Post: : Admin

Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen (tiền thân là Trung tâm Phục hồi chức năng Hương Sen), Tuyên Quang được thành lập vào ngày 20/6/1997, với chức năng, nhiệm vụ phục hồi chức năng, an dưỡng cho người khuyết tật, chủ yếu là trẻ em. Qua 18 năm xây dựng và trưởng thành, tập thể cán bộ, bác sĩ, y sĩ đã luôn nỗ lực hết mình, làm tốt công tác chăm sóc, điều trị các đối tượng bệnh nhân đến khám và chữa bệnh tại đơn vị. Bệnh viện đã làm tốt nhiệm vụ chỉ đạo công tác phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng với tổng số gần 40.000 người khuyết tật được điều trị.



Nhận thức rõ vai trò nghề nghiệp

Tuyên Quang là một trong các địa phương đầu tiên ở khu vực miền núi phía Bắc sớm quan tâm đến đối tượng thiệt thòi trong xã hội, đặc biệt là trẻ em khuyết tật. Từ những năm 90, tỉnh đã có nhiều chính sách nhằm tiết kiệm các nguồn để xây dựng một cơ sở chăm sóc sức khỏe dành riêng cho trẻ em khuyết tật. Năm 1995, Trung tâm phục hồi chức năng Hương Sen bắt đầu được xây dựng. Đây cũng là món quà mà HĐND tỉnh khóa 14 dành cho các cháu khuyết tật. Là đơn vị sự nghiệp y tế, trực thuộc Sở Y tế Tuyên Quang, Trung tâm có chức năng phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật, nuôi dưỡng và chăm sóc các cháu khuyết tật điều trị tại trung tâm và triển khai công tác phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng nhằm phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ khuyết tật.


Hoạt động của Trung tâm PHCN Hương Sen

Bác sĩ Đặng Thị Hà, Giám đốc Trung tâm cho biết phục hồi chức năng là dùng các biện pháp y học, xã hội học, giáo dục đặc biệt, kinh tế học giúp người khuyết tật từ sống phụ thuộc trở thành độc lập. Có thể chỉ độc lập một phần hoặc độc lập toàn bộ để người khuyết tật tái hòa nhập cộng đồng. Chính vì vậy, muốn phục hồi chức năng cho người khuyết tật hiệu quả, ngoài phục hồi chức năng bằng biện pháp y học, cần có các biện pháp tổng hợp, cần sự chung tay của toàn xã hội mới mang lại hiệu quả.

Do đó, song song với việc thực hiện công tác phục hồi chức năng cho người khuyết tật tại trung tâm, các cán bộ của Trung tâm đã triển khai công tác phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, xây dựng được một mạng lưới cán bộ y tế làm công tác phục hồi chức năng nhằm phát hiện sớm người khuyết tật, tư vấn, giúp đỡ người khuyết tật đến với dịch vụ phục hồi chức năng sớm, mang lại kết quả cao trọng việc phục hồi chức năng cho người khuyết tật. Giúp cho người khuyết tật ở vùng sâu, vùng xa cũng được tiếp cận dịch vụ này. Thông qua chương trình của trung tâm việc xã hội hóa công tác phục hồi chức năng cho người khuyết tật đã được nâng lên.

Có thể nói, người khuyết tật nói chung và các cháu khuyết tật nói riêng có nhiều thiệt thòi và mặc cảm, vì vậy, ngoài việc điều trị cho các cháu bằng các phương pháp phục hồi chức năng, các cháu rất cần một mái ấm tình thương, tình người. Nhờ có Trung tâm Phục hồi chức năng Hương Sen, hàng nghìn cháu đã được phát hiện, được can thiệp sớm, được quan tâm chăm sóc và hòa nhập cộng đồng. Nhiều cháu đã vượt lên số phận, thi đỗ đại học, cao đẳng. Không chỉ trực tiếp quan tâm, chăm sóc đối tượng, Trung tâm Phục hồi chức năng Hương Sen cũng đứng ra làm cầu nối để các tấm lòng hảo tâm trong xã hội đến gần hơn với các đối tượng thiệt thòi. Các tấm lòng hảo tâm đã giúp đỡ xây nhà cho các gia đình có người khuyết tật bệnh phong, làng phong Đồng Lệnh với trị giá hơn 1 tỷ đồng”.

Tích cực vì sự phục hồi của đối tượng

Với anh Đoàn Trung Việt, Thôn Hưng Kiều 1, xã An Tường, thành phố Tuyên Quang để có được những bước đi bình thường như ngày hôm nay là điều ngoài mong đợi của chính bản thân anh và gia đình. Tháng 3/2008 một tai nạn giao thông đã khiến anh bị liệt nửa người, khuyết tật về vận động. Anh được gia đình đưa đến Trung tâm Phục hồi chức năng Hương Sen với mong muốn điều trị và phục hồi sức khỏe. Đều đặn từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần anh đến để điều trị, phục hồi chức năng tại Trung tâm. Tại đây, anh đã được các y, bác sĩ điều trị bằng các phương pháp tập vận động trị liệu, tập phục hồi chức năng, điện trị liệu, đắp Parafin... Đến nay, anh đã có thể di chuyển, đi lại cũng như làm được những công việc nhẹ nhàng trong gia đình.


Lãnh đạo Trung tâm PHCN Hương Sen đón nhận quyết định đổi tên thành Bệnh viện PHCN Hương Sen

Cùng với anh Việt, đã có hàng ngàn người khuyết tật khác đã được chăm sóc, phục hồi tại Trung tâm Phục hồi chức năng Hương Sen. Sau 18 năm đi vào hoạt động, Trung tâm đã thăm khám và điều trị trên 11.000 bệnh nhân, trong đó trên 90% là trẻ khuyết tật … Riêng năm 2014 đã có trên 2.500 lượt bệnh nhân điều trị tại Trung tâm. Tỷ lệ người khuyết tật có tiến bộ và hòa nhập tốt với cộng đồng đạt trên 70%. Đa số trẻ có khuyết tật về vận động, khó khăn về nghe, nói, thiểu năng trí tuệ và tự kỷ.

 

Hiện nay, Trung tâm đã có một đội ngũ hơn 40 cán bộ, y sĩ tâm huyết với các cháu, được đào tạo chuyên sâu về phục hồi chức năng liên tục, 60 giường bệnh phục vụ bệnh nhân. Để đảm bảo phục vụ tốt yêu cầu điều trị, phục hồi chức năng cho người khuyết tật, Trung tâm đã tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học, các kỹ thuật tiên tiến vào phục vụ người bệnh như: Siêu âm điều trị, laser nội mạch, laser quang châm, kéo giãn cột sống, sóng ngắn, điện xung đa tần số, điều trị bằng từ trường, máy siêu âm kích thích liền xương, điện châm không kim, tập nhược thị, đo thính lực, tập phát âm bằng máy...

Đặc biệt, Trung tâm đã phát triển được một số kỹ thuật mà trước đây các cháu phải đi tuyến trung ương mới giải quyết được như: bó bột nắn chỉnh bàn chân khoèo, phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ, câm điếc, phục hồi chức năng sau di chứng do chấn thương, làm dụng cụ trợ giúp, chân tay giả phục vụ cho người khuyết tật bao gồm cả trẻ em và người lớn.

Để đáp ứng nhu cầu về phục hồi chức năng ngày càng cao của người khuyết tật nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng, tháng 12/2014, UBND tỉnh Tuyên Quang đã có quyết định đổi tên Trung tâm Phục hồi chức năng Hương Sen thành Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen. Với sự nỗ lực cố gắng của các y bác sĩ điều trị tại đơn vị cũng như sự quan tâm của các ngành các cấp, đến nay Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen đã trở thành địa chỉ tin cậy điều trị, phục hồi chức năng với những người khuyết tật, giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, chăm sóc tốt hơn nữa sức khỏe của người khuyết tật trong tỉnh, tập thể cán bộ, y bác sĩ của bệnh viện phấn đấu tổ chức thực hiện tốt hơn nữa lời dạy của Bác Hồ với ngành Y tế “Lương y như từ mẫu”, xây dựng mối đoàn kết trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Cùng với đó, mỗi thầy thuốc, cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện tích cực, chủ động học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng nhu cầu bảo vệ nhân dân trong tình hình mới, tiếp tục đảm nhiệm công tác chỉ đạo tuyến về phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. 


Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ