Post: : Admin

Nếu tính cho đến hôm nay, các lớp bạn của Thầy đã có tuổi, và đang hành đạo khắp nơi kể cả trong nước và ngoài nước. Có những pháp hữu đồng học, đồng tu đã trải qua ba mươi năm chưa hề gặp lại và có những pháp hữu đã đi xa hay đã rẽ thành hai lối, có những bậc Thầy của Thầy đã nằm yên bất động...



(Sự có mặt của Thượng tọa Thái Hòa tại đất Sài Thành, phía Nam)

Đại đức Pháp Bảo dâng quả đến Hòa thượng Thích Thái Hòa


Những  năm tháng làm học Tăng tại miền đất Sài thành, nơi có nhiều bậc học giả  và thấy đạo. Thầy đã được nuôi dưỡng từ chiếc nôi của thập niên 80, với  nhiều tôn túc ở Tu viện Quảng Hương Già Lam, Viện Nghiên Cứu Phật Học  Vạn Hạnh. Hai vị thầy chuyên về giáo dục đã dẫn dắt Thầy vào con đường  đào tạo, đó là Hòa thượng Thích Trí Thủ và Hòa thượng Thích Minh Châu.  Hòa Thượng Thích Trí Thủ là vị Giám viện các Phật học viện Trung Phần từ  Phật học viện Báo Quốc Huế, đến Tu viện Quảng Hương Già Lam Sài gòn. Và  Hòa Thượng Thích Minh Châu là Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh và Viện  Cứu Phật Học Vạn Hạnh.  

Thầy đã được giáo dục bởi các Ngài, nên luôn ấp ủ riêng cho mình một phương pháp truyền trao khế hợp với thời  đại và lối sống chân phương thiền vị cho các thế hệ tiếp nối. Sau nhiều  năm, vì những sự biến Già Lam, Vạn Hạnh, thế cuộc đổi thay, nên Thầy  dừng lại các chuyến thăm viếng, trao đổi và xây dựng với các thế hệ đồng  học của mình tại thành Sài Gòn.
 
Nếu tính cho đến hôm nay, các  lớp bạn của Thầy đã có tuổi, và đang hành đạo khắp nơi kể cả trong nước  và ngoài nước. Có những pháp hữu đồng học, đồng tu đã trải qua ba mươi  năm chưa hề gặp lại và có những pháp hữu đã đi xa hay đã rẽ thành hai  lối, có những bậc Thầy của Thầy đã nằm yên bất động, nhưng cũng có những  vị ngày nay đang ẩn mình trong viện sách, tàng kinh. Tuy vậy, nhưng  Thầy không bao giờ quên dấu chân xưa của những vị ân sư tiền bối và của  chính Thầy. Đất Sài Thành không phải Thầy chỉ đến đó một lần để học, mà  còn đến đó nhiều lần để học lịch sử, học cách làm lịch sử và để rồi trở  thành một trong những nạn nhân và chứng nhân của lịch sử một thời!


Sau  chuyến đi Ấn Độ năm rồi (2010), để cùng với một số quý Thầy, cô và phật  tử VN, dựng thánh tượng Bồ tát Quán thế âm tại Bồ đề Đạo tràng, chiêm  bái bảo tháp, viếng và đảnh lễ các Thánh địa, dự lễ trai Tăng và chia sẻ  pháp thoại cho Tăng Ni tám quốc gia, Thầy  trở về nước vào năm ngoái  ngày 17.11 âm lịch, thì Ni sư  Thích nữ Như Thảo trú trì chùa Pháp Võ, ở  quận 7 đã cung thỉnh Thầy với Hòa Thượng Phước Trí, trú trì chùa Pháp  Vân, Sài Gòn đến dự lễ kỷ niệm vía Đức Phật Di Đà tại bổn tự và trong  dịp đó, Thầy đã chia sẻ pháp thoại trước các đại gia đình tín chủ và chư  Tăng Ni, trong buổi lễ trai Tăng với nội dung: “Tu tập hằng ngày để  chuyển hóa thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp, khiến ba nghiệp thanh  tịnh, để cầu nguyện cho người sắp lâm chung hay các hương linh mới quá  vãng được vãng sanh về thế giới an lành. Sự cầu nguyện có gốc rễ từ ba  nghiệp thanh tịnh, mới có hiệu quả đối với các đối tượng mà mình hướng  tới cầu nguyện”. 


Tình pháp lữ


Thầy lại giảng : “Có hai loại Tịnh độ. Tịnh độ  tự tâm và Tha phương Tịnh độ. Tịnh độ tự tâm chính là tâm trong sạch,  không bị phiền não làm nhiễm ô. Tịnh độ nầy, hết thảy chúng sanh đều có,  nhưng do phiền não, vô minh và chấp ngã, nên không nhận ra, do đó tu  tập là ta nỗ lực loại trừ những phiền não, vô minh, chấp ngã ra khỏi tâm  ta, để cho thế giới Tịnh độ nơi tự tánh của ta hiện ra. Tha phương Tịnh  độ là Tịnh độ của chư Phật mười phương. Thế giới cực lạc của Đức Phật A  Di Đà gọi là thế giới tha phương Tịnh độ, thế giới đó được hình thành  bởi nguyện lực của Đức Phật A Di Đà và được hình thành bởi nguyện lực  của tất cả các bậc Thượng Thiện Nhơn cũng như chư thiên và nhân loại của  thế giới ấy. Tất cả các quý vị phải biết rằng, dù hương linh mình đã có  phước đức rồi, mình ăn chay niệm, Phật mời Tăng Ni, các đạo tràng tụng  kinh cầu nguyện, điều yểm trợ nầy là hết sức cần thiết để các hương linh  có điều kiện phát khởi tín tâm đối với các thế giới Tịnh độ để thăng  hoa”. 

Vào khoảng thời gian đó, Thầy cũng đã Thăm Giáo sư Lê Mạnh Thát( T.s Trí Siêu), vấn an sức khỏe, kính lễ Đại lão Hòa thượng Minh  Châu và thăm Hòa thượng Phước Sơn, Hòa Thượng Trung Hậu, Hòa thượng Chơn  Nguyên. Đặc biệt dùng bữa cơm trưa tại Thiền viện Vạn Hạnh với Hòa  thượng Phước Sơn. Thầy đã hỏi về một số công trình nghiên cứu và phiên  dịch kinh tạng của H.T Phước Sơn. Hòa thượng Phước Sơn là học trò của  Đại lão Hòa Thượng Tâm Như, thượng Trí hạ Thủ. Buổi trò chuyện của hai  huynh đệ pháp lữ thật gần gủi và đầy chất đạo vị. 



Thầy cũng đã  thăm và trò chuyện với các Thầy Tâm Minh, Tâm Chánh, Tâm Chơn, Phước  Đạt,Thiện Hương,… ở Thiền Viện Vạn Hạnh và chia sẻ những kinh nghiệm tu  tập cần thiết,… Thầy cũng đã cùng với chư tôn đức khai đạo giới tử và  trao truyền Thập Thiện Giới và Bồ Tát Giới cho hàng trăm cư sĩ, tại Tu  viện Quảng Hương Già Lam. 

Bấy giờ, nghe tin Thầy vào Nam, Ni  trưởng Bảo Nguyệt cũng đã thỉnh Thầy đến thăm Ni viện Diệu Giác ở quận  2. Trong buổi tiếp đón Thầy, Ni trưởng thân mật thăm viếng, ôn lại  chuyện làm điệu ở Huế với quý ngài thượng thủ Tăng già Thuận hóa cố đô.  “Kế đến, Thầy kể cho Ni Sư nghe chuyện về mấy con khuyển (chó) sống  trong các chùa. Về đời trước và hiện tại đời này của chúng, thấy thế mà  chúng rất mến và biết nghe lời quý Thầy trú trì, chỗ mấy con khuyển nằm  nghỉ ngơi, bao giờ cũng gần kề thất Thầy trú trì, tri sự hay bên cái kho  lương khô của nhà chùa”. 

Nói đến đây, Ni Sư chưa thẩm thấu hết ý  của Thầy. Ni Sư ngồi tĩnh lặng một lúc lâu mới nhận ra ý chỉ của Thầy  trong câu chuyện. Thầy nói tiếp: “Nếu mình tu tập không dứt khoát và  không thành tựu hạnh xả ly, chỉ biết chấp thủ tài sản,…thì tương lai,  tránh đâu cho khỏi thân khuyển giữ chùa, giữ nhà!”. 

Sau buổi nói chuyện, Ni Sư đã mời Thầy vào buổi tối chia sẻ pháp thoại cho Ni chúng và phật tử của chùa. 

Năm  nay (2011), chiều 29/2/ Tân Mão, sau khi lo lễ chung thất thân phụ  xong, Thầy liền đi máy bay vào Sài gòn để kịp dự lễ về nguồn của các cựu  học Tăng của các PHV và dự lễ húy nhật thứ 27 của Hòa thượng ân sư, húy  thượng Trí hạ Thủ, tại Tu viện Quảng Hương Già Lam, Sài Gòn. Đón Thầy  tại sân bay có quý Thầy Pháp Bảo, Hồng Chơn, Minh Phú, chi Ẩn, Chị Nga,  Nguyên Niệm, Thành Đức, Tấn Lộc,… mọi người đã tặng Thầy bài thơ Tình  Đạo Sĩ viết thư pháp và cùng chớp ảnh chung với Thầy tại phi trường  trước khi đưa Thầy lên xe về Tu Viện Quảng Hương Già Lam, đến Tu Viện  Quảng Hương Già Lam, nhiều phật tử đã đứng đợi đón Thầy ở đó, có cả chị  Hoàng Thiên đang đứng ngay ở trong cổng chùa. Chị Hoàng Thiên nói: Con  đã đến Tu Viện từ khi 14 giờ để đón Thầy. Đợi Thầy lâu, con cũng có cơ  hội “tập quét lá sân chùa”. 

Vào 7 giờ tối, Thầy liền dự buổi  lễ về nguồn của các thế hệ cựu học Tăng của các Phật Học Viện Trung  Phần, nhớ lại ân sư giáo dưỡng và để có cơ hội các cựu học Tăng ôn lại  những kỷ niệm của mình trong thời gian tu học tại các Phật Học Viện,  nhắc nhở cho nhau nghe những lời dạy của bậc ân sư như: “Thiền là để  định tâm và kiến tánh thành Phật; Tịnh độ không phải chỉ để định tâm  kiến tánh thành Phật mà còn phải lập Tín, Hạnh và Nguyện để trang nghiêm  tự thân và thế giới, nhằm báo đáp tứ ân, cứu giúp ba cõi”. 
Trong  bài “Vị Thầy Của Nhiều Thế Hệ”, Thầy đã nhắc lại lời dạy của Hòa thượng  rằng: “Ta đi đến đâu, mọi người đem tâm bình dị mà đối xử với ta, ta  biết rằng, ta có thể sống lâu với người ấy và người ấy có thể sống lâu  với ta. Người ấy với ta có thể trở thành thân hữu lâu dài. Ta có thể lưu  trú lâu dài ở nơi trú xứ của người ấy để làm phật sự”. 

Thật đúng  vậy, trong bài “ Vị Thầy Của Nhiều Thế Hệ”, Thầy đã viết về đời sống mô  phạm, tĩnh lự của Hòa Thượng Già Lam, là một bài học quý báu vô cùng  đối với hàng hậu học sau này là “thầy có tấm lòng để dạy, trò có tấm  lòng để học”. 

Hòa Thượng thượng Trí hạ Thủ đã mất 27 năm (1984 –  2011), nhưng Thầy đã may mắn dự kỵ đến 26 năm, chỉ có năm 2005, do pháp  duyên của chuyến về thăm Chùa Từ Hiếu của Thiền sư Nhất Hạnh, nên Thầy  phải tưởng niệm Hòa Thượng và dự kỵ Hòa thượng ân sư tại Tổ đình Báo  Quốc Huế. Vào tháng Giêng và hai năm đó, Thầy thật lao tâm, để yên ổn  mọi việc “ bất động đậy, để tránh rút dây đạp rừng”, nên Thầy đã cùng  lớp Tăng sinh thầm lặng từ giã chùa Tổ Từ Hiếu, chuyển qua Chùa Thuyền  Lâm để tiếp tục tu học ở trú xứ nầy.

 

Mỗi khi có dịp dạy dỗ hay  hàn huyên với các học tăng trẻ, Thầy thường nhắc lại, lời dạy của Hòa  Thượng ân sư rằng: “Tất cả muôn vật từ hữu tình đến vô tình đều có sự  sống, nên khi ta ngắt một ngọn lá, chặt một cành cây, để sử dụng cho một  công việc phật sự nào đó là ta đều phải khấn nguyện và chú nguyện cho  nó với tất cả tâm từ bi của ta, trước khi ta hành sự. Nếu ta không làm  như vậy, oán khí của cây sẽ chạm vào tâm ta, khiến cho đức hạnh và tâm  từ bi của ta bị thương tổn”.

Buổi tối 29/2/ Tân Mão, các cựu học  Tăng ở các miền, các tỉnh  tựu về vườn thiền Già lam chốn xưa, dưới bóng  tháp của Ân sư để cử hành lễ nghi kỷ niệm quãng thời gian hành đạo của  bậc Sư trưởng lúc sanh tiền.

Chân dung vô úy, pháp âm vi diệu,  bước đi định tỉnh nhất quán của bậc Ân sư đã được Thầy thể hiện ngay qua  buổi thiền hành nhiễu bảo tháp. Từng bước, từng bước Thầy trở về an  trú, khói hương nghi ngút, hoa thơm thi vị, mây trăng dõi bước mà Ban  biên tập Thư Viện Cổ Pháp thành tâm tạc dạ với lời thơ: 

“ Cánh nhạn bay cao vượt đôi dòng,
Tinh mơ trời hiện giữa thanh trong,
Lời Thầy còn ẩn trong hóc đá,
Sen nở  hương thơm vạn tấm lòng”. 

Lần  này toàn tập Tâm Như -Trí Thủ được tái bản, để hiến tặng Chư tôn thiền  đức Tăng Ni, cư sĩ  trong đêm về nguồn tưởng niệm nhân ngày húy nhật.
 
Buổi  tối ngày 29/2/ Tân Mão, Thầy gặp Hòa thượng Đạt Đạo tại Tu Viện Quảng  Hương Già Lam, hai Thầy thăm nhau, lúc đó cũng khuya rồi, đến giờ an  tịnh của đại chúng,  H.T Đạt Đạo cũng có lời mời Thầy về Chùa Bát Nhã,  quận Bình Thạnh nghỉ ngơi và thắp hương cho thân mẫu, để có nhiều thời  giờ nói chuyện với nhau hơn. Hòa thượng Đạt Đạo, cũng có lời cáo lỗi đến  Thầy, là đám Tang của Thân phụ thầy, tôi không thể về viếng và tiễn đưa  thân phụ của thầy được, trong lòng cứ áy náy vô cùng; thôi rứa thì xin  thỉnh thầy về Bát Nhã để tâm sự và dạy chúng giùm tôi một giờ”. 

Khi  về chùa Bát Nhã, chư Tăng và phật tử của bổn tự đã đón Thầy trong tình  đạo vị. Sáng mai trước khi qua lại Tu viện Quảng Hương Già Lam để chính  thức dự lễ húy nhật ân sư, Thầy đã chia sẻ với tăng chúng ở trú xứ Bát  Nhã với bài pháp thoại ngắn. Thầy đã nhắc nhở cho Tăng chúng tại trú xứ  nầy về “hạnh xả ly của người xuất gia và hãy nuôi dưỡng hạnh xả ly ấy  bằng tâm bồ đề. Nếu ta biết nuôi dưỡng tâm và hạnh ban đầu ấy không để  bị rơi mất là ta có thể đi trọn vẹn con đường tu của mình, để báo đáp ơn  Tam bảo, ân Thầy Tổ, ân cha mẹ, ân của đàn na thí chủ và ân của mọi  người, mọi loài đối với mình”. 

Thầy  khuyên, quý thầy trẻ nên cố gắng tập sống lại với tâm ban đầu của mình,  xác định lại với tâm linh, với thầy tổ về ý nghĩa và mục đích đi xuất  gia tu học của mình. Trong mọi hoàn cảnh của xã hội có chi phối đời sống  ở bên trong và ngoài, thì chúng ta đừng chạy trốn và sợ sệt mà phải đối  diện, học hỏi những khó khăn đến với ta từ nhiều phía để vượt qua. Thầy  nói: “Người tu thì nên biết làm chủ tâm ý, và làm cho tâm ý trong sạch,  không nên bị động theo những thị phi thường tình. Mình phải biết vận  dụng mọi hoàn cảnh thuận nghịch để thực tập. Muốn sống có được những  chất liệu như thế, thì quý thầy hãy bỏ ra ít thì giờ ngồi thiền, niệm  Phật, học kinh luật, tưới cây, làm hương đăng,…tất cả những động tác ấy  đều là những điều kiện giúp cho cánh cửa tuệ giác nơi tâm của các thầy  tự động mở ra…” 

Từ giã chùa Bát Nhã ở quận Bình Thạnh, Thầy trở  lại Tu Viện Quảng Hương Già Lam dự lễ chính thức húy nhật của Hòa Thượng  ân sư. Thầy đã cùng với chu Tôn đức trong môn đồ pháp quyến quỳ trước  giác linh đài của chư Hòa thượng ân sư là Hòa Thượng, thượng Trí, hạ Thủ  và Hòa Thượng, thượng Thanh hạ Trí một cách thành kính suốt cả buổi lễ  cung tiến giác linh.

Vào buổi chiều, Thầy lại được Thầy Hồng Chơn đưa  đi thăm gia đình của các chị Tú Anh, Tuấn Anh, Thiều Anh và dùng cơm  đạm bạc ở gia đình nầy. Sau đó Thầy Hồng Chơn lại đưa Thầy đi thăm Tịnh  Thất của Thầy Thái Tuệ ở quận Tân Phú. 

Vào sáng 2/3/ Tân Mão,  Thầy cùng với Thầy Pháp Bảo, Hồng Chơn, cư sĩ Nguyên Niệm và chị Xuyến  lên đường đi Bà Rịa Vũng Tàu để  thăm tịnh thất Tịnh An Lan Nhã nơi Sư  cô Liễu Pháp trú trì. Sư cô Liễu Pháp là học trò của Thầy khi còn là  sinh viên. Có Sư cô Liễu Tuệ ở từ Thiền viện Viên Không cũng ra Tịnh An  Lan Nhã đón Thầy và cùng với Sư cô Liễu Pháp cùng hầu chuyện với Thầy  nữa. Trên đường đi, Sư cô Liễu Tánh biết Thầy đi Tịnh An Lan Nhã, cũng  gọi điện thăm và hầu chuyện với Thầy. 

Ở Tịnh An Lan Nhã, Thầy đã  chia sẻ phương pháp hoằng pháp hiện nay cho Sư cô Liễu Pháp. Thầy nói:  “Người hoằng pháp phải biết ứng dụng Tứ Tất Đàn để đưa quần chúng về với  chánh pháp. Mình phải hiểu trình độ, điều kiện, văn hóa, tín ngưỡng,  nghiệp chủng của tâm thức từng vùng, mới có thể vận dụng Phật pháp cho  thích ứng để đưa quần chúng bỏ mê theo ngộ, bỏ tà theo chánh, bỏ cái tạm  thời mà đi theo cái vĩnh cửu,… Thầy nói, người hoằng pháp đi đến đâu,  mình không phủ nhận cái của họ đã có, mà ngay nơi cái vốn có của họ,  mình chỉ cần rọi ánh sáng chánh pháp vào nơi cái vốn có của họ ấy, để  cho cái tốt nơi họ tự đơm hoa và cái xấu nơi họ tự chuyển hóa, thì sự  hoằng pháp của mình mới thành công”. 

Thầy  nói: “ như bát nhang nhà nào cũng đang thờ tự tổ tiên huyết thống, ấy  là cách mà cha ông chúng ta giữ nền móng đạo lý, gìn giữ  nòi giống dân  tộc Việt, khỏi bị các luồng văn hóa khác đô hộ. Đặc biệt các Sư cô thấy  trong lịch sử VN: việc các nhà truyền giáo Tây phương, khi họ đến Việt  Nam, người ta muốn cái gì được bỏ đi, nhổ gốc lên? Đó là bát hương mà cả  nhiều đời người dân Việt Nam cố lòng bảo vệ mái ấm tâm linh của dân  tộc. Nên, những nền đạo đức, văn hóa của dân tộc vốn có sẳn, Đạo Phật  không phủ nhận cái đã có, mà chỉ rọi vào những cái đã có sẳn đó, bằng  ánh sáng tuệ giác và tâm từ bi, thì tức khắc những cái tốt đẹp vốn có  sẳn ấy từ từ nó sẽ thăng hoa”. 

Thầy còn dặn Sư cô Liễu  Pháp, nếu có điều kiện, thì nên mua đất đai chung quanh chùa, để có  nhiều cơ hội phát triển hoằng pháp nhiều mặt giúp ích bà con trong vùng,  như mở Tuệ Tĩnh đường, mở trường học, mở thêm những trung tâm thực tập  thiền quán,…

Sau bữa cơm thanh đạm, Thầy, cùng quý Thầy Pháp Bảo,  Hồng Chơn, Sư cô Liễu Pháp, Liễu Tuệ, Phật tử Nguyên Niệm, chị Xuyến và  anh Hùng đều về bãi biển Vũng Tàu ngắm sóng và thở không khí biển rồi  trở lại Sài gòn. 

Và trên đường đi về Sài Gòn, Thầy ghé vào chùa  Diệu Giác niêm nhang, hộ niệm thất thứ bảy – 49 ngày Ni sư Bảo Nguyệt.  Thầy đến chùa Diệu Giác bầu trời cũng bắt đầu sẫm tối, thắp hương cho Ni  Sư xong là Thầy ra vườn viếng tháp và có lời chia sẻ khuyên tấn Ni  chúng ở đây tu học. Thầy đã gọi tên và hỏi thăm từng vị và hỏi thăm Ni  sư Huệ Trí. Thầy dạy: “Người tu, mình kế thừa sự nghiệp của Thầy là kế  thừa sự nghiệp chánh pháp mà Thầy đã để lại, bằng cách chị em sống thanh  tịnh và hòa thuận, nâng đỡ nhau ở trong chánh pháp, các chị em sống và  thực tập được như vậy là thương và quý Ni sư vậy”. Sau lời dạy của Thầy,  Các Sư cô Hạnh Châu, Hạnh Ngọc thay Ni chúng hiện tiền cảm ơn đảnh lễ  và cúng dường Thầy, nhưng Thầy đã từ chối nhận tịnh tài. Thầy nói: “Quý  chị em để tịnh tài ấy, lo chung thất và xây tháp cho Ni sư hoàn mãn,  Thầy đã nhận tấm lòng của quý chị em và cầu nguyện giác linh Ni sư siêu  sanh tịnh độ và cầu nguyện Tam bảo gia hộ cho Ni chúng Diệu giác có vô  lượng an lành”. 

Thầy đã trở về Tu Viện Quảng Hương Già Lam nghỉ  ngơi, ngày mai, Ban thị giả của Thầy đã dành riêng một ngày để Thầy đi  đến thăm nhà cư sĩ Nguyên Niệm, Quảng Hà, tư gia Thu Cúc, B.s Minh; Ở  nhà BS Minh và Thu Cúc, có cả anh Khánh, chị Ái Nguyên, chị Sang, chị  Hảo, các Sư cô Liễu Pháp, Liễu Tánh, Liễu Tuệ, mẹ của chị Thu Cúc đều  dùng bữa cơm đạm bạc với Thầy. Ăn cơm xong, Thầy còn đọc Thơ cho quý vị  nghe nữa. Thầy tới đâu mọi người ai cũng cảm nhận được nguồn pháp lạc an  vui từ nơi thầy tỏa ra một cách tự nhiên. 

Chiều mồng 3 tháng 3  Tân mão, Thầy lại được Thầy Hồng Chơn mời thăm gia đình của anh chị Minh  Thanh, ở đây Thầy đã dùng tiểu thực ở trong chánh niệm với Thầy Pháp  Đăng, Hữu Tấn, Hồng Chơn, Sư cô Như Hiếu,… cùng nhiều phật tử khác nữa.  Sau khi tiểu thực xong, Thầy chia sẻ ngắn gọn với đại chúng ở đây pháp  quán chiếu hơi thở. Thầy nói: “Thực tập quán chiếu hơi thở, bước đầu là  nhận diện đơn thuần, sau đó là nhận diện toàn thể và cuối cùng phải thấy  rõ sự liên hệ của hơi thở đối với thân tâm và thế giới. Sự liên hệ hơi  thở với nhân quả ba đời. Nhờ thấy được sự liên hệ như vậy, ta mới yêu  con người và thiên nhiên. Ta thấy trong mọi người và thiên nhiên đều có  mặt hơi thở của ta và trong hơi thở của ta đều có mặt của mọi người và  thiên nhiên. Thực tập càng sâu, tâm ta càng yên lắng, trí tuệ và từ bi  nơi ta phát sinh. Nên, ta thấy đời sống thật có ý nghĩa, khiến cho ta bỏ  điều ác và làm điều lành một cách tự nhiên”. 

Từ giã gia đình anh  chị Minh Thanh, Thầy đến thăm Thiền viện Vạn Hạnh, nói chuyện thơ và sự  tu tập với Hòa thượng Chân Nguyên, sau đó Thầy trở về Tu viện Quảng  Hương Già Lam để nghỉ ngơi. 

Ngày 04.03 âm lịch (06.04.2011)  Thầy lại có chương trình đi thăm Chùa Hòa Linh ở Mõ Cày, Bến Tre do Ni  sư Như Quang làm trú trì, với Pháp Bảo, chú Lai em Thầy và anh Dũng cháu  Thầy. Về đây, Thầy được Ni sư cho biết bà con thích tu tập và tạo phước  lắm, hàng tháng quý đạo hữu tựu tập về lễ Phật, tụng kinh, sám hối;  thỉnh thoảng mới có vài buổi thuyết pháp, do trên địa bàn xã Bình khánh  duy chỉ mới có một vài ngôi chùa lá, làm nơi nương tựa tâm linh, tịnh  tâm sớm tối cho người dân “vùng đất điểm hẹn dừa xanh, bụi rậm”. Nên Sư  cô đang kiến lập thêm Thiền đường phía trước, để có chỗ cho đại chúng an  tâm tu tập. Ni sư còn phát nguyện, sau khi thiền đường hoàn tất sẽ  thỉnh Thầy vào truyền giới, quy y cho con cháu trong gia tộc ở  phía Nam  và cho quý thiện nam, tín nữ tới học pháp với Thầy. 

Luôn tiện Ni sư xin Thầy cho các câu đối để khắc vào trụ của tiền đường, nhân đó Thầy làm cho bốn câu đối như sau: 

1.    Mặt trời tâm linh dưỡng nuôi điều tốt đẹp;
Vầng trăng trí tuệ chuyển hóa nỗi âu lo.

2.    Chuông sớm tỉnh thức bao người đi chệnh choạng;
Trống chiều dắt dìu mấy kẻ bước chong chanh.

3.    Nương tựa Phật Pháp Tăng phước đức thành tựu;
Thực hành Giới Định Tuệ bi trí vẹn toàn.

4.    Cõi phật trang nghiêm muôn dân cùng nương tựa;
Đất tâm thanh tịnh trăm họ thảy quay về.
 
Sau  khi Thầy đi tản bộ, thăm nương vườn, đất đai xung quanh hết rồi, thì  Thầy quay mặt lại dặn dò Ni sư mấy ý: “ Tại đây đất đai phì nhiêu, cây  cối tốt tươi, không gian thoáng đãng, tình người tao nhã, lòng người  chân chất, Ni sư nên thiết lập một vài am tranh, đường đi có lót sỏi  cát, cây kiểng đơn sơ để làm chỗ cho quý Ni, cư sĩ tại gia các nơi lân  cận muốn yên tịnh, về đây nhập thất tịnh tu, khiến năng lượng đạo đức vô  hành tỏa ra, làm cho vùng đất Mõ Cày sớm mang lại nhiều sự chuyển hóa  lợi lạc lâu dài trong tình đời nghĩa đạo”. 

Từ giã Bến Tre, Thầy  trở lại Sài Gòn, Thầy thăm gia đình của người chú. Người chú 93 tuổi đã  nắm tay Thầy và thương Thầy một cái thật đậm đà nét nhân văn, sau đó  Thầy dùng cơm với gia đình của chú. Dùng cơm xong, Thầy về lại Tu viện  Quảng Hương Hương Già Lam để nghỉ. 

Ngày 8.4.2011 (06.3. Tân Mão),  khoảng 10 giờ trưa, Thầy đi chiêm bái tôn tượng, thánh tích Bồ tát  Quảng Đức tại ngả tư đường Nguyễn Đình Chiểu – và cách Mạng Tháng Tám.  Đến Thánh tích, bàn chân Thầy vừa chạm xuống mảnh đất linh thiêng một  thời, ẩn nét từ bi đạo lực, đạo hạnh của bậc chân tu năm (11-6-1963)  ngay giữa chốn bạo lực, truy bức của thể chế gia đình trị. 

Bấy  giờ, Thầy đi thiền hành chung quanh Thánh tích Thích Quảng Đức với bước  chân chậm rãi sâu lắng. Hôm ấy nắng nhẹ, trời trong, mây trắng, bức  tranh thiên thu luôn gợi về trong tâm tưởng của Thầy qua việc niêm hương  tưởng niệm trước bảo tháp gần 30 phút của Thầy! Đố ai biết được Thầy đã  bạch gì với Hòa thượng Quảng Đức? Chuyện hơn năm mươi năm trước hay  chuyện ngàn năm sau? Có đôi lúc Thầy dừng lại thành kính chắp tay giữa  tấm phù điêu diễn tả Tăng ni quỳ cả xuống hầu Ngài Quảng Đức, trước khi  Ngài bậc lửa : 

“…Ô đích thực hôm nay trời có mặt
Giờ là hoàng đạo nguy nga
Muôn vạn khối sân si vừa mở mắt
Nhìn nhau: tình huynh đệ bao la. 

… Ngọc hay đá, tượng chẳng cần ai tạc
Lụa hay tre, nào khiến bút ai ghi
Chỗ người ngồi: một thiên thu tuyệt tác
Trong vô hình sáng chói nét từ bi.

(Thơ Vũ Hoàng Chương)

Cũng  lâu rồi, trong một tác phẩm ngắn nói về mùa pháp nạn 1963, có kể về  buổi sáng rước Phật từ Chùa Ấn Quang về Xá Lợi, trên con đường công  trường Dân chủ, chiếc xe của ông Trần Quang Thuận đã chở H.T Quảng Đức  đến lễ đài Phật đản, đến vị trí khả quan, yên ắng, thế rồi ngài bước  xuống từ trong đi ra tỉnh tại, bấy giờ ngọn lửa thiêng của Hòa thượng  Thích Quảng Đức đã vụt lên giữa ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt. 

Tuy,  ở nơi Thánh tích một tiếng đồng hồ, Thầy cũng đã học tập sâu sắc để  thấy lại những gì trong lịch sử của hôm qua, nhằm định hướng cho bước  chân thiền hành của mình hôm nay và ngày mai trong những bước thăng trầm  của lịch sử. 

Sau đó, Thầy tìm đến một chỗ ngồi ở một gốc cây,  nhưng cách ngồi của Thầy lại làm cho mọi người đi đường chú ý và quan  tâm đến vai trò của người tu trong cuộc sống hiện đại này? 

Sau  buổi chiêm bái Thánh tích Thích Quảng Đức, đúng vào giờ trưa 11h30 phút,  Thầy được gia đình Tiến sĩ Mai Xuân Thiệu và Tiến sĩ Hoa Lan mời đến  nhà riêng để thọ trai (theo lời đề nghị của thị giả để cho Thầy được  nghỉ ngơi trong lúc đường sá giờ cao điểm). Thầy vào nhà, hình như nét  mặt Thầy có vẽ đăm chiêu và đang chiêm nghiệm đến điều gì đó trong im  lặng: 

“ có cây ngô đồng cho chim phượng đậu, có người đứng đó cho  tình thương sâu, luật lệ nhiều khi như màng lưới sắt, giam người trong  kiếp trầm luân thương đau…

thành phố sáng nay nắng lên bát ngát, có  chim bồ câu bay liệng trời cao, tôi nhớ tới người tấm lòng cương trực,  nụ cười mát dịu như nước nhiệm mầu… ”

(Thơ. Nhất Hạnh)

Cô Hoa Lan  mở lời : Nam mô A Di Đà Phật, Cơm trưa, dưa rau đạm bạc của gia đình,  xin thỉnh Thầy hoan hỷ thời ngọ. Vừa dùng cơm, cô cũng xin trao đổi với  Thầy một vài quan điểm sống và ưu tư về những phương pháp nâng cao giá  trị đạo đức, ngay khi đạo đức của xã hội đang xuống cấp trầm trọng và  cách phòng hộ những thực phẩm đang bị nhiễm độc nặng nề. 

Thầy  cũng nói với chị Hoa Lan: “Thầy rất quan tâm đến những suy nghĩ của thế  hệ trẻ và cũng rất quan tâm đến nhân cách của những người lớn trong xã  hội hiện nay”.

Thầy nói: “Xây dựng xã hội, không nên chỉ thấy cái  lợi trước mắt, để rồi phải chạy theo chuyện khắc phục hậu quả, mà phải  thấy rõ nguyên nhân và cần phải thay đổi những nguyên nhân gây ra cái  hậu quả xấu cho con người, xã hội và cho đất nước”.
 
Trong buổi  chuyện trò nầy, Thầy cũng đã điểm qua một vài nét lịch sử của đất nước,  từ các triều đại, để thấy giá trị của lịch sử và giá trị của người làm  lịch sử và rút ra những bài học từ lịch sử để có một hướng đi thực tiễn,  vừa duy trì được cái đẹp của lịch sử, vừa phát huy được cái đẹp của  lịch sử,… 

Sau khi chuyện trò với chị Tiến Sĩ Hoa Lan, Thầy trở  lại Tu Viện Quảng Hương Già Lam để chuẩn bị cho chương trình ngày 07. 03  âm lịch (09.4.2011) là ngày hiệp kỵ và pháp thoại cho GĐPTVN, tại Tu  Viện Quảng Hương Già Lam. 
Ngày nầy, vào lúc 05h, Thầy tham dự buổi lễ thọ cấp Tấn, cho 16 vị huynh trưởng. Trong buổi lễ chứng minh phát nguyện gồm có: 

- Hòa thượng Thích Đức Chơn, Viện chủ Tu viện Quảng Hương Già Lam, Thượng Thủ HĐCVGHGĐPTVN

- Thượng tọa Thích Thái Hòa, Cố vấn Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN.

-Thượng tọa Thích Nhuận Châu Cố vấn Giáo hạnh GĐPTVN

- Thượng tọa Thích Khế Đạo Cố vấn Giáo lý GĐPT Gia Định.

Cùng các anh chị em trong Ban Hướng GĐPTVN Trung Ương và Thế Giới cũng đều có mặt trong buổi lễ phát nguyện thăng cấp nầy.
 
Sau  buổi lễ thọ cấp, Thầy đã nói Pháp Thoại Chánh Tâm Hành Đạo Hay Hướng Tu  Học Và Pháp Lý Của GĐPTVN,… cho hàng trăm huynh trưởng đến từ các tỉnh  thành, từ Quảng trị đến Cà Mau.
 
Trước khi nói Pháp Thoại, Thầy đã  hướng dẫn mọi người cùng thực tập thiền quán tại giảng đường Tu Viện  Quảng Hương Già Lam, trong vòng 15 phút trước khi giảng.

Sau Pháp  Thoại là tiến hành nghi thức lễ húy kỵ của Trưởng giả Tâm Minh – Lê  Đình Thám, các bậc tiền bối sáng lập viên, hữu công, các vị bảo trợ, Gia  trưởng, Huynh trưởng, đoàn sinh GĐPT quá cố. Buổi lễ rất trang nghiêm  và thành kính. 

Được biết Thầy vào Nam có một vài chuyện đạo,  trong dịp này các huynh đệ Tăng sinh từ Huế, do các thầy Thái Tuệ,   Thanh Tịnh, Từ Quảng, Mãn Tâm, Pháp Bảo, Hồng Chơn, Minh Thuần,…cung  thỉnh Thầy đến thất của Thầy Thái Tuệ dùng cơm chiều để anh em có dịp  thăm Thầy.  Thầy cũng đã ghé thăm và thắp hương cầu nguyện cho gia đình  của anh Thọ và chị Như Quỳnh.

Chiều mồng 7/3/ Tân Mão, Thầy lại  trở về Huế, sau một tuần lễ Thầy vào Nam chung lo Phật sự cùng với Tăng  già, Phật tử Saigòn. Thầy đã về Huế, đến tiễn Thầy tại Sân bay Tân Sân  Nhất có Thầy Thái Tuệ, Pháp Bảo,… Nguyên Niệm, Như Huệ, Tuấn Anh, Thiều  Anh,…

Trong những chuyến đi Sài gòn của Thầy, đã tạo cơ duyên,  cho các Thầy Pháp Đăng, Hồng Chơn, Thắng Hòa, Hiếu Niệm, Chỉnh Đạo, Pháp  Bảo, Nhuận Hạnh, Quảng Văn, Minh Phú, Pháp Hưởng, Đồng Hòa, Thuần Châu,  Hữu Tấn, quý sư cô Liễu Pháp, Liễu Tánh, Liễu Tuệ, Như Hiếu, và quý vị  Phật tử trẻ Nguyên Niệm, Thành Đức, Tấn Lộc, Như Huệ, Khánh, Ái Nguyên,  Minh, Thu Cúc, Sang, Tú Anh, Tuấn Anh, Thiều Anh, Đinh Quang Thọ, Như  Quỳnh, Anh chị Nhất, Phượng, cô Ẩn, cô Nga, cô Hoàng Thiên, và rất nhiều  anh chị em trong GĐPT, cũng như một số phật tử tu học ở các đạo tràng,…  đã có cơ hội thăm và chuyện trò với Thầy, và luôn luôn gởi tâm theo  bước chân Thầy. Ngoài ra còn có những ống dòm khác cũng đang theo dõi  bước chân Thầy!

Tất cả đang mong gặp lại Thầy tại Sài Thành một ngày không xa!

Ban thị giả Thư viện Cổ pháp 

Tỳ Kheo Thích Pháp Bảo 
Học Tăng Thừa Thiên Huế 
Thuật Ký Học