Post: : Admin

Đại lão Hoà thượng Thích Trí Quang tên khai sinh Phạm Quang, tên tục là Do, tổ tiên người gốc Hải Dương, sinh quán làng Diêm Điền, tổng Long Đại, phủ Quảng Ninh (nay là phường Ninh Đông, thành phố Đồng Hới), tỉnh Quảng Bình.



Chân dung cố Đại lão HT.Thích Trí Quang. Ảnh chụp ngày 08-11-1998

Chân dung cố Đại lão HT.Thích Trí Quang. Ảnh chụp ngày 08-11-1998

Kính Lễ Ôn !

Một mai thân xác tiêu tan
Danh thơm vẫn ở thế gian muôn đời
Pháp thân lồng lộng tuyệt vời
Sáng soi Pháp giới, rạng ngời sử xanh

Ngậm ngùi nhớ !

Người xưa nay đã còn đâu
Chỉ còn mây bạc lòng sầu tiếc thương
Ra vào lòng dạ vấn vương
Nụ cười bất diệt, dư hương hoa từ

Than ôi !

Đến cõi Ta bà nguyện độ sanh
Quảng bình đất ấy bước chân lành
Thừa thiên ghi dấu thời tranh đấu
Vì đạo chẳng màn chuyện tử sanh
Tinh nghiêm Giới luật đáng nêu danh
Thầy đi, Giới đức lưu hậu thế
Mãn duyên trần cảnh bỏ hóa thành
Bóng Thầy muôn thuở còn in dấu
Sen vàng hoa nở đã ghi danh
Huyễn thân bỏ lại nơi dương thế
Thẳng tiến Lạc thành, tốc vãng sanh
Bao năm dấng thân vì đạo Pháp
Những mong ước nguyện sớm viên thành
Mong sao Đại chúng luôn cố gắng
Gìn giữ nếp nhà được tịnh thanh
Nối tiếp thanh quy Từ Đàm sử
Rạng danh họ Thích đấng Cha lành
Bến Giác thuyền Từ phăng lướt tới
Ba ngàn đại địa ứng độ sanh
Hào quang rạng chiếu, soi Tam Giới
Thể Tánh trong ngần, sáng long lanh


Đại lão Hoà thượng Thích Trí Quang tên khai sinh Phạm Quang, tên tục là Do, tổ tiên người gốc Hải Dương, sinh quán làng Diêm Điền, tổng Long Đại, phủ Quảng Ninh (nay là phường Ninh Đông, thành phố Đồng Hới), tỉnh Quảng Bình.

Ngài sinh năm Quý Hợi (1923), xuất gia năm 1938 với Đại sư Hồng Tuyên ở chùa Phổ Minh, sau đó vào kinh đô Phú Xuân tu học và gắn bó với Phật giáo cố đô, đặc biệt Pháp nạn năm 1963 xuất phát từ Huế trong Tuần lễ Phật đản Phật lịch 2507.


Đại lão Hoà thượng là tác giả của nhiều công trình giảng luận Phật pháp, Luật học của người xuất gia, là nhà phiên dịch, chú giải nhiều kinh điển Đại thừa, sám pháp, luận sớ của chư vị Bồ-tát, chư Tổ sư và hàng trăm bài khảo luận dựng lại tinh thần Phật giáo trong thời kỳ chấn hưng Phật giáo, làm nền tảng cho Phật học và thái độ ứng xử theo Chánh pháp của người Phật tử.


Kể từ lúc gắn bó các hoạt động Phật giáo ở Sài Gòn, sau ngày thống nhất đất nước, Đại lão Hoà thượng ở tại chùa Ấn Quang, rồi tu viện Quảng Hương Già Lam (TP.HCM) độc cư, chuyên tâm hành trì, viết sách, dịch và chú giải kinh, luật, luận…


Năm 2013, ở tuổi 91, Đại lão Hòa thượng đã trở về thăm quê nhà sau hơn 60 năm xa cách và lưu lại chốn cũ là chùa Từ Đàm, tiếp tục việc dịch thuật kinh điển và chuyên tâm hành trì cho tới ngày viên tịch.

Ngài cũng đã về thăm lại nơi chôn nhau cắt rốn, nơi được Bổn sư thế độ xuất gia, thăm lại mộ phần của song thân ở Quảng Bình.


Được biết, Đại lão Hòa thượng được Bổn sư phú pháp, Thiền tông Lâm Tế, Thiền hệ Đạo Mân Quốc sư, lưu xuất từ Tổ sư Nguyên Thiều, với pháp danh Nhật Quang, pháp tự Trí Hải, pháp húy Thiền Minh. Đạo hiệu Trí Quang là do Giáo thọ sư của ngài là Đại sư Trí Độ ban.


Đồng Hoàng