Post: : Admin

Chim nhạn sải cánh bay qua, dòng sông không màng lưu dấu nhưng ân tình nào có thể phôi phai. Nhớ mãi, một buổi chiều ngày Tự tứ, niềm vui chưa trọn vẹn, mây mù bủa giăng, Ôn quảy dép về Tây để lại bao niềm kính thương kính tiếc. Vu lan ngưng đọng, trang kinh Báo Hiếu gấp vội, cánh hoa hồng chơ vơ …



Con đường về Phước Viên như xa vạn dặm, thăm thẳm chiều trôi, phủ kín màu tang tóc. Trên án tiền, di ảnh Ôn đang mỉm cười nhưng sao nghe lòng quặn thắt, những dấu ấn kỹ niệm tràn về theo dòng lệ xót.

Ôn đã đi rồi
Cội bồ đề lá xanh bật khóc
Đất Thiền lâm hiu hắt giọt sương khô
Mây bơ vơ, bóng núi lặng tờ

Trăng sao tắt, nhạc trời buông dấu lặng!


Khi nghĩ về Ôn, dòng ký ức cứ tuôn chảy. Một vị thầy uy nghiêm mô phạm nhưng bình dị, giản đơn; một vị thầy đầy nhiệt huyết, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, đã trải lòng đào tạo, nuôi dưỡng bao thế hệ Tăng Ni trở thành người tài đức; một vị lãnh đạo Giáo hội có tài, có tâm và có tầm, v.v… Ngôn ngữ quá ít ỏi và giới hạn còn công đức và hạnh nguyện của Ôn thì quá lớn, làm sao có thể nói hết. Nơi đây, xin góp nhặt chút ngôn từ thô thiển nêu lên vài điều tâm đắc và hiểu biết về Ôn theo cảm nhận của riêng mình. 

Còn nhớ rất rõ, mùa Vu lan năm nọ, tôi được gặp Ôn. Ấn tượng nhất về Ôn là đôi chân mày rậm, dài và đầy phước tướng. Ngồi rất xa mà tôi cứ lén nhìn Ôn, gương mặt uy nghiêm nhưng tôi vẫn cảm nhận một sự thân quen đến lạ. Mãi đến sau này tôi mới nhận ra đó là cái duyên nhiều đời tôi đã được thân cận với Ôn. Thời gian lặng lẽ đi qua, tôi không có cơ duyên gặp Ôn nữa, cho đến ngày khai giảng Khóa IV trường TCPH Đồng Nai, tôi thật sự vui mừng khi gặp lại Ôn như gặp lại một người thân từ lâu xa cách. Có lẽ từ đây duyên thầy - trò như được kết nối. 


Ôn không đến lớp thường xuyên, mỗi tháng chúng tôi được gặp Ôn một đến hai lần trong các buổi giáo giới hoặc giờ chuyên đề hay những buổi họp chúng. Có điều mỗi lần gặp Ôn, chúng tôi cảm thấy mát mẻ và bình an. Thời tuổi trẻ, những học Tăng học Ni chúng tôi đôi khi cũng phạm phải những lỗi lầm, rồi bị Ban Điều hành quở phạt hoặc sự tranh cãi, mâu thuẫn xảy ra giữa những người đồng học… Sự bồng bột, hiếu thắng với suy nghĩ nông cạn đã làm chúng tôi phiền não, muốn nghỉ học, bỏ tu… Đúng những lúc như thế, Ôn đã đến bên chúng tôi. Ôn nhìn chúng tôi mỉm cười và chỉ nói vài câu là mọi chuyện đều lắng xuống, tâm chúng tôi cảm thấy nhẹ nhàng, bình yên trở lại. Điều đó đủ biết Ôn có đức nhiếp chúng và cũng có thể hiểu là năng lượng bình an và đức hạnh của Ôn đã làm tan chảy bao ưu tư phiền muộn của chúng tôi.


Bốn năm qua đi thật nhanh, ngày ra trường ai nấy đều bịn rịn mang theo bao kỷ niệm khó phôi phai, trong đó có mái trường và những vị giáo thọ sư mà người đặc biệt nhất vẫn là Ôn. Chúng tôi mỗi người đi mỗi ngã, người thì học tiếp ở các lớp cao hơn, người dõng mãnh phát nguyện làm trụ trì, người về chùa tu tập và hành đạo cùng thầy tổ. Dù vậy, hằng năm chúng tôi vẫn trở về tổ đình Phước Viên để thăm Ôn. Mỗi lần về, Ôn vui lắm, ân cần hỏi thăm từng đứa một. Nếu như trong các pháp hội hoặc trong các đại lễ, Ôn uy nghiêm đỉnh đạc, đạo tâm trác thế, trí tuệ viên dung, tòng lâm thạch trụ, mỗi lời pháp là khơi nguồn tuệ giác thì đối với những học trò cũ, Ôn hiền hòa, bình dị, giản đơn. Ôn kể chuyện trường lớp cho chúng tôi nghe, nào là: “Trường mình sẽ thành lập hai cở sở riêng, sẽ không phải ở nhờ các chùa nữa”, “Đây là giấy tờ hiến đất cho trường, sổ đỏ của trường đã làm xong rồi chỉ chờ xây dựng thôi”, “Bản vẽ xây dựng đã xong”, v.v… Ôn nói trong niềm vui, sự vui mừng đó hiện rõ trên gương mặt, trong ánh mắt và nụ cười của Ôn. Nơi đây, tôi thấy được sự nhiệt huyết đầy bi mẫn của Ôn, tất cả vì sự nghiệp giáo dục – đào tạo thế hệ tương lai. Qua đó, trong vô hình, Ôn đang truyền lửa cho chúng tôi, ngọn lửa trí tuệ, từ bi và sự nghiệp độ sanh không mệt mỏi. Càng nghĩ, tôi càng thấy trân trọng tâm nguyện, trí tuệ và nhân cách cao đẹp ấy. 


Với tâm huyết đó, Ôn đã dành trọn đời mình cho việc tạo dựng trường lớp, lên kế hoạch giảng dạy, đào tạo Tăng Ni kế thừa mạng mạch Phật pháp… mặc dù thân lâm trọng bệnh. Có lần thấy Ôn yếu, tôi thưa với Ôn là nên nghỉ ngơi nhưng Ôn nói: “Thầy Hiệu trưởng còn lo nhiều việc, nào là việc Giáo hội, việc của tông phong… Thầy ấy phải đảm trách quản lý cả một hệ thống thiền viện, hàng nghìn Tăng Ni vì vậy rất bận rộn, thôi thì Ôn lo việc trường để Thầy yên tâm lo gìn giữ và phát triển tông phong”. Câu nói đó khiến chúng tôi tâm phục, khẩu phục. Quả là một sự hy sinh thầm lặng. Có những người làm ít lại nói thành nhiều, tính toán hơn thua, việc người việc ta… còn Ôn đã làm tất cả nhưng không nhận cho riêng mình, một nhân cách cao thượng, một phẩm hạnh đáng kính. Mỗi việc làm, cử chỉ của Ôn là thể hiện sự khoan dung độ lượng, lòng từ chan chứa, mở lối tương lai cho bao mầm non Phật pháp. Người chính là hình ảnh giải thoát vô ngại, là lẽ sống muôn đời cho Tăng Ni học tập và làm theo.

Với tôi, Ôn không chỉ là người thầy trao truyền kiến thức Phật pháp mà còn là người thầy hướng đạo, dẫn dắt, định hướng và truyền nhiệt huyết cho tôi trên con đường giáo dục và phụng sự Chánh pháp; tôi vừa là một học trò, nhưng được diễm phúc vừa là người cộng sự trong công tác giáo dục. Khi còn là một học Ni, mỗi lần được gặp Ôn là mỗi lần học được một bài học về Phật pháp hoặc về đạo lý rất tế nhị và sâu sắc. Đến lúc, tôi tập tành viết sách, dạy học thì Ôn đã âm thầm đảm nhận vai trò đọc bản thảo và chỉnh sửa bài giảng, giáo án để tôi làm tốt hơn. Không những thế, Ôn còn gợi ý để tôi hoàn thiện bài giảng một cách tốt nhất. Có thể nói, với tấm lòng của người Thầy, Ôn vui khi thấy những đứa học trò kế thừa, nối nghiệp mình mặc dù chỉ là điểm khởi đầu nhỏ bé nên Ôn sẵn sàng dẫn dắt, hỗ trợ chia sẻ mà không hề toan tính với mong ước cho học trò được “chân cứng đá mềm”. Vì vậy, có thể nói, mỗi bài giáo án, mỗi trang sách của tôi đều là công lao sâu dày của Ôn. Không những thế, để khuyến khích tôi nghiên cứu và viết sách, Ôn nói: “Bây còn trẻ, tâm trí còn lanh lẹ, sáng suốt, cố gắng trì kinh, đọc sách cho nhiều; đi giảng dạy phải soạn bài cho kỹ để làm tư liệu sau này đủ duyên sẽ làm thành sách. Hãy nhớ nên chọn những chủ đề thiết thực, đừng bới móc chuyện của người khác…”. Rồi thầy trò cùng hàn huyên, bàn luận về những quyển sách mới, những chủ đề cần được phổ biến, những phương pháp tu tập… Những lần như thế, tôi học được ở Ôn nhiều điều bổ ích từ trong trang kinh cho đến những kinh nghiệm trong tu tập, những ứng xử trong cuộc sống đời thường. Từng lời, từng chữ của Ôn đều chứa đựng những bài học vô giá, nó đã in sâu trong tâm trí chúng tôi cho đến hôm nay vẫn không hề phai nhạt. Nhờ vậy, tôi đã cố gắng phấn đấu học tập và rèn luyện nhưng đến giờ tôi vẫn chỉ là hạt cát nhỏ so với những gì Ôn mong đợi. 


Rồi có lần Ôn viết bài cho Hội thảo Hoằng pháp, Ôn đưa tôi xem và bảo: “Bây coi lại bài này xem Ôn viết có được không? Bữa nay, quý thầy yêu cầu bài viết phải trích dẫn rõ ràng, bây chỉnh sửa giúp Ôn.” Đó là một nghĩa cử khiêm cung, đơn giản, bình dị không dễ gì có được nhưng Ôn đã làm như thế. Theo tôi hiểu, đó cũng là một cách Ôn xem học trò mình đã học được những gì. Điều đó làm tôi càng quý trọng Ôn hơn, một bài học muôn đời khắc ghi.
Trước ngày Ôn lâm trọng bệnh và viên tịch không bao lâu, một lần về thăm, Ôn dạy: “Hạ này, bây phải hạ thủ công phu hành trì bộ kinh Lăng Nghiêm để thấy rõ những ma chướng trong lòng mình mà đoạn trừ cho sạch, cố gắng tu đi. Ôn cảm thấy hối tiếc khi tuổi trẻ không lo tu, giờ già đau bệnh muốn công phu cũng không còn kịp nữa…”. Với một sự tu hành nghiêm mật, tinh thông kinh tạng, khéo nhiếp hóa đồ chúng, tài đức viên dung, mà Ôn tự nhận mình thiếu tu, xét nghĩ đây là lời cảnh tỉnh, sách tấn hàng hậu tấn nỗ lực tu tập. Bởi Ôn thường nhắc chúng tôi, thế hệ trẻ thời nay chạy theo những chuyện bên ngoài, không lo tu, khi nói đến chuyện công phu thì toàn hứa hẹn. Hơn nữa, đó cũng là bài học khiêm cung cho những người kiêu ngạo, cố chấp. Lúc ấy, nghe Ôn nói, tôi hơi bất ngờ và chỉ nghĩ là Ôn muốn sách tấn chúng tôi tu tập. Nhưng có ngờ đâu, đó là di huấn cuối cùng Ôn đã dành cho tôi. Nghĩ đến đây tôi nghe tim mình đau nhói, lời di huấn của Ôn hôm nay đâu khác gì lời dạy cuối cùng của đức Phật tại Câu-thi-na năm xưa “Các pháp hữu vi sanh diệt, hãy tinh tấn chánh niệm, hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, lấy Chánh pháp làm ngọn đèn, lấy Chánh pháp làm nơi nương tựa…” sao ta vô tình lãng quên? Bao nhiêu năm tu học và đã bao lần thệ nguyện quyết tâm tu tập, dẹp bỏ những phiền não khổ đau và hiển bày chơn tánh, thế mà giờ đây đường về vạn dặm còn mờ mịt xa xăm:
“Học trồng hoa trên đá
Chân bước mòn sơn khê
Bao mùa thu trút lá

Sao chưa tỏ lối về.”


Kính bạch giác linh Ôn chứng giám, Ôn là tấm gương cho chúng con giữa biển đời nhiều biến động. Ôn đã thổi bùng ngọn lửa ước mơ cho chúng con trên con đường phụng sự Chánh pháp. Những bài học từ chính cuộc đời cũng như sự nghiệp giáo dục của Ôn sẽ vẫn mãi khắc sâu trong tâm trí chúng con hôm nay và mãi mãi. 

Thành kính khể thủ


(Trích Kỷ Yếu Cuộc Đời & Sự Nghiệp Cố Hòa Thượng Thích Quang Đạo)

Thích Nữ Minh Hoa (Cựu Ni Sinh khóa IV )