Post: : Admin

Theo “Đại Phẩm” trong Luật Tạng ghi rằng, sau khi đức Phật thành đạo, đức Phật đã thuyết bài pháp đầu tiên cho 5 Tỳ kheo ở vườn Lộc-dã-uyển. Các vị Tỳ kheo này đều tin tưởng thọ học và trở thành đệ tử của Ngài.



 Sự hình thành giáo đoàn Phật giáo

Đây chính là giai đoạn thành lập giáo đoàn đầu tiên trong Phật giáo, ngoài ra, đức Phật khuyên dạy 60 vị đệ tử của mình rằng: “Các thầy đã giải thoát khỏi mọi trói buộc, hãy du hành vì lợi ích cho tất cả chúng sinh.” Đây là dấu hiệu quy định đơn giản cho phương thức sinh hoạt của giáo đoàn Phật giáo vào thời kỳ đầu. Quy định về đời sống du hành của Tỳ kheo như thế này không phải chỉ riêng Phật giáo mới có, như đã tường thuật ở trước. Theo “Kinh Sa môn quả”, các vị Lục sư ngoại đạo đều là những người lãnh đạo quần chúng (saṁghin), cũng là người lãnh đạo của tập thể hành đạo (gaṇin), là bậc đạo sư của tập thể hành đạo (gaṇācariya). Họ đều là những bậc tri thức uyên bác, danh giá cao quí, là hạng người thủy tổ, được mọi người tôn sùng, họ đều là những vị xuất gia lâu năm, những bậc trưởng thượng dày dạn kinh nghiệm. Như vậy, đoàn thể tu tập do các vị Sa môn lãnh đạo, cũng là một Tăng già (saṁgha, dịch âm tiếng Hán là Tăng già, hay là Tăng đoàn) hay đoàn thể hành đạo (gaṇa), tuy nhiên ý nghĩa của từ này trong cách dùng của xã hội học, chính trị học là một “tập đoàn sinh hoạt”. Do đó, điều này mang nghĩa là qui y nương tựa vào những vị du hành giả là những người nói pháp làm bậc đạo sư, hình thành một đoàn thể.

Vào thời kỳ đầu, các vị Sa môn theo Phật giáo được gọi là “Sa môn Thích Tử” (Sakyaputtiya Samaṇa), giáo pháp của đạo Phật gọi là giáo pháp của Thích Tử (Sakyaputtiya Dhamma), như vậy ở thời kỳ này Phật giáo cũng được xem như là một phái của những người sống đời sống du hành. Tuy nhiên, Phật giáo thời kỳ đầu chưa có khuynh hướng phân phái, chỉ lấy việc tu tập hoằng hóa giáo pháp làm mục đích. Sự giác ngộ của đức Phật được gọi là Chánh-đẳng-giác (Sammā Sambuddha), sau khi Phật nhập diệt, giáo đoàn Phật giáo không đề cử người lãnh đạo, lấy quan điểm nương tựa chính mình, nương tựa chánh pháp làm mục tiêu. Như vậy, do mục đích phổ biến chánh pháp mà hình thành các đoàn thể “Tăng già” ở các nơi, sự phát triển này dần dần về sau hình thành quan niệm “tứ phương Tăng già chế độ”, cộng đồng sinh hoạt này phát triển từ một đoàn thể Tăng già nhỏ thời Phật giáo nguyên thủy, nhưng cho dù đoàn thể Tăng lữ nào trong Phật giáo tất cả đều lấy đức Phật và giáo pháp của ngài làm mục đích.


Thích Hạnh Bình dịch

(Trích từ Khái Luận Lịch Sử Phật Giáo Ấn Độ)