Post: : Admin

Sáng nay, ngày 15/10/2019 nhằm 17/09/ Kỷ Hợi, tại tịnh xá Ngọc Chơn số 157/7 tổ 1, Kp. 6, Tt. Chơn Thành, huyện Chơn Thành, Bình Phước đã diễn ra lễ bế mạc khóa tu“Tập sống Chung Tu Học” lần V Chư Ni Giáo đoàn VI – Hệ phái Khất sĩ. Khóa tu diễn ra 6 ngày từ 09 – 15/10/2019 (nhằm ngày 11 – 17/09/ Kỷ Hợi).



Để hướng dẫn Chư Ni tu tập đúng đường lối của Hệ phái, 7g00 sáng cùng ngày Thượng tọa Thich Giác Điệp đã hướng dẫn Chư Tôn Đức Tăng - Ni khất thực hóa duyên nhằm tái hiện lại đời sống phạm hạnh của Tổ sư Minh Đăng Quang.

9 giờ sáng cùng ngày lễ khai mạc được diễn ra dưới sự chứng minh của Chư Tôn Đức Tăng Giáo đoàn 6.

Thượng tọa Thích Giác Điệp Tri sự phó Giáo đoàn 6, Trưởng ban khóa tu; Thượng tọa Thích Giác Nhuận Ủy viên Ban trị sự GHPGVN Tp Hồ Chí Minh, phó Ban thường trực Ban trị sự GHPGVN Quận 6, Trị sự phó Giáo đoàn 6, trụ trì tịnh xá Ngọc Chơn, Phó ban tổ chức khóa tu; Thượng tọa Thich Giác Minh cùng Tăng chúng các miền tịnh xá trực thuộc Giáo đoàn 6 về tham dự lễ bế mạc khóa tu.

Về số lượng hành giả: có 18 vị hành giả Ni từ các tịnh xá trực thuộc Giáo đoàn VI về tham dự khóa tu “Tập sống Chung Tu Học” lần thứ 5. Trong số đó: Ni sư: 5 vị, Tỳ kheo ni: 11 vị, Thức xoa: 2 vị.

             Trong buổi lễ Sư cô Thích Nữ Phương Liên thư ký khóa tu, trụ trì tịnh xá Phước Hưng báo cáo tổng kết khóa tu.


Trong khóa tu ngày thứ 1 và ngày thứ 2: Ni sư Tâm Tâm đã chỉ cho chúng con biết rõ một cách khái quát đạo lộ vận hành của tâm mình cũng như về thiền Vipassana mà mỗi người xuất gia nên thực hành.

Ngày thứ 3: Buổi sáng Đại đức Minh Sĩ đã chia sẻ với Chư hành giả thời pháp có chủ đề “Tình yêu trong mắt người Tu sĩ” qua hai thi phẩm của Cố Hòa thượng Giác Huệ. Đại đức nhấn mạnh, tình yêu của người tu sĩ mang tính chân chính và mang nhiều lợi ích cho chúng sanh, không chỉ là tình yêu mang sự lợi ích cho cá nhân. Tình yêu rộng lớn sẽ là mầm sống để hóa độ chúng sanh, phải có sự hy sinh cũng như Hòa thượng Giác Huệ đã dạy người tu sĩ chúng ta đến hơi thở sau cùng vẫn giữ được lửa tình yêu với chúng sanh, hóa độ được chúng sanh đem lại lợi ích cho mình cho người.

Buổi chiều Thượng tọa Giác Điệp chia sẻ với Chư hành giả về bài kinh Trung bộ số 31, phẩm Tiểu kinh Khu Rừng Sừng Bò. Ngài nói người tu sĩ phải sống hòa hợp, hoan hỷ với nhau như nước với sữa, sự sống hòa hợp ấy theo tinh thần 6 pháp hòa kính với pháp tu tứ vô lượng tâm: Từ, bi, hỷ, xả. Qua sự tu tập 3 nghiệp “thân, khẩu, ý” của tự thân. Khi 3 nghiệp được thanh tịnh sẽ giữ được giới, nhờ giữ giới nên có định và nhờ tu định nên phát sanh trí tuệ.

Cái pháp siêu việt mà người tu sĩ cần tu tập đó là Giới – Định – Tuệ. Muốn đạt được Giới – Định – Tuệ thì người tu sĩ phải chuyên tâm trong mọi việc làm và tinh tấn trong tu tập hằng ngày, không sống phóng dật thì mới có cuộc sống an vui, hạnh phúc.

Ngày thứ 4: Buổi sáng Thượng tọa Thích Giác Nhuận đã chia sẻ với Chư hành giả khóa tu bài Kinh tất cả lậu hoặc trong Trung bộ kinh.

Ngài nhấn mạnh Đức Phật dạy có vô lượng pháp môn tu giúp đoạn tận tất cả lậu hoặc, nhưng trong đời sống tu tập nếu chúng ta không có sự thấy biết chơn thật để thực hành cho đúng thì không khéo chúng ta đang hành trì theo con đường tà kiến. Và hiện nay hơn 90% người tu tập đang nhận thức sai lệch về đường tu của tự bản thân. Vì vậy, chúng ta phải có một tri kiến như thật, chơn chánh để nhận thức rõ các pháp là khổ, là không, là vô ngã (như lý tác ý). Có nhận biết đúng thật như thế thì cuộc đời tu của chúng ta mới có thể chấm dứt đau khổ, đạt đến an vui, giác ngộ giải thoát.

Để các lậu không sanh khởi Chư hành giả phải chánh niệm trong tu tập hành theo 7 pháp Phật dạy:

·      Các lậu hoặc do tri kiến mà đoạn trừ

·      Các lậu hoặc do phòng hộ mà đoạn trừ

·      Các lậu hoặc do thọ dụng mà đoạn trừ

·      Các lậu hoặc do kham nhẫn mà đoạn trừ

·      Các lậu hoặc do chánh né mà đoạn trừ

·      Các lậu hoặc do trừ diệt mà đoạn trừ

·      Các lậu hoặc do tu tập mà đoạn trừ.


Buổi chiều Chư hành giả được học pháp với Thượng tọa Giác Minh, Ngài chia sẻ với Chư hành giả về cách tu tập Bát chánh đạo. Ngài nhấn mạnh Bát Chánh đạo là pháp môn chính yếu được Đức Thế Tôn nhắc nhở đến nhiều nhất trong các kinh, trong thuyết Tứ Đế, Bát Chánh đạo là phần căn bản của Đạo đế. Đặc tính của Bát Chánh đạo là quy định những nguyên tắc phổ quát cho mọi tầng lớp dân chúng và nó phù hợp căn cơ của mọi người, mọi thời đại, phương sở. Trong Bát Chánh đạo đã bao quát hết tất cả mọi pháp khác bao gồm ba nguyên tắc căn bản Giới, Định, Tuệ. Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng thuộc về GiớiChánh Tinh Tấn, Chánh Niệm,Chánh Định thuộc về Định và Chánh Kiến, Chánh Tư Duy thuộc về Tuệ.


Thực hành Bát Chánh đạo là thiết thực, sẽ phát huy mọi diệu dụng, theo với mọi phương tiện sinh họat để vươn thẳng tới chủ đích giải thoát. Vì vậy mà Bát Chánh đạo trở thành một pháp môn thực tiển có thể thực hành trong hoàn cảnh xã hội của thời đại chúng ta hiện nay.

Ngày thứ 5: Buổi sáng Hòa thượng Thích Giác Toàn Trưởng ban thường trực Hệ phái, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học đã chia sẻ đến Chư hành giả Ni trực thuộc Giáo đoàn 6 bài Kinh trú độ thọ.

Ngài nói quá trình xuất gia của người Tu sĩ giống như quy trình sinh học tự nhiên của cây trú độ như lá héo vàng, lá rụng rơi, thay lá mới, mọc nụ và nở hoa. Cũng thế quá trình người Tu sĩ cũng bắt đầu từ lúc có ý nguyện xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mặc áo cà sa đến quá trình tham nhập các cảnh giới thiền định.

Tâm tánh của người xuất gia phải úa vàng lá rụng ở cành đời tức là héo vàng đi tiền, tài, danh vọng chuyển qua cành đạo mọc lên nụ mới nhiếp phục tham, sân, si.

Người xuất gia luôn biết tài sản lớn nhất đời mình chính là Giới, phải chuyên tâm tu trì giới. Giữ gìn Giới, Định, Tuệ, luôn kiên định với mục tiêu xuất gia của mình.


Ngài khuyên Chư hành giả cũng như Phật tử đang thính pháp kiểm lại trên con đường tu tập của mình đã úa vàng tánh đời chưa? Coi nhẹ tham, nhẹ sân, nhẹ si chưa? Bài kinh này đã mang đến bóng mát lớn, nhân duyên lớn cho người xuất gia trong việc quán xét lại hạnh tu của mỗi người, làm hành trang cho người Tu sĩ trên con đường tìm cầu an lạc, giải thoát.


Buổi chiều cùng ngày Hòa thượng Thích Giác Tường, Chứng minh đạo sư Hệ phái Khất sĩ cũng đã truyền trao kinh nghiệm mấy mươi năm tu tập của bản thân đến Chư hành giả Ni trực thuộc Giáo đoàn 6 trong khóa tu lần thứ 5.

Ngài chia sẻ đến Chư hành giả khóa tu, người Khất sĩ chỉ có 3 pháp gọi vắn tắt là Giới – Định – Tuệ. Ngài chỉ rõ giới luật là hàng rào vững chắc là chiếc thuyền kiên cố để chúng ta nương theo đó mà vượt qua bể khổ. Khi đầy đủ giới pháp thì

Giới sanh Định, nhân Định phát Tuệ. Chính vì đó Chư hành giả phải lấy Giới luật làm thầy.

Ngài nhấn mạnh thêm ai cũng có Phật tánh nhưng cố gắng đừng để Tham – Sân – Si che lấp tâm trí mình vì thân bằng quyến thuộc của mỗi chúng ta là Tham _ Sân – Si nên chúng ta phải cố gắng đoạn tuyệt, vì như người xuất gia phải cắt ái ly gia.

Ngoài việc học giới, nghe pháp, Chư Tôn Đức Tăng trong Ban hướng dẫn đã hướng dẫn các hành giả tu tập đều đặn theo thời khóa với 3 nội dung chính:

- Hành thiền – Tọa thiền

Thiền là linh hồn của Phật giáo. Nhờ thiền mà thái tử Tất Đạt Đa chứng đắc quả Chánh đẳng giác, nhờ thiền mà đức Tổ sư thể nhập chơn lý để nối truyền Thích Ca chánh pháp. Do đó, trong khóa bồi dưỡng này, Ban hướng dẫn hành giả Ni thực tập thiền tọa trong 4 thời: canh khuya, sáng sớm, xế chiều và chiều tối.

- Cúng ngọ

Với hơn 20 hành giả bao gồm nhị bộ Tăng - Ni, nên Chư Tôn Đức hướng dẫn toàn thể đại chúng hòa âm tụng kinh chú nguyện và thực hiện phép ăn hòa chúng. Đây là thời khắc tiếp xúc với nguồn hạnh phúc từ phẩm vật, tuy nhiên cần phải thực tập chánh niệm để ghi nhận các trạng thái tâm tham, tâm sân, tâm si trong từng muỗng cơm đều đặn.

- Sám hối

Sau một ngày tu học, để cho chư hành giả được trong sạch lỗi lầm, Thượng tọa Giác Điệp, Thượng tọa Giác Nhuận cùng Chư Tôn Đức Tăng trong Ban hướng dẫn dành một tiếng đồng hồ để chứng minh và giáo giới cho những trường hợp sai phạm.

Nhìn chung, trong khóa tu, các hành giả không vi phạm những giới điều trọng đại. Các lỗi lầm chủ yếu là do thiếu chánh niệm tỉnh giác, đôi khi sinh hoạt còn làm động chúng.…. đều được các hành giả Ni tác pháp sám hối giữa đại chúng.

Liền đó Ni sư Thích Nữ Diễm Liên bạch lên Chư tôn Thượng tọa Ban tổ chức khóa tu cũng như phát nguyện sẽ sách tấn Chư Ni trực thuộc Giáo đoàn 6 tham gia khóa tu lần 6 vào tháng 03 năm Canh Tý tại tịnh xá Trúc Lâm, Tây Ninh.

Sau thời phát nguyện của Ni sư Diễm Liên, Ni sư Thích Nữ Sanh Liên đã cảm tạ ban tổ chức khóa tu nói chung cũng như cảm tạ Thượng tọa hóa chủ cùng toàn thể Chư tôn đức Tăng tại đạo tràng tịnh xá Ngọc Chơn và cũng không quên cám ơn những phụng dưỡng ân cần, cung cấp thức ăn, vật uống, tứ sự đủ đầy và thành kính của Phật tử gần xa.

Buổi lễ bế mạc hôm nay thật xúc động khi Sư cô Thích Nữ Liên Hiền đã thay mặt Chư hành giả khóa tu nói lời cảm tưởng trong suốt 6 ngày tu học tại tịnh xá Ngọc Chơn. Với những giờ thiền hành, thiền tọa trước sự dìu dắt của Chư tôn đức, những muỗng cơm hòa chúng, những cảm xúc thiêng liêng qua những giờ học pháp, những khoảnh khắc mà muôn người hòa hợp như một người sẽ mãi là ký ức không bao giờ quên trên bước đường tu nhơn học Phật của chúng con.

Những ngày sống chung tu tập trong nếp sống truyền thống khất sĩ xưa, chúng con như định hình rõ hơn về pháp môn tu tập của mình.

“ Người khất sĩ chỉ có 3 pháp tu học vắn tắt là Giới – Định – Tuệ”

 Kết thúc buổi lễ Thượng tọa Giác Điệp đánh giá cao về khóa tu và sách tấn Chư hành giả Ni mãn khóa tu về trụ xứ nên thúc liễn thân tâm mình, tự mình thắp đuốc cho mình không dãi đãi bản thân, đi đúng con đường Tổ dạy ấy chính là pháp tu Giới – Định – Tuệ.


 Chùm ảnh thọ trai của lễ bế mạc.


Diệu Anh