Cúng dường chư Tăng thay cho người chết chưa siêu thoát là một phương pháp do Đức Phật dạy từ Kinh Tirokudda Sutta.
Chúng ta sẽ dễ ngộ nhận về nhóm chữ “người chết chưa siêu thoát,” vì có thể liên tưởng tới một “cái tôi” nào bất bíến từ người đã lìa đời. Thực sự, không hề có cái tôi nào bất biến, vì các pháp vô thường, liên tục biến diệt; nhưng rất nhiều chúng sinh vẫn chấp rằng có một “cái tôi” bất biến, và chấp này sẽ trói buộc họ. Thân này nằm xuống, là tứ đại tan rã, sắc thọ tưởng hành thức khi qua thân mới sẽ không như cũ. Và ngay trong trung ấm thân, cái lưu chuyển được Đức Phật gọi là “thức” cũng không phải như những ngày sinh tiền.
Người chết chưa siêu thoát có thể hiểu là hai dạng: thứ nhất là trung ấm thân, hay thần thức, trong bài “Đức Phật dạy cầu nguyện cho thân trung ấm” (1) đã ghi lời Đức Phật chỉ dẫn cách cầu siêu; thứ hai là thành phần chúng sinh chữ Pali gọi là peta, thường dịch là ma đói, cũng có nghi thức giải thoát do Đức Phật dạy qua Kinh Tirokudda Sutta.
Chữ peta thường được dịch là spirits (vong linh), the departed (người đã chết), hungry ghosts (ma đói). Quý Thầy Bắc Tông thường dù chữ ngạ quỷ là tương đương.
Nói cúng đây cũng không nên hiểu là chuyện vàng mã, vì Phật giáo không có chuyện cúng với vàng mã hay tiền âm phủ. Thực ra không có gì huyền bí, vì trong Kinh này Đức Phật dạy người thân của vong linh làm lễ cúng dường chư Tăng và hồi hướng phước để vong linh được siêu thoát.
Peta là những người chết, đã sinh vào cõi ma đói, nhưng vẫn chấp là còn thân cũ và cứ tìm lẩn quẩn ở nơi người thân trong kiếp vừa qua. Họ có thể thọ khổ ở cõi ma đói nhiều ngàn năm, thậm chí từ thời Đức Phật này tới thời Đức Phật kia, cho tới khi hết nghiệp dữ, trong đó có một loại ma đói có thể được siêu thăng khi người thân cúng dường chư Tăng nhân danh họ, và hồi hướng phước cho họ.
Theo Piya Tan, có tranh luận bộ phái từ thời xa xưa: một số thầy nói rằng oai lực người thân cúng dường chư Tâng sẽ giải thoát cho người thân thoát cõi ma đói, trong khi đó nhiều thầy khác nói rằng chính tâm hoan hỷ của ma đói khi thấy người thân nhân danh mình cúng dường chư Tăng sẽ làm nghiệp dữ tan biến. Nơi đây, bài này không đi sâu vào lý luận tranh biện, vì phức tạp và không cần thiết.
**
Duyên khởi của Kinh này được kể như sau. Đức Phật sau khi thành đạo, trước tiên là tới thuyết pháp cho 5 vị đầu tiên là nhóm ngài Kiều Trần Như, rồi tới gặp 3 ba giáo sĩ khổ hạnh và đồ chúng của ba vị này. Sau đó, Đức Phật đi cùng ba vị này tới gặp vua Bimbisara. Vị vua này sau khi nghe Đức Phật thuyết pháp, tức khắc chứng quả Nhập Lưu.
Sang ngày hôm sau, những thân nhân đã chết của vua Bimbisara trong cõi ma đói trước đó hy vọng rằng vua sẽ cúng dường để hồi hướng phước cho họ, nhưng vua bận tâm về việc xây một tự viện cho Đức Phật. Các vong linh thất vọng, mới quậy phá, la hét suốt đêm trong cung điện vua. Hôm sau, vua Bimbisara hỏi Đức Phật về các chuyện xảy ra. Đức Phật bảo vua là chớ sợ hãi gì, vì những người thân chưa siêu thoát của vua muốn được cúng Tam Bảo để siêu thăng vào cõi lành.
Vua mới hiểu rằng vua có thể giúp người thân đang ở cõi ma đói, nên thỉnh Đức Phật tới hôm sau để cúng dường. Vừa khi vua dâng nước cúng Phật và làm nghi thức cúng dường, phát nguyện rằng lễ cúng này là cho thân nhân quá cố của vua, các hồ sen hiện ra để các ma đói tắm và uống. Khi vua cúng dường cháo, thực phẩm mềm và đoàn thực, thức ăn này hiện ra thanh tịnh trước mặt các ma đói để họ thọ thực. Khi vua cúng dường trang phục và nơi ở, các thức này hiện ra thanh tịnh cho các ma đói. Kết thúc lễ cúng để giúp siêu thăng các ma đói, Đức Phật mới đọc lên các câu thơ, và đó là Kinh này.
Trong tác phẩm biên khảo “The Four Planes of Existence in Theravada Buddhism” của Tiến sĩ Sunthorn Na-Rangsi, dẫn theo các tích Petavatthu trong Tạng Pali, nói rằng các ma đói không có nơi đặc biệt nào để cư trú, họ sống chung thế giới với người, như ở rừng, núi, đảo, nghĩa địa, vân vân. Nhưng mắt người không thấy họ được. Người thấy được ma đói là chỉ khi ma đói muốn được thấy. Một số người tu thiền định có thể thấy được ma đói.
Sách Petavatthu trong Pali Canon có một truyện kể rằng Đại sư Sariputta (Xá Lợi Phất) gặp một nữ ma đói hiện ra trong thân gầy gò, xấu xí, trần truông. Đại sư hỏi và nữ ma đói này kể khi mang thân người, ba mẹ và thân nhân không ai chỉ cho bà nghiệp lành như cúng dường Tam Bảo, giữ giới, vân vân. Do vậy, chết đi mới thọ sanh làm ma đói, đã đói và khát cả 500 năm rồi. Bà xin Đại sư Sariputta làm nghi thức cúng dường thay mặt bà. Ngài Sariputta ưng thuận, mới cúng một số thực phẩm, một miếng vải nhỏ và nước cho một tỳ kheo. Ngài hồi hướng phước cúng dường cho nữ ma đói kia. Lập tức, ma đói này được thọ thực, trang phục đẹp, và siêu thăng vào cõi trời, trở thành thiên nữ. Vị thiên nữ này hiện ra trước mặt Ngài Sariputta. Không nhận ra, Đại sư hỏi đó là ai vậy. thiên nữ mới kể nguyên là ma đói, vừa được ngài cứu.(2)
**
Sau đây sẽ dịch theo bản Anh dịch của Bhikkhu Anandajoti.
The Beyond the Walls Discourse
They stand beyond the walls,
and at the junctions and crossroads,
they stand at the door-posts,
having come to their former homes.
Kinh Bên Ngoài Bức Tường
Họ đứng bên ngoài các bức tường
và nơi các điểm gặp và giao lộ,
họ đứng nơi các mép cửa,
tìm tới những căn nhà cũ của họ.
But when abundant food and drink,
both staple and non-staple, is prepared,
no one remembers these
beings, because of their past unwholesome deeds,
Nhưng khi nhiều thức ăn và nước uống
cả thức chính và phụ, được dọn ra
không ai nhớ tới các chúng sinh này
vì việc dữ họ làm thời quá khứ.
Thus those who are compassionate
give to their departed relatives,
at the right time, pure, excellent,
suitable drink and food.
Do vậy, những người có tâm từ bi
cúng cho các người thân quá cố
những thức ăn và thức uống thích nghi
thanh tịnh, vào đúng thời.
Thinking: “May this go to our relatives,
may our relatives be happy!”
Those who have gathered,
the departed relatives who have assembled
around the food and drink,
respectfully offer their thanks:
Nghĩ rằng: “Nguyện các phẩm vật này tới người thân của chúng tôi
Nguyện người thân của chúng tôi hạnh phúc!”
Những người tới tụ họp đây
Người thân quá cố đã tới hội họp đây
Quanh thức ăn và thức uống này
Thành kính cúng dường lời tạ ơn của họ.
saying: “ May our relatives live long!
Those to whom we owe this gain,
for we have been honoured,
those who give are not without reward!”
nói rằng: “Nguyện người thân của chúng tôi trường thọ
Những người mà chúng tôi nợ phước lành này
Vì chúng tôi đã được tôn kính trong lễ cúng
Những người cho đi sẽ được đón nhận phước!”
For in that place there is no ploughing,
and cattle-rearing is not found there,
similarly there is no trading,
or buying and selling of gold.
Vì ở nơi này (cõi peta) không có việc cày bừa
Không có việc nuôi gia sức nơi đây
Tương tự, không có trao đổi
Không cả mua hay bán vàng.
The departed in that place who have died, have to subsist on gifts.
Just as water that rains on the highlands, flows down to the lowlands,
so too what has been given here
is of benefit to the departed.
Những người đã chết đang ở nơi này phải dựa vào đồ cúng
cũng như nước mưa từ vùng cao, chảy xuống nơi đất thấp
Y như vậy, đồ cúng nơi đây
sẽ lợi ích cho người đã chết.
Just as rivers that are full
flow and fill up the ocean,
so too what has been given here
is of benefit to the departed.
Y như sông khi đầy
sẽ chảy và tràn vào đại dương,
y như vậy, những đồ cúng này
sẽ làm lợi ích cho những người đã chết.
Thinking: “He gave to me, he worked for me,
he was my relative, my friend, my companion,”
he should give gifts for the departed,
remembering what they have done before.
Nghĩ rằng: “Y đã cho tôi, y đã làm việc cho tôi,
y là người thân của tôi, là bạn tôi, là đồng hành của tôi.”
Hãy nên cúng cho người đã chết
nghĩ tới những gì họ đã làm trước đó [khi còn sống ở cõi người].
For no tears, or grief,
or any other lamentations,
are of any use to the departed,
as long as their relatives continue grieving in this way.
Vì không nước mắt nào, không đau đớn nào,
cũng không lời than khóc nào
có lợi ích gì cho người quá cố
khi người thân của họ cứ mãi đau đớn như thế.
But that gift that has been given,
and well placed in the Sangha,
is of benefit to them for a long time,
immediately it is of benefit.
Nhưng khi phẩm vật cúng dường đưa ra
và khéo dâng lên Tăng Đoàn
sẽ có lợi ích lâu dài cho người chết
tức khắc có lợi ích.
This then is the definition of a relative’s duties—
and by this great honour has been done to the departed,
strength has also been given to the monks,
and no little merit has been produced by you!
Đây là bổn phận của người thân
và bằng cách tôn kính lớn lao này thực hiện cho người chết
sức mạnh cũng được dâng lên chư Tăng
phước đức lớn vô cùng đã được quý vị thực hiện. (Hết bản Việt dịch)
Links của hai bản Anh dịch và bản Việt dịch của HT Thich Minh Châu sẽ đặt ở (3).
Nguyên Giác
————————————
GHI CHÚ:
(1) Xem: http://thuvienhoasen.org/a25024/duc-phat-day-cau-nguyen-cho-than-trung-am
(2) Xem: http://www.bps.lk/olib/wh/wh462-p.html
(3) Bản của Bhikkhu Anandajoti: https://suttacentral.net/en/kp7
Bản của Thanissaro Bhikkhu: http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/kn/pv/pv.1.05.than.html
Bản của HT Thích Minh Châu:http://thuvienhoasen.org/p15a1271/2/kinh-tieu-tung-viet-anh
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)