Không phải ngẫu nhiên các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích chúng ta căn cứ vào màu sắc khi lựa chọn các loại thực phẩm để mang lại sức khỏe tốt nhất. Chính vì mỗi loại màu đều là đại diện cho những đặc tính quý giá của các dưỡng chất trong đó.
‘Vũ khí’ bí mật ẩn sau mỗi loại màu thực phẩm
Đỏ: Tức thực phẩm màu đỏ, đỏ cam hoặc đỏ nâu. Bao gồm có ớt, cà chua, cà rốt, khoai lang đỏ, bí đỏ, gạo đỏ, quả hồng, có tác dụng tăng cảm giác thèm ăn, phòng ngừa lão hóa làn da, trị thiếu máu thiếu sắt, giảm mệt mỏi, dự phòng cảm mạo.
Cà chua màu đỏ
Những thực phẩm màu đỏ này giàu lycopene, carotene, sắt cùng một số acid amin, đường, chất xơ, vitamin B và một số loại muối vô cơ trọng yếu, có thể bù đắp cho những thiếu sót về dinh dưỡng của gạo tẻ, bột mì.
Thịt bò, thịt lợn, thị dê cũng là những thực phẩm màu đỏ, chủ yếu chứa protein, mỡ và muối vô cơ các loại. Tuy nhiên Quỹ nghiên cứu ung thư thế giới khuyến cáo mỗi người trung bình mỗi ngày nên ăn ít hơn 80g thịt đỏ, bởi vì thịt đỏ khi nướng, rán sẽ dễ sản sinh ra nhiều chất gây ung thư.
Vàng: Thực phẩm màu vàng thì rau quả chiếm đa số. Trong đó có ngô, bí đỏ, cà rốt, đậu tương, chuối tiêu, lê, bưởi, gừng. Màu vàng trong các thực phẩm này có nguồn gốc từ vitamin C và carotene, có tác dụng hiệp đồng trong chống oxi hóa, tăng cường khả năng miễn dịch và giúp da khỏe đẹp.
Bí ngô màu vàng
Thực phẩm màu vàng cũng cung cấp đường, chất xơ, các loại vitamin, kích thích nhu động đường ruột, gia tăng tốc độ hình thành và bài tiết phân cùng nước tiểu.
Xanh: Thực phẩm màu xanh bao gồm các loại rau xanh, chúng chứa nhiều chất chống oxy hóa, ít calo, giàu chất xơ cùng các loại vitamin, có tác dụng tiêu mỡ, bài độc, tăng sức đề kháng.
Rau súp lơ màu xanh
Bên cạnh đó còn có trà xanh giúp tăng cường trí nhớ, giảm mỡ máu, hạ đường huyết, khống chế cân nặng, ngoài ra cũng có tác dụng phòng ung thư.
Trắng: thực phẩm màu trắng bao gồm hải sản, thịt gia cầm, các loại rau như măng, tỏi, nấm tuyết… và trái cây như quả vải, hạt sen, quả lê, hạnh nhân…
Nấm bào ngư màu trắng
Trong đó bắp cải, nấm và củ cải trắng có công hiệu tốt nhất. Củ cải trắng giúp hỗ trợ tiêu hóa, tăng cảm giác thèm ăn, tăng nhu động đường ruột và tiêu đờm, giảm ho.
Đen: Gạo đen, đậu đen, mộc nhĩ đen, vừng đen đều là các thực phẩm màu đen, có chứa nhiều chất xơ và chất chống oxy hóa giúp chống bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch.
Đỗ đen
Ngoài ra vừng đen còn chứa nhiều acid béo không no; đậu đen chứa nhiều protein chất lượng: riboflavin, melanin; gạo đen giàu vitamin B1 và sắt, mangan, canxi, kẽm.
Thực ra, ngay từ thời xa xưa các thầy thuốc y học cổ truyền đã nhận thấy mỗi loại màu tương ứng với các chức năng riêng biệt trong cơ thể người.
Ví như, theo ngũ hành của Đông y, màu đỏ tượng trưng cho lửa, là dương. Thực phẩm màu đỏ khi vào cơ thể sẽ đi đến máu và tim, phần lớn có tác dụng ích khí bổ huyết, thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu và quá trình bài tiết của tuyến hạch.
Còn vàng là màu của đất, do đó, các thực phẩm màu vàng sau khi vào cơ thể sẽ chuyển hoá thành chất dinh dưỡng tập trung chủ yếu ở khu vực tì vị (trung thổ trong Đông y).
Màu xanh (bao gồm cả màu xanh lá cây và xanh da trời) dễ đi vào gan, đa số các loại thực phẩm màu xanh có tác dụng tăng cường chức năng gan, là loại chất bài độc rất tốt cho cơ thể.
Màu trắng trong ngũ hành thuộc kim, nhập vào phổi, thiên về ích khí, hành khí. Trong khi đó màu đen thuộc thuỷ, đi vào thận. Do đó, thường xuyên ăn các thực phẩm màu đen sẽ có lợi cho thận.
Nếu không có mục đích trị bệnh đặc thù, thì một chế độ ăn mang đủ màu sắc và theo mức độ sẵn có của mùa tự nhiên được xem là tối ưu nhất, mang lại sự hài hòa khí huyết, cân bằng các loại dưỡng chất cho cơ thể.
Ngọc Linh / Đại kỷ nguyên