HỎI: Xin quý Báo giải thích rõ sự khác biệt giữa lễ cúng Trai phạn, Trai tăng và Trai đàn. (HỒNG ĐÀO, [email protected])
Bài liên quan:
>>Cúng dường cho Phàm tăng & Thánh tăng
>>Câu đối trai đàn giải oan bạt độ, chẩn tế cô hồn
>>Cúng dường thay cho người chết chưa siêu thoát
Khác biệt giữa lễ cúng Trai phạn, Trai tăng và Trai đàn
ĐÁP: Bạn Hồng Đào thân mến!
Cúng Trai phạn, Trai tăng và Trai đàn là những lễ cúng khá phổ biến trong các chùa viện hiện nay.
Chữ cúng đây có nghĩa là cúng dường Tam bảo, riêng trong lễ Trai đàn cúng còn mang thêm nghĩa cúng bái. Trai có nghĩa là chay tịnh hay trong sạch, thanh tịnh.
Cúng Trai phạn là dâng cúng thực phẩm trong sạch, được làm ra đúng pháp lên chúng Tăng. Chư Tăng Ni hiện nay không đi khất thực, người Phật tử muốn cúng Trai phạn thì tự nấu nướng (hoặc nhờ nhà bếp của chùa nấu) rồi bày biện cơm nước lên trai đường (nhà ăn của chùa), hợp thời chư Tăng Ni tập trung tại trai đường sẽ tác bạch dâng cúng. Nếu chư Tăng đi khất thực, cúng Trai phạn là người Phật tử chuẩn bị cơm nước, đợi chư Tăng đi ngang qua liền kính lễ rồi sớt bát cúng dường.
Cúng Trai tăng bao gồm dâng cúng thực phẩm (Trai phạn) và một số vật dụng thiết yếu cho chư Tăng như y phục, thuốc men, sàng tọa… thường gọi là tứ sự. Nói một cách dễ hiểu, cúng Trai tăng là ngoài thực phẩm ra còn cúng thêm một số vật dụng khác nữa. Ngày nay, do đặc điểm của đời sống hiện đại rất khác xưa nên cúng Trai tăng được phương tiện bằng cúng thực phẩm và một ít tiền mặt (để chư Tăng Ni tùy nghi mua sắm các vật dụng cần thiết).
Riêng cúng Trai đàn có phần khác, nghĩa là cá nhân Phật tử hay tập thể (chùa cùng bá tánh) thiết lập đàn tràng trang nghiêm thanh tịnh để cầu an cho bản thân cùng gia đình (đàn Dược Sư) hay cầu siêu (đàn Bạt độ – Chẩn tế) cho thân nhân, dòng tộc và chúng sinh, hoặc tổng quát cầu quốc thái dân an, nguyện âm siêu dương thái. Không như cúng Trai phạn và Trai tăng, cúng Trai đàn cần kinh phí khá lớn cho việc: Thiết lập đàn tràng, sắm sửa nhiều lễ phẩm, có nhiều lễ tiết trong trai đàn, thỉnh chư Tăng cúng dường (Trai tăng), thỉnh chư vị tôn đức chứng minh, sám chủ, kinh sư gia trì, tụng niệm kinh chú v.v… Với thời gian dài (từ một đến nhiều ngày), chư Tăng đông, kinh phí lớn…, nên cần hội đủ nhiều nhân duyên mới tổ chức một Trai đàn thành công viên mãn.
Chúc bạn tinh tấn!
Nhiên Như – Quảng Tánh
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)