Vã chăng muốn nghiên cứu Phật học, thì trước phải lãnh hội được chỗ chơn lý, rồi sau mới y theo lý đó mà khỡi sự tu.
Xem thêm:
>>Tiểu sử Hòa thượng Liên Tôn – Thích Huyền Ý (1891-1951)
>>Sự đóng góp của chư Tăng Bình Định trong phong trào chấn hưng Phật giáo
>>Bế mạc Hội thảo Phật giáo và Văn học Bình Định ‘Thành tựu và giá trị’
Nếu lý không ngộ, sự không tu, thì dẫu có đem tất cả các kinh, luật, luận ba tạng và các sách trước thuật của mấy bực văn nhơn mà chúa đầy một bụng, cũng chẳng qua trồng cái thiện nhơn về lúc sau xa đó thôi, chớ không giúp ích gì đến việc bổn phận cả.
Huống chi giáo pháp của Phật, rộng như biển, rậm như rừng, nên từ xưa đến nay đã nhiều người lãm duyệt đến, mà không biết đâu là chổ “vấn tân”và cũng không biết đâu là đường nhập đạo, thành ra mờ mờ mịt mịt, càng học thì càng sai lầm, tất cảnh cũng không khác gì những hạng người thất học.
Hòa Thượng Liên Tôn: Muốn nghiên cứu Phật học phải biết thứ lớp
Vậy nên chúng ta muốn học theo giáo pháp của Phật, để làm cái phương châm xu hướng về chơn lý, cho khỏi lạc nẽo tà đồ, thì cần nhứt phải biết cái thứ lớp nghiên cứu, cái nào nên xem trước, cái nào nên xem sau và cái nào dễ dàng vắn tắt mà có đủ công năng thoát khổ, phương pháp độ đời, thì ta càng nên chú ý mới đặng.
Chí như Kinh là cái nguồn chơn lý, mà luận là cái dòng để phát huy chơn lý; lại Kinh là cái tủ để trử đồ pháp bảo, mà luận là cái chìa khóa để khai tủ; cho nên nếu muốn học Kinh thì trước phải học Luận, cũng như muốn đi đến nguồn chơn thì phải do theo dòng mà tìm tới, còn muốn mở tủ báu thì phải dùng chìa khóa mà khai ra vậy.
Thế mà chúng ta ngày nay bắt đầu học Phật, muốn đem cái tinh thần dõng mãnh mà cùng cứu cho hết các bộ Kinh luận, phân biệt cho rành các thứ danh tướng, thì có khác chi người vào biển mà đếm từ hột cát, biết đời kiếp nào cho rồi.
Còn như tự mình không có con mắt giãn trạch, mà cứ nay nói bộ Kinh này là đốn giáo nên xem, mai nói bộ Luận kia là Đại thừa nên học, rồi tất cảnh minh minh mông mông, không biết đâu làm chỗ qui hướng, thì lại khác nào người đi tàu ngoài biển mà không có kim chỉ phương và kẻ đi bộ trong rừng mà không có người dẫn lộ, cho nên sự lầm đường lạc nẽo ấy lại them rối nữa.
Ngoài ra, thì bắt đầu coi kinh Tứ A Hàm: ( 1. Trường A Hàm, 2. Trung A Hàm, 3. Tăng Nhứt A Hàm, 4. Tạp A Hàm), để cho biết Kinh ấy là Phật vì bậc Nhơn Thiên Tiểu Thừa mà nói, đặng cho những hàng chúng sanh căn độn trí hèn, đổi lốp phàm mà lên bật thánh.
Hòa thượng Liên Tôn (1891 – 1951)
Do đó rồi lần lần coi tới các kinh thuộc về đại thừa, như là kinh Duy Ma, Kinh Lăng Gìa, Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Viên Giac, Kinh Kim Cang, Bát Nhã và Bát Nhã Tâm Kinh, để cho biết cái lý Phật nói các kinh ấy là dắt dẫn các hàng Tiểu Thừa và Trung Thừa vào cửa Đại Thừa đốn giáo.
Đến khi nào phần nghiên cứu của chúng ta đã có thâm nhập được chỗ lý thú Đại thừa, rồi sau mới coi đến kinh Hoa Nghiêm. Vì kinh ấy là một giáo lý viên đốn, chính Phật vì những bậc tối thượng căn trí mà nói sau khi ngài mới thành đạo trong 21 ngày.
Cho nên những hàng nhị thừa là bực người đã chứng thánh quả, mà trong lúc nghe Phật giảng thuyết ấy còn phải như câm như điếc, không hiểu được thay; huống chi chúng ta ngày nay, chướng hoặc còn nhiều, huệ tâm chưa tỏ, mà dầu muốn bước thang lạp đẳng, muống dạ háo kỳ, thì có dòm vào cái cảnh giới Hoa Nghiêm, cũng không thể nào tin nổi, mà lại còn e mang tội mạn pháp là khác nữa. Đó là nói về phần nghiên cứu bên kinh.
Còn như bên luận, thì ngoia2 các bộ Luận Tịnh độ, cũng nên lưu tâm nghiên cứu những sách Duy Thức Nhị Thập Luận, Thành Duy Thức Luận, Hiển Dương Thánh Giáo Luận, Du Gìa Sư Địa Luận, Đại Thừa Khởi Tín Luận, Đại Thừa Ngủ Uẩn Luận, Trung Luận Bách Luận và Thập Nhị Môn Luận. Cho đến sách Đại Trí Độ Luận thích kinh Bát Nhã, sách Pháp Hoa Huyền Nghĩa thích kinh Pháp Hoa và sách Hoa Nghiêm Sớ Sao thích kinh Hoa Nghiêm, những sách ấy cũng nên suy tầm cho rõ chân lý.
Nếu như người xuất gia hay là người tại gia hoặc bị tuổi cao tác yếu, không đủ cái lực lượng cung kính, hay là kém tư duy, không thể thỉnh sung được các sách đã nói trên đó mà làm cái tài liệu nghiên cứu, thì cứ hằng ngày niệm Phật, ngoài ra thì chỉ học một bộ Di Đà Sớ Sao Và ba quyển Qui Nguyên Trực Chỉ cho thông hiểu sự lý, khỏi nỗi nghi lầm, thì cũng đủ vãng sanh và cũng đủ thành Phật, mà đặng viên toàn cái kết quả về sau.
Xem vậy, thì đủ để biết chỗ thuyết pháp của Phật đối với bực nào thì nói bực nấy, chớ không có nhất định. Nếu chúng ta nghĩ không ra, biết không tới, thấy chỗ này khác với chỗ kia, rồi trở lại cơ bình cho là lời của Phật mâu thuẫn nhau, thì không phải lẽ.
Vì ngài có đủ con mắt liễu cảnh, cho nên chẳng thấy sắc thân khởi diệt của loài “Tứ sanh”và cung điện của các từng trời trong tam giới, hay là thấy cả huệ tánh sâu cạn và sự luân hồi thác ấm của chúng sanh mà thôi, cho đến thấy cả pháp thân vô hình vô tướng biến mãn hư không và thấy cả Phật thân cùng Phật giới không chi sánh bằng, phóng ngọn hào quang phá luồng u ám, soi thấu mười phương, chẳng có chỗ nào che ngăn khuất lấp.
Cái thấy của Ngài đã vô lượng như vậy, nên cái biết cũng vô lượng. Vì cái biết vô lượng ấy, nên những chuyện của Ngài đã nói ra, tất nhiên có nhiều chỗ mắt ta chưa từng thấy, tai ta chưa từng nghe, tư tưởng của ta cũng chưa từng suy nghĩ đến kịp.
Bởi chúng ta bị cái màn vô minh nghiệp thức lung trạo cái chơn tánh đã lâu đời, cũng như gương bụi bị lờ và trăng bị mây án, nên cái thấy rộng của ta không ra khỏi sắc, cái nghe nhiều của ta không ra khỏi tiếng, cho đến cái tư tưởng siêu việt của ta cũng không ra khỏi bầu nhựt nguyệt này.
Hòa Thượng Liên Tôn
Trích tạp chí Từ bi âm