Post: : Admin

Sau đây là Bài ĐÁP TỪ lễ cúng dường trai tăng dành cho quý chư tôn đức Tăng Ni tham khảo trong việc đạo từ buổi lễ Vu Lan báo hiếu hay lễ cúng dường hiếu đạo.



Bài ĐÁP TỪ lễ cúng dường trai tăng

Bài mẫu ĐÁP TỪ lễ cúng dường trai tăng 

Thưa toàn thể Quý phật tử kính mến! Theo truyền thống Á Đông nói riêng và loài người nói chung, hành động hiếu thảo là tiêu chí đánh giá mọi thiện ác, là cái cân để do các trị số đạo đức. Có thể nói, một người Việt Nam mà không ghi ơn và đền ơn cha mẹ thì không còn là người Việt Nam nữa. Vì người ấy đã tự mình bởi gốc rễ những gì tinh hoa nhất của tinh thần Việt Nam, tự mình phá huỷ những gì cao quý nhất của tinh thần dân tộc. Nho Gia nói, “ làm trai biết đủ trăm đường, trước tiên chữ hiếu đạo thường xưa nay”, hay “ chữ hiếu hạnh niệm tròn một tiết, thì suy ra trăm nết đều nên”. Rõ ràng hơn , đức Phật khẳng định: “ Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”. Vì sao?

Vì,

“Ơn cha đức mẹ cao dày

Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ..”

Hay,

“ Suốt đời cực khổ triền miên

Chăm lo bát gạo đồng tiền nuôi con”

Và,

“ Thương con buôn tảo bán tần

Chỉ mong con lớn nên thân với đời”

Ôi,

“ Suốt đời gióng đứt đòn cong

Vì ai lưng mẹ nay còng mẹ ơi”

Tình thương của cha mẹ đối với con cái băng vượt cả không gian, xuyên suốt cả thời gian, như chúng từng nghe:

“ Mẹ già hơn trăm tuổi

Vẫn thương con tám mươi

Tình thương nào ngơi nghỉ

Đến hơi thở cuối đời”.


Bởi vậy, những gì cha mẹ làm cho chúng ta, công ơn ấy dẫu có dùng cả mực đại dương cũng không sao tả hết được, dù có dùng giấy như núi tu di cũng không sao nói cho cùng. Đức Phật cũng đã hơn một lần nhận định: “ Cha lành ơn cao như núi thái, mẹ hiền ơn sâu như  bể cả, nếu ta ở đời trong một kiếp nói ân mẹ hiền cũng không thể hết”.


Hôm nay quý vị đã cảm nhận sâu sắc công ơn của cha mẹ nên đã tổ chức đại lễ Vu Lan để cúng dường chư phật và chư tăng, dựa vào uy lực và giới đức của quý Ngài mà nguyện cầu cho ông bà cha mẹ của mình đều được lợi lạc. Đấy là một việc làm mà mười phương chư phật hoan hỷ, chư tôn đức hiện tiền hết lời tán thán, các bậc ông bà cha mẹ vô cùng vui mừng, các cấp lãnh đạo nhà nước hết sức yêu tâm. Tại sao? Vì bản thân của hành động hiếu thảo tự nó nói lên phẩm chất đạo đức của quý vị. Nhớ ơn và đền ơn là cơ sở, là nền tảng mà mọi vấn đề luân lý và đạo đức được xây dựng trên ấy.


Và trong lễ hội hôm nay, tôi nhìn thấy trên ngực áo của quý vị đang cài một đoá hoa hồng. Quý vị có biết nguồn gốc của đoá hoa hồng ấy và ý nghĩa của nó không? Đoá hồng trên áo của quý vị có nguồn gốc từ tập sách “ Bông hồng cài áo”, một tập sách nổi tiếng ra đời năm 1962 của thầy Nhất Hạnh. Nguyên thuỷ của nó không phải là đoá hoa hồng, mà là một đoá hoa khác, hình như là hoa thực dược thì phải nếu tôi nhớ không lầm. Trước năm 62, có lần thầy Nhất Hạnh đã qua Pháp và lúc đó nhằm ngày chủ nhật thứ hai của tháng năm, tức là ngày Mother , day- ngày của mẹ. Kỷ niệm ngày mẹ vào tuần thứ hai của tháng năm hằng năm là do bà Julia Ward Howe, một giảng sư đại học nổi tiếng đương thời của Hoa Kỳ khởi xướng năm 1872, và mãi đến năm 1914 quốc hội Hoa Kỳ mới chấp nhận ngày Mẹ nói trên như  một ngày lễ quốc gia bằng một đạo luật do quốc hội thông qua. Thầy Nhất Hạnh được cài một đoá hoa để tưởng nhớ mẹ vào dịp nầy, và sau đó thầy đã biến đoá hoa ấy thành một đoá hồng cài trong dịp rằm tháng bảy.

Theo tác giả, đoá hồng là một phép thực tập chánh niệm, nó nhắc nhở chúng ta ý thức rằng, ta đang còn mẹ, một hạnh phúc tuyệt vời; và đoá hồng trắng với ý thức rằng, hạnh phúc ấy không còn nơi ta nữa. Đối với người còn mẹ là một diễm phúc lớn, mình phải biết tận hưởng, nghĩa là mình phải đáp đền thâm ân của cha mẹ, đừng có để cái hạnh phúc ấy tuột ra khỏi tầm tay của mình rồi thì mới thấy được giá trị thì hơi muộn, như ai đã một lần than thở:

“ Nhìn vào đêm tối mông lung

Khát khao tìm lại hình dung mẹ hiền

Một bầu thương nhớ xây thành

Mây buồn tóc rối giữa vành tang thương

Cánh chim bàng bạc kêu sương

Đoá hồng rũ cánh lòng vương vấn sầu”

Hay,

“ Nhìn con khờ, con thầm gọi mẹ ơi

Mưa tí tách ngoài trời như tiếng vọng

Nhìn lêm vách con khóc cùng với bóng

Mẹ bây giờ mới hiểu mẹ ngày xưa”.

Còn đối với các vị cài đoá hoa hồng trắng, với ý thức sâu sắc rằng, mình đã thực sự mất mẹ. Song với thân thể mình đang mang đây, từng tế bào, từng dòng máu nóng....nhất nhất đều do cha mẹ tạo ra. Vì thế mà ngay trong ta ta tìm thấy mẹ ta, cha ta, ông bà tổ tiên của ta, vì vậy mà sự an lạc và khổ đau của ta có ảnh hưởng đến cha mẹ và tổ tiên của ta. Khi cài đoá hồng trên ngực, quý vị phải ý thức được như thế. Từ ý thức nầy, quý vị sẽ biết làm gì và không nên làm gì để xứng đáng là một người con, người cháu, xứng đáng là một người công dân tốt của xã hội Việt Nam vốn có truyền thống đạo hiếu nghìn đời.

Vì thì giờ không cho phép, chúng tôi không dám nói nhiều. Mong rằng việc làm hiếu thảo của quý vị hôm nay sẽ được mười phương chư Phật chứng minh, gia hộ độ trì cho ông bà cha mẹ của quý vị, người còn thì được trường thọ và hạnh phúc, người mất thì ra khỏi hình thái khổ đau của địa ngục và ngạ quỷ.

Trước khi dứt lời, kính chúc quý vị nơi đây ai nấy đều là dâu hiền con thảo, gia đình tràn đầy hạnh phúc, bản thân được nhiều an lạc hạnh phúc trong mùa Vu Lan báo hiếu nầy.

Nam Mô đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát tác đại chứng minh.



daptu, cungduongtraitang, đáp từ, mc, dẫn chương trình, đạo từ, daotu