Post: : Admin

Hiếu đạo phải được thực hiện thương xuyên, thể hiện từ những sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày, ấy là giáo trình cốt lõi dài lâu, là tấm gương sáng cho thế hệ con cháu mai này lấy đó, nhìn vào đó mà làm theo. Chứ không đợi Vu lan đến con mới báo hiếu...



Nhà thơ Lê Đình

Nhà thơ Lê Đình - Ảnh: Nhuận Minh


'' Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con''
(ca dao)

Trong mỗi chúng ta ai từng lớn lên mà không một lần được nghe câu ca dao đó, và ai đã từng lớn lên mà không một lần được tắm gội đời mình trong tiếng ru nôi và trong cái bể tình thương ngọt ngào vô bờ đó. Công lao sinh thành dưỡng dục của mẹ cha như trời cao biển rộng, đạo làm con có thể nào quên được ??. 

Thế nên, hiếu đạo vốn là truyền thống quý báu tốt đẹp nhất của dân tộc ta, giá trị tinh thần ấy đã có bao nhiêu nhà tư tưởng lớn, những triết gia đã đề cập đến, tất cả mọi điều cứu cánh cũng chỉ để gìn giữ bảo tồn và phát huy qua bao thế hệ đã trở thành bất biến và bất hũ. Có bao nhiêu học giả, nhà ngôn ngữ học, văn chương chữ nghĩa vẫn tự nhận kiến thức mình vẫn còn nghèo, bé nhỏ trước tình thương vô bờ mé của mẹ cha.

''Tình của mẹ là thiên thu bất tận
Đâu có chọn ngày chọn tháng để thương con''

Phải !, biển Thái Bình bao la bát ngát, nhưng cũng có lúc...thủy nỗi phong ba, trái lại lòng mẹ thì không, mẹ thương con trong cơn nước lớn, thương cả nước ròng, mùa đông mẹ ủ ấm, mùa hạ mẹ quạt nồng, mẹ cho con bú, mem cơm mướm từng giọt sữa, dỗ giấc ngủ lành trong tiếng ru nôi..., con thức, con ngủ, con khóc, con trở giấc đòi bế đòi bồng, tất cả chỉ một bàn tay thánh thiện của mẹ. Mẹ lo cho con đủ bốn mùa, đâu phải mùa nắng lại thương nhiều, mùa mưa thương ít, gió chướng phương Bắc, gió nồm phương Nam, gió Lào cay nghiệt..., thảy thảy ngọn gió nào cũng mang tấm lòng mát rượi của mẹ mơn man ve vuốt đứa con mình, lớn lên nỡ nào con quên mất, con lại tính toán thiệt hơn với mẹ, con lại bày ra thương mẹ phải đợi tháng chờ mùa...

Một câu chuyện có thật, xin được kể ra đây để chúng ta cùng suy ngẫm, Có một người nọ thấy mẹ mình mùa đông mặc chiếc áo lạnh rách nhàu, bèn hứa với mẹ : '' Chiều nay con lên phố sẽ mua về cho mẹ chiếc áo lạnh mới, rồi do tính lơ đãng, cứ hẹn rày hẹn mai, cuối cùng không mua được áo lạnh, đến lúc mẹ qua đời anh ta mới hối tiếc ray rứt tâm can và thầm nghĩ : hay vậy, hồi đó vừa hứa với mẹ mà đi mua ngay, thì giờ đây lòng đâu day dứt thế này. Cho nên mọi người con đều phải vội vàng, trả hiếu không bao giờ đủ, không được coi là dư bởi nghĩa mẹ tình cha thương con là cho, không phải cho vay để có thể gọi là trả đủ. Đạo hiếu được bắt nguồn từ tấm lòng tri ân, là sự bày tỏ công ơn dưỡng dục biển trời của cha mẹ, người đã đem lại cho ta sự sống, nâng niu ta từ những bước đi đầu tiên, đạo làm con phụng dưỡng cha mẹ là để báo đền ân đức, nhưng không có nghĩa là lo cho mẹ cha ăn no mặc ấm, ở nhà cao cửa rộng, phụng dưỡng cha mẹ không chỉ về mặt vật chất mà còn cả tinh thần, không để cha mẹ lo lắng buồn phiền, Đức Khổng Phu Tử có dạy'' Phụ mẫu tại đường-Tử bất viễn du'' = Cha mẹ còn sống, con chớ đi xa). Cho nên hiếu đạo phải được thực hiện thương xuyên, thể hiện từ những sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày, ấy là giáo trình cốt lõi dài lâu, là tấm gương sáng cho thế hệ con cháu  mai này lấy đó, nhìn vào đó mà làm theo.

Chữ hiếu trong đạo phật là triết lý nhân sinh cao cả với phương châm'' Đạo pháp bất ly thế gian pháp'', phật giáo luôn hiện diện mang trong mình giá trị nhân văn sâu sắc, chính vì vậy, hiếu đạo trong phật cũng rất gần gũi với hiếu đạo trong truyền thống dân gian, là văn hóa tinh hoa thể hiện lòng biết ơn vô hạn của con cháu đối với đấng sinh thành, với ông bà tổ tiên, văn hóa của đạo phật dạy con người ta biết hướng về nguồn cội, bởi phật giáo là một tôn giáo luôn khẳng định đề cao chữ hiếu và luôn tôn kính mẹ cha ở độ cao nhất. 

Người Việt Nam từ ngàn xưa vẫn tôn trọng và đặt lên hàng đầu về chữ hiếu đối với mẹ cha và luôn mãi giữ nề nếp đạo đức văn hóa gia đình, nó hoàn toàn ngược lại với người phương Tây...họ chỉ chăm chăm chạy đua theo vật chất, nhu cầu xã hội, nên không có thời gian để họ có dịp sống nhiều về gia đình và nội tâm. Từ đó cần đòi hỏi sự phóng túng, thoải mái...mà họ cho đó là tự do, nhưng đằng sau bức rèm tự do đó là sự hủy hoại về tâm linh đạo đức, đưa dần con người vào sa đọa suy thoái tâm linh, là chìa khóa của tội phạm, giết chóc và khủng bố.

Dọc trong văn hóa, văn chương Việt Nam hầu hết ca tụng rất nhiều về chữ hiếu bằng ca dao, thi văn, âm nhạc..., trong đó được đề cao tình mẹ thiêng liêng :'' Công cha như núi Thái Sơn- Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra''. Trong các kinh điễn của phật giáo đều đề cao công ơn cha mẹ, lời Phật răn dạy :'' Ta nói không thể trả ơn được, đó là ơn mẹ và cha''. Đối với tình cảm nào rồi cũng nhạt phai theo thời gian, chỉ có tình mẹ là thương con ngàn năm bất tận, trái tim của mẹ là kỳ quan của vũ trụ, nước mẹ nhiều hơn biển Thái Bình, mẹ thương con vô bờ bến và không bao giờ đặt điều kiện, mẹ thương con dù con bao nhiêu tuổi, thậm chí tuổi đã già, nhưng khi đứng trước hình bóng mẹ, con vẫn là con của mẹ của thời ấu thơ, có khi con hư hỏng thất bại đến ê chề ngoài xã hội, mẹ vẫn thương và bao dung cho con đến hơi thở cuối cùng của đời mẹ.

Hằng năm, mỗi độ thu sang, mùa Vu Lan Báo Hiếu lại trở về, về trong nguồn yêu thương của người con phật,với tâm thức trao truyền vô vàn thiêng liêng cao ấy, ắt hẳn đã nhắc nhỡ chúng ta về đạo làm người là phải chu tròn chữ hiếu, và chữ hiếu đối với đạo làm con phải được xem như hơi thở, là sự sống thường ngày và thường trực. 
Vâng !, ĐỪNG ĐỢI VU LAN ĐẾN CON MỚI BÁO HIẾU.

Lê Đình / Phật học đời sống