Post: : Admin

Truyền thuyết cho rằng, sau khi thái tử Tất-đạt-đa thọ nhận bát sữa cúng dường của một thiếu nữ trong thôn, sau đó Ngài xuống giòng sông Ni-liên-thiền tắm gội, khôi phục lại sức lực, ngồi dưới cây Bồ đề trầm tư quán tưởng, cuối cùng giác ngộ thành đạo.



Nội dung thành đạo và giác ngộ của đức Phật

Lúc đó, ngài được 35 tuổi (một nguồn tư liệu khác cho rằng năm ấy Ngài 30 tuổi). Thời gian thành đạo của đức Phật nguồn tư liệu Nam truyền và Bắc truyền ghi chép không giống nhau, Phật giáo Bắc truyền cho là ngày mùng 8 tháng 12 âm lịch, Phật giáo Nam truyền cho là ngày trăng tròn tháng “Tỳ-xá-diệt”. Nơi đức Phật thành đạo về sau cho là Buddha-gayā, nay là Bodh-Gayā (Bồ Đề đạo tràng).

Nội dung đức Phật giác ngộ dưới cây Bồ đề các kinh điển trong Phật giáo ghi chép không giống nhau. Theo “Đại Phẩm” trong Luật Tạng cho rằng, sau khi đức Phật thành đạo, ngài suy tư về hai chiều thuận và nghịch của 12 nhân duyên. Tuy nhiên vấn đề này trong “Kinh Trung Bộ” giải thích có sự liên hệ giữa thành đạo và khổ hạnh, cho rằng ngang qua tu tập “Tứ thiền” đạt đến giác ngộ. Trong đó “Kinh Sợ Hãi Khiếp Đảm” thuật rằng, do Ngài lãnh ngộ Tứ đế mà được giải thoát, nhưng không đề cập gì thêm nữa. Cùng vấn đề này trong “Kinh Song Khảo” (Kinh Song Tầm?) chép rằng, sau khi Ngài suy tư về Tứ Đế đắc vô lậu trí, Ngài nói về Bát chánh đạo, nhưng đây không phải là bài pháp ngài đã thuyết ở vườn Nai – Lộc Dã Uyển, mà là bài pháp Ngài thuyết ở vườn Cấp- cô-độc. Hơn nữa, “Đại Kinh Saccaka” cũng chỉ ghi chép việc thành đạo là dựa vào Tứ Đế, nhưng nội dung “Kinh Thánh Cầu” thì khác với các kinh khác, nếu so với nội dung ý nghĩa “Đại Phẩm” trong Luật Tạng tương đối gần giống nhau, cách ghi chép trong “Kinh Thánh Cầu” gần với sự thật hơn so với các kinh khác, tuy nhiên cách ghi chép trong “Đại Phẩm” hàm chứa yếu tố viễn vông mang tính văn học.

Nói tóm lại, truyền thuyết về sự kiện thành đạo của đức Phật có sự liên kết đến 3 vấn đề khổ hạnh, thành đạo và sơ chuyển pháp luân. Còn về nội dung giác ngộ của đức Phật, có liên quan đến 12 nhân duyên, Tứ thiền, Tứ đế. Trước nhất từ góc độ 12 nhân duyên mà nói, ban đầu chỉ đơn giản giác ngộ mấy chi phần, về sau dựa trên nền tảng của chi phần này mà dần dần phát triển thành 12 chi phần, do vậy, thật khó hình dung việc đức Phật suy tư về 12 nhân duyên vào thời điểm thành đạo của ngài.

Thứ đến, “Tứ thiền” không thấy đề cập trong “Kinh Tập” là dòng văn học cổ nhất của Phật giáo Ấn Độ, vấn đề này có khả năng xảy ra sau khi Phật giáo phát triển khái niệm Tứ thiền mới được thêm vào. “Đại Phẩm” và “Kinh Thánh Cầu” đều chép rằng nội dung bài thuyết pháp đầu tiên của đức Phật là Tứ Đế, điều này nội dung “Kinh Chuyển Pháp Luân” cũng đề cập pháp Tứ đế. Mục đích của việc thuyết pháp nhằm thuyết minh sự chứng đắc từ bên trong nội tâm của Ngài, do đó pháp Tứ đế có liên quan đến truyền thuyết lần sơ chuyển pháp luân, như vậy thuyết Tứ đế cùng với sự kiện thành đạo có sự liên hệ.

Như vậy, nội dung giác ngộ của đức Phật, vì các truyền thuyết ghi chép khác nhau nên có sự sai biệt, vì đức Phật không đồng lòng lấy một hình thức cố định nào đó để lý giải sự giác ngộ, mà sử dụng phương pháp tùy thời tùy theo căn cơ nói pháp. Điều này mang ý nghĩa, giáo nghĩa của Phật giáo nguyên thủy sau khi biên tập chỉnh sửa, mới đem giáo lý Tứ đế và 12 nhân duyên kết nối với truyền thuyết về sự kiện thành đạo của đức Phật. Điều này cũng dễ phát hiện, vì tính chất nội dung của giáo lý Tứ đế và 12 nhân duyên, có sự liên hệ mật thiết với bối cảnh lịch sử xã hội vào thời bấy giờ. Nếu như đem sự ghi chép trong truyền thuyết về sự kiện đức Phật hàng phục ma quân, xem nó như câu chuyện dựa vào tập tục truyền thống tư tưởng của Bà la môn, thì sự kiện này lại mâu thuẫn với tư tưởng canh tân, điều này cũng đồng nghĩa, sự khai ngộ của đức Phật mang ý nghĩa, tư tưởng của Ngài đã vượt lên trên truyền thống của Bà-la-môn.


Thích Hạnh Bình dịch

(Trích từ Khái Luận Lịch Sử Phật Giáo Ấn Độ)