Tai nạn thương tâm trên bãi biển ở Bà Rịa _Vũng Tàu khiến ba sư cô thuộc Thiền viện Viên Chiếu (Phước Bình- Long Thành -Đồng Nai) tử nạn, tạo sóng truyền thông trên mạng xã hội, báo chí nói chung và dư luận.
Bài liên quan:
>>Hòa thượng Thích Minh Cảnh chia sẻ từ vụ tai nạn ở BR-VT
Thực tế chưa có tiền lệ chuyện một lúc ba sư cô chết trên bãi tắm. Nhưng diễn trình cụ thể chi tiết, nguyên nhân, đại chúng không nắm được rõ ràng và bị lũng đoạn bởi thông tin trên mạng và truyền lan qua các kênh, khiến thái độ tiếp nhận khá phức tạp gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh Tăng đoàn, Ni giới và Phật giáo nói chung.
Nhà báo Nguyễn Thành Công.
Gần như ngay lập tức khi phát hiện thi thể hai vị Ni đầu tiên trên bãi tắm, youtube xuất hiện nhiều video clip cung cấp hình ảnh và – quan trọng- lời bình mang tính cá nhân. Cũng mang tính cá nhân, tôi cho rằng hình ảnh phản cảm và không nên: người tu sĩ nữ trong trang phục chốn thiền nằm ở tư thế không nên chụp ảnh lại được chụp và quay video và tung lên mạng đã lan truyền như bão. Và lời bình có khi vô tư không tuân thủ nguyên tắc trung thành sự kiện và hình ảnh.
Sóng tin ấy khiến dư luận bị định hướng theo các ý: 1. Nữ lại là nữ tu sĩ Phật giáo lại đi tắm biển và chết đuối trên biển; 2. Giới tu sĩ Phật giáo nói chung sinh hoạt như thế nào, ngoài sự cố này? Một tảng băng chìm, hàm ngôn ẩn bên trong các đoạn video trên youtube.
Theo đúng định nghĩa học thuật sách vở, xuất hiện KHỦNG HOẢNG TRUYỀN THÔNG và đối tượng bị tác động là Giáo hội Phật giáo, Thiền viện Viên Chiếu mất ba vị ni lại nhận đòn bồi thị phi từ công nghệ lan truyền dân trên mạng và “công nghệ” truyền miệng. Hình ảnh áo lam bị tổn thương.
Theo cơ chế phòng vệ truyền thông, Giáo hội cần có tiếng nói hay phát ngôn từ Thiền viện, Ban trị sự phật giáo Đồng Nai hay Ban TTTT TW Giáo hội Phật giáo VN để nắn chỉnh định hướng và bảo vệ hình ảnh cách chính đáng của tu sĩ Phật giáo. Song các kênh ấy không kích hoạt.
Tôi đọc chăm chú cuộc trả lời phóng vấn của HT Thích Minh Cảnh, bậc tôn túc uyên bác trong giới nghiên cứu phật học trên Phật học đời sống nơi tôi là cộng tác viên. HT đã làm công việc của các kênh chính thúc lẽ ra phải làm, như đã nói ở phần trên. Thông tin vụ tử nạn rõ hơn, sự chia sẻ mất mát, cái nhìn, góc nhìn chuẩn mực hơn. Uy tín và phương pháp thể hiện quan điểm của Hòa thượng khiến vấn đề nhẹ nhàng hơn, mang tinh thần phật giáo và đúng như nó diễn ra,
Tôi cũng đọc phân ưu của TT. Thích Minh Nhẫn trên trang phật sự miền Tây mới ra đời, thể hiện quan điểm rõ ràng về vụ tử nạn này.
Sự thực như thế nào- theo các bài đã dẫn? 1. Các sư cô ngồi hóng mát trên bãi biển và bị sóng cuốn ra ngoài, tử nạn. Một tai nạn thương tâm ngoài ý muốn, bất khả kháng, khác với một cuộc du hí của tu sĩ; 2. Thiền viện Viên Chiếu có bề dày tu học và số đông tu sĩ chuyên cần tinh tấn trong một khu vực tập trung Phật giáo bậc nhất đất nước – Long Thành, Đồng Nai.
Hai bài viết và hơn hai bài viết, những thể hiện sau sự cố bị gây thành khủng hoảng truyền thông, đã được – theo tôi- xử lý nhưng, không bởi các cơ chế đã biết và đã nói, mà bởi một bậc tôn túc trong giới nghiên cứu Phật học và một kênh truyền thông Phật giáo ở vùng xa xôi nhất đất nước vừa mới ra đời.
Chuyện xác định cụ thể tai nạn dẫn đến tử vong ba vị ni ở biển thuộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu không có gì khó với cơ quan điều tra thụ lý hồ sơ theo thẩm quyền, hiện trường không trong tình trạng mưa bão và không ở nơi quá xa xôi, tất cả các thi thể đều được tìm thấy. Nhưng nhà chức trách không ra một thông báo vì trách nhiệm thuộc các cơ cấu – những pháp nhân của Giáo hội đã thành lập, định hình. Quan điểm của HT Thích Minh Cảnh và lời phân ưu của TT Minh Nhẫn trên Phật sự miền Tây, theo tôi, xuất phát từ lương tâm.
Khủng hoảng truyền thông và cách xử lý như đã nói có lẽ nên được những bậc có trách nhiệm trong Giáo hội lấy làm một “điển lệ” thương tâm, vì cuộc sống vô thường xoay mãi, không ai có thể đoán chắc trước mắt là những gì.
Tôi cũng áy náy vì ba khóa tập huấn truyền thông do giáo hội TW và địa phương vừa tổ chức cùng những tập huấn nhân rộng, nội dung khủng hoảng truyền thông và xử lý được xây dựng và triển khai thành chuyên đề trọng tâm, nhưng…
Trong những ngày các sư cô tử nạn, tôi viếng một ngôi chùa do một vị ni trú trì ở nơi rất xa hiện trường, Giác Viên Tự ở phường Láng Tròn- Thị xã Giá Rai- Bạc Liêu. Tôi có nhắc cùng tỳ kheo ni Thích nữ Chúc Như, vị Trú trì, về chuyện làm báo tay ngang của mình: Ở chùa Bửu Hương ngoài ô thành phố Cà Mau vị sư cô nuôi trẻ mồ côi, có chú bé bị não úng thủy nặng, đầu to bất thường chảy nước vàng trên nền chính điện và khi tôi đến cùng máy ảnh, hình ảnh tác động gây sốc. Một chùm ảnh chi li gửi về tòa soạn nhật báo Tuổi Trẻ TP HCM và một bài viết khác cho tuần báo Giác Ngộ được xuất bản song hình ảnh được biên tập cẩn trọng sao cho tác động mà tôi nhận không lặp lại với bạn đọc: hoặc chiếc võng có bé Mèo trên ấy khuất cái đầu hoặc cổng chùa, hết.
Càng ngày tôi càng hiểu hơn, đấy là lương tâm của người biên tập và nghề báo. Vụ án lớn hiếp dâm trẻ em vừa xử xong ở Cà Mau kết tội bị cáo Hữu Bê và công bằng cho bé K đã tự vẫn, song di ảnh bé trên tay người mẹ đau khổ được kỹ thuật viên tòa soạn làm mờ- nhòe nét: lương tâm với người còn sống và đã khuất. Quay lại vụ tử nạn của ba sư cô: những đoạn video quay tử thi thê lương với nâu sồng và chân cẳng hớ hênh khiến người xem có quyền nghĩ đến chữ tâm của người cầm máy, cảm xúc lúc ấy của anh chị em chủ các đoạn video clip. Không thể đòi hỏi sự chuyên nghiệp nơi mạng xã hội quá rộng như ở các nhật báo tuần báo uy tín, nhưng có quyền đòi hỏi ở lương tâm? Nạn nhân là tu sĩ.
Nguyện giác linh quý sư cô an lành nơi đất Phật, sau khi xả bỏ nhục thân trong sự vô thường như TT Minh Nhẫn phân ưu trên trang phật sự miền Tây do Ngài phụ trách.
Bạc Liêu, 27/02/2018
Nguyễn Thành Công