Mùa xuân đến tất cả những thành viên trong gia đình đoàn viên, cùng ngồi lại bên nhau sum họp quây quần trên mâm cơm hạnh phúc. Chuyện ăn cơm không phải khắt khe mà chúng ta cần phải biết 'ăn xem nồi ngồi xem hướng'...
NHỮNG QUY TẮC TRÊN MÂM CƠM VIỆT
1- Vấn đề dùng đũa.
* Không và quá 3 lần khi đưa bát cơm lên miệng.
* Không gắp thức ăn đưa thẳng vào miệng mà phải đặt vào bát riêng rồi mới ăn.
* Không dùng thìa đũa cá nhân của mình quấy vào tô chung.
* Không xới lộn đĩa thức ăn để chọn miếng ngon hơn.
* Không cắm đũa dựng đứng vào bát cơm.
* Không nhúng cả đầu đũa vào bát nước chấm.
* Phải trở đầu đũa khi muốn tiếp thức ăn cho người khác.
* Không được cắn răng vào đũa, thìa, miệng bát, không liếm đầu đũa
* Không vừa cầm bát vừa cầm đũa chỉ 1 tay cũng như không được ngậm đũa để rảnh tay làm các việc khác chẳng hạn như múc canh, đôi đũa chưa dùng đến phải đặt vào mâm hoặc đĩa bàn nếu ăn trên bàn có dùng đĩa lót bát, hoặc đồ gác đũa.
2- Khi ngồi ăn:
- Ngồi ăn dù trên chiếu hay trên ghế đều không được rung đùi, rung đùi là tướng bần tiện của nam, dâm dục của nữ, và cực kỳ vô lễ.
- Không ngồi quá sát mâm hay bàn ăn nhưng cũng không ngồi xa quá.
- Ngồi trên ghế thì phải giữ thẳng lưng. Ngồi trên chiếu thì chuyển động lưng và tay nhưng không được nhấc mông.
- Không để tay dưới bàn nhưng cũng không chống tay lên bàn mà bưng bát và cầm đũa, khi chưa bưng bát thì phần cổ tay đặt trên bàn nhẹ nhàng.
- Không ngồi chống cằm trên bàn ăn.
- Tuyệt đối tránh cơm đầy trong miệng mà nói.
- Không chu mồm thổi thức ăn nóng mà múc chậm phần nguội hơn ở sát thành bát đĩa.
- Muỗng kiểu múc canh phải đặt úp trong bát không được để ngửa.
- khi chấm vào bát nước chấm, chỉ nhúng phần thức ăn, không nhúng đầu đũa vào bát chấm, miếng đã cắn dở không được chấm.
- Khi nhai tối kỵ chép miệng.
- Không tạo tiếng ồn khi ăn [ví dụ húp soàm soạp]
- Không nói, không uống rượu, không húp canh khi miệng còn cơm.
- Không gõ đũa bát thìa.
- Khi ăn món nước như canh, chè, xúp, cháo… nếu dọn bát nhỏ hay chén tiểu thì có thể bưng bát trên hai tay để uống nhưng không được kèm đũa thìa. Nếu dọn bát lớn hay đĩa sâu thì dùng thìa múc ăn, tới cạn thì có thể một tay hơi nghiêng bát đĩa sâu ra phía ngoài, một tay múc chứ không bưng tô to đĩa sâu lên húp như kiểu chén tiểu. Món canh có sợi rau nên dọn bát nhỏ, món gọn lòng thìa có thể dùng bát lớn, đĩa sâu.
- Không ăn trước người lớn tuổi, chờ bề trên bưng bát lên mình mới được ăn. Nếu đi làm khách không gắp đồ ăn trước chủ nhà hay người chủ bữa cơm (trừ ra bạn được đề nghị gắp trước, trong một dịp nhất định).
- Dù là trong khuôn khổ gia đình hay khi làm khách, tuyệt đối không chê khi món ăn chưa hợp khẩu vị mình. Điều này cực kỳ quan trọng vì không đơn thuần là phép lịch sự mà còn là một phần giáo dục nhân cách. Nếu không được dạy nghiêm túc, trẻ em từ chỗ phản ứng tự nhiên do khẩu vị sẽ tới chỗ tự cho mình quyền chê bai, phán xét, không trân trọng lao động của người khác. món không ngon với người này nhưng ngon với người khác và có được nhờ công sức của rất nhiều người.
- Không gắp liên tục 1 món dù đó là món khoái khẩu của mình.
- Phải ăn nếm trước rồi mới thêm muối, tiêu, ớt, chanh v.v…, tránh vừa ngồi vào ăn đã rắc đủ thứ gia vị phụ trội vào phần của mình.
- Phải ăn hết thức ăn trong bát, không để sót hạt cơm nào.
- Dọn mâm phải nhớ dọn âu nhỏ đựng xương, đầu tôm, hạt thóc hay sạn sót trong cơm…
- Trẻ em quá nhỏ dọn mâm riêng và có người trông chừng để tránh gây lộn xộn bữa ăn của người già, tới 6 tuổi là ngồi cùng mâm với cả nhà được sau khi đã thành thục các quy tắc cơ bản.
- Khi trẻ em muốn ăn món mà nó ở xa tầm gắp, phải nói người lớn lấy hộ chứ không được nhoài người trên mâm. Trong gia đình, khi trẻ em ngồi cùng mâm người lớn thì sắp cho bé một đĩa thức ăn nhỏ ngay bên cạnh với đồ ăn đã lóc xương và thái nhỏ. Với người cao tuổi cũng vậy, dọn riêng đĩa cá thịt đã lóc xương, thái nhỏ, hay ninh mềm hơn.
- Không để các vật dụng cá nhân lên bàn ăn, trừ chiếc quạt giấy xếp có thể đặt dọc cạnh mép bàn. Ngày nay thì di động là vật bất lịch sự và mất vệ sinh.
- Nhất thiết để phần người về muộn vào đĩa riêng, không khi nào để phần theo kiểu ăn dở còn lại trong đĩa.
- Ăn từ tốn, không ăn hối hả, không vừa đi vừa nhai.
- Khi ăn không được để thức ăn dính ra mép, ra tay hay vương vãi, đứng lên là khăn trải bàn vẫn sạch. Giặt thì giặt chứ dùng cả tuần khăn bàn vẫn trắng tinh không dính bẩn.
- Nếu ăn gặp xương hoặc vật lạ trong thức ăn, cần từ từ lấy ra, không được nhè ra toàn bộ tại bàn.
- Chỉ có người cao tuổi, 70 trở lên và trẻ nhỏ mà ợ khi ngồi ăn mới không bị coi là bất lịch sự.
- Nếu bị cay thì xin phép ra ngoài hắt xỳ hơi, xỷ mũi.
- Nhà có khách cần cẩn trọng khi nấu, chất cay để phụ trội bày thêm, tránh bất tiện cho khách khi họ không ăn được cay hay một vài gia vị đặc biệt.
- Tránh va chạm tay với người cùng mâm, nếu thuận tay trái thì nói trước để chọn chỗ cho thuận tiện.
- Phải chú ý tay áo khi gắp đồ ăn.
- Nếu thấy thức ăn lớn nên xin cắt nhỏ để mọi người được thuận tiện
- Khi đang ăn mà có việc riêng phải xin phép rồi mới rời mâm.
- Nhất thiết nói cảm ơn sau bữa ăn dù là chỉ có hai vợ chồng nấu cho nhau. Đừng tiếc lời khen ngợi những món ngon.
- Phong tục mời tùy theo gia đình, có gia đình thì người cao tuổi nhất nói đơn giản “các con ăn đi”, trẻ thì thưa “con xin phép”, nhưng có gia đình trẻ con phải mời hết lượt ông bà cha mẹ cô chú anh chị… Khi tới đâu thì quan sát gia chủ, không thể mang tập quán nhà mình vào bữa ăn nhà người ta.
- Ăn xong cần tô son lại thì xin phép vào phòng vệ sinh, không tô son trên bàn ăn trước mặt người khác.
- Ngồi đâu là theo sự xếp chỗ của chủ nhà, không tự ý ngồi vào bàn ăn khi chủ nhà chưa mời ngồi.
- Ngày xưa, có lúc người giúp việc ăn cùng mâm với chủ nhà, khi gắp, chủ nhà để thế tay ngang nhưng người giúp việc thế tay úp. Nhìn là biết ngay.
- Không được phép quá chén.
- Nên thành thực nói trước về việc ăn kiêng, dị ứng [nếu có] khi được mời làm khách để tránh bất tiện cho chủ nhà.
sưu tầm