Chưa chắc cách thương cho voi cho vọt là thành công mà chưa chắc cách từ bi, ái ngữ không có tác động tốt trong sự giáo dục.
Ở Việt Nam nếp sống trong chùa cũng bị ảnh hưởng nếp sống gia đình, quý thầy, quý sư cô rất thương đệ tử nhưng cũng không biểu lộ hay có biểu lộ tình thương nhưng rất tế nhị. Nó là nét văn hoá từ xưa. Tình thương là một cái gì đó vô hình, thiêng liêng, nói ra sợ mất cái linh thiêng, sợ đệ tử ỷ y rồi hư hỏng. Trong khi đó, thương cho roi cho vọt là niềm tin ăn sâu đậm trong văn hoá việt nam. Thương cho roi cho vọt có hiệu quả trong giáo dục không? Cách giáo dục này đã tạo ra nhân cách, phẩm chất, tính nết, tâm hồn con người Việt Nam như thế nào, nhất là người Việt hiện đại. Mỗi người hãy tự trả lời lấy. Có một điều cần nói là đôi khi cách này là cái cớ để người lớn chạy tội vụng về do sân si, nóng giận, hung dữ của mình đối với người nhỏ hơn. Cho nên thay vì biểu lộ tình thương, nói lời ái ngữ, thì cách dạy là ngược lại như trừng mắt, la rầy, mắn, đánh…
Thầy Chân Pháp Đăng
Không phải chỉ có bổn sư dạy đệ tử như thế, mà các vị lớn khác trong chùa cũng ra oai, thường cho các chú tiểu, sa di ăn đòn. Các chú tiểu cũng như những đứa con bé bỏng ở các gia đình, đâu có dám phản ứng, rút cùng phải chịu đựng cách giáo dục lạ kỳ này. Những lần bị bạo động như vậy, thì sự bạo động thấm vào tâm thức của các chú, do đó lớn lên các chú cũng hành xử, nói năng hung dữ đối với thế hệ chú tiểu, sa di như những gì mà các chú đã tiếp nhận. Có chú nói ngày nào con cũng ăn đòn, nó quen rồi thưa thầy, và ngày nào không ăn đòn con cảm giác thiếu gì đó. Tội nghiệp chưa!
Sư Ông hiền lắm. Sư Ông cũng dạy đệ tử nhưng lời nói dễ nghe, từ bi, vậy mà nhiều lần đệ tử cũng đau thấu xương. Chưa chắc cách thương cho voi cho vọt là thành công mà chưa chắc cách từ bi, ái ngữ không có tác động tốt trong sự giáo dục. May quá! Thầy chưa bị Sư Ông cho ăn đòn lần nào, nhưng thầy vẫn sợ Sư Ông hung lắm. Hồi thơ ấu, ba thầy chưa từng đánh thầy lần nào, cho tới khi ba mất, mẹ mới đánh thầy để giáo dục cậu con trai ngông ngông. Cái oai không phải do cách giáo dục mạnh mà do cái đức độ, cái năng lực tâm linh của người đó.
Thương cho roi cho vọt có hiệu quả không?
Thầy chưa có đệ tử xuất gia nên chưa có kinh nghiệm trực tiếp dạy đệ tử nhưng thầy có nhiều sư em. Cố nhiên giữa đệ tử và sư em rất khác nhau. Sư em là sư em của sư anh thôi nên cũng khó hướng dẫn cho họ. Tuy vậy, thầy biết nóng giân, lớn tiếng với các sư em thường không thành công trong việc truyền thông chứ đừng nói tới hướng dẫn, chia sẻ. Thú tội với Tam Bảo là thầy đã từng nổi nóng lớn tiếng với một vài sư em của mình. Họ giận sư anh rồi thì thôi đừng hòng mà nói tới cái giọng hướng dẫn, giáo dục. Cũng như ở chùa các chú tiểu chịu đựng và sợ bị đòn của các thầy nên không dám tái phạm lỗ lầm nhưng các chú không mở lòng để tiếp nhận lời dạy của các thầy, cái gì là đúng, cái gì là sai vì tâm thức bị ám ảnh nỗi sợ hãi, chịu đựng.
Thầy vẫn tin bình tỉnh, từ tốn, nhân cách mới có sự sáng suốt, từ bi và tuệ giác để hướng dẫn, truyền thông, giáo dục cho thế hệ trẻ. Họ cần tình thương hơn là sự nóng giận, hung dữ bằng lời nói không dễ thương, thô bạo hay những trận đòn, cái tát, cú gõ đầu đau đớn. Điều này cũng đúng cho các bậc làm cha, làm mẹ, làm anh, làm chị ở gia đình và các thầy cô giáo ở các trường phồ thông.
Chân Pháp Đăng / Phật học đời sống