Post: : Admin

Đây là chuyện thật đã được “xử lý” cho ít va chạm, tất nhiên. Xứ tôi có tiến sĩ sử học đầu tiên, tin vui cho cả ngành, cả tỉnh. Công trình khoa học lịch sử được bảo vệ thành công được báo chí đưa tin, còn nội dung của công trình ấy công chúng không được biết, song địa vị của một tân tiến sĩ đã được xác lập. 



Đường đi của một luận văn Tiến sĩ

Trước mỗi bài phát biểu của vị này, người dẫn chương trình xướng lên đầy cảm hứng “tiến sĩ X) sẽ… Và dưới mỗi bài viết, hay chữ ký công vụ, đều có “TS” đi trước…một bước.
Người ta bàn tán sôi nổi ngoài quán cà phê, trong đám tiệc… về xuất thân con người xuất sắc ấy, về công trình có một không  hai (mà không ai biết là cái gì!) ấy, và tất nhiên- mối quan hệ môi răng giữa mình và nhân vật VIP kia. Nói chung, vị tiến sĩ lên ngôi ở xứ cùng trời cuối đất này có một “độ rung xã hội” rất dữ dội, càng mập mờ thì sự rung càng ghê gớm. 
Đọc báo, nghe chỗ này chỗ khác lạm phát học hàm học vị, mua bằng bán chức, học giả bằng thật tràn lan. Tỉnh bên có vị thạc sĩ đi..trộm mai bị công an bắt, lên báo mới chết. Bữa lên thành phố, lang thang vòng vèo, cuối cùng đến trước cổng một trường đại học lớn, nhớ người bạn thiếu thời làm ở đấy, nghe nói vừa tậu được cái thạc sĩ, ghé thăm. Ngay cổng bảo vệ, mình dõng dạc xướng tên người bạn, kèm theo sự nhấn giọng “thạc sĩ”. Chú bảo vệ cười cười: thạc sĩ nhiều lắm chú ơi, chú nói vậy ai biết! Mình tẻn tò cám ơn rồi ra về…


Quay lại chuyện công trình khoa học của vị tiến sĩ xứ nhà. Tưởng quên khuấy, ai ngờ gặp lại người quen công tác chung với vị tiến sĩ nọ, ngồi cà phê vỉa hè tán chuyện trên trời. Nhắc đến công trình nọ, lão công chức xuống giọng: nói chú nghe, đừng nói với ai, công trình ấy in thành sách, phát hành bên ngoài không ai đọc, phải nhét vào danh mục có tính áp đặt trong ngành để “tiêu thụ”. Như vậy đấy, công trình khoa học danh giá có đường đi như thế để đến với người đọc “bắt buộc”. Chuyện này không phải ai cũng biết.
Đứa em gần nhà làm có thạc sĩ, tôi tò mò hỏi tới, hỏi tới, chú ấy thật thà- được khoản này là quí- “luận văn của em copy trên mạng 80%”!
Bao nhiêu công trình khoa học, luận văn, luận án, sáng kiến… có con đường hình thành và “lan tỏa” như thế, như thế. Nhiều trường đại học xếp các luận văn tốt nghiệp của sinh viên vào thư viện hàng đống (theo báo chí). Qui luật chung: cái gì sinh ra như thế nào thì sẽ tồn tại và tiêu vong như thế đấy. Rốt cuộc, như vị tiến sĩ nọ, sau “độ rung xã hội” rất ghê, cái còn lại là danh xưng “tiến sĩ” và một ít tiền có được do “bán” công trình của mình bằng con đường riêng ít ai biết.


Không phải hở chút là so với xứ người để mang tiếng xấu là vọng ngoại, nhưng ở đây có lẽ cần so sánh một chút. Thời khoa học tỏa sang bên trời  u, mỗi một công trình khoa học, mỗi một phát kiến, phát minh là một sự kiện có tính cách mạng, mang dấu ấn của sự dấn than. Như Cô péc ních với những nghiên cứu thiên văn, như Megienlang với những khám phá địa lý… Bà Mari Quiri đã dành trọn cuộc đời cho nghiên cứu để cuối cùng phát hiện ra nguyên tố mới Radium. Bà đã trả giá bằng chính tính mạng của mình cho khám phá ấy, cống hiến cho nhân loại, cho đến bây giờ và mai sau. Mỗi một nguyên tố hóa học, một công thức hình học, vật lý, mỗi một hòn đảo mới hay một loài mới.. là sự hiến dâng theo tinh thần tử vì đạo của nhà khoa học, là sự miệt mài, chịu đựng.. không sao tả hết. Những con người vĩ đại ấy đã làm rạng danh trí tuệ con người. Công trình khoa học của họ có con đường đi thẳng vào cuộc sống, tạo ra những thay đổi to lớn, và người ta tranh nhau mua, cam thấy vinh dự được là người đọc đầu tiên, người đầu tiên được chạm đến những con chữ đẫm mồ hôi, lấp lánh ánh sáng thong tuệ và hào quang. Con đường đi của những công trình tiến sĩ thời ấy, bên ấy, khác với con đường đã kể đối với công trình của vị tiến sĩ quê tôi, rất nhiều. Chuyện này thì ai cũng biết.

Nguyễn Thành Công