Post: : Admin

Có người Phật tử hỏi Thầy làm thế nào để biết rằng tu tập của mình có kết quả?



Thầy trả lời rằng: “Đầu tiên là có thể nhận ra những sai lầm của mình”, bởi vì khi không còn sai thì ngay đó đã là đúng, chứ không phải theo đuổi cái đúng mới đạt được nó. Cái đúng mà mình theo đuổi thật ra chỉ là cái đúng do mình nghĩ ra, là ảo tưởng của chính mình chứ đâu có thật.

Ví dụ như cái đồng hồ có chạy sai thì chỉ cần thay pin và chỉnh giờ lại đàng hoàng thì nó tự chạy đúng thôi, nhưng mình lại theo nhận thức chủ quan mà mày mò, lấy vít vặn cái này, vặn cái kia, sửa cái này, sửa cái nọ theo cách mình cho là đúng, làm cho cái đồng hồ càng hỏng nặng. Cho nên điều cần làm vẫn là điều chỉnh cái sai ngay trên sự kiện thực chứ không phải cố làm sao cho đúng với cái đích lý tưởng. Với nhận thức còn nhiều sai lầm của mình, dù có nghe lời nói đúng cũng dễ hiểu sai, rồi mình đem cái hiểu biết sai lầm ấy thành mục đích để theo đuổi, thành ra sai lầm lại chồng thêm sai lầm, rồi càng ngày càng rời xa sự thật.

Tại sao cứ mỗi ngày tới giờ đó là phải vô ngồi thiền? ngồi đau lưng quá trời, quá đất. Sau đó phải đấm lưng, lấy máy chạy lưng, làm đủ mọi cách mà vẫn chưa hoàn toàn hết đau? Đó là tại vì mình cứ mong tới hoài mà vẫn chưa tới. Bởi vì cái mà mình muốn đạt tới chỉ là ảo tưởng của mình, chẳng qua mình đọc trong sách rồi mình tưởng tượng ra nó là như vậy, chứ nó có thật đâu nên làm sao mà đạt tới được, có phải vậy không? Chỉ là ảo tưởng mà thôi! Vì cứ nghĩ rằng tu tập chăm chỉ thì mình sẽ đạt được cái đó, mà cái đó là cái gì thì mình không biết.

Thí dụ bây giờ khởi lên ý đồ rằng mình sẽ cố gắng nhất định phải đắc được Sơ thiền. Sơ thiền là cái gì mình không biết? Nếu biết rõ rồi thì đâu còn đặt ra thành mục đích để theo đuổi? Vì chưa biết Sơ Thiền là gì, nên mới đặt ra mục đích phải đạt tới Sơ thiền, cái mục đích mà mình theo đuổi ấy chỉ là ảo tưởng

Trong tu tập cũng vậy, mà trong cuộc sống cũng vậy. Đa số mọi người đều đang chạy theo ảo tưởng, nhưng động lực của ảo tưởng đó là gì? Đó chính là cái Ta tham, sân, si, điều đó quá rõ ràng. Khi nhìn lại thật kỹ liền thấy động lực của tu luyện chính là bản ngã tham, sân, si mà thôi

Vì vậy cho nên Thầy mới nói tu tập thật ra chỉ là điều chỉnh nhận thức và hành vi, tức là nếu mình nhận thức chưa đúng thì mình sẽ làm sai, từ cái sai đó mà nhận thức lại cho đúng, nhận thức đúng rồi thì sẽ hành động đúng, rồi tuần tự, làm sai chỗ khác, rồi lại học ra… cứ như vậy cho đến khi nào mình điều chỉnh nhận thức đến chỗ hoàn toàn không còn mê mờ gì nữa, và điều chỉnh hành vi đến không còn chỗ nào sai lầm nữa như Đức Phật đã làm, thì gọi là bậc Minh Hạnh Túc. Tu tập đơn giản chỉ là vậy.

Quá trình điều chỉnh nhận thức và hành vi cần được diễn ra với cái thực. Cho nên một người làm sai rồi nhận thức ra cái sai đó và điều chỉnh lại nhận thức, hành vi của mình thì vẫn đúng hơn là một người cố gắng rèn luyện để theo đuổi cái được cho là đúng. Bởi vì cái đúng của người còn si mê thì vẫn còn sai có phải vậy không? Khi còn mê mờ, cái mà anh ta cho là đúng thật ra vẫn còn sai. Nên chẳng thà anh ta chấp nhận mình chưa biết thế nào là đúng, thôi đành làm sai rồi ngay đó nhận ra chỗ sai mà điều chỉnh.

Cho nên Thầy mới nói:“Chẳng thà ở ngoài đời, muốn làm gì thì cứ làm rồi pháp sẽ chỉ cho thấy rằng mình sai mà điều chỉnh, còn tốt hơn là cứ đem cái bản ngã ra cố gắng ngồi tu để mà đạt được cái đúng lý tưởng nào đó. Làm như vậy mới chính là luân hồi sinh tử”.

Một số người cứ tưởng rằng muốn đắc đạo quả Alahán là phải ngồi nhắm mắt lại, rồi phải thở kiểu này, thở kiểu kia, phải làm cái gì đó… rồi một ngày kia mới trở thành Alahán được, chứ còn điều chỉnh nhận thức và hành vi, chỉ có là khi bước đi thì nhìn cho kỹ, để đừng có dẵm mảnh chai nữa. Chỉ có làm vậy thôi thì làm sao đắc được Alahán! Họ có biết đâu thật ra đó mới chính là nguyên lý để sau này đắc quả Alahán!

Đừng có tưởng là phải làm một cái gì đó ghê gớm, cao siêu. Tất cả những cái mình cho là phi thường đều là ảo tưởng. Kinh điển nói một đằng, mình lại hiểu một nẻo, xong rồi mình lại áp dụng cái mình hiểu, tưởng đó là kinh điển nói, rồi mình làm theo và tưởng đó là tu, tu như vậy cho đến suốt đời cũng chẳng tới đâu hết...

Thầy Viên Minh