Post: : Admin

Từ trước đến nay người đời luôn có thành kiến và cái nhìn hà khắc đối với người xuất gia nói riêng và người tu học Phật pháp nói chung



Đừng quá hà khắc & thành kiến đối với người tu học Phật

Đừng quá hà khắc & thành kiến đối với người tu học Phật. Tranh Phật do Vương Kiến Nguyên vẽ


Cho nên dẫn đến có rất nhiều người học Phật rất ngại công khai cho mọi người biết. Hoặc có rất nhiều Phật tử tu học gặp phải sự cản trở của gia đình, đôi khi là một vài lời châm biếm đối với chuyện tu học, vì thế mà có rất nhiều người thoái tâm nản chí chẳng muốn đi tiếp con đường tu học Phật pháp. Đây thật là đáng tiếc biết bao.


Đa phần mọi người đều cho rằng phàm là người tu học Phật pháp đều phải đoạn sạch phiền não tham, sân, si, mạn, phải sống một đời sống khổ hạnh tuyệt tham luyến. Nên khi thấy một người nào đó tu học mà giữ giới chưa nghiêm hay vẫn còn nhiều tập khí phiền não thì liền dè biểu khinh chê mà cho rằng:
_ " Học Phật rồi mà còn như thế".
Vậy khi nói câu này mọi người sao không nghĩ ngược lại:

_ " Tại sao người không học Phật thì được như thế, còn người học Phật thì lại không được như thế?".


Nếu người này không học Phật thì liệu rằng mọi người có nói như vậy với họ không? Hay chỉ là do chính mình có thành kiến với việc học Phật mà thôi, chứ chẳng phải có thành kiến với cái xấu ác.

Phàm là con người thì ai cũng có đầy đủ những phiền não tật đố như: Tham, sân, si ,mạn trong tâm, người học Phật lại cũng như vậy, không có ngoại lệ. Chúng ta phải hiểu rằng, tu hành là đang đi trên con đường tu sửa lấy chính mình, chứ chẳng phải tu hành là một bước liền trở thành Thánh Nhân. Vì không phải là Thánh Nhân nên người tu học Phật pháp sẽ không thể tránh khỏi những lúc gây tạo lỗi lầm, hay là làm chuyện sai quấy. Cho nên chúng ta không nên chỉ nhìn vào những lỗi lầm của họ để rồi đánh giá khinh chê họ, mà quên mất đi những nổ lực tu học của chính họ. Nếu so ra thì họ vẫn còn hơn chúng ta rất nhiều. Hơn ở chổ nào vậy? Họ dám nhìn nhận bản thân mình vẫn còn rất nhiều khuyến điểm, nên họ tìm đến Phật pháp hòng dùng những giáo pháp nhà Phật để tu sửa lấy chính mình, để một ngày mai họ trở nên thánh thiện hơn. Còn chúng ta đâu hơn gì họ, vẫn là đầy dẫy những phiền não tật đố trong tâm, thế nhưng chúng ta lại không dám nhìn nhận lỗi lầm của chính mình, vẫn luôn tự mê hoặc lấy chính mình là mình rất tốt. Nói thật, nếu chúng ta thật sự tốt thì chúng ta đã trở thành Thánh Nhân rồi, đâu còn là phàm phu thấp kém như vậy.


Con đường đi từ địa vị phàm phu đến địa vị Thánh Nhân dù là tại gia hay xuất gia thì luôn luôn đòi hỏi một sự nổ lực tu tập không ngừng, một cái tâm dõng mãnh dám buông xả để từng bước từng bước chuyển hoá cái tâm phàm tình của phàm phu thành cái tâm thánh thiện của bậc Thánh Nhân. Vì thế không phải chỉ một ngày, hai ngày tu tập thì liền thành công. Cho nên, đôi khi chúng ta nhìn thấy một người nào đó học Phật rồi mà còn phạm lỗi, chúng ta cần nên bao dung cho họ, và cần nên tạo điều kiện, động lực để họ sửa đổi lỗi lầm, không nên khinh chê họ. Vì sao? Vì trong quá trình tu học họ đã không chiến thắng nổi phiền não tật đố của chính họ, nên đã bị phiền não tật đố dẫn dắt đi đến chổ phạm phải lỗi lầm. Nếu nói theo luật Nhân-Quả thì ai làm nấy chịu, họ phạm lỗi thì sẽ chuốc lấy khổ báo riêng của họ, cùng với ta chẳng có liên quan. Vậy thì hà tất gì chúng ta phải đi vạch nói chuyện thị phi của họ, để rồi chính ta gây tạo khẩu nghiệp cho ta, điều này chỉ làm tổn phước của chính mình và chiêu cảm lấy khổ lụy cho ta mà thôi.


Tài liệu tham khảo: Niệm Phật Thập yếu