Sáng nay, ngày 29-06-2017, Vĩnh Khánh cùng các mệ Bảo Kỳ (phòng Phú Lương Công), vợ chồng mệ Vĩnh Hùng (phòng Phù Mỹ Quận Công), và một số bằng hữu đã tiếp tục mở chuyến du Xuân khảo cứu tại Làng Thủ Lễ thuộc thị trấn Sịa – huyện Quảng Điền tỉnh Thừa Thiên Huế.
Như chiều lòng con cháu phương xa, trời Huế hôm nay nắng rực rỡ.
Thủ Lễ là một làng cổ thuộc vùng đồng bằng gần với phá Tam Giang.
Lịch sử của làng Thủ Lễ gắn liền với lịch sử ra đời của vùng Sịa.
Tác giả Vĩnh Khánh đứng trước cổng làng Thủ Lễ
Bài đọc thêm:
>>Xây mộ cho cọp làng Thủ Lễ – Huế
Cũng như bao làng quê khác, cùng với sự hình thành của làng, hệ thống kiến trúc đình – chùa ra đời. Các công trình này dù lớn hay nhỏ cũng đều là sản phẩm của sự đóng góp chung trong cộng đồng dân cư từ những buổi đầu lập ấp dựng làng.
Đến nay chưa có tài liệu nào nói rõ năm tháng hình thành làng Thủ Lễ cũng như thời gian xây dựng và kiểu dáng của đình làng Thủ Lễ. Chỉ biết rằng đình đã trải qua 3 lần trùng tu, lần trùng tu thứ 3 là vào năm 1893 tức năm Thành Thái thứ 2.
Các lần trùng tu này có được khắc trên các trụ đội trong đình.
Đình làng Thủ Lễ nằm ở trung tâm của làng. Trải qua bao biến thiên của lịch sử nhưng kiến trúc của ngôi đình này vẫn còn như nguyên vẹn gồm 5 gian, 2 chái, hai phía tả hữu của khuôn viên đình là 2 nhà tả hữu tùng tự.
Trước đình là khoảng sân rộng, với bức bình phong, hồ sen và tứ trụ biểu nhìn ra cánh đồng trước mặt. Ngôi đình làng Thủ Lễ là biểu tượng sức mạnh của một làng quê giàu truyền thống văn vật, là ngôi nhà chung của một cộng đồng làng. Nhờ vậy mà tình làng nghĩa xóm, sự đoàn kết của mọi người dân trong làng đã được giữ gìn như một nếp sống truyền thống của dân làng Thủ Lễ.
Đặc biệt, tại sân đình Thủ Lễ còn có một sới vật hình tròn nằm ngay giữa sân. Nơi đây, cứ đến ngày mồng 6 Tết diễn ra lễ hội vật truyền thống.
Cũng như bao làng quê khác, người dân làng Thủ Lễ đã sống trong phong cảnh hài hoà của ngôi Đình, cây đa bến nước, luỹ tre làng… Đó cũng là chứng tích hồn thiêng của một làng quê, là di sản văn hoá truyền thống của dân tộc trên một vùng đất cụ thể mà biết bao thế hệ đã cống hiến máu xương và công sức để vun đắp nên.
Giá như “Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong – Huế” được xếp hạng như thế này thì ấm lòng cho các Chiến sĩ đã bỏ mạng vì thế chiến thứ nhất, vì sự bình an của Loài Người biết bao.
Đình làng Thủ Lễ là một di tích kiến trúc nghệ thuật khá tiêu biểu ở Huế, có niên đại xây dựng tương đối sớm với nhiều giá trị đặc sắc. Đây là một nguồn sử liệu vật chất trực tiếp, một dấu ấn văn hoá sâu đậm góp phần đáng kể vào việc tìm hiểu kiến trúc gỗ dân gian truyền thống thế kỷ 19. Mang phong cách nhà rường Huế, với kiểu dáng quy mô, kỹ năng mỹ thuật, các đồ án trang trí theo lối nghệ thuật đặc trưng thời Nguyễn. Những đề tài trang trí trong kết cấu gỗ của đình làng Thủ Lễ với những nét sáng tạo, cách tân, giàu tính nhân văn nói lên nguyện vọng thiết thân của cư dân nông nghiệp cầu mưa thuận gió hoà, vật lực phồn thịnh, nước nhà yên ổn…
Hiện nay, tại ngôi đình này còn lưu giữ nhiều hiện vật quý đó là: một khánh đá cổ có hình dáng của một phiến đá tự nhiên, dùng để làm hiệu lệnh tập họp dân làng;
Một tấm bia đá thanh mang dáng dấp và nội dung như một lá bùa dùng để yểm các loại ôn dịch cầu mong cho dân làng bình an, làm ăn phát đạt.
Quý nhất là còn lưu giữ được 57 đạo sắc phong của các vua nhà Nguyễn từ thời hoàng đế Minh Mệnh đến thời hoàng đế Bảo Đại.
Với trên 200 năm tồn tại, đình làng Thủ Lễ vẫn còn lưu giữ hệ thống kiến trúc cùng với những văn bản, hiện vật quý hiếm phản ánh mối quan hệ mật thiết trong tổng thể các công trình kiến trúc triều Nguyễn.
Đình làng Thủ Lễ với những giá trị lịch sử của mình còn là chiếc cầu nối để giữ gìn một hành lang đô thị cổ: Thành Hoá Châu, Phủ Phước Yên, thị trấn Sịa… góp phần tô đậm thêm truyền thống văn hoá lịch sử của một huyện lỵ Quảng Điền.
Đôi hình ảnh về chuyến du khảo này, xin trân trọng giới thiệu cùng mọi người.
Có kẻ ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của đình làng Thủ Lễ.
Bức hoành phi ‘Nguyên khí hội’ trong đình Thủ Lễ.
Hoành phi “Ức vạn niên” 億 萬 年 và bộ Lỗ Bộ của đình làng Thủ Lễ.
Những bức phù điêu tuyệt vời trên kèo ở đình làng Thủ Lễ. Chạm trổ thật công phu, những nghệ nhân này còn không! hay đã mai một ?
Những bức phù điêu rồng lượn tuyệt vời trên đòn tay ở đình làng Thủ Lễ
Ngày xưa những công trình như thế nầy đều có bác thợ cả đảm trách , thợ cả là bi chừ kêu là nghệ nhân . ngày nay mình thấy ai có nghề chạm củng làm được nhưng nét nghệ nhân thì tìm cho ra rất khó . mặc dù nét chạm người xưa vẫn còn lưu lại đâu đó .
5 gian hai chái., kích thước bằng đền Thân Huân Từ (nơi thờ các anh em của đức Thế Tổ Gia Long) ở Vỹ Dạ.
Hình chim Phụng ở mặt sau của bình phong đình Thủ Lễ.
Tấm bia đá Thanh ghi những ký tự như một bùa chú trấn yểm mang ý nghĩa : ngăn chặn những điều xấu tràn vô đình làng Thủ Lễ.
Trên khánh bằng đó có mấy chữ Hán. Nhưng chừ chỉ còn dấu mờ mờ, không biết là chữ chi ???
Quang cảnh sân đình và sới vật tại đình làng Thủ Lễ.
Vĩnh Khánh đang dâng hương tại hương án thờ Thành Hoàng làng
Thắp hương tại các án thờ trong đình Thủ Lễ.
Trụ chống đòn đôn khắc năm trùng tu “tuế thứ tại quý hơi niên ất mão nguyệt ”
“Minh Mệnh thập lục niên -Kỷ Mùi- thập nhất nguyệt -Mậu Tý- thập lục nhật-Tân Sửu- Nhâm Thìn thời thượng lương…….”
Chỗ ni ghi ngày thượng lương năm Minh Mệnh thứ 16……
Bức hoành phi
Ngôi nhà Tăng (hữu tùng tự) đã xuống cấp nghiêm trọng
Hoành phi “Ức Vạn Niên” 億 萬 年
Đúng ra bằng công nhận di tích nầy phải đem đi photo , còn bảng chính nên cuốn lại cất. nếu để như ri không lâu bị mốc và hư .vì hiện nay máy photo hiện đại ra bảng photo chứ 7/10 .
Bài vị này khắc theo bản sắc phong vào năm Đồng Khánh thứ 2, Đinh Hợi – 1887. Bài vị này có sau năm 1887
Quang cảnh đình làng Thủ Lễ.- nhà bia trước cồng đình.
Hình chim Phụng ở mặt sau của bình phong đình Thủ Lễ.
Nỗi nhớ !
Cái nỗi nhớ lặng thầm tôi lại gọi
Tiếng Thủ Lễ sao nặng mãi tình quê
Xa viễn xứ tôi vẫn gọi về nhé
Buổi tao Phùng sao ướt cả bờ mi! (Phu Loc Phan)
Vĩnh Khánh / Phật học đời sống