Post: : Admin

Gắn bó với cái đục, cái đẽo, say sưa với gỗ và luôn mang trong mình những trăn trở về sự phát triển của làng nghề, về cái tinh hoa dân tộc, người nghệ nhân ấy đã dành cả cuộc đời say mê sáng tạo ra những tác phẩm từ gỗ tuyệt đẹp, và tận tụy trong sự nghiệp giữ gìn, phát triển làng nghề truyền thống. Đó là nghệ nhân Đăng Tự -  một người con của Làng nghề Mỹ Xuyên (Huế)



Nói đến nghệ nhân Đăng Tự là nhắc đến một con người vừa có tâm vừa có tài. Khuôn mặt phúc hậu, lối nói chuyện khiêm tốn nhưng ở con người ấy vẫn toát lên một chí khí đầy bản lĩnh, có lẽ đó một phần cũng là bản chất vốn có của một người nghệ nhân và phong thái của một người theo nghiệp thương trường từ mấy chục năm nay.

Nghệ nhân Đăng Tự bên các tác phẩm của mình

Đến thăm nơi sản xuất và trưng bày các tác phẩm điêu khắc gỗ của nghệ nhân Đăng Tự mới thấy hết những nét tinh tế, hài hòa của các bức tượng gỗ rất có hồn. Xưởng mộc của anh rộng chừng hơn 120 m2, nằm trên con  đường Phạm Văn Bạch, quận Tân Bình. Từ đầu đến cuối xưởng chỉ có lối đi hàng một, còn lại, tượng đứng, tượng nằm, tượng thô, tượng hoàn chỉnh, hàng nghìn tác phẩm…anh xếp chật cả lối đi. Chưa đủ, dọc theo vách tường dải kệ hai tầng, trên đặt tượng nhỏ, dưới xếp tượng lớn.


Nhưng trên tất cả, nghệ nhân Đăng Tự dành nhiều tâm huyết cho việc tạc những bức tượng Phật bởi ông là người học đạo, một mực hiếu kính với những bậc “chánh đẳng, chánh giác”. Những tượng Phật tổ, Phật Di Lặc, Bồ tát Quán Thế Âm, Đạt ma Sư tổ... là những tác phẩm được đầu tư khá nhiều công sức. Ông từng cúng dường tượng thờ cho một số chùa và nếu có đặt hàng thì cũng lấy giá công đức cho quý chùa. Sự sáng tạo của người nghệ nhân với đề tài này nổi bật là tác phẩm Phật Bà tòa sen, một tác phẩm được các chuyên gia mỹ thuật đánh giá rất cao tại các cuộc triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Bức tượng rất công phu, thể hiện hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm đứng trên một tòa sen vừa trang nghiêm, thanh tịnh, phảng phất sự thanh thoát, an lành của vị Bồ tát “cứu khổ cứu nạn”. Làm những sản phẩm tượng mang tính tâm linh, người thợ phải gửi sự thành kính của mình vào trong tác phẩm, bởi thế các hảo tướng trang nghiêm, thoát tục của tượng thờ cũng chính là cái tâm của người thợ.


Theo phong thủy xưa, gỗ thuộc hành Mộc, biểu tượng của mùa xuân, cũng là biểu hiện sáng tạo, nuôi dưỡng và nảy nở, tượng trưng cho sự năng động. Mộc lại chủ về Nhân nên rất phù hợp với con người. Hành Mộc thường được sử dụng để điều tiết luồng khí ồ ạt vào nhà, giúp điều hòa khí lan tỏa khắp nơi. Chính vì thế, sở hữu được một bức tượng gỗ dù để trưng bày hay thờ tự cũng làm cho căn nhà trở nên ấm cúng, sinh động. Ngày nay, nhu cầu sử dụng các sản phẩm mỹ nghệ từ gỗ được ưa chuộng, tuy nhiên để làm ra một tác phẩm thực thụ phải trải qua nhiều công đoạn.

Theo nghệ nhân Đăng Tự, mỗi bức tượng hoàn thành phải trải qua ba khâu chính đó là khâu ra tượng, tạc tượng và làm nguội tượng. Khâu ra tượng sử dụng chủ yếu kĩ thuật đục để phác thảo sơ bộ hình dung tượng. Khâu này quyết định hình khối và tỉ lệ tượng. Khâu khó nhất và công phu nhất là khâu tạc tượng với kĩ thuật đục, gọt tượng thể hiện độ chín của tay nghề. Đây là giai đoạn mất nhiều công phu để tạo nên một bức tượng. Khâu làm nguội là khâu cuối cùng để cho ra sản phẩm với độ trơn nhẵn cần thiết.

Nghệ nhân Đăng Tự quan niệm, đã làm nghề thì phải có tác phẩm để lại cho đời, mà muốn để lại cho đời không gì hơn là người thợ, nghệ nhân phải tận hiến với nghề, lục lọi, tìm tòi để tạo sinh ra những ý tưởng độc đáo cho những tác phẩm độc nhất vô nhị. Với nghề đục tượng gỗ, anh có những tiêu chí riêng mà trước hết là phải đảm bảo cái đúng của tác phẩm. Bởi sự đúng - sai sẽ phân định được tay nghề người thợ ở cấp độ nào. Mà cái đúng trước tiên là đúng tư thế, có tư thế đúng mới có tượng đúng, tư thế sai thì tượng sai, xem như là một tác phẩm lỗi, bỏ đi. Tiếp đến đó là sự đúng tỉ lệ của khuôn hình tượng. Người xưa dùng thước Lỗ Ban để định vị sự tương hợp phong thủy với các tỉ lệ được chú ý như tỉ lệ giữa các phần đầu, thân, chân; tỉ lệ vùng mặt, khoảng cách bố trí các bộ phận của tượng... sao cho ứng vào các trực lành. Người lâu năm trong nghề chỉ nhìn qua tỉ lệ của vùng đầu, tay, chân của tượng đã nhận định đạt hay chưa đạt yêu cầu. Ngày nay, phương pháp Le Cobusier để xác định tỉ lệ vàng cũng được sử dụng trong tạc tượng theo đánh giá chuyên nghiệp và thước Lỗ Ban vẫn được người thợ mộc mỹ nghệ tin dùng. Nhưng với sự từng trải và am tường kĩ thuật nghề, nghệ nhân Đăng Tự nhận định: “Lấy sách vở mà đo thì hay nhưng lấy lòng người mà đo thì chưa chắc đã chuẩn”.

Một bức tượng có thể đúng nhưng vẫn chưa đạt giá trị thẩm mỹ. Bởi vậy, nghề tạc tượng mỹ nghệ còn phải hướng đến giá trị khác mà không phải ai cũng làm được, đó là thổi một cái hồn sống cho tượng gỗ. Nghệ nhân Đăng Tự quan niệm, bức tượng có hiệu ứng thẫm mỹ phải là bức tượng sống, như một con người thật, tồn tại với một linh hồn riêng, khiến người xem trực nhận được sự hiện hữu của nó. Nhưng thổi hồn cho một tượng gỗ là việc cực kì khó bởi nếu không yêu nghề, không vận dụng trí lực và sự tài hoa vào mỗi nhát đục, gọt thì chỉ tạo ra những bức tượng khuôn mẫu, cứng nhắc.

Với ông, bí quyết để thành công trong nghề không gì hơn là sự học hỏi, mắt thấy tai nghe mà bắt tay vào công việc. Quan sát tốt thì học tốt, mà học tốt thì phải làm tốt. Tiếp đến là năng lực tưởng tượng, điều làm nên sự khác biệt của những người thợ. Ai năng lực tưởng tượng tốt thì nhát đục sẽ cứng, chính xác và quan trọng là nảy sinh ý tưởng sáng tạo. Và chính sự sáng tạo là đòn bẩy đưa một người thợ lành nghề thành một nghệ nhân giàu ý tưởng công việc. Do vậy, nghề chạm khắc tượng gỗ là sự kết hợp nhuần nhị giữa nghề và nghệ. Tay nghề trước hết phải vững, rồi mới tính đến chuyện nghệ thuật. Bởi gỗ không vô tri, chỉ những người thật sự biết bầu bạn cùng gỗ mới biến gỗ thành một phương tiện dụng ngôn đầy ý tưởng.

Nghệ nhân Đăng Tự được mọi người “phong” cho biệt danh là “Hình dung tạc tượng”, nghĩa là chỉ nhìn vào gỗ nguyên liệu đã thấy bức tượng hoàn chỉnh nằm ở đó rồi. “Mắt nghề” bao năm đã vun bồi năng lực ấy, và đến nay, chỉ một cái nhìn và vài nhát đục phác thảo của ông, mọi tỉ lệ cần thiết của bức tượng đã chỉn chu, chính xác.

Vượt lên trên tài năng của nghề, nghệ nhân Đăng Tự quan niệm “nghề cũng cần có cái đạo của nghề”. Nghề có đạo đức mới là nghề bền vững, bỏ qua đạo đức là sự chân thật và mẫu mực thì đó là những kẻ phá nghề. Bởi nghề chạm khắc tượng không đơn giản là việc bỏ công lấy tiền mà còn thể hiện tâm hồn thanh khiết của người thợ. Chỉ cần nghề giỏi thì rất dễ kiếm tiền, nhưng ham làm tiền thì sẽ đánh mất mình lúc nào không biết. Tuy nhiên, một thực trạng được cho phép đó là tùy theo mức giá trị của từng tượng mà người đặt yêu cầu thì sẽ cho ra đời những tác phẩm phù hợp mức giá. Bởi vậy, có tiêu chí dùng giá để phân định tay nghề thật giả.

Hơn 1/2 cuộc đời gắn bó với nghề, Nghệ nhân Đăng Tự đã vinh dự được phong tặng nhiều danh hiệu cao quý: Nghệ nhân quốc gia, Danh hiệu bàn tay vàng, ... cùng hàng chục giải thưởng ở các cuộc thi sản phẩm nghề trong nước và quốc tế. Xưởng mộc mỹ nghệ của ông bao nhiêu năm qua đã đào tạo hàng trăm học trò, họ luôn tự sống được với nghề ở khắp bốn phương trời. Mỗi năm cơ sở của ông vẫn tiếp tục đào tạo nghề từ 5 - 20 học viên. Đặc biệt, có những lớp là con em gia đình có hoàn cảnh hết sức khó khăn, ông bao tiêu trọn gói cho các em học nghề và nhiều em đã thành công, sống vững vàng với nghề chạm khắc gỗ. Lòng yêu nghề, đam mê sáng tạo và giúp đỡ người khác là ngọn lửa luôn cháy sáng để soi rọi những ngày tháng gian nan, thử thách.

Những thành công của nghề cũng như sự thành đạt của học trò là một trong những động lực rất lớn đối với nghệ nhân Đăng Tự. Dù đi đâu, làm gì, người con làng Mỹ Xuyên vẫn gửi gắm những tình cảm thiêng liêng của mình dành cho nơi chôn nhau cắt rốn. Hàng năm, với thiện tín quê nhà, ông cũng dành nhiều thời gian và công sức để thực hiện các chương trình từ thiện nhân đạo tại quê hương. Hiện ông đang có kế hoạch xây dựng làng nghề truyền thống mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên tại TP.HCM; đây cũng là cơ hội quảng bá hơn nữa các sản phẩm của làng nghề có tiếng ở Huế, làm nên thương hiệu chuyên nghiệp trên thị trường.

Địa chỉ tham khảo:

Gỗ mỹ nghệ cao cấp Đăng Tự

385 Phạm Văn Bạch, P15, Q.Tân Bình

Mobile: 0938.480.118 - 0962.378.468

www.tuonggodangtu.com




Khách hàng đến tham quan chụp hình lưu niệm









Thiện Hải