Hỏi: Bạch thầy! Con xin hỏi thầy một câu. Con đang gặp khó khăn trong cuộc sống mà không có lối thoát. Mong thầy hoan hỷ. Sống để làm gì?
Trả lời: Câu hỏi này dễ đưa ta suy nghĩ, mong chờ, trôi lăn về tương lai.
Sống không để làm gì cả. Sống không phải là phương tiện để làm gì, để mong chờ cái gì, để thành tựu chuyện gì, để trở thành cái gì. Sống là sống, sống dậy, sống thiệt, tỉnh táo, an trú, thanh thản, trở về với mình, tiếp xúc với sự sống linh động trong mỗi phút giây như nắng ấm, mưa rơi, lá rụng, chim hót, không khí trong lành…
Tiếng chim hót là tiếng chim hót, chỉ có loài chim mới hiểu tiếng hót, nó biểu hiện không để làm gì cả. Người tỉnh thì nghe, thưởng thức nó một phần biểu hiện của sự sống. Hoa nở là hoa nở, chỉ có cây hoa mới hiểu việc nở hoa, nó không để làm gì cả. Người tỉnh biết thưởng thức hương sắc của hoa nở. Thế thôi! Ăn cơm là ăn cơm, ăn khi đói, ăn để sống, chứ không phải để no. Người tỉnh biết thưởng thức vị ngon ngọt và thấy được nhiệm mầu của thức ăn. No là chuyện tự nhiên, không cần phải để no. Niệm Phật là niệm Phật, không cần phải niệm Phật để vãng sinh, để mong chờ ai tới đón. Niệm Phật hết lòng, tha thiết, tỉnh thức, nhất tâm. Tiếp tục niệm Phật, duy trì chánh niệm, nhất tâm, bất loạn thường xuyên, mạnh mẽ thì tịnh độ tự động mở cửa thôi, cần gì phải mong cầu nó.
Sống như vậy, ta cần gì phải đặt câu hỏi “sống để làm gì?”, bởi ta đang làm, đang sống một cách sâu sắc nhất rồi. Chuyện gì tới nó sẽ tới khi các điều kiện đến với nhau đầy đủ. Vui buồn, thương ghét, khổ lạc, giải thoát đoạ đày đều tuỳ thuộc sự biểu hiện từ các hạt giống trong tâm thức và khả năng sống, phẩm chất hành xử, đón nhận như thế nào của ta. Cũng chuyện ấy như bệnh ung thư, mất mát, giận hờn, bạo động, người này cảm nhận bất an, sợ hãi, tuyệt vọng, đau khổ, và người kia cảm nhận an ổn, không sợ, hy vọng, an lạc. Sống tỉnh táo, vững chãi, tự chủ, ta nắm được chủ quyền về đời ta. Ta có thể chọn lựa thế giới cho đời ta.
Tóm lại, sống là sống, chánh niệm, tỉnh thức, sáng suốt, thương yêu, mạnh mẽ.
Chân Pháp Đăng