Post: : Admin

Ngày nay, hầu hết các sách viết về đức Phật đều dựa vào công bố của Đại hội Hội Liên hữu Phật tử thế giới (WFB) lần thứ 3 thống nhất: Phật nhập diệt năm 544 TCN, và lấy đó là khởi đầu Phật lịch(1).



Đức Phật thành đạo năm nào?

Tuy nhiên về ngày thành đạo của đức Phật thì lại có nhiều ý kiến khác nhau, đơn cử:

Ở nước ngoài

1. Pháp sư Thánh Nghiêm người Trung Quốc, trong sách Lịch sử Phật giáo Ấn Độ (2) cho biết: Hiện nay có hai thuyết:

 - Đa phần các vị cổ đức cho rằng: Thái tử  Siddhattha (Sĩ Đạt Ta hay Tất Đạt Đa) xuất gia năm 19 tuổi, thành đạo năm 25 tuổi.

- Ngày nay người ta cho rằng Thái tử Tất Đạt Đa xuất gia năm 29 tuổi và thành đạo năm 35 tuổi.

2. Đại đức Nàrada Mahà Thera, học giả Phật giáo nổi tiếng thế giới người Srilanka (Tích Lan), từng sang Sài Gòn giảng giáo lý của đức Phật nhiều lần những năm 1950-1960, trong cuốn Đức Phật và Phật pháp (3) cho rằng Đức Phật sinh ngày trăng tròn tháng Năm, năm 623 TCN, kết hôn năm 16 tuổi và xuất gia năm Thái tử 29 tuổi (594 TCN). Sau sáu năm tự bản thân kinh nghiệm, Đạo sĩ Tất Đạt Đa đã từ bỏ lối tu khổ hạnh và chọn con đường “Trung đạo”. Sau khi độ một vài vật thực thô sơ, Đạo sĩ đi đến dưới gốc cây Tất bát la (Pippala, sau này người đời gọi là cây Bồ đề nghĩa là cây giác ngộ, để kỷ niệm sự giác ngộ của đức Phật dưới gốc cây ấy) thành đạo ngày 8-12 âm lịch ấy. Đạo sĩ Tất Đạt Ta thành đạo năm 35 tuổi.  

Ở Việt Nam

- Hòa thượng Thích Thiện Hoa trong sách Phật học phổ thông khóa 1-Nhân thừa Phật giáo viết: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sinh ngày 8-4 âm lịch năm 624 TCN; ngày 8-2 âm lịch năm 19 tuổi xuất gia; Ngài thành đạo năm 30 tuổi.

- Cư sĩ Nguyễn Văn Chế trong “Những vấn đề căn bản trong Phật học” xuất bản tại Hà Nội năm 1976 viết: Thái tử xuất gia năm 19 tuổi, sau 6 năm tu khổ hạnh Thái tử từ bỏ lối tu này. Ngài uống bát sữa của thiếu nữ chăn bò rồi đến ngồi dưới gốc cây Tất ba la nhập định luôn 49 ngày. Một đêm ngày cuối cùng Thái tử đã tu thành đạo, Tất Đạt Đa đã thành Phật Thích Ca Mâu Ni (Cakya Muni). Sau khi thành đạo, ròng rã 49 năm liền đức Phật đi khắp nơi trong nước Ấn Độ để thuyết pháp. Ngài nhập diệt năm 80 tuổi, năm ấy là năm 480 TCN (có sách ghi là 483 TCN) 

Từ điển Phật học Hán-Việt (4) mục từ Thích Ca Mâu Ni viết: Ngài 6 năm tu khổ hạnh, thành đạo năm 35 tuổi. Từ đó về sau, hơn 40 năm trời Ngài đi khắp 4 phương để giáo hóa cứu độ chúng sinh, năm 487 TCN Ngài nhập Đại bát Niết bàn.

- Cư sĩ Lưu Vô Tâm trong sách Phật học khái lược (5) mục Niên lịch của Đức Phật Thích Ca viết:

- Phật giáng sinh ngày 15-4-624 trước Công nguyên.

- 19 tuổi xuất gia nhằm ngày 8-2.

- 5 năm tầm học các đạo;

- 6 năm tu khổ hạnh.

- 49 ngày nhập định.

- 30 tuổi thành đạo nhằm ngày 8-12.

- 49 năm thuyết pháp độ đời.

- 80 tuổi nhập Niết bàn nhằm ngày 15/2 (544 trước Công nguyên).

Sách giải thích ngài Tất Đạt Đa có 5 năm tầm học các đạo rồi thêm 6 năm tu khổ hạnh mới thành đạo năm Ngài 30 tuổi.

- Trang Web Đạo Phật ngày nay, viết: Ngài sinh năm 624 TCN, xuất gia năm 29 tuổi, học đạo với hai vị đạo sĩ Alasa-Kalama và Uddaka-Camaputta, trải qua 6 năm tu khổ hạnh với 5 anh em ông Kiều Trần Như thành đạo năm 35 tuổi. Hoằng dương chính pháp trong 45 năm; trụ thế ở đời 80 tuổi, khoảng năm 544 TCN nhập diệt tĩnh lặng.

Các tài liệu đều thống nhất Ngài nhập Niết bàn năm 80 tuổi. Riêng ngày Thái tử xuất gia và thành đạo lại đã có 3 loại ý kiến khác nhau:

1- Thái tử Tất Đạt Ta xuất gia năm 19 tuổi, thành đạo ngày 8-12 năm Ngài 25 tuổi;

2- Thái tử Tất Đạt Đa xuất gia năm 19 tuổi, thành đạo ngày 8-12 năm Ngài 30 tuổi;

3- Thái tử Tất Đạt Đa xuất gia năm 29 tuổi, thành đạo ngày 8-12 năm Ngài 35 tuổi.

Đức Phật thành đạo năm nào? đây là câu hỏi được đặt ra và rất nhiều bài viết luôn sử dụng ngày 08/12/ âm lịch mà không nhắc đến số năm. Nhân đây Phật học đời sống sử dụng năm 594 (trước Tây lịch) Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được tính theo sách Phật học phổ thông mà HT.Thích Thiện Hoa biên soạn.

Đức Phật thành đạo năm nào? đây là câu hỏi được đặt ra và rất nhiều bài viết luôn sử dụng ngày 08/12/ âm lịch mà không nhắc đến số năm. Nhân đây Phật học đời sống sử dụng năm 594 (trước Tây lịch) Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được tính theo sách Phật học phổ thông mà HT.Thích Thiện Hoa biên soạn.


Lời bàn

Với loại ý kiến thứ nhất:

Phật xuất gia năm 19 tuổi, thành đạo năm 25 tuổi, hoằng dương chính pháp 49 năm rồi viên tịch thì Ngài trụ thế 25 + 49 = 74 tuổi, trong khi đức Phật thọ 80 tuổi.

Với loại ý kiến thứ hai:

Phật xuất gia năm 19 tuổi, thành đạo năm 30 tuổi, thuyết pháp 49 năm, như vậy Ngài thọ 30 + 49 = 79 tuổi (coi như xấp xỉ tuổi 80). Nhưng từ khi xuất gia đến khi thành đạo là 11 năm. Tuy nhiên theo các tài liệu hiện có đều nói sau khi xuất gia Thái tử theo học hai vị đạo sĩ Alasa-Kalama và Uddaka-Camaputta, trải qua 6 năm tu khổ hạnh với 5 anh em ông Kiều Trần Như, rồi 49 ngày đêm ngồi thiền định dưới gốc cây Bồ đề và thành đạo. Chẳng lẽ Ngài mất 5 năm tầm học các đạo rồi mới tu khổ hạnh 6 năm? Lời giải thích này không có sức thuyết phục bởi đức Phật là người thông minh tuyệt đỉnh.

Với loại ý kiến thứ ba

Phật xuất gia năm 29 tuổi, thành đạo năm 35 tuổi, 45 năm chuyển bánh xe pháp, nhập diệt năm 80 tuổi.

Chúng tôi cho rằng ý kiến này phù hợp với lịch sử đức Phật.

 Rất mong được quý độc giả chỉ giáo.


Nguyễn Đại Đồng



1. Đa phần các sách của Trung Quốc đều cho rằng đức Phật sống trong khoảng 565-485 TCN cùng thời với Khổng Tử.

2. Pháp sư Thánh Nghiêm, Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Thích Tâm Trí dịch, NXB Phương Đông 2008.

3. Nàrada, Đức Phật và Phật pháp,  Phạm Kim Khánh dịch, NXB Tôn giáo, 2011

4. Kim Cương Tử chủ biến, Từ điển Phật học Hán –Việt, NXB Khoa học xã hội, 2004.

5 Lưu Vô Tâm, Phật học khái lược, NXB Tôn giáo, 2005.