Ngày 28-30/09/2018 (19-21/08/AL) Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN tổ chức Hội thảo Hoằng pháp cấp khu vực dành cho 15 tỉnh, thành Miền trung và Cao Nguyên với chủ đề “Hoằng Pháp Trong Thời Đại Mới”. Tập kỷ yếu Hội thảo lần này được ứng dụng quét mã hóa QR code cho các bài tham luận, lần đầu tiên được ứng dụng trong Hội thảo của Phật giáo tại Việt Nam.
- Phiên họp chuẩn bị Hội thảo 'Hoằng pháp trong thời đại mới' tại Khánh Hòa
- HT.Thích Bảo Nghiêm: Hoằng pháp thời công nghệ số đặt ra nhiều thách thức
Nội dung Hội thảo Hoằng pháp cấp khu vực Miền trung và Cao Nguyên lần này nhằm cụ thể hóa nội dung của Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ VIII (2017-2022). Trong nội dung Nghị quyết đã nêu: “Đổi mới, sáng tạo trong sự nghiệp hoằng dương chánh pháp, trong phương thức hướng dẫn Phật tử… Và đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh hoằng pháp”. Đây quan điểm mới, có tầm chiến lược quan trọng để định hướng cho các hoạt động Phật sự ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào công tác quản lý Giáo hội và truyền tải thông tin, tư tưởng Phật giáo đến với quần chúng nhân dân.
Nắm bắt được tình hình mới của thời cuộc, chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội đã chỉ đạo quyết liệt ứng dụng khoa học công nghệ vào việc Hoằng pháp lợi sanh nhằm đạt hiệu quả cao nhất, đồng thời tiết kiệm được công sức, thời gian và tiền bạc trong công tác truyền thông – hoằng pháp Phật giáo.
Ngày nay, hầu hết mọi người đều quen thuộc với các trang mạng xã hội như Facebook, zalo, google… Các thông tin video, hình ảnh, văn bản của cá nhân, tổ chức muốn cập nhật, đưa lên hết sức đơn giản, dễ dàng, nhanh chóng, chi phí rất thấp và đặc biệt nếu muốn có thể cho phép tất cả mọi người vào xem thông tin cùng lúc và được lưu trữ lâu dài.
Hội thảo Hoằng pháp lần này tổ chức tại tỉnh Khánh Hòa diễn ra từ ngày 28-30/09/2018 (19-21/08/AL), Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN đã quyết định biên tập tập kỷ yếu của Hội thảo Hoằng pháp dưới dạng mã hóa QR code, thay vì in tập kỷ yếu thành sách như truyền thống vừa nặng nề khi di chuyển, vừa tốn kém tiền bạc và hiệu quả lại không cao. Lần này, mỗi bài tham luận của chư Tôn đức gởi về, Ban tổ chức biên tập mã hóa mỗi bài tham luận một mã hóa QR code. Trên mã code này, chư Tôn đức tham dự Hội thảo có thể dùng điện thoại thông minh, laptop có kết nối internet, sử dụng phần mềm zalo, viber để quét mã QR code của bài cần đọc, lập tức bài tham luận ấy sẽ hiện ra.
Đây là tập kỷ yếu đầu tiên sử dụng công nghệ quét mã QR code trong Hội thảo Phật giáo và trong các hội thảo trên toàn quốc. Thiết nghĩ, đây là cách làm mới, thiết thực, hiệu quả cần được nhân rộng ra để tiết kiệm công sức, thời gian, tiền bạc cho cá nhân, cho tổ chức, đồng thời phù hợp với kỷ nguyên công nghệ di động.
Hưng Phú