Post: : Admin

Bạn có sợ đau không? Tôi thì sợ đau lắm. Mà có lẽ tôi nghĩ không có ai chưa một lần sợ đau. Đã có lúc tôi nghĩ chết có khi tôi không sợ nhưng sợ đau. Bác sĩ chữa bệnh nhưng cũng rất sợ bệnh, sợ đau.



Vì vậy nên ta thường nguyện cầu "đến phút lâm chung thân không đau nhức". Vì sợ đau nên cần phải học đối diện với cái đau và chuyển hóa cái đau. 


Nhớ Phật trong những lúc đau sẽ khiến mình bớt đau, nhẹ nhàng hơn 

Trước khi vào phòng khám, vì lo lắng sợ hãi cái đau nhưng may mắn nhờ mỗi ngày có thực tập đôi chút nên đã biết trở về với hơi thở - tôi thầm đọc câu thần chú thầy dạy "cái đau không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào cái đau ấy", thở vào, thở ra...

Tiếng cô hộ lý vang lên: sao em không gây mê? Không gây mê là đau lắm nhé! 

Dạ vâng ạ. Em sợ đau nhưng gây mê sẽ không tốt và tốn nhiều tiền nữa (thầm nghĩ).

Cô hộ lý nhìn có vẻ như hiểu ra điều chi đó, lo sợ nhưng tự trấn an rằng, có những việc khó hơn mình cũng đã trải qua được, việc này nhỏ hơn mà, thở đi thôi.

Thả lỏng cơ thể, theo dõi hơi thở vào ra. Trả lời những câu hỏi dễ thương của bác sĩ - cảm giác thật an tâm khi trải qua hơn 20 phút nội soi an toàn không đau như tôi tưởng.

Con thầm nguyện nếu con không thể nói những lời đem đến sự bình an cho người con sẽ im lặng, con sẽ không nói lời đem lại sự bất an cho người... 

Rồi nhớ về giới thứ tư - Lắng nghe và ái ngữ: "Ý thức được những khổ đau do lời nói thiếu chánh niệm và thiếu khả năng lắng nghe gây ra, con nguyện học hạnh ái ngữ và lắng nghe để có thể hiến tặng niềm vui cho người và làm vơi bớt nỗi khổ đau của người... Biết rằng lời nói có thể đem lại hạnh phúc hay khổ đau cho người, con nguyện học nói những lời có khả năng gây thêm niềm tự tin, an vui và hy vọng...".

Nguyên Hân

(Giác ngộ)