Post: : Admin

Ngài An Thanh tự Thế Cao, là Thái tử của chánh hậu vua nước An Tức (tức Iran ngày nay). Từ thuở nhỏ, Ngài nổi tiếng là hiếu hạnh, bẩm tính rất thông minh, học rộng nghe nhiều



Đại sư An Thế Cao


Những sách cổ của các nước, cho đến Thiên văn địa lý, Ngũ hành, Y phương và những học thuật khác, thậm chí tiếng nói của loài chim Ngài đều thông hiểu. Có lần cùng đi với nhiều người, gặp bầy chim én đang ríu rít, chợt Ngài xoay qua nói với người bạn đi bên cạnh: “Chim én nói sắp có người đem thức ăn đến cho chúng ta”. Quả nhiên lát sau có người đem đến thật, mọi người đều lấy làm lạ, cho nên danh tiếng Ngài sớm đã vang khắp Tây Vực. Ngài Thế Cao tuy ở tại gia mà tự giữ giới tinh nghiêm, sống trong thanh lạc, không ưa thích các thú vui trong cung đình. Khi vua cha băng hà, Ngài lên nối ngôi nhưng vốn đã hiểu rõ về lý “khổ không” ở thế gian, nên Ngài rất nhàm chán vương vị. Sau ba năm thủ hiếu, An Thế Cao nhường ngôi cho người chú rồi xuất gia tu đạo. Từ đó, Ngài chuyên nghiên tầm kinh tạng, đặc biệt là tinh thông A-tỳ-đàm và thiền học, nên càng thấu rõ chỗ nhiệm mầu của Phật pháp. 


Sau đó, Ngài đi du phương hoằng hóa khắp các nước, dần dần đến Trung Hoa nhằm năm đầu Hán Hoàn Đế (148 TL). Với trí thông minh mẫn tiệp, nghe qua một lần là hiểu, nên đến đây chưa bao lâu An Thế Cao đã thông thạo tiếng Hán, mới khởi xướng việc phiên dịch các kinh sang chữ Hán như: Kinh An ban thủ ý, Kinh Ấm trì nhập, Kinh Đại thập nhị môn, Kinh Tiểu thập nhị môn, Kinh Bách lục thập phẩm. Trước đây, ngài Tam tạng Chúng Hộ soạn thuật Kinh yếu gồm hai mươi bảy chương, sau đó ngài An Thế Cao gom lại còn bảy chương rồi dịch ra Hán văn, đó là Kinh Đạo địa. Những kinh luận được ngài Thế Cao chuyển dịch ước khoảng ba mươi chín bộ, trong đó nghĩa lý rõ ràng, văn tự chính xác, biện luận chặt chẽ nhưng không hoa mỹ, mộc mạc mà không quê mùa, khiến những ai xem đến đều phấn chấn, hài lòng. Ngài Thế Cao thấu tột lý tánh, biết được duyên nghiệp đời trước của mình, sẵn sàng trả quả, nên có nhiều hành xử kỳ đặc mà người thế gian chẳng thể nào ngờ được. Ngài kể lại, trong đời trước, đã từng xuất gia và có một bạn đồng học tánh tình hay nóng giận. 


Mỗi lần đi khất thực, gặp thí chủ cúng vật thực không vừa ý thì thường nổi giận. Đã nhiều lần Ngài quở trách khuyên răn nhưng người bạn vẫn không sửa đổi, hơn hai mươi năm như thế. Một hôm, Ngài từ biệt người bạn và nói: “Ta phải đến Quảng Châu để trả nợ đời trước, sư đệ học hiểu kinh điển không kém gì ta nhưng vì tánh quá sân giận, nên sau khi mạng chung ắt phải thọ thân xấu ác, sau này nếu đắc đạo ta sẽ trở lại độ ông”. Dặn dò xong, Ngài đến Quảng Châu, gặp lúc giặc cướp đang hoành hành. 


Trên đường đi, một thiếu niên vừa thấy Ngài liền vung đao hét lên: “Đúng là nhà mi rồi!”. Ngài Thế Cao mỉm cười nói: “Đời trước ta mắc nợ người, cho nên từ xa đến đây để trả, vừa gặp ta mà ngươi đã phẫn nộ, ắt là ý muốn từ đời trước đây”. Nói xong, Ngài liền đưa cổ ra chấp nhận bị chém để trả quả mà mặt không hề biến sắc, tên kia liền giết Ngài. 


Lúc đó, người đến xem chật cả đường đi, ai nấy đều kinh ngạc bởi việc kỳ lạ này. Thế rồi, thần thức Ngài mới trở lại làm thái tử nước An Tức, chính là An Thế Cao đời nay vậy. Sau khi du hóa đến Trung Quốc, việc dịch giảng kinh luận xong, nhằm năm cuối Hán Linh Đế (170 TL), vùng Quan Trung và Lạc Dương nổi loạn, Ngài chấn tích đến Giang Nam và nói: “Ta phải đến Lô Sơn để độ người bạn đời trước”. Thế rồi, Ngài đến miếu Hồ Đình. Miếu này vốn rất oai linh, những người thương buôn khi đi ngang mà có lễ phẩm dâng cúng cầu nguyện, thì được thần miếu cho gió thuận buồm xuôi, đi về đều an ổn. Lần nọ, có người xin một số tre, xuống miếu thưa nhưng chưa được chấp nhận mà đã vội chặt lấy. Thế rồi, thuyền đi chưa được bao xa thì liền bị lật úp, số tre tự trôi về chỗ cũ. Từ đó các thuyền nhân đều kính sợ, mỗi lần ngang qua đều khép nép giữ gìn. 


Ngài Thế Cao đi trên thuyền gồm hơn ba mươi người, đến miếu dâng vật cầu phước, thần liền giáng bảo: “Trên thuyền có sa-môn xin mời lên đây”. Mọi người đều kinh ngạc, vội thỉnh Ngài vào miếu. Thần nói: “Trước đây tôi và Ngài ở nước kia cùng xuất gia tu học, tôi thì ưa bố thí nhưng tánh tình lại nóng nảy sân giận nên nay phải đọa làm thần miếu, cai quản trong vòng ngàn dặm. Nhờ phước bố thí nên nay tôi được mọi người dâng cúng rất nhiều vật quý giá, nhưng vì sân hận tạo nghiệp nên phải chịu quả báo làm thần, nay gặp lại bạn đồng học xưa, buồn vui lẫn lộn. Giờ đây, tuổi thọ của tôi sắp hết mà thân thể thì lại xấu xí và dài lớn, nếu chết ở đây sẽ làm ô uế sông hồ, nên tôi sẽ qua cái đầm lớn ở Sơn Tây để bỏ thân. Sau khi chết, e rằng tôi sẽ phải đọa địa ngục, nên kính xin Ngài hãy vì tôi mà đem 1.000 xấp lụa và các châu báu trong miếu đi cúng dường, in kinh, xây chùa. Nhờ đó tôi mới mong được sanh về cõi lành”. 


Ngài Thế Cao bảo: “Tôi từ xa đến đây cố ý để độ ông vì sao ông không hiện hình?”. Thần thưa: “Vì thân thể quá xấu xí, quái dị, sợ người thấy sẽ kinh hãi”. Ngài Thế Cao bảo: “Cứ ra đi, mọi người không sợ đâu”. Thần liền từ gầm bàn thò đầu ra, đó là một con đại Mãng xà, không biết dài đến bao nhiêu, bò tới phủ phục bên Ngài. Ngài Thế Cao khen ngợi nó rồi chú nguyện mấy câu tiếng Phạn. Mãng xà buồn rầu rơi lệ, lát sau thì ẩn mất. Ngài Thế Cao liền thu lấy vải lụa và đồ vật, từ biệt rồi đi. Khi thuyền căng buồm xuôi dòng, Mãng xà lại hiện thân lên núi mà trông theo, mọi người thương cảm vẫy tay chào, lát sau không thấy nữa. Không bao lâu thuyền đến Dự Chương, Ngài đem phẩm vật cúng vào Đông Tự. 


Sau khi Thế Cao đi, Mãng xà mạng chung. Tối nọ, có một thiếu niên lên thuyền, quỳ gối trước Ngài xin được chú nguyện, lát sau chẳng thấy người ấy đâu nữa. Ngài nói với những người trên thuyền: “Người thiếu niên khi nãy chính là thần miếu Hồ Đình, nay đã được thoát thân xấu ác”. Khi thần miếu chết rồi, từ đó về sau, miếu không còn linh nghiệm nữa. Khi đó trong đầm ở Sơn Tây người ta thấy xác một con Mãng xà cực lớn dài đến mấy dặm. Ngày nay ở quận Tầm Dương có thôn Xà, chính là từ việc này. Sau đó, ngài An Thế Cao lại đến Quảng Châu tìm người thiếu niên đã hại mình ngày trước, hiện nay vẫn còn sống. Khi đến nhà ông, Ngài nhắc lại việc trả nợ ngày đó và kể lại nghiệp duyên đã tạo ngày trước với ông. Rồi hoan hỷ chào ông, Ngài nói: “Ta vẫn còn dư báo, bây giờ phải đi Cối Kê để trả cho xong”. Ông ta nghe qua, biết ngay Ngài là bậc phi phàm, hoát nhiên bừng tỉnh ăn năn tội lỗi ngày trước, nên cúng dường Ngài rất trọng hậu, rồi theo Ngài đi về phía Đông đến Cối Kê xem thật hư thế nào. Khi đến nơi, Ngài đi thẳng vào chợ. Bấy giờ trong chợ đang có việc ẩu đả, những người đánh nhau trong lúc lộn xộn vô tình chém nhầm đầu Ngài, ngay đó Ngài qua đời. Người khách Quảng Châu này hai lần chứng kiến quả báo rõ ràng, từ đó mới tin đạo lý nhân duyên quả báo trong Phật pháp. Việc này trong chốc lát đã lan truyền khắp nơi, ai nghe cũng đều buồn thương đau xót! Quả thật đấy là minh chứng về nhân quả ba đời, cho tất cả mọi người đều nên suy ngẫm để nhìn lại chính mình, hãy kiểm soát lấy ba nghiệp của bản thân trong mọi lúc mọi nơi để không đến nỗi vô tình tạo tội mà oan uổng trả nghiệp vậy. 



Ni sư Thích Nữ Diệu Chỉ

Giáo thọ môn Hán văn

Trích dịch từ Cao Tăng Truyện.