Post: : Admin

Đức tin của đạo Phật, của tín đồ đạo Phật không là tín ngưỡng. Giáo lý kinh điển của đạo Phật dạy ra không là giáo điều. Thế cho nên, người tu học đạo Phật, vào đạo Phật không cần phải đòi hỏi đạo mình theo, phải là một… TÔN GIÁO !



Từ khi thái tử Tất Đạt Đa quyết chí xuất gia tầm đạo, suốt quá trình học đạo, hành đạo cho đến ngày chứng đạo thành bậc Vô thượng Chánh Biến Tri Giác, Người không hề có một lần cầu khấn, van xin, lạy lục ở những thần thánh vô hình hay một đấng siêu nhân, siêu nhiên nào. Tu theo đạo Phật là người bằng lòng đi theo con đường tự giác, tự ngộ, lấy giáo lý Giới Định Tuệ làm nhân tu tập, thành tựu Giải thoát, Giải thoát tri kiến là quả chứng.

Hòa thượng Thích Từ Thông

Hòa thượng Thích Từ Thông

Giáo lý nhân quả và giáo lý nhân duyên là hai nguồn giáo lý then chốt trong đạo Phật. Dựa trên hai nguồn giáo lý ấy mà tu tập, mà tư duy quán chiếu tìm ra chân lý cho đến khi giác ngộ nhận thức toàn diện chân lý của vũ trụ và nhân sinh. Đó là ngày thành tựu quả Vô thượng Chánh Biến Tri Giác hay gọi là Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, cũng gọi là Vô thượng Bồ Đề.
Đạo Phật và toàn bộ kinh điển giáo lý Phật dạy rằng: Con người và tâm con người là chủ thể nhận thức vũ trụ và nhân sinh.
Dựa vào cơ sở nhận thức đó, người trí có thể hiểu vấn đề đạo Phật là TÔN GIÁO hay không là TÔN GIÁO không còn là vấn đề khó hiểu nữa.
Tôn giáo luôn luôn đi đôi với tín ngưỡng. Đã từ lâu người ta nhận thức và phân tích rằng đức tin của con người tôn giáo có hai khuynh hướng: Một là “nhất thần giáo”, hai là “đa thần giáo”.
1) Nhất thần giáo, người ta tin rằng vũ trụ vạn hữu cõi đời này do một thần linh, thần linh ấy là một đấng thần quyền toàn năng, toàn tài, toàn trí, toàn đức, là một đấng chúa tể tạo ra hết thảy hiện tượng vạn vật và sắp xếp vạn vật theo ý định của mình. Cho nên người ta gọi là Đấng sáng tạo hay Thiên Chúa, tức là ĐỨC CHÚA TRỜI. Tín đồ đạo Thiên chúa tin đức Chúa trời là độc tôn duy nhất, tự sanh mà không bao giờ diệt, vì Chúa trời là Đấng vĩnh hằng vô tiền khoáng hậu.
Người tín ngưỡng Thiên chúa đều tin như vậy. Người ta gọi thành phần người tín ngưỡng theo khuynh hướng này là nhất thần giáo.
Về giáo lý, nhất thần giáo tu học theo giáo điều chủ nghĩa, người tín đồ cũng gọi là tín hữu tuyệt đối tuân hành, chỉ phải phục tùng mà không được khởi ý nghi ngờ hay nhận xét gì về lời đức Chúa trời phán dạy ra.
Thiên chúa giáo theo khuynh hướng nhất thần, vì chỉ tôn thờ một đấng toàn quyền, toàn năng… một đấng sáng tạo. Nhưng suy nghiệm sâu xa thì Thiên chúa giáo không hẳn nhất thần giáo, vì Thiên chúa giáo còn chấp nhận tín ngưỡng “thánh, thần”. Cho tới thế kỷ XXI này, nhân loại trên thế giới tin và theo nhất thần giáo khá đông. Ngoài Thiên chúa giáo ra còn có nhiều tôn giáo khác cùng một lý tưởng một đức tin như vậy.
2) Về khuynh hướng đa thần khác, có thể nói riêng người châu Á trên địa bàn lục địa lớn lao, đa thần giáo phát triển và tồn tại một cách thịnh vượng trên một mặt bằng rộng lớn của thế giới. Thí dụ, Ấn Độ có Bà la môn giáo, Ấn giáo… Trung Quốc có Khổng giáo, Lão giáo… và Phật giáo lai căn… Ở Việt Nam cũng nhiều tôn giáo như vậy. Nhìn xa hơn một chút ở Nhật, Campuchia, Lào, Thái Lan, Tích Lan.v.v… cũng rất nhiều tôn giáo theo khuynh hướng đa thần.
Tất cả người có đức tin và theo khuynh hướng nhất thần cũng như đa thần đều được gọi là người có tín ngưỡng và như đã nói trên tín ngưỡng và tôn giáo là đức tin của người có tôn giáo.
Đức tin của đạo Phật, của tín đồ đạo Phật không là tín ngưỡng. Giáo lý kinh điển của đạo Phật dạy ra không là giáo điều. Thế cho nên, người tu học đạo Phật, vào đạo Phật không cần phải đòi hỏi đạo mình theo, phải là một… TÔN GIÁO !
Sự thật ĐẠO PHẬT không là TÔN GIÁO vì đạo Phật không cần hình thức hay nghi lễ tôn giáo gán ghép thêm cho đạo Phật để làm gì !

Liễu Liễu Đường