Post: : Admin



Bởi vì họ không phóng tâm ra bên ngoài mà thường soi lại chính mình để đi tới. Nói vậy cũng không có nghĩa là họ thờ ơ, ai làm gì cũng không biết, mà họ thấy được lý duyên khởi, mọi sự nó vốn là như vậy...


Đọc phần vấn đáp giữa vua Mi-lan-da và tôn giả Na Tiên trong kinh Mi Tiên vấn đáp mới thấy thật thấm thía! Quả vậy, hình ảnh những người xuất sĩ luôn thật đẹp! Xin chia sẻ một đoạn để mọi người cùng suy ngẫm, và những ai thường đánh giá, phán xét, soi mói người khác hay trách móc quý thầy hãy cùng chiêm nghiệm. Nhất là thời gian gần đây nhiều vụ bê bối của quý thầy được đưa lên mạng và bàn tán. Trên đường tu ai cũng có lầm lỗi. Hết lỗi rồi thì cần tu làm gì. Đừng vì vậy mà bảo rằng Phật pháp suy vi. Phật pháp không bao giờ suy vi, chỉ có những người không thực hành giáo pháp thì sẽ rơi rớt, khổ đau.

Vua Mi-lan-da đặt vấn đề không nên cho kẻ phàm tục xuất gia trong giáo hội thanh tịnh của Đức Bổn Sư!

"- Thưa đại đức! Trẫm nghe rằng giáo hội của Đức Tôn Sư trong sạch, quý báu, cao thượng lắm phải chăng?

- Tâu, vâng.

- Trong giáo hội ấy, tất cả Tăng chúng và Ni chúng đều là người đã chứng đắc các quả vị thanh tịnh cả chăng?

- Tâu, không hẳn thế. Có rất nhiều vị đắc quả Tứ thánh. Có nhiều vị đang trên đường. Có nhiều vị còn ít phàm tính. Có nhiều vị còn nhiều phàm tục, lắm tham, sân, si v.v...

Các bậc thanh tịnh, cao quý đã chứng đắc quả Thánh thì sẽ làm cho giáo hội trang nghiêm, đẹp đẽ, tôn quý hơn lên, chúng ta không đề cập ở đây. Những vị đang trên đường kiên trì, tinh tấn thực hành giáo pháp thì trước sau cũng đạt được mục đích tối thượng, chúng ta cũng không đem ra bàn. Trẫm chỉ hỏi đến hai hạng người cuối: những vị nhiều phàm tính và ít phàm tính - những vị ấy có khả năng chứng ngộ đạo quả chăng? Hoặc trong tương lai, họ sẽ ra sao?

- Tâu, có thể có người đạt quả vị nhỏ hoặc không đắc đạo quả nào cả. Có vị không đắc đạo quả nào nhưng được phước báu trời, người. Có vị chỉ như là gieo duyên cho vô lượng kiếp về sau. Cũng có nhiều vị như muỗng canh ở trong nồi canh, chẳng nếm được hương vị của giáo pháp, cho dẫu nhiều đời họ khoác phẩm mạo sa môn. Có nhiều vị sau khi tu không được gì, họ hoàn tục; như ngựa quen đường cũ, tật nào tánh nấy, sống đâu cũng hư dối, gian ác, tham lam, lọc lừa... Như thế là trong giáo hội còn có rất nhiều người hư, xấu, chứ không phải ai cũng tốt đẹp cả đâu.

- Những kẻ như thế mà sao Đức Tôn Sư vẫn để họ tồn tại trong giáo hội? Đức Phật không sợ người ta chê bai, phỉ báng giáo hội, rằng giáo hội ấy quả là rất xấu xa nên có người xuất gia cũng rất xấu xa! Tại sao Đức Thế Tôn không ngại họ làm nhơ uế giáo hội?

- Những vị tỳ kheo xấu xa, nhơ uế ấy có liên quan gì đến sự thanh tịnh của giáo hội đâu!

- Tại sao không liên quan? Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Con sâu làm rầu nồi canh. Lý nó vậy làm sao đại đức biện hộ được? 

- Đại vương nghĩ thế nào, ví như có một chiếc hồ trong vắt, mát mẻ, có người con trai mình đầy bụi đất muốn đến đấy tắm cho sạch sẽ, nhưng y vừa lội xuống đã vội bước lên. Thế là bụi đất ở trên người y vẫn còn nguyên. Có người thấy vậy, không chê chàng thanh niên mà lại chê cái hồ nước: "A! Cái hồ nước ấy quả là bất tịnh, nó dính đầy dơ uế, bụi đất". Lời chê trách ấy có đúng chăng, đại vương?

- Ai lại chê cái hồ bao giờ! Có chê là chê chàng thanh niên làm biếng, không chịu kỳ cọ tắm rửa thân thể cho sạch sẽ.

- Cũng thế, ai lại chê trách giáo hội bao giờ, đại vương! Có chê là chê vị tỳ kheo không chịu rửa ráy tâm mình bằng giới luật cho sạch sẽ, không chịu thiền định để cho tâm được tĩnh lặng, bình hòa, an ổn. Lỗi ở ai thì đại vương biết rồi!

- Vâng!

- Giáo hội của Đức Bổn sư vốn không có dơ bợn, bao giờ cũng quý báu, cao thượng, trong sạch. Tuy nhiên, cũng rất là thường tình khi trong giáo hội ấy có những phàm phu tục tử vào tu không phải với mục đích cao thượng, chỉ nhắm đến những mục đích hạ liệt như: kiếm miếng cơm manh áo, tích lũy tứ sự cúng dường, được thân cận bậc quyền quý, cao sang, tìm chỗ nhàn hạ, thảnh thơi, tham vọng lãnh đạo tăng chúng v.v... Với hạng người ấy, đa phần là những kẻ lười biếng tu tập; chỉ có ăn và ngủ, nhìn ngắm nữ giới, chọc ghẹo nữ giới; chẳng theo pháp học, pháp hành; không chịu thọ đầu đà, không thọ trì giới luật dù lớn dù nhỏ; tà mạng lang thang nhà thí chủ này, thí chủ kia để xin vật này, vật nọ. Khi tích lũy, tom góp được của cải, tài sản rồi; những kẻ ấy mang về cho gia đình, quyến thuộc, vợ con; hoặc nếu chưa có vợ con thì đem cho những người nữ, quyến rũ những người nữ để lợi dụng dâm dục, làm việc bất tịnh, xấu xa. Chúng ẩn mình trong chiếc y cà sa, lợi dụng tín tâm của nhiều người để thỏa mãn tham vọng, mưu đồ, để thỏa mãn tham muốn thấp hèn. Chúng ở đâu cũng phóng túng, bừa bãi, ăn nói lố lăng, đi đứng vung vãi; không hề biết hổ thẹn với đám đông, với mọi người v.v...

Tuy nhiên, tâu đại vương! hiện tượng ấy cũng tự nhiên như vàng ngọc thì ít nhưng đá sỏi đất cát thì nhiều. Đá sỏi đất cát nhiều, vàng ngọc càng quý hiếm như thế nào, thì các bậc xa rời trần cấu càng trở nên quý báu, cao thượng chừng ấy! Không thể chê trách hồ nước, chỉ nên chê trách chàng thanh niên ở trong hồ nước sạch mà không chịu tắm rửa. Giáo hội và những người xuất gia phàm phu tục tử cũng y như thế. Đức Phật là bậc Toàn Giác, thấy rõ thế gian, thông suốt thế gian, ngài biết rằng: những kẻ xấu xa bất tịnh ấy, vài ba kiếp về sau, ngàn kiếp về sau, hoặc lâu xa hằng vạn kiếp quả địa cầu, chúng cũng sẽ được cứu độ, tâu đại vương!"...

...
"Tại sao Đức Tôn Sư và các vị Thánh Tăng không dạy cho cư sĩ thực hành ngang chỗ ấy; chỗ thấy rõ thân bất tịnh, cấu uế; ngũ trần bất tịnh, cấu uế? Hãy cho họ đặt được bàn chân đầu tiên trên lộ trình của giáo pháp, cho họ uống được tí xíu ngon ngọt bổ dưỡng của hương vị pháp mầu rồi hãy cho họ xuất gia? Nếu được như thế thì giáo hội của Đức Tôn Sư sẽ hoàn hảo xiết bao? Hoàn hảo và hoàn toàn trong sạch, cao quý, cao thượng!

Đại đức Na tiên mỉm cười:

- Đại vương quả có lòng tốt cho giáo hội, nhưng việc "bảo vệ" ấy xem ra có gì không ổn, đại vương biết chăng?

- Xin đại đức bi mẫn chỉ dạy?

- Vì lòng thương yêu bá tánh không có chỗ tắm rửa sạch sẽ, đại vương cho làm một cái hồ lớn, nước trong mát mẻ. Sợ nước hồ dơ bẩn do quá nhiều người đến tắm, muốn bảo vệ nước hồ sạch, đại vương ra một bảng cáo thị: "Ai đến đây tắm cũng được, nhưng mọi người hãy tắm sơ sơ ở đâu đó, rửa tay, rửa chân, kỳ cọ thân thể cho bớt dơ bẩn, ít đất bụi mới cho phép xuống hồ!" Cái bảng cáo thị ấy nghe có lọt tai không, đại vương?

Đức vua Mi-lan-đà đưa tay gãi đầu:

- Ờ... ờ! Quả là không được nhỉ!

- Dạy cho người cư sĩ tại gia bớt cấu uế mới cho xuất gia, có khác gì tắm trước mới cho xuống hồ, hở đại vương!

Đức vua Mi-lan-đà cười xòa:

- Thật không có ví dụ nào sít sao hơn!

- Cái mà chúng ta gọi " rửa ráy cho sạch sẽ sơ sơ, kỳ cọ tắm rửa cho bớt cấu uế, nếm tí xíu vị ngon ngọt của pháp, đặt được bàn chân đầu tiên trên lộ trình của giáo pháp" - những nhóm từ ấy nghe thì thường thường - nhưng thực ra, phải tu nhiều đời nhiều kiếp, căn cơ sâu dày mới được vậy, đại vương hiểu chăng?"...


Lục tổ Huệ Năng