Tâm có một sức mạnh to lớn vĩ đại mà chúng ta chỉ sử dụng được một phần nhỏ bé những khả năng của tâm thức để ứng dụng trong đời sống thường nhật phục vụ cho lao động, sản xuất và trong sinh hoạt. Bình thường, tâm thích được rong chơi theo trần cảnh, chạy theo dục trần, thích được tận hưởng những gì tốt đẹp của thế gian này.
Trong Tăng Chi Bộ Kinh,Đức Phật có nhắc đến bản chất của tâm không tu tập như sau:
“1.- Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, lại khó sử dụng, này các Tỷ-kheo, như tâm không được tu tập. Tâm không được tu tập, này các Tỷ-kheo, khó sử dụng.”
Lời bàn:
(Tăng Chi Bộ – Anguttara Nikaya Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt Chương I – Một Pháp).
Khi tâm không được uốn nắn vào sự tu tập, nó có xu hướng phóng túng buông lung và bị cuốn theo tham lam,sân hận,si mê để rồi chìm đắm trong khổ đau. Rất khó sử dụng một tâm không tu tập trong việc trưởng dưỡng thiện pháp, đoạn lìa ác pháp như một đứa trẻ thơ không được giáo dục, dạy dỗ nó có xu hướng phóng túng theo bản tính tự nhiên rất dễ sa ngã vào ác pháp. Tâm không được tu tập hết sức nguy hiểm đôi khi tạo nên nhiều mối hiểm họa bởi những thân, khẩu, ý bất thiện làm tổn thương đến những chúng sanh khác do sự dẫn dắt bởi các bất thiện pháp và cứ thế lãnh chịu hậu quả to lớn là bị chi phối bởi phiền não triền miên do sự tác động từ hậu quả của bất thiện nghiệp. Bởi thế, tu tập, uốn nắn, rèn luyện tâm hướng vào sự thực hành Pháp bảo là con đường đưa đến sự an vui và lợi ích lâu dài.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.
Thiên An