Post: : Admin

Chuyện ca sĩ và ca sĩ Phật tử. Hai thành tố này khác nhau nhiều lắm nhưng để phân biệt và nhìn ra thì rất khó vì tính dung hòa, dễ dải của cửa chùa...



Vừa rồi đạo hữu Nguyên Hòa – Lê Văn Trung có bức xúc gởi email cho tôi nói về một bài báo theo đạo hữu là “hết sức tào lao”, được đăng trên một  website Phật giáo lớn. Nội dung chỉ là vài lời phòng vấn một ca sĩ trẻ tự nhận mình là “con nhà Phật” có trì tụng chú Đại Bi hằng ngày, có đi thăm các thánh tích (Tứ Động tâm) ở Ấn Độ. Ca sĩ này còn nói rằng giáng sinh hằng năm vẫn thường hòa vào dòng người đón lễ, cất tiếng hát lời ca tại các giáo xứ, được các cha, các xơ và giáo dân – những người con Chúa hiền lành (lời ca sĩ) yêu mến và gởi lời cầu chúc giáng sinh an lành đến với mọi người trên hành tinh này và chuẩn bị cho ra mắt  bài hát mới mừng giáng sinh năm nay….! Như vậy, tôi trả lời, bài viết này chẳng tào lao chút nào, vì  mục đích của bài viết chỉ là hỗ trợ cho  ca sĩ trẻ này PR cho bài hát mới mừng giáng sinh của anh ta mà thôi. Tôi mong đạo hữu hãy bình tâm kẻo bị lừa vào vòng xoáy dĩ hòa vi quý, rổi dần cũng sẽ biến thành một trích đoạn tấu hài rẻ tiền mua vui cho người rỗi hơn vài trống canh mà thôi.


Vấn đề còn lại tôi muốn thưa với đạo hữu là chuyện làm nghề, sinh sống bởi nghề nghiệp ca sĩ; kế đó là tinh thần Từ Bi của Phật giáo từ ngàn xưa nay và sau cùng là tư cách của một Phật tử đứng đắn.


Đạo hữu thử nghỉ lại xem, xưa nay, có rất nhiều  tự tưởng, thậm chí thành lập cả một tổ chức gọi là “Hòa Đồng Tôn Giáo”, nhất là thời kỳ chiến tranh trước năm 75. Nhưng kết quả là gì nếu không là sự đơn độc vừa đánh trống vừa thổi kèn, làm trò cười cho chính các nhân tố được hòa đồng đó!  Tôi và đạo hữu từng đọc qua các tài liệu lịch sử lẫn nghiên cứu nên rất khó chịu khi nghe ai đó nói “đạo nào cũng vậy”. và hiện tại câu đầu môi này chỉ còn tồn tại trong thành phần rất nhỏ ít khi có điều kiện tìm hiểu sâu sắc. Nếu chưa có thì giờ  tìm hiểu kinh sách ( kinh sách chứ không phải kinh tụng hay mỗi chú Đại Bi cầu bình an đâu) nhiều thì nên tìm đọc quyền sách nhỏ xíu, thậm chí bé tí của cố Hòa Thượng Thích Trí Thủ (1009 – 1984), trong đó có câu trả lời làm sao biết tôn giáo nào tốt xấu? rằng: “ Cứ nhìn cuộc đời hành đạo của vị giáo chủ đó tất biết”  (Cẩm nang cho người Phật tử).

Phật giáo không gây chiến, tranh chấp hoặc đố kỵ với ai, thành phần nào, ở quốc độ nào nên Phật giáo không có kẻ thù. Chuyện gây thiện cảm không ồn ào khoa trương bởi chất tinh túy của Phật giáo đã hằn sẵn có, không cần thiết đến độ mỗi nhân tố tự khoác lên mình bộ áo “con nhà Phật” đi làm chuyện xa xỉ và thiếu tư duy như vậy. Tất nhiên, ở cấp độ tổ chức, Giáo hội, chuyện ngọai giao, chúc mừng nhau là chuyện phải có. Chưa bao giờ và không bao giờ đến mức chư tôn lãnh đạo Giáo Hội hay các bậc sư trưởng phải nhờ vã chúng ta làm cái chuyện không phải của mình như thế. Nói tóm lại và nhẹ nhàng nhất là thừa thải ! Lúc nào, bao giờ tôi vẫn luôn nhớ hoài câu nói của giáo sư Cao Huy Thuần về cuộc Pháp nạn  năm 1963, Phật giáo đấu tranh đòi quyền bình đẳng tôn giáo: “Một tôn giáo tồn tại trên đất nước này hơn hai ngàn năm mà phải đi xin quyền bình đẳng thì thật chua xót”. Đứng về mặt lịch sử  con nhà Phật chính hiệu không thể quên điều này. Đó không phải là hận thù vì như đã thưa Phật giáo không có kẻ thù, mà là để sách tấn những tư duy bị đóng băng bởi các quan niệm tự kỷ, tự ty rẻ tiền trong xã hội, thời nào cũng  còn lọt sổ sống loay hoay chung quanh chúng ta.

Chuyện ca sĩ và ca sĩ Phật tử. Hai thành tố này khác nhau nhiều lắm nhưng để phân biệt và nhìn ra thì rất khó vì tính dung hòa, dễ dải của cửa chùa. Chỉ riêng về chuyện ca sĩ Phật tử thôi cũng có rất nhiều điều để nói. Ở đây xin khái lược một vài ý muốn nói để tranh thủ thời gian ngắn. Là một ca sĩ  tất nhiên là phương tiện mưu sinh chủ yếu, có tấm lòng hướng Phật thì đến cống hiến vài bài mua vui cho chùa chiền, hát  nội dung gì cũng được vì vị trụ trì ít khi đòi hỏi điều đó vì sợ mất lòng. Ca sĩ nào có tâm sâu hơn thì học vài bài ca có nội dung Phật  giáo làm bài tủ đi hát chùa A chùa B. Có ca sĩ thì đầu tư tài chính lẫn công sức cho tác phẩm mình biểu diễn như thu âm dàn nhạc riêng và đặt hàng nhạc sĩ viết cho mình. Xong mùa hát các chùa thì bên cạnh việc biểu diễn sinh sống ngoài xã hội, nếu có tôn giáo khác ngỏ ý mời thu âm bài ca ca ngợi tôn giáo họ thì cũng sẵn lòng vì đó còn là cách kiếm thêm thu nhập. Chuyện này không có gì sai và càng phải cảm thông cho họ vì đó cũng là nấc thang thành danh đưa họ lên trước khi đến với chùa ca hát. Tuy nhiên cũng vì như thế mà có lẽ danh xưng “ca sĩ Phật tử” chưa được tròn vẹn cho lắm so với ca sĩ không hát nhạc của tôn giáo khác. Có nghĩa là vẫn ca hát sinh sống  bình thường và hát ở chùa thôi, nhưng xem ra thành phần này cũng rất hiếm ! Vậy nên khi mình tự xưng “ca sĩ Phật tử” trước hết hãy nhìn  kỹ lại mình, và khi đã nhận định rò ràng, chính đáng thì kế tiếp “ca sĩ Phật tử” nên làm và không nên làm những gì, dù đức Phật  không hề trừng phạt bất cứ ai.

Không biết các cán bộ văn hóa Phật giáo của mình có chịu khó lập danh sách thống kê không chứ bản thân tôi thì đã có từ lâu danh sách những ca sĩ khác đạo không bao giờ hát nhạc Phật giáo và cũng không giờ có mặt trong các chương trình nhỏ to của Phật giáo hay của các chùa tổ chức. Trong  giời cầu thủ bóng đá hiện nay cũng thế, những ai ngoan đạo, ra sân thường làm dấu thành giá, và luôn rũ rê đồng đội đi lễ nhà thờ, đố ai biết ? Thậm chí có ca sĩ ngôi sao từng trêu ngươi mấy vị cán bộ văn hóa PG mang túi tiền đến gõ cửa nhà một ngôi sao, bị họ thằng thừng từ chối bằng cách nêu ra giá cát sê thật ngất ngưỡng mà các cán bộ mẩn cán nhà ta cứ kiên trì năn nỉ, đến mức họ phán một câu “ Càng năn nỉ cáng nâng cát sê” khi đó mới chịu lầm lủi quay lưng! Họ đâu có sai khi không hát nhạc của niềm tin tôn giáo khác ?

Thế đấy các bạn ạ !

Nhưng, có một “con chim họa mi hót bên bờ vai đức Phật” thật sự. Đó là cố danh ca Hà Thanh (1930 – 2014 ), người đệ tử của đức Đệ Nhất Tăng Thống Thích Tịnh Khiết, được ngài ban pháp danh Tâm Tú. Theo ghi chép riêng của tôi, người ca sĩ Phật tử xứng danh này chỉ ca hai phiên khúc duy nhất có liên quan đến đạo Thiên Chúa là lời người mẹ trong tác phẩm “Lá Thư Trần Thế “  của nhạc sĩ Hoài Linh (cùng với Duy Khánh và Hương Lan ) trước năm 1973. Sau 75, sang định cư ở Hoa Kỳ cô vẫn đi hát bình thường và đương nhiên thường xuyên đến các chùa đọc kinh, bái sám cũng như ca hát phục vụ. Trong các album nhạc tiền chiến và tình ca thực hiện suốt quàng thời gian này hoàn toàn không hát bất cứ nhạc nào của tôn giáo khác. Sự cần mẫn, chuyên tu của cô, được chư tôn hòa thượng không ngần ngại ban tặng cho danh xưng cao quý mà chưa có một ca sỉ nào có được: “Con chim họa mi hót bên bờ vai đức Phật” ! Sống và cống hiến, tu tập chuyên cần  đến như vậy, ngay cả lúc nằm trên giường bệnh, trước những lời hỏi thăm, động viên, cô vẫn lạc quan và lời nói ra thành câu hát “Sống đến tuổi này không đau mới lạ “ Thật là đáng trân trọng và ngưỡng mộ biết dường bao !


Ba biến Chú Đại Bi mỗi ngày chưa nói lên được điều gì và cũng chưa làm được gì để những chư tôn đức quy y cho mình được an lòng trên từng nốt nhạc đời đầy trắc trở phong ba. Viết những dòng này trong khi chúng tôi đang bộn bề với những tài liệu lịch sử về ngày của thần mặt trời bị ăn cướp, các thổ dân châu Mỹ bị phản bội..vv. cho đến khi chạm đến cụm từ “ca sĩ Phật tử” đi hát nhạc giáng sinh và chúc mừng giáng sinh (có đóng mở ngoặc kép) làm sực tỉnh hẳn! Vậy là chuyện tào lao  cũng có thứ năng lục sui khiến ngòi bút múa máy quay cuồng trên không gian tri thức ?


Lê Văn Trung - Dương Như Tâm