Post: : Admin

Chẳng biết ngọn núi cao khoảng hơn 200 mét còn sót lại giữa vùng đất này đã ngừng tuôn trào phún thạch tự bao giờ. Nhưng đã bao đời qua, lớp lớp cư dân đã quần tụ quanh núi với rẫy nương gặt hái bội thu. Cư M’gar theo tiếng dân tộc Ê Đê có nghĩa là núi lửa; và có người còn nói đúng ra phải gọi đó là Núi Hoa mới đúng.




Cư M'gar đất thắm mùa hoa

Không biết hoa ở đây có phải là hoa lửa do núi lửa phun trào hay hoa trên núi? Hoa của vùng Cư M’gar không nhiều, không rực rỡ sắc màu tươi đẹp như Đà Lạt; nhưng hoa ở đây quấn quyện với mọi người, mọi nhà, suốt quanh năm tứ thời bát tiết; đó là dã quì rực rỡ, là hoa cà phê, hoa bắp, hoa muồng, thậm chí cả hoa lau...cũng có mùi thơm rất lạ!”



Một người bạn từng sống ở đây mấy mươi năm trước, nay mới từ xa về, đã nói với chúng tôi về Cư M’gar như thế. Và chúng tôi đã lên đường trở lại Cư M’gar vào những ngày đầu tháng 12..Mùa này hoa dã quì không còn rộ vàng tươm, men dọc những con đường xã nối xã, thôn nối thôn; cà phê cũng đang cuối mùa thu hoạch, nhưng đây đó vẫn còn hoa trắng phảng phất hương thơm nhẹ nhàng, không quá nồng như vào lúc giữa mùa ngút ngàn hoa nở...


Bước vào một khu vườn của người đồng bào Ê Đê, ở cách trung tâm xã Ee Tul khoảng 3 km, cả một không gian hoa với những cẩm tú cầu xanh, trắng đan xen đủ sắc màu hoa cúc, và có cả lys hồng...bên cạnh những bụi thanh long đeo bám trên gốc mít, gốc me cao ngất ngưởng , lúc lỉu trái đỏ , trái xanh và hoa. Bên cạnh là sân phơi, một góc óng ả những hạt cà phê chín đều tươi một màu đỏ chói, một góc là những hạt đã qua mấy ngày thẫm nắng đang chuyển sắc nâu…


Tây nguyên đại ngàn Cư M'gar trong nắng chiều.


Buôn này nối buôn kia là những rẫy bắp, nơi đang chờ thu hoạch, trái nào cũng to cỡ cườm tay, chắc khá nặng cây không đỡ nổi nên trái nào cũng phải nghiêng lệch hẳn qua một bên thân. Dọc đường, gần hết đã được bê tông hóa, nườm nượp trẻ đến trường, tung tăng chấp chới khăn quàng, với ngàn ngàn bướm lượn thân thuộc không tránh khách ngang qua. Ngôi trường nào cũng kiên cố, với khoảng sân rộng cả mấy nghìn mét vuông, có hàng cây gỗ quý bao quanh, và giữa sân trường vẫn còn đó những cây rừng nguyên thủy cỡ cả chục em nối vòng tay mới ôm trọn gốc..Tất cả đó chẳng là những cánh hoa hôm nay và tương lai của cả vùng Cư M’gar này đó sao?

ĐẤT GIỮ CHÂN NGƯỜI

ĐẤT GIỮ CHÂN NGƯỜI

Cư M'gar là một trong 15 huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh Dak Lak. Trước năm 1945 vùng đất này thuộc quận Ban Mê Thuộc (Buôn Ma Thuột), tháng 8-1975 Cư M’gar hợp nhất vào huyện Buôn Hồ. Tháng 7-1977, huyện Buôn Hồ tách , Cư M’gar về huyện Ea Súp. Huyện Cư M’gar được thành lập ngày 23/01/1984 theo Quyết định số 15-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), lúc này toàn huyện chỉ có gần 41.200 người, gồm 3 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn 8 xã, và vẫn là một địa danh tưởng đâu xa tít tắp trong núi thẳm rừng sâu, dù chỉ cách thị xã Buôn Ma Thuột , thủ phủ của Dak Lak và cả vùng Tây Nguyên, chỉ hơn 10 km.


Chàng trai Ê đê cùng cô thôn nữ bên bờ sông.


Sau 32 năm thành lập, Cư M’ga đã có quá nhiều thay đổi, trở nên một trong những người chị em gần gũi, thân thiết gắn bó với thành phố Buôn Ma Thuột, không chỉ vì vị trí quan trọng của mình. Với tổng diện tích tự nhiên hơn 82.443 ha, hơn 70% là đất đỏ bazan..”Đó thực sự là món quà vô giá mà Mẹ Tự nhiên đã ban tặng cho dân cư vùng này, qua dòng nham thạch tuôn trào của ngọn núi lửa từ ngàn xưa". Chắc chắn, trước dòng phún thạch nóng bừng, cháy rụi núi đồi, người xưa đã hoảng hốt kéo nhau và bầy đàn gia súc trốn chạy, núp ẩn hay di dời tới một chốn khác để tiếp tục săn bắn, hái lượm tồn sinh..Đã nghìn năm tháng tháng qua đi, dòng nham đã biến thành suối mật, thành những bình nguyên đất đỏ luôn giữ chặt lấy chân người đã dừng chân, đã đến.


Theo số liệu ghi nhận được, hiện nay Cư M’Gar đã có hơn 174.000 dân cư, thuộc 25 dân tộc anh em (trong tổng số 47 dân tộc anh em đang có mặt trên địa bàn tỉnh Dak Lak), trong đó ngoài người Kinh (hiện chiếm 53,9%), còn có các dân tộc anh em bản địa đã đời đời gắn bó với từng con suối, khoảnh rừng như Ê Đê (đông nhất với 36,42% ), Jrai…;sau ngày thống nhất đất nước, nhiều bà con các dân tộc phía Bắc như M’nông,Dao, Thái.. cũng đã chọn Cư M’gar làm chốn dung thân, lập nghiệp. Tất cả đan xen sống giữa nhau ở 189 thôn, buôn, tổ dân phố thuộc 17 xã và thị trấn, có nơi mang những địa danh thuần Việt như Quảng Phú, Quảng Tiến, Quảng Hiệp; những địa danh mang tiếng dân tộc như Ea Pôk, Ea H’Dinh, Ea D rơng, Ea Kiết, Ea Kpam, Ea Kueh, Ea M’Droh, Ea M’Nong, Ea Tul, Ea Tor, Cư Die M’nông, Cư M’gar, Cư Suê, Cuôr Đăng..


Những cái nhà sàn mộc mạc...


Đất đai ở Cư M’gar phì nhiêu và phù hợp với nhiều loại cây trồng như cao su, cà phê..Chẳng thế mà ngay từ những năm đầu của thế kỷ trước, người Pháp đã từng tìm đến đây tìm chiếm đất lập đồn điền như ở vùng thị trấn Ea Pôk, đồn điền Cư H’Lâm vẫn còn gần như nguyên vẹn, một đồn điền cà phê khác là Santeny cũng còn cả ngôi nhà của chủ Tây cũ để lại sau 1975.

KHÔNG CHỈ CÓ CAO SU VÀ CÀ PHÊ


Chủ một trang trại hoa ở Đà Lạt cho biết: cô và gia đình đang có ý định tìm tới Cư M’gar để mở thêm một trang trại nữa ở vùng đất này. Một vài đối tác địa phương đã trồng thử nghiệm và cho kết quả tốt, không thua kém Đà Lạt, thậm chí có một vài giống hoa tỏ ra thích hợp hơn với khí hậu và thổ nhưỡng Cư M’gar. Vấn đề là giá đất hiện còn khá cao, cả tỷ đồng một hecta.. “Đất Cư M’gar là đất đẻ ra tiền mà”- Chị H’ Mai người dân tộc Ê Đê, ở gần UBND xã Ea Tuol nói. Chị khoe, một gia đình người thân, mới thu được hơn một tỷ đồng tiền nhờ bán trái bơ, gia hiện lên tới 140.000 đồng một ký, cao gấp gần 4 lần so với giá cà phê.



Mặc dù vậy cây cà phê và cao su vẫn là chủ lực của huyện. Cà phê Cư M’gar được nhiều người đánh giá là ngon nhất nhì Dak Lak. Theo thống kê toàn huyện hiện có 35.831 ha cà phê và 8740,5 ha cao su. Cà phê và cao su đã làm nên cơ nghiệp cho nhiều gia đình, sự thăng trầm về giá cả thị trường thực tế cũng làm không ít hộ lao đao, kể cả những công ty bề thế trên địa bàn huyện, tỉnh và không ít các địa phương khác trong cả nước.
Ông Nguyễn Thượng Hải, Bí thư Huyện ủy cho biết một trong số các giải pháp chủ yếu của huyện trong nhiệm kỳ 2015-2020 là : “ Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững; chú trọng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch, góp phần vào chuyển dịch kinh tế và tăng trưởng kinh tế”.


Người dân Cư M'gar đang sản xuất cà phê hạt


Ngoài hàng trăm ha cà phê đang được tái canh, chăm sóc bằng các biện pháp khoán sản phẩm minh bạch và công khai, các Cty này còn trồng thêm hàng trăm hecta muồng, bơ; xây dựng chuồng trại chăn nuôi bò theo hướng tập trung, công nghiệp những đàn hàng mấy trăm con, vừa cung cấp phân, vừa bán giống, bán thịt cho dân trong vùng và các địa phương khác.


Ở HTX Nông nghiệp-Dịch vụ Quyết Tiến, nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học trong trồng, chăm sóc cà phê nên vẫn đạt năng suất và sản lượng cao hơn hẳn các hộ khác. Cụ thể hộ ông Phạm Công Phi ở thôn Hiệp Hòa, xã Quảng Hiệp thu 2,7 tấn nhân trên diện tích 0,7 ha; hộ ông Trương Hoàng Trung thu 8 tấn trên diện tích 2,4 ha..đang làm nức lòng bà con nông dân.


Từng dàn trái gấc treo lũng lẵng...


Ngoài tái canh cà phê, gần đấy bà con cũng đang trồng xen cây tiêu và cây ăn quả trong vườn cà phê để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích. Ở các xã Ea Kpam, Ea M’nông, Ea H’ding, Ea M’Droh, Cư D’lie M’Nông năm qua cũng trồng mới thêm 300 ha tiêu, nâng tổng diện tích tiêu của cả huyện hiệc tới 1.861 ha. Việc tăng diện tích tiêu này, thực tế có làm giảm một số diện tích cà phê, điều vốn đã tới thời cỗi cằn, cần thanh lý.
Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp cũng không còn là xa lạ với bà con các dân tộc trong huyện. Hiện đã có 673 cơ sở sản xuất CN-TTCN, trong đó hơn 300 là cơ sở chế biến, bảo quản nông sản, hơn 200 cơ sở cơ khí, sửa chữa máy mốc nông cụ...thu hút hơn 1.200 lao động, giá trị sản xuất năm 2015 đạt hơn 450 tỷ đồng.ỪNG VẪN CÒN ĐÓ…SINH SÔI



Cùng với tốc độ di dân ồ ạt từ những năm trước, cùng với những bất cập trong quản lý bảo vệ rừng thời gian qua, đã làm cho rừng Dak Lak nói chung và rừng Cư M’Gar mất nhiều...Đó là thực tế, và hiện cường độ không còn dữ dội, nhưng chuyện lén lút phá rừng lập rẫy, khai thác vận chuyển trái phép cây rừng vẫn chưa hoàn toàn dập tắt được..


Rừng Cư M'gar êm ả trong nắng sớm...


Tổng giám đốc Cty TNHH MTV Lâm Nghiệp Buôn Ja Wầm thừa nhận. Cty hiện được giao quản lý, bảo vệ và tổ chức sản xuất kinh doanh trên diện tích 8.837 ha, trong đó diện tích rừng lại giáp ranh với các huyện Ea Súp, Ea H’leo, Krông Buk, Buôn Đôn, nên tình trạng xâm hại rừng có những diễn biến phức tạp hơn. Cty đã cho thành lập 06 trạm Quản lý Bảo vệ rừng và 04 tổ lực lượng cơ động với hơn 40 người được huy động ở các đơn vị trực thuộc về để thường xuyên tuần tra, giám sát.


“Không chỉ bảo vệ, chúng tôi còn ra sức trồng mới trên 240 ha rừng nay phần lớn đã 4-5 năm tuổi, đang có tốc độ sinh trưởng và phát triển tốt, gần 40 ha cao su và gần 90 ha cây muồng đan xen với bơ...Nhưng làm sao và đến bao giờ mới có được những khu rừng như mấy chục năm trước?” – Tổng Giám đốc Dương Văn Sơn, có chút ngậm ngùi.


Điều đáng mừng, là ngay cửa ngõ Huyện lỵ, từ thành phố Buôn Ma Thuột vào, vẫn còn nguyên vẹn một khu rừng nguyên sinh rộng mấy chục hecta, thuộc quyền quản lý của Cty cà phê EaPok. Một phần là do truyền thuyết linh thiêng của khu rừng, mà thực tế theo lời bà con các dân tộc đang sống cận kề đây xác nhận đã có không ít người bị rừng thiêng trừng phạt dù chỉ một xâm hại nhỏ...


Tuy chưa có một điều tra chính thức về tài nguyên thực, động vật ở đây, nhưng theo một vài chuyên viên với những khảo sát riêng cho biết đây là một khu rừng nguyên sinh, đặc trưng cho cả vùng Daklak và Tây Nguyên; có nhiều tiềm năng và triển vọng để phát triển thành một công viên địa chất, sinh thái tầm cỡ và ý nghĩa..


Cư M’Gar không chỉ là núi lửa trong tiềm thức xa xôi kế thừa từ bao thế hệ cư dân bản địa, mà còn là Núi Hoa của tương lai, núi hoa ấy đang từng bước sinh sôi phát triển.


Bài: Phùng Huyên - Hùng Nghị

Ảnh: Đoàn Bắc