Post: : Admin

Có một mối tình rất đẹp, chung thuỷ, đó là mối tình của Sư cố Từ Hiếu và Thầy chú. Sư cố pháp danh là Thanh Quý, hiệu Chân Thật...



Cổng tam quan chùa Từ Hiếu trên nền cũ rêu phong. Ảnh: Chân Pháp Đăng


Sáng nay trời đẹp thật đẹp, bầu trời trong xanh, có những đám mây trắng bay lơ lững. Những tia nắng đầu ngày xuyên qua tàn lá rơi xuống từng giọt, từng đốm, từng vũng sáng cả sân chùa. Các chú Tiểu đang quét lá, tiếng lá kêu xào xạt lẫn tiếng suối reo róc rách nghe thật vui. Chú Pháp Đăng thích đi dạo mỗi buổi sáng chiều chung quanh hồ sao hôm, bán nguyệt, sao mai. Chú đi để tiếp xúc với sự sống, với đất mẹ, để trở về với chính mình.


Ba ngày trước trời mưa rất lớn, mưa tầm tả, mưa dầm dề. Mưa xứ Huế dai dẵng, không biết lúc mô dừng lại. Chú rất thích ngồi bên hiên chùa nghe mưa. Chiều hôm trước chú đã ngồi ở tháp chuông ngóng cơn mưa. Cơn mưa nhiều hạt đan vào nhau từng giọt, từng giọt, thành một bức lụa nước long lanh. Nghe mưa chú nhớ tới mẹ. Cơn mưa là mẹ. Tiếng mưa rơi như lời mẹ ru, nghe rất ngọt ngào, êm ái.


Nghe mưa là một phép thực tập, tâm chú duyên vào tiếng mưa rơi để thắp sáng chánh niệm, mưa rơi là tiếng gọi tỉnh thức (wake up call). Mấy mươi năm nay chú thực tập an trú trên mỗi bước chân, mỗi hơi thở để đưa tâm rong ruổi, trôi lăn trở về với thân, an trú trong hiện tại, nên cơn mưa thức tỉnh tâm tư chú rất dễ dàng. Cái tâm vọng động, phóng đãng như ngựa phi năm xưa đã ngừng lại nhiều rồi. Chú trở về với chính mình dễ hơn những năm mới xuất gia.


Hồi còn ở Tu viện Lộc Uyển, chú có thể ngồi thật yên, chú có mặt thật sự, an trú nơi hiện tại, tiếp xúc với cảnh núi rừng rất lâu. Niềm vui là có mặt với chính mình, có mặt cho bông hoa cúc vàng đang nở rộ trước mặt. Chú ngồi trên võng thật lâu, không cần làm gì, không cần đọc sách, không cần suy nghĩ. Năm xưa sư anh Giác Thanh từng ngồi yên trên chiếc võng treo trước cốc Phù Vân thật lâu. Hồi ấy, tâm chú còn vọng động mạnh lắm nên ngồi yên rất là khó cho chú. Chú phải tìm cái gì đó để làm, tìm ai để nói chuyện, tìm sách để đọc, tìm việc để làm… Chú rất phục khả năng sống yên của sư anh Giác Thanh, ước gì mình có thể ngồi yên được như thế. Bây giờ chú ngồi được rồi.


Chú ngồi dưới tháp chuông một mình mà cảm giác bình an. Suốt ngày ấy, mưa to tầm tả nên không ai lên chùa. Mới 4:30 chiều mà sân chùa vắng tanh. Chú thương Phật tử nhưng chú vẫn thích ngồi một mình để tìm lại chính mình. Ba ngày qua, Thầy chú không đi ra ngoài. Tuy trời mưa, mỗi sáng đều có một số Phật tử đứng chờ nơi tháp chuông để được nhìn thấy Thầy chú. Chú thương họ lắm, nhưng Thầy chú không thể ra ngoài lúc trời mưa. Hơn nữa, Người rất sáng suốt, Người biết lúc nào cần đi ra ngoài. Sáng nay trời đẹp, Thầy chú quyết định đi dạo chùa và rất nhiều Phật tử được nhìn Thầy tận mặt bằng xương bằng thịt. Tuy bệnh nhưng năng lượng tâm linh, có mặt rất hùng tráng. Đôi mắt Người rất sáng. Người thích đi dạo chùa trong im lặng để tiếp xúc với sự sống, với thiên nhiên, với những kỷ niệm ngọt ngào của thời hành Điệu bên Sư cố, bổn sư của Người.


Có một mối tình rất đẹp, chung thuỷ, đó là mối tình của Sư cố Từ Hiếu và Thầy chú. Sư cố pháp danh là Thanh Quý, hiệu Chân Thật. Ngài nhỏ người nhưng ngài thường đội chiếc nón rộng vành cầm chiếc gậy, có con chó bẹc rê to tướng đi thăm chùa mỗi ngày. Con chó này rất mến Ngài giống như chú Tiểu đi theo hầu thầy. Sư cố đi đâu thì con chó đều đi sát bên chân Ngài. Sư cố là một người hiền lành nhất trên đời, người xứ Huế rất cung kính Ngài, gọi Ngài là cố Từ Hiếu, bởi theo dòng phái Liễu Quán, Ngài là thế hệ lớn, hàng chú, hàng ông của các Hoà Thượng thời ấy. Giống như ông sơ sinh ra nhiều ông cố trong ấy có ông cố út, chỉ mới 7 tuổi mà các ông cố kia đã 70 tuổi, 80 tuổi, do thế con cháu của các ông cố anh đã lớn hết rồi, thế mà vẫn có ông cố út mới 20 tuổi. Sư cô Từ Hiếu là đệ tử út của sư tổ Hải Thiệu Cương Kỷ. Đặc điểm của Ngài là hạnh khiêm cung. Mọi người xứ Huế gọi Ngài là bậc đại khiêm cung. Phật tử lạy Ngài thì Ngài lạy lại, các Điệu đem thơ, quà của các Hoà Thượng từ chùa khác như Trúc Lâm, Tây Thiên, Báo Quốc, Tường Vân đến Từ Hiếu trao cho Ngài, thì Ngài bảo Điệu đợi một chút. Ngài vào liêu mặc áo tràng, ngồi ngay ngắn để tiếp nhận lá thơ, món quà của các bậc tôn đức qua hình bóng của chú Điệu. Ngài luôn hái một vài trái khế ngọt hoặc một vài trái bùi cúng dường các hoà Thượng. Đó là một hạnh rất dễ thương, một mối tình huynh đệ làm bằng chất liệu cung kinh, yêu thương.


Sư cố có nhiều đệ tử nhưng Ngài thương Thầy chú nhất. Ngài gọi thầy chú là Điệu Xuân, bởi sư cố đặt pháp danh cho thầy chú là Phùng Xuân nghĩa đi gặp mùa xuân. Thầy chú kể:

Trước lúc thầy chú được thọ sa di, Sư cố đã thức suốt đêm khâu lại chiếc áo tràng cũ để cho Điệu Xuân mặc trong ngày thọ giới. Lúc ấy Điệu Xuân và chú Tâm Mãn đang hầu Sư cố, hai chú nhìn qua khe cửa có đèn dầu sáng thấy hình bóng Sư cố đang ngồi vá lại chiếc áo tràng lam cho chú. Hình ảnh của Sư cố vá áo đẹp như một vị Bồ Tát. Điệu Xuân cảm thấy xúc động muốn rơi nước mắt. Một hành động đầy yêu thương của bậc ân sư. Hai chú nhè nhẹ bước vào liêu thưa với Sư cố: “Sao ôn không để dì Tư vá cho.” Nhìn hai chú, Ngài mỉm cười nói: “Thầy muốn tự mình vá chiếc áo cho con.”


Sư cố đã già rồi, Ngài có thể nhờ dì Tư làm việc ấy, nhưng Ngài muốn tự mình vá lại chiếc áo tràng cũ cho đệ tử như một mối tình thiêng liêng. Thọ giới Sa di là bước đầu linh thiêng trên con đường tu tập, là nét đẹp tâm linh, là giọt nắng đầu của Bồ Đề Tâm. Ngài muốn đặt hết trái tim và tình yêu thương vào chiếc áo này cho đệ tử. Thầy chú nói là thầy đã giữ chiếc áo ấy dù nó đã cũ nát lắm rồi. Chiếc áo ấy được đi vào lịch sử văn học trong tác phẩm "Tình người" của Thầy chú.


Có một tình đẹp như vậy đó. Nó được làm bằng chất liệu tâm linh, lý tưởng, thiêng liêng, vắng bóng ngã ái, chấp thủ. Nó được làm bằng ánh sáng chánh niệm trên mỗi bước chân, mỗi hơi thở, mỗi nụ cười. Bỗng nhiên, mình có mặt cho mình và mình cảm nhận tình thương của Thầy mình, của Sư cố, của các vị Tổ Sư, của Bụt. Các Ngài không trao cho mình gì hết ngoài nếp sống an lạc, từ bi, giải thoát, tự do.


Chân Pháp Đăng