Post: : Admin

Sau khi thành đạo, Đức Phật muốn đem đạo tự chứngccủa mình truyền bá trong thiên hạ. Ban sơ Ngài nhớ tới hai vị tiên nhân A La Lã Ka Lam và Uất Đầu Lam Phất, Ngài dùng Phật nhãn quan sát và thấy hai vị này vừa mới qua đời.



Ngài bèn đi tới vườn Lộc Giả xứ Ba La Nại Tư, tại đây gặp năm anh em Kiều Trần Như, Đức Phật vì họ mà thuyết pháp Tứ đế, chỉ rõ hai cực đoan xa hoa và khổ hạnh đều không đưa đến đạo quả giải thoát. Nghe xong, năm vị này chứng quả A la hán, lần đầu tiên Tam bảo được thiết lập ở thế gian.

Kế đến, Ngài trở về xứ Ma Kiệt Đà, giữa đường người theo thọ giáo rất đông, đa phần là môn đồ của ba vị đạo sĩ thờ lửa Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp, Na Đề Ca Diếp và Già Da Ca Diếp.

Sau Ngài lại đến thành Vương Xá, tại đây Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Đại Ca Diếp… lần lượt đến xin Phật xuất gia. Quốc vương Tần Bà Sa La cũng phát tâm quy y, xây dựng Trúc Lâm tinh xá làm nơi kiết hạ an cư cho Phật và Tăng đoàn.

Ngài lại đến núi Linh Thứu, giữa đường hay tin phụ vương bệnh nặng liền trở về cố hương. Bấy giờ người em khác mẹ của Ngài là Nan Đà cùng với các người em khác như: Đề Bà Đạt Đa, A Nậu Lâu Đà… cũng xin theo Phật xuất gia. Ưu Ba Ly cũng từ bỏ gia đình mà đến. Nhân đây, môn đồ của Ngài có đến 1.250 vị.

Năm sau, Ngài đến Xá Vệ, trưởng giả Tu Đạt Đa kiến tạo tinh xá Kỳ Viên dâng cúng Phật. Tinh xá này trở thành đạo tràng lớn nhất thời Phật tại thế.

Ngài lại đến thành Tỳ Xá Ly, nơi đây có Tỳ kheo Tu Đề Na nhân khi về thăm nhà, cùng với người vợ cũ hành dâm; do sự kiện này Đức Phật chế giới. Cũng vào năm

đó, La Hầu La xuất gia.

Sau khi thành đạo hai mươi lăm năm, A Nan xuất gia. Không bao lâu, di mẫu Bát La Xà Đề cùng với các cung nữ đến xin Phật xuất gia. Thế giới Ni lữ được Phật phương

tiện cho phép thành lập.

Một đời Đức Phật với tám mươi năm trụ thế, trải qua bốn mươi chín năm hoằng hóa, Ngài đã đi qua các địa vức như: Phía Bắc xứ Kiếp Tỷ La Đại Tốt Đổ thuộc Tuyết lệ sơn, phía Tây xứ Câu Diệm Di, phía Đông xứ Chiêm Bà, phía Nam xứ Ba La Nại Tư. Trên đây là các khu vực mà Đức Thế Tôn thường đến để giáo hóa.


Thích Nguyên Liên

(Trích sách Những mật ý trong cuộc đời Đức Phật)