Xã hội càng văn mình bao nhiêu thì vấn đề không gian và thời gian càng thu hẹp bấy nhiêu, do đó xã hội mà chúng ta đang sống phải là xã hội mang tính hội nhập, có nghĩa là cùng chung tồn tại văn hóa, niềm tin, quan điểm… khác nhau trong cùng một không gian.
TT Thích Hạnh Bình
Thế thì thái độ chúng ta như thế nào khi phải đối diện với dị biệt này? Vấn đề này được đức Phật bày tỏ quan điểm của Ngài, theo thầy khá hay, chúng ta thử suy gẫm:
Nếu người nào đó có lòng tin về đối tượng nào đó, có quan điểm riêng của mình đối với vấn đề nào đó, đức Phật khuyên người ấy nên bảo vệ niềm tin và quan điểm của mình và cần phát biểu rằng: “Ðây là lòng tin của tôi”, “Ðây là quan điểm của tôi”, nhưng người ấy không nên có quan điểm cho rằng: “Chỉ có niềm tin hay quan điểm của tôi mới đúng, tất cả niềm tin khác, quan điểm của người khác đều sai lầm, không đúng sự thật”.
Thầy cho rằng, cách bảo vệ niềm tin hay quan điểm của đức Đức Phật khá hay, không những vừa bảo vệ gìn giữ niềm tin quan điểm của mình, đồng thời lại vừa biểu thị thái độ bao dung, từ bi, không độc đoán, không bá đạo, ngược lại tôn trọng niềm tin quan điểm của người khác. Thiết nghĩ quan điểm ấy rất phù hợp với xã hội văn minh, xã hội đề cao tinh thần, tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận. Vô lý chúng ta đang sống trong xã hội văn minh, tự xưng là đệ tử Phật, lại là người chỉ biết có niềm tin quan điểm của mình, phủ nhận phê phán bôi nhọ niềm tin quan điểm của người khác sao?
TT Thích Hạnh Bình