh đạo đất nước đi ngược lòng dân, nên cần phải thay thế, đưa Lý Công Uẩn lên ngôi để lãnh đạo đất nước là hành động đúng lúc và Thiền sư Vạn Hạnh cũng biết trước triều Lý chỉ tồn tại đến tám đời, đời cuối cùng là Lý Huệ Tông, mà bài thơ ở cột chùa ở hương Phù Đổng đã dự báo, khi Lý Thái Tổ mới được thiên hạ, xa giá về thăm Cổ Pháp và viềng thăm chùa nầy rằng:

“Nhất bát công đức thủy
Tùy duyên hóa thế gian
Quang quang trùng chiếu chúc
Ảnh một nhật đăng san”.
Nghĩa là:
“Công đức nước một bát
Tùy duyên hóa thế gian
Tia tia lại chiếu rọi
Bóng lặn trời lên non”.

Theo Ngô Sĩ Liên, tác giả Đại Việt sử ký toàn thư cho rằng, bài thơ nầy, Thiền sư Vạn Hạnh trao cho Lý Thái Tổ xem. Lý Thái Tổ xem nói: “Việc của thần nhân không thể hiểu được”. Bài thơ được truyền tụng, nhưng người đời không ai hiểu nổi bài thơ nói điều gì. Đến khi triều Lý mất, người ta mới hiểu bài thơ ấy nói đúng. Vì từ Huệ Tông trở lên Lý Thái Tổ là tám đời (nhất bát công đức thủy), mà Huệ Tông là tên Sảm, là trời lên núi, thì bóng lặn vậy (ảnh một nhật đăng san). Thế là nhà Lý nổi lên cũng tự trời và mất đi cũng tự trời. (Ngô Sĩ Liên – Đại Việt Sử Ký Toàn Thư 4).

Việc đưa Lý Công Uẩn lên ngôi lấy hiệu Lý Thái Tổ, Thiền sư Vạn Hạnh đã thấy rõ sự thế vô thường, có khi một thế chế chính trị sớm dễ sụp đổ nhanh chóng còn hơn cả thân phận con người, nên trong bài kệ thị tịch Ngài nói: “Thân như điện ảnh hữu hoàn vô, vạn mộc xuân vinh thu hựu khô”.

Nên, tuệ giác của Thiền sư Vạn Hạnh là dung tam tế, mà vua Lý Nhân Tông truy tán không phải là lời tưng bốc quá đáng, mà quá đáng là vì ngôn ngữ trần gian không đủ để diễn tả và luận bàn đối với một con người có hành động và tuệ giác siêu việt thời gian như thế.

Phật pháp có hưng thịnh, đạo đức mới được tuyên dương, đời sống nhân dân có an lạc, thì quốc gia mới cường thịnh, nên vua Lý Nhân Tông một lần nữa lại truy tán Thiền sư Vạn Hạnh “Trụ tích trấn vương kỳ = Gậy thiền dựng nước non”.

Vận dụng Phật pháp để trấn giữ đất nước, đến thời kỳ của Thiền sư Vạn Hạnh cũng không có gì mới mẻ. Ngay cả vào những thế kỷ đầu, các ngôi chùa Pháp vân, Pháp vũ, Pháp lôi và Pháp điện là những ngôi chùa đã được Tổ tiên chúng ta xây dựng đầu tiên trên đất nước ta đã có tác dụng che chở và phát triển đất nước. Pháp vân là vầng mây chánh pháp che chở dân tộc; Pháp vũ là cơn mưa chánh pháp nuôi dưỡng dân tộc; Pháp lôi là tiếng sét chánh pháp đánh thức dân tộc và Pháp điện là ánh sáng chánh pháp soi đường cho dân tộc phát triển và đi lên. Quan điểm nầy vốn có ở những thế kỷ đầu, khi tổ tiên chúng ta xây dựng ngôi chùa. Và quan điểm nầy đã được Lý Nam Đế kế tục và thực hiện, khi ông đánh bại ngoại xâm, dựng lên nhà nước Vạn Xuân và năm 544, ông đã xây dựng chùa Khai Quốc gần sông Hồng, để trấn giữ và mở mang đất nước. Chùa nầy đến thời Lê Thái Tông thế kỷ 15, đổi tên chùa là An Quốc, và Lê Hy Tông thế kỷ 17, chùa gần sông bị lỡ, nên đã dời chùa vào vị trí phía đông hồ Tây và đổi tên chùa là Trấn Quốc. Chùa Khai quốc là chùa mở nước; Chùa An quốc là chùa làm cho đất nước an bình, thịnh trị và Chùa Trấn quốc là chùa trấn giữ quốc gia.

Như vậy, đối với dân tộc Việt Nam, ngôi chùa đã gắn liền với vận mệnh đất nước. Điều ấy, không có người Việt Nam nào có chút cơ bản trí thức là không biết, ngoại trừ những kẻ phản quốc, muốn tiêu diệt Phật giáo, đem đất nước làm nô lệ.

Kinh nghiệm lịch sử Việt Nam đã cho chúng ta thấy, thời nào Phật giáo hưng thịnh đúng nghĩa, thì thời ấy đất nước cường tráng và phát triển hùng mạnh nhiều mặt. Và ngôi chùa có vị trí tất yếu trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Vị trí ngôi chùa đối với làng nước Việt Nam quan trọng đến nỗi, người dân đã đúc kết thành bốn chữ: “Tự tán hương vong = chùa tan làng nát”. Nghĩa là đối với đất nước Việt Nam, ngôi chùa bị phá tan, thì làng nước cũng không còn.

Ban Thị giả dùng tên Cổ Pháp để đặt tên cho Thư viện do mình quản thủ, là vì do nhân duyên ngưỡng mộ ân đức lớn của các bậc tiền nhân đối với đạo và đời, và muốn nêu cao hạnh ấy để học và để đáp đền ân đức của đạo và đời trong muôn một.

Với mục đích và việc làm có ý nghĩa ấy của Ban thị giả và Ban thị giả đã xin tôi chấp bút nói về Nhân duyên Cổ Pháp, nên tôi tùy hỷ đóng góp chút mọn hiểu biết vào mục đích và ý nghĩa nầy.

Tàng Kinh Các – Chùa Phước Duyên - Huế, ngày 22 tháng 6 năm 2012.
Thích Thái Hòa