Post: : Admin

Cội bồ đề vĩ đại của Phật giáo VN thời hiện đại được giới nghiên cứu Phật học quốc tế ghi nhận và có đóng góp lớn lao cho Phật giáo VN và thế giới, Thiền sư Thích Nhất Hạnh - đã viên tịch vào đúng 0:00, thời khắc chuyển giao trời đất vào ngày mới hôm 22/1/2022, tại tổ đình Từ Hiếu, Huế.



Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã về cõi không

Thiền sư Thích Nhất Hạnh trụ thế 95 năm, 70 hạ lạp


Phật giáo VN thời hiện đại, trong bối cảnh chiến chinh triền miên ở xứ sở và những biến động lớn trên thế giới trong sự va đụng các sức mạnh, thời hậu chiến đa đoan trong xung động ý thức hệ, trong rời rạc tổn thương manh múng và nỗ lực cấn hưng, Thiền sư Thích Nhất Hạnh với cuộc đời tu học, sự thông tuệ minh triết và chứng đắc, sự nghiệp hoằng pháp rộng khắp và các đóng góp cho Đạo trong và ngoài nước, đã trở thành một trong những biểu tượng lớn của Phật giáo nước nhà. Rất nhiều tu sĩ Phật giáo, cư sĩ nhờ nương vào lời Thiền sư, sự khai ngộ và dẫn dắt, đã chạm vào Đạo, tinh tấn tu học hành trì.


>>Cuộc đời của thiền sư Thích Nhất Hạnh

>>Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch ở tuổi 95

>>Hòa thượng Nhất Hạnh nhận giải thưởng Nautilus

Cuộc đời và sự nghiệp của thiền sư Thích Nhất Hạnh vắt ngang những định kiến, khác biệt, cả bát công và độc đoán, đày biến cố. Nhưng, Thiền sư đã can cường vượt qua để tận lực phụng sự lý tưởng tôn giáo của cuộc đời Ngài, phụng sự Đạo và quê hương xứ ở, nhân loại.


Qua thiền  sư, bạn bè quốc tế biết đến VN ở một góc độ riêng, biết đến trí tuệ và sự giác ngộ Phật giáo mang màu sắc Á Châu, từ một xứ sở còn khó nghèo chậm tiến. Thiền sư có một sự nghiệp hoằng pháp lớn lao ở hải ngoại và để lại dấu ấn đậm nét qua thành tựu của Phật học Làng Mai, qua các thuyết giảng Phật pháp cho đại chúng, các nhà trường học viện, qua ghi nhận bằng các giải thưởng quốc tế danh giá. Một trong những ghi nhận đấy xếp Ngài vào danh sách ít ỏi những vị Thầy có đóng góp lớn cho Phật giáo bắt đầu bởi Đức Phật Thích Ca mâu ni và Ngài ở vị trí thứ 10- điều này có sức nói rất nhiều về cuộc đời Ngài.


Rời tổ quốc khi còn chiến tranh nghi ngút khói lửa, đi rồi về rồi ra đi, tấm lòng Thiền sư lúc nào cũng đau đáu tổ quốc – nơi có ngôi tổ đình Ngài đã nhập môn tu học đầu tiên, Chùa Từ Hiếu ở cố đô. Và mọi sự an bài trọn vẹn khi Ngài viên tịch đúng 0:00 hôm nay ở chính tổ đình thiêng ấy, thọ 95 tuổi sau thời gian được an dưỡng ở mái chùa rêu cũ của ngày xưa này.


Đọc tin, dù dự cảm có nhiều, vẫn bất ngờ. Một Phật tử sơ cơ từ hơn mười năm trước ở miệt Cà Mau cuối phương  Nam lần đầu được biết đến tên tuổi thiền sư khi vị sư cô Trú trì Chùa Thành Linh cho mượn quyển sách của thiền sư chấp bút, được in ấn ở hải ngoại, nội dung về ái ngữ và trách vụ trú trì. Thấm thái từng chữ của Ngài về ngôn ngữ, ngôn ngữ nhà Phật, ngôn ngữ mang tính trị liệu và tính phương tiện.. Thấm thía về công tác trú trì qua sự dẫn giải hướng dẫn chi tiết, tận tình của một bậc cao tăng. Đấy là kỷ niệm đầu tiên về thiền sư. Rồi Ngài giảng ở Làng Mai qua yutube, một sự giác ngộ sâu sắc, một phong cách và bản lĩnh của bậc đã có chứng đắc, và một trí thức lớn về thế học.


Thiền sư đã ra đi, về với Phật, ngay trên mảnh đất quê hương chôn nhau cắt rốn, ở tổ đình gắn với buổi đầu ngài xuất gia, để lại xúc động của hàng triệu tăng ni đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế.

Ngài đã về cõi không...


Nguyễn Thành Công