Post: : Admin

Cá nhân một vị sư thì có thể là phàm tăng hoặc thánh tăng nhưng toàn thể chư tăng tỏa sáng với tăng tướng và phẩm mạo cao thượng cùng những phẩm hạnh thuần khiết và cao quý xứng đáng để thiên nhân lễ bái cúng dường.



"Nhưng này Ananda, khi Ta nói rằng cúng dường cho Tăng chúng là vô số và vô lượng, thời này Ananda, Ta không có muốn nói rằng bất cứ phương tiện gì, một sự bố thí phân loại theo cá nhân lại có kết quả to lớn hơn đối với cúng dường cho Tăng chúng."

(Trung Bộ Kinh Majjhima Nikaya Kinh Phân biệt cúng dường

(Dakkhinàvibhanga sutta).


Lời bàn:

Tăng đoàn là mô phạm của quần sanh, là phước điền vô thượng của chư thiên và nhân loại. Cá nhân một vị sư thì có thể là phàm tăng hoặc thánh tăng nhưng toàn thể chư tăng tỏa sáng với tăng tướng và phẩm mạo cao thượng cùng những phẩm hạnh thuần khiết và cao quý xứng đáng để thiên nhân lễ bái cúng dường vì đó là những vị sứ giả của Như Lai đã gìn giữ, truyền thừa Giáo Pháp của chư Phật bằng sự hành đạo. Bởi thế,cúng dường đến chư tăng với tâm không phân biệt đem lại phước báu vô lượng vô biên không sao kể xiết mà không có bất cứ một sự bố thí đến một cá nhân thí nào có thể sánh bằng. Từ thiện tâm như vậy, ta dứt trừ được lòng bỏn xẻn, xan tham và sự dính mắc vào tài vật khi ấy tâm khởi phát lên lòng tôn kính đến chư tăng và sự lạc an xuất hiện ngay khi tâm thiện lành sanh khởi trong phút giây hiện tại.

Bố thí với tâm không phân biệt khiến cho tâm có một cách nhìn trí tuệ, bình đẳng từ đó phát triển lòng ngưỡng kính ba ngôi Tam Bảo uy linh tối thượng. Bố thí là pháp hành được các bậc trí tuệ tin tưởng và hành trì vì họ biết rằng khi thân tứ đại này trở về cát bụi thì chẳng mang theo được gì ngoại trừ nghiệp của mình đã tạo ngay trên dương thế này.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.


Phước Trung