Post: : Admin

Giáo dục Phật giáo là một bộ phận cấu thành của văn hóa Phật giáo. Nếu như văn hóa Phật giáo là một bức tranh sinh động đầy màu sắc thì giáo dục Phật giáo được xem là điểm nhấn quan trọng tạo nên cái hồn, nét thẩm mỹ của bức tranh ấy.



Hòa thượng Thích Minh Đáo giáo thọ sư Trường Trung cấp Phật học Đồng Nai. Ảnh: Lê Huỳnh Nhân

Hòa thượng Thích Minh Đáo giáo thọ sư Trường Trung cấp Phật học Đồng Nai. Ảnh: Lê Huỳnh Nhân


Chính vì vậy, từ trước tới nay, các nhà giáo dục nói chung và giáo dục Phật giáo nói riêng đã và đang tiếp tục đề ra các nguyên tắc, các yêu cầu, mục đích, phương hướng… nhằm góp phần đưa sinh hoạt Phật giáo nói chung và giáo dục Phật giáo nói riêng phát triển trên một tầm cao mới, phù hợp với sự phát triển của xã hội.


Tuy nhiên có thể thấy, do chủ yếu hướng tới tầm vĩ mô mà nhiều khi ý kiến của các nhà giáo dục chưa thực sự đi vào các phần chi tiết, chưa sâu sát, chưa gắn với điều kiện của từng địa phương cụ thể, do đó chưa tạo được lực đẩy cần và đủ cho giáo dục Phật giáo, nhất là ở các cấp thấp.


Trên tinh thần đó, với tư cách là người đã và đang tham gia giảng dạy ở Trường TCPH tỉnh Đồng Nai, chúng tôi mạo muội đưa ra một số ý kiến của mình xung quanh vấn đề giáo dục nhằm góp phần hoàn thiện hơn hiệu quả giáo dục Phật giáo ở tỉnh nhà.


Trước hết là về vai trò của người thầy trong giáo dục: Theo chúng tôi, với tư cách của một người đứng lớp, người thầy trong giáo dục Phật giáo trước hết phải có khả năng sư phạm, khả năng truyền đạt nội dung tư tưởng của bài học. Khả năng này giúp cho người thầy dễ dàng triển khai nội dung của bài học đến với người học và ngược lại, bản thân người học cũng dễ dàng nắm bắt nội dung được chuyển tải đó một cách hiệu quả nhất. Mặt khác, không giống với các loại hình giáo dục khác, giáo dục Phật giáo chú trọng nhiều hơn đến vai trò khơi mở tuệ giác của người thầy đối với người học. Do đó, người thầy phải có năng lực trí tuệ và đời sống mô phạm, trong sáng hay ít nhất cũng có khả năng truyền đạt cảm hứng tu học chuyển hóa thân tâm đến với người học. Bởi vì, đối tượng ở cấp học này đa phần là các thầy, các sư cô mới vào đạo. Quá trình tu học và rèn luyện của họ so với các thầy, các sư cô ở các cấp học cao thực sự cần thiết hơn rất nhiều.


Nói như vậy, không có nghĩa là các thầy, các sư cô ở các cấp học cao hơn không cần sự rèn luyện. Rèn luyện là một quá trình mà bất kỳ người tu sĩ chân chính nào cũng phải thực hiện, thực hiện cả đời. Tuy nhiên, dẫu sao thì việc định hướng, tạo niềm tin cho thế hệ măng non của Phật giáo vẫn quan trọng hơn rất nhiều so với các thế hệ khác, giúp cho họ nuôi dưỡng được niềm tin, lý tưởng và hơn hết là khả năng sống hạnh phúc trong giáo pháp của Đức Phật. Chính vì vậy khả năng sư phạm và đời sống phạm hạnh của người thầy là tiêu chí hàng đầu mà giáo dục Phật giáo hướng đến không chỉ trong quá khứ, hiện tại mà còn hướng đến trong tương lai.


Thứ hai là về cơ sở vật chất: Là một trung tâm giáo dục của tỉnh với mô hình nội trú, ngoài các công trình kiến trúc phục vụ việc sinh hoạt, tu học tối thiểu của Tăng Ni sinh, nhà trường nhất thiết phải trang bị một số các cơ sở vật chất cần thiết như sau:


- Thư viện hay phòng đọc sách với nhiều đầu sách tham khảo liên quan tới các môn học thuộc chương trình giáo dục. Đây là mặt yếu nhất hiện nay không chỉ của giáo dục Phật giáo ở các cấp thấp mà còn là khâu yếu nhất của giáo dục Phật giáo ở các cấp cao hơn.


- Phòng máy tính nhằm trang bị kiến thức tin học tối thiểu cho Tăng Ni sinh để họ dễ dàng tiếp cận các chương trình học cao hơn khi có điều kiện.


-So với số lượng Tăng Ni sinh theo học Trung cấp tại các tỉnh thành khác, thì Tăng Ni sinh theo học Trung cấp ở Trường TCPH tỉnh Đồng Nai đông hơn hẳn. Do đó, nếu có điều kiện, nhà trường nên xây dựng thêm

phòng học để đáp ứng nhu cầu học tập và nâng cao chất lượng đào tạo của trường. Và đó cũng là bước chuẩn bị cần thiết để Trường TCPH tỉnh Đồng Nai tiến tới tuyển sinh hai lần trong một khóa như một số các trường Trung cấp Phật học ở các tỉnh thành khác trong cả nước đã làm.


Thứ ba, giáo dục Phật giáo là một nền giáo dục mang tính đặc thù. Do đó, nội dung giáo dục cũng phải mang tính đặc thù. Tính đặc thù này đòi hỏi giáo dục Phật giáo không chỉ cung cấp tri thức cho Tăng Ni sinh mà còn phải hướng họ tới sự giải thoát giác ngộ.


Chính vì vậy, việc kết hợp giảng dạy nội điển và ngoại điển trong các cơ sở giáo dục Phật giáo là nhu cầu hết sức cần thiết. Để việc kết hợp này mang lại hiệu quả tích cực, nhà  trường cần thảo luận lấy ý kiến số đông để hướng tới việc xây dựng nội dung chương trình nhất quán cho cấp học này, ít nhất là trong phạm vi nhà trường, tránh tình trạng tự phát, độc tôn có thể dẫn đến tình trạng trì trệ, kém phát triển đối với công tác đào tạo của nhà trường.


Trong tình hình chưa thể thống nhất nội dung giáo dục như hiện nay, nhà trường có thể theo dõi và nắm bắt chương trình, nội dung giáo dục Phật học ở các cấp học cao hơn để tránh tình trạng trùng lắp quá nhiều các môn học, gây ra hệ quả xấu cho kết quả đào tạo của nhà trường. Chẳng hạn như, về phương diện nội điển, nhà trường có thể xem xét, bỏ bớt các môn học có khả năng Tăng Ni sinh sẽ học lại ở các cấp học cao hơn, cung cấp thêm một số môn học thuộc truyền thống Phật giáo Nam tạng, đặc biệt là giới luật để Tăng Ni sinh có cái nhìn toàn diện hơn về Phật giáo.


Về ngoại điển, căn cứ vào trình độ sử dụng ngôn ngữ của Tăng Ni sinh, chúng tôi thấy rằng, nhà trường nên đưa môn Tiếng Việt thực hành vào chương trình giáo dục để cung cấp thêm tri thức ngôn ngữ và phương pháp tổ chức văn bản cho Tăng Ni sinh. Đây là môn học cần thiết nhưng cho đến nay có lẽ chưa trường Trung cấp nào trong cả nước đưa môn học này vào nội dung giảng dạy.


Về ngoại ngữ, ngoài trang bị kiến thức Anh ngữ, Hán ngữ cổ đại, nhà trường cũng nên trang bị thêm ít nhất hai ngoại ngữ thông dụng khác trong Phật giáo là Hán ngữ hiện đại và Pali nhằm giúp cho Tăng Ni sinh có đủ khả năng tham gia các kỳ thi tuyển sinh ở các cấp học cao hơn khi ra trường.


Tuy nhiên, cần thấy rằng việc đào tạo ngoại ngữ cho Tăng Ni sinh là một việc làm rất khó khăn không chỉ riêng ở cấp học Trung cấp mà còn xảy ra ở các cấp học cao hơn và cũng không chỉ trong giáo dục Phật giáo. Khó khăn này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là khả năng tiếp thu ngôn ngữ hạn chế của Tăng Ni sinh.


Do đó theo chúng tôi, nếu có điều kiện, thay vì giảng dạy theo mô hình đồng bộ như hiện nay, nhà trường nên phân loại và tổ chức nhiều lớp ngoại ngữ dành riêng cho những Tăng Ni sinh ưu tú để sau khi tốt nghiệp Trung cấp, nếu có điều kiện họ hoàn toàn có khả năng du học trực tiếp cấp học cao hơn ở nước ngoài. Về phương diện quản lý giáo dục, nhà trường nên tổ chức, quản lý nội dung chương trình giảng dạy và học tập của người đứng lớp và Tăng Ni sinh. Tất cả các thành viên tham gia giảng dạy phải trình qua Ban giám hiệu giáo án giảng dạy của mình và Ban giám hiệu có trách nhiệm và quyền hạn xem xét, đánh giá và định hướng nội dung giảng dạy của họ: Phải đảm bảo hàm lượng tri thức, độ khái quát cần thiết, thời gian chuyển tải nội dung…


Ngoài ra, cần thấy là nhu cầu học tập của Tăng Ni sinh tỉnh Đồng Nai là rất lớn. Để đáp ứng nhu cầu này, nhà trường nên lập hồ sơ xin phép tuyển sinh gối đầu mỗi khóa hai lần như một số trường Trung cấp ở các tỉnh khác đã làm. Bên cạnh đó, nhà trường có thể rút ngắn chương trình đào tạo từ 4 năm xuống 2,5 - 3 năm như một số cơ sở giáo dục ở các tỉnh khác đã làm.


Cuối cùng và không kém phần quan trọng là nhà trường phải lập chế độ thi cử và đánh giá thật công bằng, nghiêm túc nhằm cải thiện hơn nữa chất lượng đào tạo của nhà trường, tránh tình trạng thi cử đại khái, qua loa. Trong nhiều trường hợp cần tổ chức thi lại hoặc đánh rớt những Tăng Ni sinh có bài thi chưa đạt yêu cầu. Ngoài ra, để đảm bảo tính hệ thống, tính tương tục trong giáo dục, nhà trường cần có chiến lược định hướng Tăng Ni sinh theo học tiếp tục các cấp học cao hơn không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài bằng các hoạt  động thiết thực, cụ thể như ôn thi, giới thiệu Tăng Ni sinh với các cơ sở giáo dục khác trong và ngoài nước v.v…


Trên đây là một số suy nghĩ của chúng tôi về hoạt động giáo dục của Trường TCPH tỉnh Đồng Nai. Kính mong nhận được sự quan tâm của chư Tôn đức giáo phẩm, hy vọng những ý kiến này sẽ góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo của nhà trường trong tương lai.


HT. THÍCH MINH ĐÁO
Giáo thọ môn Kinh Pháp bảo đàn