Post: : Admin

Quá đường hiện tại, bàn ghế chạm trổ, mặt kiếng bóng che trên lớp khăn trang trọng, huynh đệ tôi xuýt xoa khen với nhau: Quá đường đẹp quá, chúng bây giờ có phước. Lớp đàn em tâm sự: Đẹp nhưng mà khổ lắm, trầy sướt một chút là bị rầy.



Trong mùa an cư

Chú tiểu đang cúng cho súc sanh trong mùa an cư.

Những cơn mưa bay ngược về quá khứ. Chúng tôi ngồi ở Quá đường, mưa rớt thánh thót hai bên hiên. Âm thanh của mưa đều đều, gõ nhanh và lan đầy trong không gian, điểm vào giữa tiếng mưa là nhịp bảng gỗ ba hồi, trước chậm sau nhanh đổ dồn, kết thúc ba tiếng bảng câu qua ba tiếng khánh thanh tao. Mùa an cư, đại chúng ăn cơm trưa bằng bát và đắp y. Có một cái gì đó lộng lẫy và thâm trầm khi những hàng y vàng song song với những chiếc bát màu nâu. Thức ăn có khi rất nhiều, vì có thí chủ cúng dường, có khi đơn giản, một bát canh cho hai người, món kho và xào cho bốn người, chén nước tương có dầm ớt. Tôi có thể nhìn người ngồi đối diện với mình, một gương mặt vô tư và thanh thản với cái đầu tròn ảnh hiện trong tô canh. Chúng tôi ngồi ở đầu dưới của bàn Quá đường, quý Sư bà và Ni sư Ban Giám đốc ngồi tít ở trên, thăm thẳm xa để không thấy mấy đứa nhỏ. Nhưng chắc chắn là ai cũng chú tâm vào chiếc bát đặt trước mặt mình, chánh niệm.


Một tiếng khánh nhịp, đưa hai tay mở nắp bát, thầm tưởng kệ “Bát ứng lượng của Như Lai, nay con được mở ra, nguyện cùng tất cả chúng, bình đẳng tam luân không tịch.” Thời nhỏ, tôi thầm đọc như cái máy, không để ý lắm các bài kệ. Tất cả đại chúng nhịp nhàng, những câu chữ trôi mau trong tâm không một chút ngập ngừng. Bây giờ nhớ lại, nghe ngóng ý nghĩa đặc biệt sâu xa, bắt đầu một bữa ăn đã hướng tâm về tánh không, hướng về điều thiện lành của pháp giới. Bát trống không, nguyện cho chúng sanh được thanh tịnh trọn vẹn không phiền não. Xới cơm vào bát, cắm muỗng ngay ngắn vào giữa, chắp tay chú nguyện cho chúng sanh chứa đựng trọn vẹn đầy đủ tất cả pháp lành. Múc một ít cơm từ bát ra chén, gọi là lưu phạn, đặt chén cơm vào lòng bàn tay chú nguyện lòng từ bủa khắp chúng sanh, mọi loài đều được ăn. Rồi thị giả đem ra ngoài đọc kệ cúng cho chim đại bàng, cho quỷ thần rừng núi… Ban Hành đường đi lên đi xuống, trút nước tráng bát, trút cơm lưu phạn, cũng có các Phật tử thích xin cơm cúng của quý Cô về ăn cho mạnh khỏe. Vị xướng tăng bạt sẽ ngân nga lời Phật “Phật chế Tỳ-kheo thực tồn ngũ quán, tán tâm tạp thoại, tín thí nan tiêu…” Tôi ưa thích giọng của một vài vị lớn trong chúng, khi đọc câu Phật chế giọng rất khỏe và hùng. Hình như mưa bên ngoài cũng còn rơi, có một tiếng sấm vang động.

Một thời thọ trai rất nhiều nghi thức, những chiếc muỗng xúc cơm im lặng, dù thức ăn có ngon hay không cũng chẳng có gì hấp tấp vội vàng. Tôi yêu thích những thời quá đường để khi ăn mà không bị lôi cuốn. Hôm nào có mưa, thật dễ chịu. Vì sao? Không khí hè oi bức vô cùng, y với áo tràng là đã thấy lụng thụng, nhưng tưởng tượng nếu bưng chiếc bát đất màu nâu đẹp đẽ, mà lại mặc áo ngắn thì không ra làm sao, hoặc vừa ăn vừa cọ quậy thì cũng không ra làm sao. Thế nên cứ ngồi yên, có hơi mưa mát mẻ sẽ khiến cho bữa ăn ngon hơn, dù chỉ có nước tương và ớt dầm. Quá đường ngày xưa của chúng tôi trống không hai bên, một chút mưa và gió có thể thăm viếng, cũng không phiền hà gì.


Đại chúng hai dãy bàn dài, phía trên khoảng giữa hai dãy bàn đó là bàn ăn của quý Sư bà. Sư bà Giám viện cũng thọ trai với chúng, uy lực của một vị trưởng lão dù không nói gì vẫn khiến cho giờ ăn trưa có sức nhiếp phục. Thời tôi còn nhỏ, được sai cầm quạt đứng sau lưng Sư bà, quạt phớt qua nếp y rung động. Tôi cũng bị lây sức mạnh chú tâm và trang nghiêm, không dám lơ là.
Sư bà thọ trai xong, cùng với đại chúng đi lên chùa kinh hành niệm Phật, tôi phụ giúp quý Cô hành đường rửa bát, xếp ngay ngắn tại chỗ ngồi mỗi người. Rửa bát cho quý Cô là một việc rất tự hào, nhiều cư sĩ cũng xin phụ giúp, với câu dặn dò “phải cẩn thận, không được khua, làm rớt bể”. Từng mùa an cư qua, chưa có chiếc bát nào bị tổn thương, vì chúng tôi mang đi rửa một nước, hai nước, ba nước với tất cả sự trân trọng. Ý niệm xuất gia để được ăn Quá đường, ba tháng hạ đắp y, bưng chiếc bình bát lên ngang tầm và múc từng muỗng cơm, có một vẻ đẹp gì thôi thúc.
Những cơn mưa vẫn trôi xuôi trong tâm tưởng, Quá đường đơn giản của chúng tôi một thời, mưa rớt ở sau lưng, tiếng mưa trên mái ngói rầm rì đã lùi xa, chỉ còn là kỷ niệm. Khi về thăm trường, nhìn Quá đường hiện tại, bàn ghế chạm trổ, mặt kiếng bóng che trên lớp khăn trang trọng, huynh đệ tôi xuýt xoa khen với nhau: Quá đường đẹp quá, chúng bây giờ có phước. Lớp đàn em tâm sự: Đẹp nhưng mà khổ lắm, trầy sướt một chút là bị rầy.

Tôi đã rời trường rất lâu, mưa cũng theo tôi đến ở một nơi hoàn toàn khác lạ với không khí của trường xưa. Tuy nhiên mỗi lần bắt gặp những tiếng sấm động, cơn gió giao mùa, mưa vẫn là mưa cũ của những tháng an cư, của những thời Quá đường tĩnh lặng.


Như Đức