Post: : Admin

Xã hội Việt Nam chúng ta trong những năm gần đây có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực cũng có mà tiêu cực cũng nhiều. Một trong những biểu hiện ở mặt tiêu cực là sự khủng hoảng trong lối sống đạo đức. Các giá trị truyền thống không còn là chuẩn mực trong ứng xử hàng ngày, nhất là ở môi trường giáo dục.



Ảnh: minh họa

Với người Việt Nam, chịu sự ảnh hưởng của quan niệm Nho giáo, hình tượng người thầy đã tôn lên ở một vị trí rất quan trọng, trước cả cha mẹ, chỉ đứng sau vua (quân - sư - phụ). Do vậy, thầy - trò là một trong những mối tương quan thiêng liêng được đặt lên hàng đầu trong việc hình thành nhân cách. Dân gian có nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ được truyền miệng, trở thành quy chuẩn đánh giá, ứng xử của bao thế hệ.

“Không thầy đố mày làm nên”, cha mẹ sinh ra hình hài này, nhưng thầy dạy học mới là người đã hun đúc, cho chúng ta kiến thức, nhân cách nền tảng để đi vào đời. Quan niệm đó vẫn còn ảnh hưởng cho đến hôm nay, dù cho xã hội có nhiều sự thay đổi.

Do áp lực mưu sinh, cùng với sự dễ dãi và các tệ nạn khác trong việc tuyển dụng người làm thầy như báo chí đã phản ánh, đồng thời với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, hình tượng người thầy thực tế đã không còn uy nghiêm, thiêng liêng như trong các áng thơ văn, trong ca dao tục ngữ nữa. Cái xấu thường lan nhanh hơn điều tốt đẹp. Cũng vậy, hành vi thiếu mẫu mực, thậm chí là phản giáo dục của một số người có vai trò làm thầy, ở một vài nơi đã làm vấy bẩn hình tượng người thầy truyền thống.

Giáo dục là căn bản của mọi sự thay đổi về thói quen, hành vi, là nền tảng cho sự phát triển bền vững. Bởi giáo dục không chỉ cung cấp cho người học những kiến thức chuyên môn đáp ứng nghề nghiệp trong tương lai, luân lý hay các mục tiêu xã hội khác, mà còn là môi trường ở đó làm thay đổi thể chất và tình cảm của con người theo hướng tích cực, nhận thức được mối tương quan giữa mình và môi trường sống, có tình thương và trách nhiệm hơn.

Với xã hội Việt Nam chúng ta hiện tại, giáo dục là một trong những vấn đề được giới chuyên môn quan tâm phân tích những hạn chế, yếu kém, bất cập. Trong khi đó, quan niệm về người thầy cũng có nhiều thay đổi. Sự pha tạp giữa quan niệm truyền thống với hiện đại - xem việc dạy học là một nghề như bao nghề khác, người thầy là người dẫn đường, cố vấn, cổ vũ… hơn là người chỉ đạo cho học sinh; với vai trò như thế, nhưng chính sách đãi ngộ trong lĩnh vực giáo dục, cụ thể là đối với người thầy lại không được quan tâm đúng mức, một số người thầy không chuyên tâm làm công tác nghiên cứu và giảng dạy mà phải làm thêm nhiều việc khác nữa để trang trải cho cuộc sống, lại nhiều vụ việc tiêu cực liên tiếp diễn ra, làm lòng người dao động, hoài nghi về chất lượng của việc dạy học. Chính những điều đó đẩy mức độ khủng hoảng giáo dục càng trầm trọng hơn.

Giáo dục được hiểu như là con đường hai chiều của dạy và học, ở đó vai trò của người thầy là rất quan trọng. Mỗi năm có ngày 20-11, Ngày Nhà giáo Việt Nam, là ngày tôn vinh người thầy - người dạy học. Đó là việc làm rất cần thiết, nhưng cần thiết và quan trọng hơn nữa, cần phải có chính sách đãi ngộ đối với người thầy dạy học để họ có thể yên tâm chu toàn chuyên môn và trách nhiệm. Có như vậy, sự tôn vinh người thầy mới đầy đủ ý nghĩa trọn vẹn, xứng đáng với những gì đã được luật hóa trong Luật Giáo dục của chúng ta.

Diệu Nghiêm

(Giác ngộ)