Post: : Admin

Rời gia đình năm 1994, và có phúc duyên được Thầy nhận làm đệ tử, được Thầy giáo dưỡng, con trưởng thành từng ngày. Hoàn tất chương trình Trung học Phổ thông, năm 2000 con được Thầy cho vào học trường Trung cấp Phật học Đồng Nai, khóa IV. Năm 2004, con được Thầy cho thọ Đại giới. Tốt nghiệp Trung cấp Phật học, con lại được Thầy cho phép học lên Học viện Phật giáo tại TP.Hồ Chí Minh, khóa VI.



Đại đức Thích Quảng Duy trụ trì chùa Phước Viên (Tân Hiệp, Biên Hòa, Đồng Nai) tiếp nến từ cố HT.Thích Quang Đạo tại buổi lễ Vía Đức Phật thành đạo năm 2017.

Đại đức Thích Quảng Duy trụ trì chùa Phước Viên (Tân Hiệp, Biên Hòa, Đồng Nai) tiếp nến từ cố HT.Thích Quang Đạo tại buổi lễ Vía Đức Phật thành đạo năm 2017.


Cảm thấy bản thân trước giờ luôn được Thầy chăm lo săn sóc mà chưa làm được gì báo ân Sư phụ, năm 2009, tốt nghiệp Học viện Phật giáo, con liền trở về chùa xin được làm thị giả Thầy. Thầy nói: “Con lớn rồi mà làm thị giả gì, con làm quản chúng đi”. Thế là con trở thành quản chúng, trợ duyên, chăm sóc và dạy dỗ quý chú Sa di và các điệu. Trong khoảng thời gian này, đối diện với tuổi thơ ngây dại, nghịch ngợm, ham chơi, với những giải đãi, biếng nhác của các chú tiểu, con mới biết nuôi dạy chúng con ngày xưa khổ khó vạn bề, Thầy phải bận lòng gấp ngàn lần bây giờ. Lâu lâu, Thầy lại gọi con xuống chỉ dạy điều này điều kia. Thầy sợ con mệt mỏi, phiền não khi lo việc các chú. Mỗi lần được Thầy chỉ dạy, vỗ về, con như được tiếp thêm sức mạnh, thêm nhiệt tâm. Thầy nói: “Nuôi dạy con người ta khó lắm. Phải hy sinh, phải tâm lý và đặc biệt là phải biết yêu thương các chú. Hễ tâm rộng thì cảnh rộng. Gia đình người ta tin tưởng mình, gửi con cái mà họ đứt ruột đẻ ra cho mình, mình nuôi dạy không khéo thì rất nguy hiểm. Nó nghịch ngợm, chạy nhảy lỡ có chuyện chi một cái thì lúc đó họ thương con cái của họ, họ đâu còn nghĩ thầy bà gì nữa. Lúc họ gửi con cái cho mình thì lành lặn, bây giờ nó có sứt mẻ chi một cái là khó vô cùng…”. Nghe Thầy nói vậy con chỉ biết vâng dạ, và tự nhủ trong lòng là phải cố gắng trợ duyên, chăm sóc quý chú đường hoàng, không để Thầy phải lo lắng.


Có lần trước sân chùa, Thầy nhìn con với ánh mắt và nụ cười từ hòa: “Nuôi dạy chúng điệu là việc khó làm nên phước đức lớn lắm, Quảng Duy cố gắng nhé”. Với con, đây là món quà vô cùng ý nghĩa, và cũng là động lực để con hoàn thiện bản thân mình, phấn đấu hơn nữa cho lý tưởng mà mình đã chọn.
Thầy nhiều Phật sự nên đôi khi con cũng được làm tài xế cho Thầy. Được chở Thầy đi trong lòng con thật vui vẻ và sung sướng, nhưng Thầy thì lại lo lắng: “Quảng Duy đi với Thầy vậy sợ mấy chú ở chùa không ai coi. Quản chúng thì phải ở chùa lo việc chùa và dạy dỗ, dẫn dắt mấy chú tu tập. Con kiếm cho Ôn một tài xế để đưa Ôn đi”. “Bạch Ôn, mấy chú chùa mình cũng ngoan lắm Ôn”, con nói để Ôn yên tâm. Bởi vì trong lòng con cũng muốn lái xe chở Thầy đi làm Phật sự, vừa được hầu Thầy, vừa được học hỏi nhiều điều nơi Thầy. Khi chỉ có hai Thầy trò trên xe, Thầy chỉ dạy cho con rất nhiều điều bổ ích…
Năm 2013, con có nhân duyên được quý Phật tử chùa Bửu Sơn, thôn Tà Mon, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận thỉnh con về gieo duyên trụ trì. Con xin ý kiến Ôn, Ôn lặng yên một lúc rồi nói “Có duyên thì con nên đi”. Thế là con lại rời Thầy để tiếp tục con đường phía trước của mình. 
Xa Thầy khoảng 4 tháng, những lúc biết Thầy bệnh đau, con đều về thăm và hầu Thầy. Thời gian này, bệnh Thầy trở nặng, Thầy dạy con trở về chùa “Ôn giao chùa”. Con nghe Thầy nói ba chữ “Ôn giao chùa” là con khiếp hồn rồi. Nhưng cứ nghĩ mình nghe không chính xác, thì Thầy lại nói tiếp “Ôn bệnh nặng vậy mà việc chùa sắp xếp chưa xong nữa”. Con nghe như vậy trong lòng hoang mang, ngổn ngang suy nghĩ. Liền thưa: “Bạch Ôn con làm sao làm được” và tìm cách thối lui. Nhưng sau đó, một số anh em huynh đệ động viên tán trợ: “Đệ tử thì phải vâng lời Thầy…”. Thế là con im lặng để mọi việc trên Thầy sắp xếp. Con đành phải tạ từ quý Phật tử chùa Bửu Sơn để trở về phụng mệnh Thầy, con lại được nép mình trong bóng mát của Thầy. 


Đến năm 2015, nhân ngày húy kỵ Sư ông HT. Thích Thiện Minh (18/9 âm lịch), trước đông đảo Tăng Ni Phật tử, Thầy chính thức giao lại trọng trách trụ trì chùa Phước Viên cho con. Thầy nói, “để Thầy sống lâu lâu tí cho Quảng Duy đỡ mệt”. Quả vậy, mặc dù Thầy đã giao lại trách nhiệm trụ trì nhưng mọi Phật sự của chùa, con đều điều hành theo sự chỉ đạo của Thầy. Có Thầy, con không cảm thấy lo lắng, mệt mỏi hay bị gánh nặng. Thầy động viên con: “Trụ trì đã mệt rồi, nhưng trụ trì chùa mình còn mệt gấp bội phần, vì chùa mình vừa là chùa riêng, vừa là chùa Tổ, mà cũng vừa là chùa hội. Cho nên, để điều hành tốt chùa mình không phải dễ, con phải nỗ lực tu hành, tụng kinh, niệm Phật… mình tu mình dễ nói, còn mình không tu thì nói người ta khó lắm”. Con hay trình bày với Thầy là con còn nhỏ quá, mọi việc đều thấy khó khăn. Thầy trấn an con liền: “Từ từ rồi con cũng lớn, lúc trước Thầy về đây trụ trì thì cũng bằng tuổi con bây giờ thôi. Rồi mình đụng việc, mình làm, mình học hỏi, nghiên cứu… rồi mình trưởng thành”. Tâm Thầy bao la, tình Thầy rộng lớn. Thầy không phân biệt vùng miền khu vực, ai có duyên đến xuất gia với Thầy đều được Thầy cưu mang, giáo dưỡng. Đệ tử xuất gia của Thầy tuy đông nhưng hòa thuận, nhu nhuyến. Phật tử tại gia hơn vạn nhưng đều thuần tín, hiền lành.
Suốt cuộc đời Thầy luôn đối diện với bệnh tật nên Thầy cảm nhận sự vô thường một cách sâu sắc. Thầy nói: “Bệnh tật nó giáo dục mình; làm chi thì làm nhưng bệnh rồi là zero, cho nên sức khỏe là quan trọng. Còn sức khỏe thì cố gắng tu tập, làm gì được cho Đạo pháp thì làm, chứ bệnh rồi là thua”. Bởi thế nên mặc dù Phật sự rất nhiều nhưng hễ rảnh rỗi một chút là Thầy lần chuỗi niệm Phật, tọa thiền.


Thầy tiếp nhân xử thế tình cảm nhẹ nhàng, Tăng Ni, Phật tử thân sơ, quen lạ đều có thể đến gần hỏi thăm, thưa chuyện. Chùa nào hay gia đình Phật tử nào có việc gì cần đến Thầy thì Thầy đều sắp xếp thời gian đến chứng minh tham dự lễ. Các đệ tử nói Thầy giờ lớn tuổi rồi, sức khỏe cũng không được tốt nên những lễ nào quan trọng thì Thầy mới nên nhận lời đến chứng minh. Thầy dạy: “Mình có đức độ, tài giỏi gì đâu, nhưng người ta mến mình, tin tưởng mình họ mới mời nên mình cố gắng một chút. Tới đó mình vừa dự lễ, vừa hoằng dương Phật pháp, lợi lạc nhiều mặt”. Tâm Thầy lúc nào cũng thế nên nhắc đến Thầy thì các Tôn túc Trưởng lão thương mến, đồng liêu kính trọng và thế hệ trẻ dắt díu về nương.


Năm 2017, cuối tháng 6 âm lịch, bệnh Thầy trở nặng. Anh em đệ tử chúng con đưa Thầy lên bệnh viện điều trị và tịnh dưỡng. Cảm giác thân thể ngày càng mỏi mòn, Thầy dạy chúng con đưa Thầy về chùa để nghỉ ngơi, tiện bề để các đệ tử thăm viếng chăm sóc. Những sự kiện cuối đời của Thầy là những dấu ấn khắc sâu trong lòng mà con không thể nào quên. Năm ấy nhuận hai tháng 6 nên chư Tăng của chùa được sự cho phép của Thầy, kiết giới an cư vào ngày 30 tháng 4 và Tự tứ mãn hạ vào ngày 30 tháng 6 nhuận. Con xin Thầy để anh em chúng con lên đảnh lễ chúc khánh tuế Thầy. Thầy nói để qua rằm tháng 7, các huynh đệ về rồi đảnh lễ một lần luôn. Từ ngày ấy về sau, Thầy yếu dần, ăn ít, ngủ ít. Huynh đệ chúng con lo lắng lắm vì chỉ còn mấy ngày nữa là lễ Vu-lan rằm tháng 7. Đến ngày 12 tháng 7, Thầy dạy con lấy xe đưa Thầy về thăm Tăng Ni sinh trường Trung cấp Phật học Đồng Nai, nơi mà Thầy tâm huyết một đời. Trong lần sách tấn giáo giới “cuối cùng” này, Thầy đã nói rằng: “Chùa to, Phật lớn, bổn đạo đông… chỉ là bề ngoài thôi…, các con phải cố gắng tu học nghe chưa”. 1 giờ trưa ngày 13 tháng 7, Thầy lại lần nữa dạy con đem xe chở Thầy qua “thăm” Hòa thượng Phi Lai, vị Hòa thượng mà theo cách nói của Thầy là “Nghĩa thì ân sư mà tình thì pháp lữ”. Rất lo cho sức khỏe của Thầy nhưng con nào dám trái lời. Thầy qua thắp hương nói lời từ tạ Hòa thượng Phi Lai rồi liền lên xe trở lại chùa. 


Ngày 14, đặc biệt là ngày 15 tháng 7, sức khỏe của Thầy yếu dần. Huynh đệ chúng con khắp nơi hay tin lũ lượt kéo nhau về bên Thầy. Chiều 16, chúng đệ tử tập trung gần như đầy đủ, đảnh lễ rồi quây quần bên giường Thầy. Đúng 16 giờ 16 phút ngày 16 tháng 7 Vu-lan, trong tiếng niệm Phật của chúng đệ tử, Thầy đã nhẹ nhàng ra đi, để lại đàn đệ tử lớn nhỏ khóe mi tràn lệ.
Thương Thầy, tri ân Thầy, không gì hơn là anh em chúng con sống thương yêu, đoàn kết, tương trợ cho nhau trên đường tu tập và hoằng pháp. Xin là những tấm lòng cho sự viên mãn một đời tâm huyết với giáo dục và hoằng pháp, đào tạo Tăng tài kế thừa Phật pháp của Thầy.
Thầy mãi là người Thầy vĩ đại trong lòng con. Trong chuỗi nhân duyên tương tục, nguyện sẽ gặp thắng duyên với Thầy, Thầy của con.


(Trích Kỷ Yếu Cuộc Đời & Sự Nghiệp Cố Hòa Thượng Thích Quang Đạo)

Đệ tử Thích Quảng Duy