Post: : Admin

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại vườn ông Anàthapindika. Rồi một vị Thiên đi đến đảnh lễ, sau khi đãnh lễ, bạch Thế Tôn:



- Thưa Tôn giả, làm sao Ngài vượt khỏi bộc lưu?

- Này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu.
- Thưa Tôn giả, làm sao không đứng lại, không bước tới, Ngài vượt khỏi bộc lưu?
- Này Hiền giả, khi Ta đứng lại, thời Ta chìm xuống; khi Ta bước tới, thời Ta trôi giạt. Do vậy, này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu.
Vị Thiên đáp: 
Từ lâu, tôi mới thấy
Bà la môn tịch tịnh
Không đứng, không bước tới
Vượt chấp trước ở đời.
(Kinh Tương Ưng Bộ I, chương 1, phẩm Cây lau)

Vượt qua vòng xoáy cuộc đời


SUY NGHIỆM:

Ai đã từng dấn thân khám phá, chinh phục thiên nhiên thì đã có lần băn khoăn trước ghềnh thác hiểm trở, nước xoáy ầm ào (bộc lưu), nghĩ cách vượt qua nó mà không bị nhấn chìm hay cuốn trôi? Bằng tài trí thông minh cùng với sự khéo léo, cuối cùng một số người cũng qua được bờ kia an toàn. 
Cũng vậy, đứng trước dòng xoáy cuộc đời với vô vàn cám dỗ và cạm bẫy, hạnh phúc và khổ đau, được mất và hơn thua, yêu thương và thù hận… con người cũng loay hoay, ta phải vượt qua nó bằng cách nào? Một câu hỏi lớn cho không riêng gì loài người mà ngay cả loài Trời cũng phân vân, bối rối. 
Thế Tôn đã mượn hình ảnh vượt qua dòng nước chảy xiết đầy hiểm nguy để minh họa cho quá trình tu tập thoát ly phiền não, sanh tử thật sinh động. Chính Ngài đã vượt qua dòng xoáy sanh tử ấy và truyền lại cho hậu thế bằng kinh nghiệm xương máu của mình: Để vượt qua dòng xoáy cuộc đời là không đứng lại và cũng không bước tới, tức sang bờ bên kia. 
Có điều là nếu “không đứng lại” thì đi tới và “không bước tới” thì đứng lại chứ không đi cũng không đứng thì biết làm thế nào? Và làm sao không đi tới cũng không đứng lại mà sang được bờ kia? Ấy vậy mà Thế Tôn và các vị Thánh đệ tử của Ngài đã làm được.
Cố nhiên vượt qua ghềnh thác cuộc đời khó hơn bội phần so với thác ghềnh thiên nhiên nên kỷ thuật cũng đặc biệt hơn. Không đứng lại, bởi theo Thế Tôn, nếu đứng lại lập tức bị nhấn chìm. Đứng lại là chấp thủ, bám víu mà làm sao bám víu được khi mọi thứ đang trôi chảy? Bị cột chặt, trói buộc tất phải chìm đắm. 
Không bước tới, vì theo Thế Tôn, nếu bước tới sẽ bị cuốn trôi. Bước tới là đắm trước, dính mắc vào trần cảnh, chạy theo sự sai sử của dục vọng mà dục vọng của chúng sanh thì vô tận, không có bến bờ. Dòng xoáy của tham dục sẽ cuốn phăng tất cả, sẵn sàng đạp lên mọi thứ kể cả nhân nghĩa. Một đời lao đao lẫn lộn buồn vui, thành công và thất bại… để rồi ra đi với hai bàn tay trần và chẳng biết về đâu chẳng phải trôi giạt là gì?
Vậy nên, người đệ tử Phật thận trọng vượt qua dòng xoáy cuộc đời bằng chánh niệm tỉnh giác, thấy rõ như thật bản chất giả huyễn và hư ảo của cuộc đời. Không chấp thủ, nhất là không cố bám víu vào tự ngã, nắm giữ cái tôi và cái của tôi nhờ thấy rõ vạn pháp duyên sinh như huyễn. Không đắm trước với mọi thứ, muốn ít và tự biết đủ, làm chủ được mình trước mọi cám dỗ của cuộc đời.
Và cứ như thế, hành giả sang đến bờ bên kia, chấm dứt phiền não, sanh tử, khổ đau.
QUẢNG TÁNH