Post: : Admin

Trưa qua, 4-8-2018, Hội thảo khoa học (HTKH) chủ đề “Phật giáo và văn học Bình Định: Thành tựu và giá trị” đã chính thức khép lại, được đánh giá thành công tốt đẹp. Lễ bế mạc được diễn ra tại Trường Trung cấp Phật học Bình Định (xã Phước Hiệp, Tuy Phước, Bình Định), sau các phiên thảo luận cuối cùng vào sáng cùng ngày.



Xem thêm:

>>Sự đóng góp của chư Tăng Bình Định trong phong trào chấn hưng Phật giáo
>>Tiểu sử Hòa thượng Liên Tôn - Thích Huyền Ý (1891-1951)


Buổi lễ được đặt dưới sự chứng minh của HT.Thích Nguyên Phước, UVTT HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Bình Định, Trưởng ban Chỉ đạo HTKH lần này; TT.Thích Đồng Tịnh, Phó BTS kiêm Trưởng ban Giáo dục Phật giáo tỉnh Bình Định; HT.Thích Hạnh Bình, GĐ Trung tâm Hán Việt - Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam; TT.Thích Quảng Hòa, UVTT Ban Hoằng pháp T.Ư GHPGVN; ĐĐ.Thích Đồng Thành, Phó ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Bình Định, Hiệu trưởng Trường TCPH Bình Định, Trưởng BTC HTKH lần này; cùng chư tôn đức đại diện các tự viện trong tỉnh và chư tôn đức đại diện Phật giáo các tỉnh lân cận.


Về phía đại diện Trường Đại học KH-XH&NV - Đại học Quốc gia TP.HCM (đơn vị đồng tổ chức) có sự tham dự của Hiệu trưởng trường, PGS.TS.Ngô Thị Phương Lan; GS.TS.Võ Văn Sen, nguyên Hiệu trưởng trường; PGS.TS.Nguyễn Công Lý, Phó GĐ Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo; PGS.TS.Đoàn Lê Giang, Chủ nhiệm Khoa Việt Nam học.

Mở đầu phiên bế mạc, đại diện của bốn diễn đàn thảo luận lần lượt phát biểu tổng kết phiên thảo luận tại diễn đàn của mình. Theo đó, tại tiểu ban 1 “Phật giáo và danh Tăng Bình Định”, với  16 báo cáo đã được đưa ra trong 4 phiên hội thảo, tập trung xoay quanh các chủ đề chính: danh Tăng (8 vị Tăng và 2 vị Ni), đặc biệt, sau quá trình thảo luận và phản biện, đã phần nào xác định được niên đại khả tín của Tổ sư Nguyên Thiều và vai trò độ chúng của Tổ sư; dòng Thiền; Phật giáo Bình Địnhphong trào chấn hưng.


Tại tiểu ban 2 “Danh lam cổ tự và Di sản Hán Nôm Bình Định”, xuyên suốt 4 phiên hội thảo có 19 báo cáo được công bố và thảo luận. Theo ĐĐ.Thích Nhuận Huệ - Ban Thư ký tiểu ban 2 cho biết, tại các phiên thảo luận đã có những chia sẻ, trao đổi học thuật rất chân tình và nghiêm túc, nhiều báo cáo góp phần cung cấp tư liệu khoa học mới cho Phật giáo Bình Định nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.

Tiểu ban 3 “Văn học Phật giáo Bình Định”, có 15 báo cáo trên tổng số 20 báo cáo được nêu ra tại các phiên thảo luận, xoay quanh các chủ đề như: cảm quan Phật giáo qua một số tác phẩm văn học, tư tưởng Thiền trong thơ Đào Tấn… đã đem lại những trao đổi học thuật rất thú vị và sâu sắc.

Với chủ đề “Văn học Bình Định”, tiểu ban 4 có 14 báo cáo được trình bày và thảo luận. Sau nhiều giờ làm việc, đại diện tiểu ban 4, TS.Phan Mạnh Hùng cho biết: “Nhìn chung các bài viết đều có giá trị về việc khắc họa sâu sắc, mới mẻ nhiều tư liệu quý, những phát hiện mới về sự nghiệp, đặc điểm cũng như đóng góp của những thi văn tài đất Bình Định. Các phương diện lý luận được đặt ra rất thú vị, gợi mở nhiều hướng tiếp cận và nghiên cứu khác”.

ĐĐ.Thích Đồng Thành

Thay mặt Ban Tổ chức HTKH, ĐĐ.Thích Đồng Thành phát biểu: “Có thể khẳng định Hội thảo được tổ chức rất thành công, và thành công ngoài sức tưởng tượng của Ban Tổ chức. Có được thành công này là nhờ sự chỉ đạo của chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội Phật giáo tỉnh cùng Ban Giám hiệu Trường Đại học KH-XH&NV - Đại học Quốc gia TP.HCM và những đóng góp nhiệt tình của tất cả các nhà khoa học, của những Phật tử hữu duyên”.

Qua đó, ĐĐ.Thích Đồng Thành chia sẻ, tuy không thể đòi hỏi trong một HTKH có thể giải quyết rốt ráo tất cả những vấn đề, những nội dung mà BTC nêu ra trong thư mời viết bài, nhưng BTC luôn trân trọng và ghi nhận những giá trị khoa học đã đạt được qua các tham luận đã báo cáo tại các tiểu ban và in trong hai tập kỷ yếu, cùng những ý kiến đóng góp của đại biểu qua các phiên thảo luận.

Những gì chưa được tìm hiểu tại Hội thảo này, theo Đại đức, rồi đây sẽ được tiếp tục nghiên cứu. Bởi mục đích của HTKH lần này là tiền đề, là nền tảng để tiếp theo, Trường Trung cấp Phật học Bình Định cùng Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo và Khoa Văn học của Trường Đại học KH-XH&NV TP.HCM sẽ tiến hành biên soạn hai công trình khoa học với quy mô lớn đó là bộ Phật giáo Bình Định: quá trình truyền thừa và phát triển, đây chính là bộ lịch sử Phật giáo của tỉnh nhà, mà ý đồ là có thể vươn tới cội nguồn của Phật giáo tại vùng đất này khi còn là vương quốc của Champa, có như thế mới thấy hết quá trình diễn tiến cùng quy luật sinh thành và phát triển của Phật giáo Bình Định từ khởi thủy cho đến nay.

PGS.TS.Đoàn Lê Giang phát biểu cảm tạ

Phát biểu lời cảm tạ, PGS.TS.Đoàn Lê Giang nhận định: “Đến nay, HTKH đã chính thức khép lại, trong 2 ngày tiếp theo đây, Hội thảo sẽ bước vào giai đoạn II, HTKH thực địa, bằng cách khảo sát thực địa bằng việc tham quan hơn 10 ngôi danh lam cổ tự tại tỉnh nhà. Không gì khác hơn là sự tri ân đến BTC, các đại biểu là thiện tri thức, học giả, nổi tiếng cả nước cung cấp nhiều bài tham luận vô cùng giá trị cho hội thảo, góp phần tạo nên sự thành công tốt đẹp của HTKH lần này”.

Được biết, trong chiều ngày 4 đến 5-8, HTKT tổ chức tham quan các địa điểm danh lam cổ tự như tổ đình Thập Tháp (thị xã An Nhơn), chùa Nhạn Sơn (thị xã An Nhơn), chùa Thiên Hưng, Thích Ca Phật đài, tu viện Thiên Hưng, chùa Linh Phong, tổ đình Tịnh Lâm, tổ đình Minh Tịnh, khu lưu niệm Hàn Mạc Tử và kết thúc tại tổ đình Long Khánh.


Giao Hảo