Ở xứ nọ, có một dãy núi gần biển, nơi đó có một ngôi tự viện kiến trúc theo kiểu cổ, lâu năm không được tu sửa, chịu nhiều gió mưa tàn phá.
– Đối liễn – hoành phi thiền môn
– Câu đối chùa Long Hoa tỉnh Nghệ An
Những tượng Phật ở Đại hùng bảo điện cũng bị sứt mẻ. Khách hành hương ít tới lui nên khói hương không nghi ngút, đời sống Tăng chúng cũng không mấy đủ đầy.
Phù điêu Phật giáo tác phẩm của thầy Nhuận Đức |
Ngôi tự viện này được xây dựng đã lâu nên có nét đặc trưng của lối kiến trúc cổ. Mặt trước là Đại hùng bảo điện, bên phải và trái có lầu chuông trống, hậu điện có Pháp bảo (nơi tôn trí Đại tạng kinh), ngoài ra còn có phòng khách, phòng chư Tăng và những công trình phụ. Khuôn viên ngôi tự viện có rừng trúc và tùng, trước sân chùa có hòn non bộ, đây vốn là một danh lam thắng cảnh, nhưng dần dần nó trở thành một nơi bị quên lãng.
Tiết đông lạnh buốt người. Mây trời u ám, mưa bay lất phất như một chiếc bình tưới khổng lồ. Tờ mờ sáng hôm đó, hai chú Sa-di mở cửa quét dọn, chợt thấy một chàng thanh niên đang nằm trên đống lá bên hiên chùa làm hai chú Sa-di vô cùng kinh ngạc.
Hai chú Sa-di vội hỏi: Ông là ai ? Trời lạnh thế này sao ngủ ở đây? Không có tiếng đáp lại của chàng thanh niên, nhưng trong người anh ta vẫn còn hơi ấm. Một chú Sa-di đi đến lay anh ta dậy và áp tai vào ngực để nghe thử còn thở hay không. Khi đó chú Sa-di kia đi nhanh vào nhà bếp bưng ra một bát cháo nóng và đút từng muỗng vào miệng chàng thanh niên kia. Nhờ hơi ấm của mấy muỗng cháo, anh ta dần tỉnh, nhưng vẫn trong trạng thái mơ mơ màng màng.
Lúc này, hai chú Sa-di quét dọn xong, chàng thanh niên mới chống tay ngồi dậy không ngớt cảm ơn. Ba người bọn họ hỏi qua hỏi lại, gật gật đầu trông ra rất thông cảm. Thế rồi họ kết bạn với nhau. Hai chú Sa-di nấp vào góc tường bàn chuyện bí mật, nào là làm thế nào để vị Tri sự khỏi khiển trách, nếu như có bị khiển trách thì cũng có cách để mà biện bạch; nào là làm cách nào xin được Ngài viện chủ cho anh ta được ở trong chùa, nếu không trời lạnh thế này thì đói lạnh chết mất. Than ôi ! Kế hoạch bàn tán của hai chú Sa-di chưa xong thì cuồng phong ập tới. Nguyên do vì có người báo lên thầy Tri sự việc chú Sa-di lấy trộm cháo của chúng Tăng đem cho ai đó. Sau một hồi la rầy, Thầy Tri sự quyết định xử phạt hai Sa-di tội trộm cắp để răn chúng.
Khi đó, ngài Viện chủ còn đang tọa thiền trong Thạch thất phía sau chùa, Ngài không biết sự việc vừa xảy ra. Lúc này, chú Sa-di thị giả bưng cháo ra cho Ngài dùng sáng. Sau khi Ngài dùng xong, chú Sa-di quỳ trước mặt Ngài thuật rõ lại chuyện vừa rồi. Ngài Viện chủ ôn tồn:
– Thấy người đói chết không cứu, thì lấy gì làm công hạnh của người xuất gia? Còn nếu như lương thực không đủ, Thầy xin bớt khẩu phần ăn của Thầy để cho chú thanh niên đó.
Sa-di thưa:
– Ngài tuổi già sức yếu, làm vậy e có hại cho sức khoẻ, chúng con tuổi còn trẻ, khoẻ mạnh, để chúng con được làm việc đó! Vả lại, trời lạnh thế này mà không nơi nương tựa thì đói và lạnh chết mất, xin Ngài cho anh ta ở lại trong chùa cùng với chúng con quét dọn, gánh nước, bửa củi!.
Trước lời khẩn cầu của hai Sa-di, cuối cùng đại chúng đồng ý.
Chàng thanh niên được vào ở chung phòng với những Sa-di. Họ bố trí giường và bàn ghế, đêm đêm quây quần dưới ánh đèn để học tập kinh điển hay họa vẽ hình tượng v.v… Sáng sớm thức dậy quét dọn, nấu nướng hay vào núi nhặt củi. Cuộc sống cứ thế trôi qua trong bình lặng và an lạc, ngôi chùa cũng có sinh khí hơn.
Thỉnh thoảng, họ bắt gặp chàng thanh niên giảng nói rất nhiều chuyện trong kinh như “Bổn Sanh Kinh, Vị Sanh Oán, Hiền Truyện Thiên Phật, Phật Ủy Ngạ Hổ Kinh, Lộc Mẫu Kinh, Cát Nhục Tư Ứng v.v… đều là những chuyện mà họ chưa từng nghe qua, nên mấy chú Sa-di đem chuyện trình lên Ngài viện chủ. Ngài ngạc nhiên và rất vui.
Sa-di hỏi: “Chú chưa xuất gia mà sao biết nhiều kinh Phật như vậy? Lại vẽ hình Phật đẹp thế kia?”. Chàng thanh niên chỉ cười, quay đi mà không giải thích lời nào. Cho đến truy tìm tông tích thân thế của anh, từ đâu đến, việc đó khiến anh đau muốn khóc, dường như có điều gì đau lòng khó nói ra.
Khi đó, Ngài viện chủ đã xả thất, cùng sinh họat bình thường với đại chúng. Chàng thanh niên cũng được xuất gia tu học, tụng kinh, ngồi thiền. Qua vài lần hỏi chuyện, Ngài viện chủ biết anh từ miền ngoài vào. Việc chàng thanh niên lý giải về ý nghĩa sâu xa của Kinh điển và cầm kỳ thi họa là một năng khiếu rất đặc biệt, những việc này làm những chú Sa-di vô cùng thích thú. Có lúc những chú Sa-di khuyên anh gắng sức học tập để sau này thành bậc Pháp sư, ông chỉ trả lời: “Tôi tự hổ thẹn chẳng có trí tuệ, chẳng kham nổi việc làm ấy, cốt yếu là chí thành”. Anh cũng không xem nặng về những tiểu tiết, ngược lại rất đặt nặng những hạnh nguyện phát tâm Đại thừa. Nhiều lúc anh nói năng nghe như rất ngông cuồng:
– Chủ yếu nhất tâm niệm Phật liền thành Phật sanh Tây phương, chuyện đó đơn giản như vậy sao? Chỉ sợ Tây phương cực lạc không dung nộp kiểu Phật đó đâu!
– Thế giới Tây phương Cực lạc có ai cày cấy để họ nấu cơm cháo ăn không? Vì họ quyên tiền xây chùa và vì họ tiêu phí hay không? Nhân loại ở thế giới Tây phương Cực lạc không làm mà có, không ra sức cực khổ mà thu, chuyên ăn của người khác mà tự mình thành Phật sao? Kiểu Phật đó chôn cái ý chí dần dần chết trên bảo toà, dùng vào xứ nào? Đợi cái gì? Nếu như ở trong hàng ngũ ấy, không bằng nhập vào địa ngục! Địa ngục ô uế? Cũng hơn Tây phương! Danh nhân ngày xưa tự mình ôm đá nhảy xuống sông cho là trượng phu!
– Đức Thế Tôn từng nói: “Ta không vào địa ngục thì ai vào? Vào địa ngục hoằng dương Phật pháp cứu độ chúng sanh vậy!”
Anh ngôn luận hoang đường làm một số người phản cảm, nhưng không có ai từng nói năng như anh. Chùa bị gió mưa tàng phá hư hỏng, anh cùng Tăng chúng sửa sang lại; trong chùa thiếu rau ăn, anh và những Sa-di khai phá đất ở phía sau chùa trồng rau, không bao lâu chùa dư rau ăn.
Cho đến anh phê bình về nghệ thuật điêu khắc tượng ở một số nơi thường thấy, như tượng Đức Phật Thích-ca, A-nan và Ca-diếp, họ tạc chẳng có gì khác nhau. Tính ra Tôn giả Ca-diếp so với Đức Thế Tôn lớn tuổi hơn nên khuôn mặt phải già hơn. Tôn giả A-nan so với Đức Thế Tôn nhỏ tuổi hơn nên khuôn mặt trẻ hơn, nhưng ở đó ba Tôn tượng đều làm một kiểu.
Tôn tượng và những bức phù điêu trong chùa có nhiều phần hư cũ, anh được Ngài Viện chủ giao phó sơn sửa lại, anh cùng với những vị tăng trẻ bắt tay vào công việc. Đầu tiên là sửa lại ba Tôn tượng. Tôn giả Ca-diếp lớn tuổi, pháp lực đệ nhất hạnh Đầu-đà, cho nên hình dáng của Tôn tượng phải tỏ ra nổi bật hạnh kham khổ hơn. Tôn giả A-nan đệ nhất Đa văn, người có hình dáng rất đẹp được trời người yêu thích, nhiều lần vướng nạn nhưng được pháp lực của Đức Thế Tôn chế chỉ. Những chú Sa-di hỏi sao anh biết nhiều điển tích như vậy? Ông chỉ nói “Như thị ngã văn…”
Không bao lâu, những tôn tượng ở Đại hùng bảo điện chỉnh sửa hoàn thành. Tôn tượng Đức Thế Tôn vô cùng khả kính, Ngài ngồi kiết già khuôn mặt rất từ bi hai mắt hơi nhắm lại và nhìn xuống đại thiên thế giới với tấm lòng bi mẫn, không chỉ một thế giới mà nhiều thế giới khác thấy ai cũng quỳ chắp tay chí thành đảnh lễ, đây là chủ đề Trung tâm của Đại hùng bảo điện. Đại hùng bảo điện đã hoàn thành, anh thỉnh Ngài viện chủ và toàn thể Tăng chúng vân tập để thẩm định, Ngài viện chủ rất cảm động và hoan hỷ. Do vậy anh tiếp tục làm hai tôn tượng Văn-thù và Phổ Hiền cưỡi Sư tử và Bạch tượng tùy tùng. Anh nói với những chú Sa-di: “Đây là hai vị thị giả cho Đức Thế Tôn. Một vị là Trí tuệ đệ nhất, một vị là Hạnh nguyện đệ nhất”.
Đại hùng bảo điện hoàn thành, tăng tục hương khách đến chiêm bái bất luận xa gần, Tăng chúng trong chùa đón tiếp không ngớt. Ông rất chí thành, tự tin, kham khổ làm việc từ sáng tới tối có lúc phải thâm đêm, nhiều chú Sa-di cũng hết sức phụ giúp ông làm những bức Phù điêu và chính tay ông pha màu họa vẽ. Vì để hương khách của chùa ngày một hưng thịnh, tăng chúng khắp nơi vân tập để tu học, nên ông họa thêm những bức Phù điêu bên phải và trái trong Đại hùng bảo điện. Ông cùng Ngài viện chủ nghiên cứu sưu tầm tư liệu trong Đại tạng kinh. Sau đó, những bức họa được hoàn thành, đó là hình ảnh phẩm Vấn Bệnh trong kinh Duy-ma-cật. Bên phải là Duy-ma-cật râu tóc bạc phơ biện tài vô ngại, bên trái là Văn-thù-sư-lợi với trạng thái luận biện vấn pháp, ngồi vây xung quanh là Thánh chúng, các nước vương tử, chư thiên tung hoa v.v…
Lúc những bức phù điêu ở Đại hùng bảo điện gần hoàn thành, ông đột ngột ngã bịnh. Nằm trên giường hơn mười ngày, ông cố gắng ngồi dậy nhờ chú Sa-di mang vật liệu, để ông đắp một tôn tượng người phụ nữ. Ông nói với chú Sa-di: “Đây là việc cuối cùng của đời tôi, như giữ được thì công đức vô lượng”. Tượng người phụ nữ hình dáng đoan trang rất sinh động, tóc bới như một phụ nữ nông thôn đầy lòng từ ái. Sự việc này làm cho chùa nổi trận cuồng phong, họ cho rằng hình tướng của người phụ nữ này là người thế tục, làm mất đi cái vẻ tôn nghiêm trong chùa, họ muốn đem tôn tượng ấy huỷ đi. Khi đó, Ngài viện chủ đến thăm ông, Ngài thấy tôn tượng người phụ nữ nhưng không lấy làm lạ, ngược lại, Ngài rất xúc động, tay cầm quyển kinh nói với ông: “Con hãy đọc quyển kinh này để dứt nghi!” Ông cầm quyển kinh đọc, chưa đầy nửa quyển liền tỉnh ngộ vừa khóc vừa cười gượng dậy quỳ trước Ngài Viện chủ thưa: “Sư phụ từ bi, sanh tử tại đức!” Ông cải chế lại tôn tượng thành người thiếu phụ với trạng thái hai tay bưng bát sữa cúng dường Phật.
Công phu tối xong, Ngài viện chủ thăng toà, chuông trống trỗi lên, Ngài bắt đầu giảng về chuyện: “Thái tử vượt thành xuất gia, sáu năm khổ hạnh rừng già, ngày ăn một bữa, thân thể tiều tụy, nhưng đó không phải là đạo giải thoát, Ngài đi đến bên sông Ni-liên tắm rửa sạch sẽ và nhận bát sữa của nàng mục nữ. Ngài phát nguyện: “Ta ngồi bên cội Bồ-đề nếu Ta chưa chứng đạo thì quyết không đứng dậy!” Ngay lúc Ngài thành đạo, trời đất chấn động, trăm hoa đua nở, chim thú vui mừng, trời người hân hoan”.
Khi ấy, Ngài viện chủ bảo Tăng chúng đem tượng người hiến sữa đặt bên tượng Đức Thích-ca để cúng dường. Đại chúng xướng tán tụng kinh khai quang điểm nhãn, Ngài viện chủ từ bi trí tuệ làm tiêu trừ cuồng phong trong lòng mọi người.
Nhưng sau đó, bịnh tình của ông ngày một nặng, Ngài viện chủ mời thầy thuốc về để chữa trị cho ông nhưng ông khước từ. Ông nói: “Toàn bộ tinh thần của con dốc hết vào những Tôn tượng và những bức phù điêu ở chùa rồi, hiện tại chỉ còn cái xác, như có tan rã thì bịnh sẽ tự hết, và cũng không dùng vào xứ nào được. Đã không dùng vào xứ nào được, thì lấy gì sanh tồn?”
Khí sắc của ông mỗi ngày một kém. Chiều nọ, ông nhờ chú Sa-di dìu ông lên Đại hùng bảo điện. Ông làm phương thức sám hối để cáo biệt ra đi. Khi đó, Ngài viện chủ đang ngồi tụng kinh thấy ông lần lượt nhìn khắp những tôn Tượng, những bức Phù điêu và sau cùng ông đứng trước tượng người hiến sữa khóc. Tăng chúng dìu ông trở vào phòng nằm, ông nhắm mắt khóc trông vô cùng bi thống.
– Mẹ ơi! Đừng khóc vì con! Con không có chết đói đâu!
– Mẹ ơi! Đừng khóc! Con rất thương mẹ! Một ít cát đá, những tôn Tượng và những bức Phù điêu đó, sự việc như thế không danh dự sao!?
– Mẹ ơi! Ơn của mẹ kiếp sau con trả, Mẹ ơi ! Mẹ ơi ! Mẹ ơi…!
Ông khóc không thành tiếng, lặng lẽ đi vào cõi chết, nhưng hai mắt vẫn mở to như muốn nhìn một sự kiện nào đó. Ngài Viện chủ đến bên ông, lấy tay vuốt nhẹ lên đôi mắt, ôn tồn nói vào tai ông: “Người hiến sữa đã được đặt ở Đại hùng bảo điện hợp cùng với Đức Thích-ca cúng dường vĩnh viễn, ông an tâm, tịch diệt cho an lạc!”. Đôi mắt của ông từ từ nhắm lại như người nằm ngủ, ông vĩnh viễn ra đi.
Tăng chúng vô cùng tiếc thương. Có người hỏi Ngài viện chủ:
– Ai là mẹ ông ta? Ai là người hiến sữa?
– Không thể nói được! Chúng ta hãy tụng kinh niệm Phật và an táng cho ông ấy.
Mộ của ông được an táng sau chùa, bên phải là rừng tùng bên trái là rừng trúc. Chú Sa-di trồng một cây mai bên mộ ông vừa cười vừa nói: “Đây là cây lúc ông còn sống hay bẻ vào cúng Phật!”.
Không biết thân thế của ông ở đâu và cũng không biết tên họ của ông, chỉ biết ông từ miền ngoài vào, nên cuối cùng Ngài Viện chủ viết trên bia mộ của ông đúng một dòng: “Bồ-tát giới chi mộ” để người đời sau hương khói.
Thanh Thanh Nguyên Định
Trích Hương tràm 2 – trường trung cấp Phật học Đồng Nai
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, trang web Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)