Post: : Admin

Vấn đề dương sao giải hạn cũng vậy, muốn giải các hạn xấu thì phải sám hối nghiệp chướng của tự thân, tăng thượng phước báo bằng cách bỏ ác làm lành, cúng dường Tam bảo v.v...



Chuyển hóa những tập tục, tín ngưỡng sai lầm trong quần chúng Phật tử?

Chuyển hóa những tập tục, tín ngưỡng sai lầm trong quần chúng Phật tử?


Hỏi: Tôi có nhân duyên trụ trì một ngôi chùa ở vùng nông thôn Bắc Bộ. Tuy mang tâm nguyện đem ánh sáng giác ngộ và giải thoát của giáo lý Phật đà đến với mọi người, đặc biệt là giúp người Phật tử nhận thức được chùa chiền là nơi tu học, tịnh niệm và sống theo lời Phật dạy nhưng tôi gặp khó khăn vì hầu hết người dân địa phương đều quan niệm rằng chùa là nơi để cúng tế trời thần, xin xăm bói quẻ, dương sao giải hạn… theo phong tục từ xưa. Tôi muốn chuyển hóa họ bỏ tà quy chánh thì phải dùng pháp nào? Xin cho tôi một giải pháp hợp thời cơ. 


Đáp: Hoằng truyền giáo lý Phật đà, đem ánh sáng giác ngộ và giải thoát đến với mọi người là một sứ mạng thiêng liêng, cao cả của người xuất gia. Đối với những địa phương xa xôi, tín đồ chưa đủ nhân duyên để hiểu và thực hành đúng Chánh pháp thì trách nhiệm của người Thầy càng nặng nề và khó khăn hơn. Tuy chưa thuận duyên lắm, song Sư cô được một may mắn lớn là có chùa để tu hành và vẫn có người đến chùa lễ Phật, cầu nguyện… 


Việc cảm hóa tín đồ để chuyển hóa họ bỏ tà quy chánh là cả một quá trình. Điều này không phải ngày một ngày hai mà thực hiện được. Bởi vì ngôi chùa mà Sư cô đang trụ trì trãi qua một thời gian dài không được thừa tiếp, nên chỉ còn lại bóng dáng của ngôi Tam bảo mà thiếu hẵn nội dung Phật pháp. Điều này dẫn đến hệ quả tín đồ địa phương đến chùa chỉ thiên về cúng bái, cầu nguyện, xin xăm, bói quẻ mà không hề biết về giáo lý, tu học theo Chánh pháp. Đây là một trong những vấn đề không chỉ riêng Sư cô quan tâm mà là mối ưu tư chung của Giáo hội và toàn thể Tăng Ni, Phật tử. 


Trước hết, Sư cô cứ y theo pháp Phật, nghiêm trì tịnh giới đồng thời duy trì đầy đủ các thời khoá công phu, lễ sám một cách bình thường và đều đặn. Việc thực hành các thời khoá công phu khuya, cúng ngọ, công phu chiều, tịnh độ tối cùng với đời sống phạm hạnh sẽ tạo ra một tác động chuyển hoá tích cực trong nhận thức về chùa chiền của tín đồ địa phương. Dẫu rằng ban đầu việc tu học ấy chưa được sự tham gia hưởng ứng của tín đồ Phật tử nhưng theo thời gian âm hưởng của lời kinh tiếng kệ sẽ đi sâu vào lòng người, cho đến lúc họ nhận ra một sự tĩnh lặng, bình an tràn ngập nội tâm, ấm áp cõi lòng mỗi khi được nghe kinh, mỗi lúc viếng chùa thì họ sẽ đi lễ chùa, sẽ tham dự các thời khoá công phu một cách tự nguyện.

Tiếp đến, song hành với việc công phu bái sám đều đặn, Sư cô tạo điều kiện cho tín đồ tiếp xúc với giáo lý thông qua kinh sách, báo chí, phim ảnh, băng từ… có nội dung Phật giáo. Đặc biệt là tự thân Sư cô phải nổ lực tuyên dương, diễn giảng giáo lý mỗi khi thuận lợi, đủ duyên để dòng sữa Pháp ngày một thấm nhuần vào tâm thức của người Phật tử. Sở dĩ những người Phật tử địa phương không mặn nồng với việc tu học là do họ chưa hiểu giáo lý, chưa nhận ra giá trị thực tiễn của giáo pháp. Tin và hiểu, theo quan điểm Phật giáo, là hai yếu tố gắn bó mật thiết không thể tách rời nhau. Vì lẽ chưa hiểu Phật pháp thì làm sao có thể thâm tín Phật pháp? Muốn cho họ hiểu Phật pháp thì không ai khác ngoài Sư cô phải nổ lực hoằng truyền.


Trong khi chờ đợi sự chuyển hoá tích cực hướng về Tam bảo, điều quan trọng và cần thiết là Sư cô không nên phủ định, phê phán hay đả kích niềm tin vốn có của họ. Vì rằng làm như vậy sẽ tạo ra sự đối kháng, bất mãn và bất đồng sâu sắc. Những mâu thuẫn, xung đột niềm tin ở buổi đầu có thể sẽ dẫn đến những quan điểm cực đoan khiến cho họ đóng kín cánh cửa nhận thức thì rất khó tạo ra cơ hội tìm hiểu, tiếp thu Phật pháp. Đây là giai đoạn người hành đạo phải vận dụng tối đa Pháp môn phương tiện. Mặc dù biết rằng những hoạt động tín ngưỡng dân gian, tập tục văn hoá địa phương như đã nói xảy ra nơi chùa chiền là không đúng với Chánh pháp. Song, nếu những điều ấy đã ăn sâu vào máu thịt và trở thành thiêng liêng đối với người dân thì Sư cô phải vận dụng ngay chính nó để làm phương tiện truyền đạo. Nhờ các phương tiện đó mà tín đồ đến chùa, nhờ họ đến chùa Sư cô mới tiếp cận và giảng giải giáo pháp cho họ.


Tinh thần “tuỳ duyên nhi bất biến, bất biến nhi tuỳ duyên” là một tinh thần năng động và rất tích cực. Mê và ngộ là hai phạm trù đối ngược nhưng không rời nhau. Nhờ mê nên mới có ngộ, không mê thì không bao giờ ngộ. Tín đồ từ chỗ mê tin vào cúng bái trời thần, ngay đây phải giảng giải cho họ hiểu việc làm này sẽ có lợi ích và phước báo hơn nếu cúng dường Tam bảo, vì Tam bảo là ruộng phước tối thắng nhất trong các ruộng phước. Mặt khác, đối với tập tục xin xăm bói quẻ nhà chùa vẫn có phương pháp vận dụng tốt để quy hướng Phật tử. Nếu quẻ xăm tốt thì đó là phước báo, còn quẻ xăm xấu thì đó là quả báo, đều là Nghiệp và Nhân quả do chính họ gây tạo, muốn chuyển hóa thì phải quay về nương tựa Tam bảo tu học. Vấn đề dương sao giải hạn cũng vậy, muốn giải các hạn xấu thì phải sám hối nghiệp chướng của tự thân, tăng thượng phước báo bằng cách bỏ ác làm lành, cúng dường Tam bảo v.v...


Như vậy, trong giai đoạn đầu Sư cô phải tạm thỏa hiệp với tín đồ địa phương về tín ngưỡng và tập tục vốn có của họ, một sự thỏa hiệp có chủ ý và định hướng. Đồng thời, thông qua các phương tiện ấy từng bước chuyển hoá họ về với Chánh pháp. Cho đến lúc xây dựng được niềm tịnh tín Tam bảo, trang bị cho họ những hiểu biết căn bản về Phật pháp và có được sự ủng hộ của các bô lão, trưởng tộc và những người có uy tín ở địa phương và nhất là của giới trẻ, có học thì lúc ấy mới là thời điểm hợp thời để “tách chùm gởi ra khỏi bồ đề”, mạnh mẽ phân định tà chính, chánh pháp và phi pháp để tu học đúng với chánh đạo.


Quảng Tánh


tập tục #tinnguong #metin mê tín, dị đoan, phật tử,