Post: : Admin

Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Berit Reiss-Andersen hôm nay thông báo giải Nobel Hòa bình được trao cho Thủ tướng Ahmed...



Trong cuộc họp cấp cao của Bộ Ngoại giao Ethiopia hồi tháng 7, các quan chức sốc khi nghe tin Thủ tướng Abiy Ahmed đang thăm Eritrea.

Không ai trong phòng họp được thông báo về chuyến đi của Abiy Ahmed. Đây là lần thứ hai ông thăm quốc gia láng giềng kể từ khi hai nước đạt được thỏa thuận hòa bình vào năm ngoái, chấm dứt hai thập kỷ thù địch. Chuyến thăm đầy bất ngờ này đã phản ánh phong cách làm việc đầy táo bạo của ông.

Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Berit Reiss-Andersen hôm nay thông báo giải Nobel Hòa bình được trao cho Thủ tướng Ahmed "vì những nỗ lực của ông nhằm đạt được hòa bình và hợp tác quốc tế, đặc biệt là sáng kiến mang tính quyết định giúp giải quyết cuộc xung đột biên giới với nước láng giềng Eritrea".

Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed tại Kaffa ngày 15/9. Ảnh: CNN

Ahmed sinh ra ở thị trấn Beshasha ở miền tây đất nước, có cha là người Hồi giáo và mẹ theo đạo Thiên chúa. Ông lớn lên trong một ngôi nhà thiếu điện, nước và phải ngủ trên sàn nhà, chưa từng nhìn thấy đường nhựa cho đến khi học lớp 7.

Khi lớn lên, Ahmed có niềm đam mê với công nghệ và gia nhập quân đội. Trước khi trở thành Thủ tướng, ông đã giữ các vị trí giám đốc Cơ quan An ninh Mạng lưới Thông tin chuyên về tình báo mạng và Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ.

Ahmed, 43 tuổi, trở thành Thủ tướng Ethiopia vào tháng 4/2018, sau khi người dân ở quốc gia vùng Sừng châu Phi này biểu tình phản đối liên minh cầm quyền trong thời gian dài ở đất nước, khiến nền kinh tế tăng trưởng nhất thế giới này bị tổn thương.

Đất nước của Ahmed lúc này cũng lâm vào cuộc xung đột bế tắc với Eritrea, quốc gia giành được độc lập từ Ethiopia năm 1993, sau quá trình đấu tranh vũ trang lâu dài. Chiến tranh nổ ra giữa hai nước vì tranh chấp biên giới năm 1998, các cuộc đụng độ sau đó đã khiến ít nhất 70.000 người thiệt mạng.


Cuộc xung đột này được mô tả là "cuộc chiến vô nghĩa nhất châu Phi", khiến hai quốc gia nghèo nhất châu lục phải chi hàng tỷ USD mua sắm vũ khí. Hai bên ký thỏa thuận hòa bình năm 2000, nhưng căng thẳng song phương vẫn ở mức cao.

Ngay sau khi nhậm chức, lãnh đạo trẻ nhất châu Phi nhanh chóng tiến hành những cuộc cải cách quyết liệt và "hiện tượng Abiymania" bắt đầu. Tháng 6/2018, chỉ hai tháng sau khi nắm quyền, ông khiến mọi người ngạc nhiên khi tuyên bố hoàn toàn chấp nhận những điều khoản được nêu trong Hiệp ước Algiers mà Eritrea - Ethiopia đã ký năm 2000, chấm dứt quan hệ thù địch vĩnh viễn.

Ethiopia cũng chấp nhận phán quyết của Ủy ban Ranh giới Eritrea - Ethiopia (EEBC) được Liên Hợp Quốc ủng hộ năm 2002, trao các vùng lãnh thổ tranh chấp bao gồm thị trấn Badme cho Eritrea.

Vài tuần sau, cảm động trước quyết định của Ahmed, Tổng thống Eritrea Isaias Afwerki tới thăm thủ đô Addis Ababa của Ethiopia và hai lãnh đạo quyết định khôi phục các hệ thống liên lạc và giao thông hai nước. Lần đầu tiên trong hai thập kỷ, những gia đình bị chia cắt giữa hai nước được đoàn tụ trong nước mắt.

Thỏa thuận hòa bình được ký kết vào tháng 7/2018, kết thúc bế tắc quân sự kéo dài 20 năm sau chiến tranh biên giới năm 1998 - 2000. Biên giới hai nước được mở vào tháng 7/2018, nhưng đóng lại vào tháng 12/2018 mà không có lời giải thích chính thức.

Asle Sveen, nhà sử học đã viết nhiều cuốn sách về Giải Nobel Hòa bình, nói thỏa thuận này khiến Ahmed là kiểu ứng viên lý tưởng mà Alfred Nobel đã hướng đến khi sáng lập giải thưởng.

"Thỏa thuận hòa bình đã chấm dứt cuộc xung đột lâu dài với Eritrea và ông ấy được ca ngợi rất nhiều nhờ điều này. Ông ấy cũng đang thực hiện những cải cách dân chủ nội bộ", Sveen nói.

Ahmed đã đưa ra một loạt thay đổi trong nước như thả tù nhân chính trị, lên án việc tra tấn họ và trả tự do cho các nhà báo bị bỏ tù. Abiy cũng đã gặp gỡ phe đối lập chính trị và xã hội dân sự để thảo luận về cải cách và mời các đảng lưu vong quay trở lại đất nước. Ông thực hiện các cải cách thể chế lớn, trong đó có lĩnh vực an ninh và tư pháp.

Ahmed thể hiện cam kết của mình đối với bình đẳng giới bằng cách bổ nhiệm phụ nữ vào một nửa nội các. Cộng đồng quốc tế hoan nghênh các sáng kiến và cải cách của ông, chẳng hạn như việc trồng hàng triệu cây xanh để hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Ngoài nỗ lực hòa bình với Eritrea, Ahmed đã đóng vai trò hàng đầu trong việc làm trung gian để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị của Sudan và cũng cố gắng hồi sinh thỏa thuận hòa bình của Nam Sudan. Tuy nhiên, khả năng thành công trong các sáng kiến hòa bình khu vực của ông vẫn là câu hỏi mở.

Một trong những thách thức Ahmed đối mặt trong nước là tình trạng bạo lực sắc tộc đang gia tăng trong những năm gần đây, khiến Ethiopia năm ngoái là nước có nhiều người phải đi sơ tán để tránh bạo lực nhất thế giới.

Tháng 6 năm ngoái, các tay súng đã ám sát một loạt quan chức cấp cao trong chính quyền. Ahmed dường như nhận thức rõ về mối nguy hiểm ông phải đối mặt và đôi khi công khai nhắc đến những âm mưu ám sát nhắm vào mình, bao gồm cuộc tấn công lựu đạn tại một cuộc mít tinh hai tháng sau khi ông nhậm chức.

"Có rất nhiều âm mưu đã diễn ra, nhưng cái chết không muốn tìm đến tôi", ông nói. "Tử thần vẫn tránh mặt tôi".


Phương Vũ (Theo AFP/Reuters) vnexpress.net