Hỏi: Con rất thích niệm Phật và trì niệm chú Đại Bi. Tuy nhiên, vì con là một sinh viên đại học và đang thuê phòng trọ ở với nhiều bạn khác, phòng lại chật hẹp nên không dám mang ảnh Phật vào phòng.
Bài liên quan:
>>Tu tập trong hoàn cảnh ở trọ đông người
Hàng tháng, con cũng cố gắng đến chùa tụng kinh và trì chú Đại Bi với đại chúng nhưng ở phòng trọ con không dám trì niệm vì sợ mang tội bất kính. Nhiều lần con đi nhà vệ sinh ở nơi tối con cảm thấy sợ sợ nhưng nếu có niệm Phật con thấy đỡ bất an hơn. Có đôi khi con muốn tổ chức và khuyên các bạn cùng phòng buổi tối trước khi đi ngủ cùng nhau trì niệm chú Đại Bi nhưng con không biết làm sao và làm thế nào để không bị mang tội bất kính vì chúng con không có bàn thờ Phật trong phòng. Nếu chúng con để ảnh Phật trong phòng giữa rất nhiều đồ đạt như vậy có mang tội bất kính không? Nếu cùng trì chúniệm Phật với các bạn trong phòng thì chúng con có phải tuân thủ theo hướng dẫn Sư từng chỉ dạy tụng chú Đại Bi và có phải mặc áo tràng không? Con đi vào nhà vệ sinh mà niệm Phật thì có mang tội không ạ? Xin Sư hướng dẫn cho con được rõ.
ĐÁP: Theo tín ngưỡng nhà Phật việc thờ phượng tôn kính tượng cốt, ảnh Phật, Bồ Tát và các vị A la hán lúc nào cũng được đưa lên hàng đầu và được chư Tăng Ni, Phật tử khắp năm châu thực hành nghiêm túc từ trên hai nghìn năm qua. Tuy nhiên việc phụng thờ mỗi tông phái có khác nhau, như hệ thống Bắc tông thì thờ Phật, Bồ tát, Tây phương Tam Thánh, Đại Trí Văn Thù Sư Lợi, Đại hành Phổ Hiền, Quán Thế Âm Bồ tát… còn theo hệ thống Nam truyền thì chỉ thờ Đức Phật Bổn sư Thích Ca Mâu Ni, chư vị A la hán; Phật giáo Khất sĩ thì thờ Đức Phật Bổn sư Thích Ca, Đức Giáo tổ Minh Đăng Quang, tổ sư khai sơn hệ phái.
Có nên trì chú đại bi ở phòng trọ không?
Phật tử có hai công đức lớn là tu phước và tu huệ, goi chung là “phước huệ song tu”. Tu phước là tín ngưỡng phụng thờ lễ lạy cúng dường, tu huệ là thực tập tụng kinh niệm Phật.
Về phụng thờ:
Tại gia: có hai nơi tôn quý, một là thờ Phật, như Phật Thích Ca, Bồ tát Quan Âm, Bồ tát Di Lặc; hai là bàn thờ Ông Bà (cửu huyền thất tổ).
Đối với Phật tử ở nhà trọ: Tùy theo phương tiện nơi ăn chốn ở mà thờ, nhà có phương tiện không gian rộng rãi, thoáng mát thì phụng thờ Phật, nếu không có phương tiện tốt thì chỉ thờ trong lòng của Phật tử là đủ rồi. Trong chốn thiền lâm có câu: “Phật dụng tâm, chứ không dụng mâm, dụng quả” là vậy.
Về tu hành:
Tại gia: Mỗi đêm ít nhất phát tâm tụng niệm một thời, khoãng 30 phút, gọi là thời khóa công phu của Phật tử: tụng kinh, sám hối, niệm Phật, niệm chú…(tất cả đều có hướng dẫn trong quyển kinh Nhựt Tụng dành cho Phật tử). Phật tử cũng có thể tụng kinh bộ, như Kinh Pháp Hoa, tuy nhiên nên khai khoá lễ tụng vào quý 2, quý 3 hằng năm, để có cơ hội tụng niệm không đứt khoản do các việc xã hội phát sanh.
Ở nhà trọ: lẽ dĩ nhiên là không có phương tiện thờ phượng, đến giờ niệm danh hiệu Phật, Bồ tát, tụng chú nên tụng thầm ở trong lòng mà thôi. Việc tụng kinh niệm chú tức là tu huệ, nên chỉ niệm trong tâm cũng được, không có lỗi. Hoặc dành thời gian thuận lợi, đến chùa gần nhất tham dự khóa lễ tụng niệmsẽ thoải mái và hiệu quả hơn.
Về tụng kinh niệm chú:
Trong khi làm các công việc nhà, việc xã hội, lái xe, cơ quan, vào nơi công cộng, toilet v.v… không phải tụng kinh niệm chú…, vì tụng niệm tức là “tạp niệm”, lúc bấy giờ Bạn chỉ cần “biết đến việc làm của mình” là “chánh niệm”, “chánh niệm” tức niệm Phật, niệm chú.
Đối với bạn bè:
Có người tin Phật, có người không tin, có người thuộc tôn giáo khác, chỉ có sự khởi tâm thanh tịnh của bạn bè, chỉ có sự giác ngộ tĩnh thức của mọi người mới có thể làm bạn đạo, mời các vị ấy tụng niệm với Bạn. Đạo Phật là đạo giác ngộ, không nên mời gọi mọi người đi theo sự tín ngưỡng tu hành của mình, đó là cương lĩnh của Đạo Phật từ ngàn xưa cho đến hôm nay, chỉ trừ những người tín tâm, giác ngộ tin Phật.
Làm Phật tử, khi đăng đàn khai khoá lễ tụng niệm, nam mặc áo tràng nâu, nữ mặc áo tràng lam cho tươm tất, trang nghiêm, vì lúc bấy giờ các Bạn đang học làm Phật. Cho nên thời khóa tu của Bạn rất quan trọng, tuy chỉ 30 phút, nhưng giá trị cả đời sống tâm linh của Bạn. Chúc Bạn tinh tấn.
HT Thích Giác Quang